Mồ hôi tươm đẫm lưng, tôi ngồi cặm cụi ghi chép trên chiếc bàn con kê ngoài hiên lầu cạnh cửa sổ của văn phòng thầy Phổ. Nắng xế gay gắt hắt lên tường dội vào người như nung nấu tấm thân còm cõi của tôi. Đồ án ra trường tôi làm là thiết kế nhà máy mạ sắt cho Hải Quân Công Xưởng, mục đích phục hồi cơ phận đã mòn cho máy tàu. Trong hoàn cảnh khó khăn, đồ phụ tùng hiếm hoi, đồ án nầy thật hữu dụng, nhất là cơ phận được phục hồi còn bền hơn cơ phận nguyên thủy, đó là điều tôi đọc được từ cuốn sách tham khảo của thầy Phổ.
Sách vở gì cho buổi ấy?
Thầy Phổ là người hướng dẫn tôi soạn đồ án nầy, thầy dạy môn Điện Hóa bên ngành Hóa Vô Cơ. Thầy là người miền Bắc vào, giọng nói âm hưởng giọng Quảng Bình nhưng lai giọng Hà Nội nhiều nên cũng dễ nghe. Dáng người thầy cao gầy khắc khổ. Mỗi ngày cọc cạch đạp chiếc xe xe đạp cũ, đèo theo cô vợ trên yên sau. Tôi chẳng biết cô Vợ thầy Phổ là ai, chỉ biết cô ta cũng làm việc trong trường.
Sau năm 1975, một số người miền Bắc di cư vô Nam lập nghiệp. Trong trường có những khuôn mặt mới ngỡ ngàng trên vùng đất lạ, đôi khi thấy lạc loài trong xã hội miền Nam quá khác biệt. Trong bối cảnh xã hội bấy giờ, chung quanh đầy rình rập nghi kỵ, sự cách biệt càng lớn, thầy trò cũng hiếm khi nói chuyện với nhau, ngay cả bạn bè trong lớp cũng có những cách biệt. Tuy vậy trong khoa Hóa, tôi cũng tìm được một số bạn mà tôi có thể tin tưởng trong việc giao thiệp hàng ngày.
Phân khoa Hóa nằm bên phải của cổng trường, chỉ là một dãy lầu. Cuối dãy có khu đất trống, có vài khóm trúc và cây lớn, nơi sinh viên để xe và là nơi tụ tập tán dóc của đám nam sinh viên.
Trong nghành kỹ sư, Khoa Hóa có nhiều nữ sinh nhất. Chẳng hiểu tại sao con gái thích học Hóa. Có lẽ môn học nầy nhẹ nhàng, làm việc trong phòng thí nghiệm, không phải xuống xưởng máy vật lộn với máy phay, máy tiện…như bên khoa Cơ Khí, hay đổ bê tông, đóng cừ như bên khoa Xây Dựng. Nhờ vậy mà khoa Hóa tươi mát hơn các khoa khác dù trường lớp khiêm nhường và có lẽ nhờ thế mà không khí trong các buổi học chính trị đỡ ngột nghạt hơn và các buổi lao động cũng nhẹ nhàng vui vẻ hơn. Trong các buổi văn nghệ, những giọng hát nữ cũng mang vào trong lòng những chàng sinh viên nhiều xao xuyến.
Trong bầu không khí ngột ngạt của xã hội bấy giờ, với học tập chính trị, lao động, phấn đấu, phê bình, kiểm điểm, lý lịch…lớp học là nơi tôi có thể tách rời thực tế bi đát cuộc sống để đặt tâm trí vào kiến thức kỹ thuật, như một lối thoát tinh thần, trong đó không phân biệt đỏ, vàng, quốc, cộng.
