PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Những Cánh Bèo Giạt

Xe bắt đầu ra khỏi thành phố, tưởng sẽ bớt đông đúc, nhưng ra xa lộ càng nhiều xe hơn. Gần Tết, mọi người đổ xô về quê ăn Tết. Xe lớn, xe nhỏ, chật ních cả xa lộ, chen chúc nối đuôi nhau dài thườn thượt cả mấy cây số. Các xe hai bánh chạy tràn lên cả lề đường, chui qua các ngõ nghách nào mà xe có thể qua lọt được. Xa lộ trở thành một dòng hổ lốn, ầm ĩ tiếng máy xe, tiếng còi, tiếng người la ó, bụi đường khói xe ngột ngạt.

Đoạn đường đi không xa, nhưng kẹt xe nên mất khá nhiều giờ mới ra khỏi thành phố. Ra đến vùng ngoại ô, xe cộ thưa bớt, mọi người mới cảm thấy dễ thở một chút. Hai bên đường hiện ra những hàng cây xanh tươi mát. Những rừng cây cao su cao ngất, thẳng thớm. Những ruộng đồng mơn man trong gió ban mai.

Sau vài giờ, xe bắt đầu rẽ vào con đường làng nhỏ hẹp yên tĩnh. Tài xế cũng không rành đường, dừng xe hỏi thăm người dân địa phương. Sau vài ngõ quẹo, chúng tôi vào một con hẻm, đi một đoạn thì đến nơi. Bên tay trái là cổng chùa cũ kĩ; “Chùa Từ Ân”. Cái tên nghe thật ấm lòng người, từ bi và ân sủng, nói lên đầy đủ sinh hoại nơi đây.

Xe vào cổng, đậu vào sân chùa. Ngôi chùa nhỏ bé, khiêm nhường, nhưng khuôn viên khá rộng rãi, có những cây xoài, cây mận chung quanh. Sư cô và các em nhỏ nghe tiếng xe, ra đón khách.

Sư cô Minh Hải, người trụ trì chùa, cũng là người điều hành các hoạt động từ thiện ở đây. Sư cô hướng dẫn chúng tôi vào chánh điện. Chúng tôi thắp hương bái Phật. Sư cô gióng vài tiếng chuông. Trong không khí yên tĩnh của ruộng vườn, tiếng chuông ngân nga thật lâu, quyện với mùi hương, cho tôi một cảm giác bình an, ấm áp, cho tôi cảm tưởng Niết Bàn không xa lắm, hình như đang lắng đọng đâu đây, trong cảnh đơn sơ mộc mạc bình yên của xóm làng, trong cái nhìn từ bi của Phật, trong vóc dáng khoan thai ôn hòa của Quan Thế Âm và trong ân sủng của tình thương.

Lễ Phật xong, sư cô hướng dẫn chúng tôi đến nhà sinh hoạt, bên cạnh chánh điện. Nhà sinh hoạt chỉ là khu nền trống, che mái tôn, kê các dãy bàn cho mấy em ngồi ăn hoặc học tập. Trên vách có vài tấm bảng đen, giữa các trụ treo những chiếc võng để nghĩ ngơi.

Chúng tôi bắt đầu đem đồ ủy lạo xuống xe. Những bao gạo, những thùng đồ cũ, đồ chơi, thuốc men, bút viết…mà chúng tôi quyên góp được. Chúng tôi cũng chuẩn bị thức ăn trưa và bánh kẹo cho các em ăn Tất Niên. Các em gọi nhau ra chào. Những ánh mắt, nụ cười sáng rỡ khi thấy có người đến thăm và phát quà. Chúng tôi dọn thức ăn ra bàn, chia thức ăn vào dĩa cho các em. Sư cô lắc chuông, gọi các em ra ăn trưa, không khí thật náo nức, vui nhộn.

Sư cô Minh Hải, một người đàn bà khá trẻ, nhỏ nhắn trong chiếc áo nâu sòng. Tôi không rõ tiểu sử của sư cô và cũng không tò mò hỏi, nhưng chỉ nhìn những gì sư cô đã làm, tôi hiểu được lòng từ bi của sư cô to lớn dường nào. Tôi chỉ nuôi hai đứa con mà đôi lúc cũng thấy mệt mỏi, còn sư cô nuôi hơn bảy mươi đứa trẻ mồ côi, trong điều kiện thiếu thốn, vất vả, trong khi chính bản thân sư cô cũng đang mang bịnh nan y. Sau khi giao sư cô số tiền chúng tôi quyên góp được và một số thuốc men với chỉ dẫn cách dùng, chúng tôi cùng ra bàn ngồi ăn trưa với các em. Chúng tôi thấy có thêm một phái đoàn tới ủy lạo, trong lòng mừng lây với các em.

Những năm trước, khi lần đầu đến thăm, hoàn cảnh các em thật thiếu thốn, quần áo cũ kĩ vá víu, căn lều sinh hoạt ọp ẹp dột nát, nhưng lần nầy thấy các em tươm tất hơn, nơi ăn chốn ở cũng khang trang hơn, tôi thật mừng vì có nhiều người góp phần giúp đỡ.

Ăn cơm trưa xong, chúng tôi phát bánh kẹo và trái cây cho các em. Các em bu chung quanh, cười đùa tíu tít. Thì ra niềm vui, hạnh phúc cũng không khó kiếm lắm, chỉ cần mở lòng một chút, chia xẻ một chút, thì hạnh phúc nằm trong tầm tay với.