Các thầy, dù miền Nam hay từ miền Bắc vào, khi đứng trên bục giảng, cũng đều cố gắng đem kiến thức mình có truyền cho đám hậu sinh, dù biết rằng trong đám hậu sinh lổn ngổn nầy sẽ có nhiều đứa vắng mặt trong ngày lễ ra trường vì nhiều lý do khác nhau. Và tôi, một thằng sinh viên lợi dụng học đường như một chổ dung thân, để giữ hộ khẩu trong lúc tìm đường vượt biên, bởi vì với cái lý lịch đen như mõm chó của tôi cũng chẳng sống nổi trong cái xã hội nghẹt thở nầy. Để được đi học, tôi phải mạo lý lịch, chỉ khai thành phần gia đình nông dân. May mắn, trong lớp chẳng có ai cùng quê nên lý lịch giả của tôi không bị lộ và được xem như thành phần tốt.
Tuy vậy, tôi vẫn thấy các thầy khi đứng trên bục giảng vẫn giữ được tinh thần vô tư của khoa học. Tôi tìm được những giờ phút thoải mái trong lớp học, nơi đó các phản ứng hóa học, cân bằng pha, phương trình nhiệt lượng…chẳng bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hay lý lịch.
Đồ án tôi đang làm sách vở tham khảo chẳng có bao nhiêu. Trong thư viện, tôi lục lọi chẳng tìm được cuốn sách nào dạy về qui trình mạ điện để phục hồi cơ phận. Đa số chỉ nói về các phản ứng điện hóa và qui trình mạ điện để tạo một lớp kim loại mỏng trên bề mặt kim loại nền. Sách về thiết kế đều bằng ngoại ngữ và thiết bị của của nước ngoài. Thành thử cuốn sách của thầy Phổ cung cấp cho tôi nhiều điều cần thiết nhất. Cuốn sách cũ kĩ đáng thương, giấy màu nâu nhạt như cũ đã trăm năm, bìa màu xanh nhạt, sờn gáy, phai màu gần hết. Thầy Phổ rất quí cuốn sách nầy vì thầy dùng nó trong việc giảng dạy và tham khảo. Thầy không cho tôi mượn đem về, cũng không được đem đi chổ khác, ngay cả đem vào thư viện ngồi đọc hay photocopy, thành ra tôi phải ngồi ngoài hành lang, bên cạnh cửa sổ để thầy nhìn thấy mà an tâm và tôi chỉ có thể mượn cuốn sách để tham khảo khi thầy không đứng lớp và đang làm việc tại văn phòng.
Đồ án của tôi cũng chẳng khó khăn gì mấy. Phản ứng điện hóa của sắt thì đơn giản, qui trình cũng ngắn gọn. Phần thiết kế cũng chẳng có gì phức tạp. Chỉ gồm những thùng chứa dung dịch, khâu tẩy rửa, khâu mạ và khâu hoàn tất. Trên thùng dung dịch, tôi thiết kế hệ thống quạt hút bằng động cơ điện. Trong mổi khâu, tôi thiết kế giàn treo cơ phận và sơ đồ hệ thống điện cho qui trình. Các tính toán cũng chỉ cộng trừ nhân chia, chẳng cần đạo hàm tích phân gì cả. Có điều tôi thắc mắc là qui trình nầy có hiệu quả không? Vì mình chưa làm thử. Thầy Phổ trấn an tôi rằng qui trình nầy đã có áp dụng thành công rồi. Thế nhưng tôi nửa tin nửa ngờ vì trong xã hội bấy giờ, tôi không còn tin tưởng vào lời nói nữa, đã quá nhiều giả dối, lừa đảo. Tôi về nhà một người bạn, làm thử một thí nghiệm theo qui trình thiết kế. Kết quả chẳng khả quan tí nào. Lớp mạ thô và bong ra dễ dàng. Tuy vậy, tôi nghĩ cũng có thể vì thí nghiệm của mình thô sơ quá, không đủ phương tiện để điều chỉnh nồng độ dung dịch, nhiệt độ, điện thế và cường độ. Tuy thế, tôi vẫn cố viết cho xong đồ án dù chưa có một qui trình thử nghiệm để chứng minh.
Thắm thoắt cũng gần ngày nộp đồ án. Tập đồ án thành hình với qui trình vận hành minh bạch, các thiết bị hoàn hảo và an toàn.
Nhưng rồi chuyện gì đến nó đã đến. Một đêm khuya tối trời, trong khi các bạn còn yên giấc, tôi lặng lẽ leo tường rời ký túc xá vì ngoài cổng có trật tự gác, không cho ra vào nếu không có lý do chính đáng. Tôi ra bến xe, đón xe đò về Rạch Giá, lên tàu vượt biên, bỏ lại quê hương mà tôi đã sinh trưởng, bỏ lại gia đình, bạn bè, ký túc xá, trường Hóa, sách vở và cái đồ án ra trường.
Đã hơn 30 năm tôi mới có dịp trở về thăm trường cũ. Ngôi trường mình đã trải qua 5 năm cũng chẳng thay đổi mấy. Nhớ lại cái đồ án chẳng bao giờ trình. Nhớ hình dáng và khuôn mặt khắc khổ của thầy Phổ. Nhớ lại cảnh vợ chồng thầy chiều chiều sau buổi tan trường, đèo nhau trên chiếc xe đạp cũ kĩ với bó rau muống bồi dưỡng trong chiếc giỏ trước xe. Cuộc đời người giảng viên đại học trong buổi giao thời nghèo nàn, đơn sơ, bạc bẽo quá. Ngay cả đứa học trò mình hướng dẫn cũng chẳng có chút tình, sẵn sàng bỏ đi lúc nào không hay. Tôi không biết thầy có vui trong cuộc sống hàng ngày không, nhưng mỗi lần giảng bài, trông thầy rất hứng khởi khi giảng đến những cân bằng hóa học, phản ứng điện trường, các nguyên tử li ti trong thế giới hóa học.
Có lẽ thế giới hóa học giúp thầy quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống. Tôi cảm thấy có lỗi với thầy, đã phụ công thầy giảng dạy và hướng dẫn. Tôi chỉ lợi dụng trường, lợi dụng thầy để có chổ dung thân hầu tìm đường vượt biên. Không biết đồ án thầy hướng dẫn, có thực hiện được không? Hay lứa đàn em có ai tiếp tục làm đồ án nầy không? Hay chỉ là một chuyện làm cho có trong cái xã hội giao thời, chẳng có thứ gì vận hành minh bạch.
Chẳng biết cuộc sống của thầy sau nầy thế nào. Tôi chỉ biết cầu mong cuộc sống của thầy khấm khá hơn, sách vở của thầy mới mẻ, tươm tất, đầy đủ hơn.
Những lần về thăm, tôi tìm cách liên lạc với thầy Phổ nhưng không thành. Chỉ mong gặp lại thầy, kể lại chuyện xưa, xin lỗi thầy, nhắc tới cái đồ án không bao giờ trình để thầy trò cụng nhau một ly rượu mà cười vui vẻ.
Ngôi trường và ký túc xá chỉ là trạm dừng chân tạm thời trong hành trình của cuộc sống nhưng nó đã cho tôi một chổ dung thân khá an toàn trong hoàn cảnh nhiễu nhương. Cám ơn các bạn bè AH74 đã cho tôi những kỷ niệm khó quên, giúp tôi bớt ưu phiền trong cuộc sống tất bật. Cám ơn các bóng hồng AH đã lưu lại trong tâm khảm như những dấu son không bao giờ phai.
Qua bao năm thăng trầm, những kiến thức thầy truyền dạy cho, giờ đã vào quên lãng gần hết. Cách đây mấy năm, được tin thầy Phổ đã qua đời. Tôi tiếc không được gặp lại thầy lần cuối. Tôi chỉ biết cầu nguyện cho thầy, xin thầy tha lỗi cho người học trò bội bạc, trong lòng xin thắp một nén hương thương tiếc đến thầy.
Võ Thành Chương