Tôi lân la hỏi thăm các em. Tôi bắt chuyện với một em trai khoảng mười tuổi

– Cháu tên gì?

– Dạ tên Lung

– Chắc nghịch ngợm lắm phải không?

– Dạ đâu có

– Hổng nghịch ngợm mà sao tên Lung?

– Cháu hổng biết nữa, chị cháu kêu cháu bằng tên nầy.

– Chị cháu ở đâu?

– Cháu hổng biết

– Trước khi cháu ở đây, cháu ở đâu?

– Cháu cũng hổng nhớ nữa

– Ba mẹ cháu ở đâu?

– Ba mẹ cháu chết lâu rồi, cháu ở với chị

– Rồi chị cháu ở đâu?

– Chị cháu bỏ đi đâu cháu cũng hổng biết nữa

– Rồi sao cháu đến ở nơi đây?
– Cháu ăn xin, ngủ ngoài chợ. Sư cô thấy đem về nuôi

Tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống. Bé Lung vẫn còn may mắn, được đem về đây chăm sóc nuôi dưỡng. Nhưng rồi người chị của bé Lung? Tôi nghĩ lúc bỏ em trai, cũng đau lòng lắm, và cũng còn trẻ lắm, thân gái mồ côi, tự bương chải nuôi thân, nuôi em, đến lúc không còn đủ khả năng đùm bọc đứa em trai, đành phải bỏ nó phó mặc cho dòng thác lũ cuộc đời cuốn đi. Và người chị của bé Lung giờ nầy lưu lạc nơi đâu? Hay là cũng bị dòng đời vùi dập? Tôi cảm thấy mắt mình cay cay, muốn khóc.

Tôi hỏi thăm một cháu gái cũng khoảng mười tuổi, lúc nào cũng cười nói vui vẻ

-Cháu tên gì?

-Cháu tên Hoa

-Nó khùng đó bác ơi

Những đứa chung quanh nói leo vào

-Cháu ở đây có vui không?

-Vui, có nhiều bạn

Con bé Hoa nầy không được bình thường, nói năng lung tung, không đầu không đuôi, nhưng lại rất vui vẻ và hồn nhiên. Có lẽ nhờ như vậy mà nó vui, vì chẳng cần biết quá khứ như thế nào và tương lai sẽ ra sao. Vì quá khứ của nó chắc cũng đau thương như những trẻ ở đây, và tương lai thì cũng bấp bênh, chỉ biết nhờ vả vào sự giúp đỡ của những người có tâm từ bi, nhưng hiện tại thì nó rất hạnh phúc.

Tôi thầm nghĩ, cũng an ủi cho lũ trẻ mồ côi nầy, chúng mồ côi cha mẹ nhưng không mồ côi bạn và tình thương, có hơn bảy mươi anh chị em thì vui quá đi chứ và có được tình thương vô bờ bến của sư cô và những người đến đây làm việc thiện nguyện. Nhìn ra sân,thấy chúng nô đùa hồn nhiên với bạn cùng lứa, tâm tư cảm thấy bớt bi thương, bình an hơn.

Sư cô vào trong nhà, dẫn theo một thằng bé khoảng ba tuổi, khá tuấn tú.

-Chú Chương nhớ thằng bé nầy không? Mấy năm trước chú đến, nó còn nằm trong nôi, mẹ nó bỏ ở gốc xoài trước chùa, tôi lượm vào nuôi, bây giờ nó lớn chưa.

Tôi mừng khi thấy thằng bé kháu khỉnh bụ bẩm. Sư cô gọi một bé gái khoảng mười hai tuổi đến. Sư cô bảo:

-Cháu Hương hát cho bác nghe đi. Nó hát hay lắm chú ơi

Con bé hát mấy bài nhạc nhi đồng, giọng khá thanh, âm hưởng giọng Bắc.

-Nó ở đâu mà nói giọng Bắc vậy sư cô?

-Mẹ nó ở Quảng Bình. Hai mẹ con vào Nam kiếm sống, rồi mẹ nó bị bịnh chết. Nó lê la ngoài chợ, tôi đem về nuôi.

Hỏi thăm vòng vòng, cuộc đời mỗi em là một mối thương tâm. Chúng như những cánh bèo giạt, trôi sông lạc chợ. Có những cánh bèo kém may mắn, bị nhận chìm, tả tơi trong dòng đời. Có những cánh bèo may mắn, tấp được vào bến bờ nầy, bám víu vào cánh tay nhân từ của sư cô để sống, để lớn, để một ngày kia đủ sức tự lực cánh sinh, để nhập lại vào dòng đời, đi nốt hành trình của kiếp người.

Tôi nhìn dáng sư cô hiền từ, chăm sóc cho lũ trẻ, tôi thấy mình thật nhỏ bé, có cảm tưởng như mình cũng như một trong những đứa bé kia. Tôi tự hỏi, phải chăng đây là một cánh tay của Thiên Thủ Thiên Nhãn Quan Thế Âm, vươn ra để cứu vớt những mảnh đời trôi giạt nầy. Và tôi, nhìn lại mình, cũng chỉ là một cánh bèo giạt trong giòng đời, lưu lạc qua nhiều nơi chốn, lúc chìm lúc nổi, và để rồi cuối cùng, cũng phải bám víu vào một cánh tay nào đó để vượt qua sóng gió trong hành trình kế tiếp của cõi nhân sinh.

Võ Thành Chương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả