PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàSáng TácTruyện NgắnCon Đường Trật Chìa

Con Đường Trật Chìa

Tặng Nguyễn Thanh Lâm, kỹ sư kiều lộ thành phố New Orleans.

Nguyên tác: The Street That Got Mislaid . Tác giả: Patrick Waddington (1912-1973)

Ở bộ phận lưu trữ phòng Kỹ Thuật tòa thị chính, Marc Girondin làm việc đã quá lâu đến nỗi thành phố hiển hiện trong đầu anh như một bản đồ, đầy ắp những tên đường và nơi chốn, những con đường giao nhau, những đường chẳng dẫn tới nơi nào hết, những ngõ cụt và những con hẻm ngoằn ngèo.

Toàn thành phố Montreal, không ai sở hữu một kiến thức như thế, cả tá cảnh sát và tài xế taxi cộng lại cũng không sánh bằng. Nói như vậy không có nghĩa là anh thực sự biết rõ những con đường mà anh có thể kể tên vanh vách, bởi vì anh đi bộ rất ít. Anh biết chúng đơn giản chỉ vì nó hiện diện, ở chỗ đó, nó tương quan với những đường quanh đó ra sao.


Nhưng vậy cũng đủ để anh thành chuyên gia. Không thể tranh cãi anh là nhân viên lưu trữ hồ sơ chuyên nghiệp, mọi chi tiết đặc trưng của từng con đường từ Abbott cho tới Zotique, được sắp xếp theo thứ tự, ngược, xuôi, ngang, dọc. Các quan chức, những kỹ sư, mấy tay thanh tra ống nước và tương tự, tất cả bọn họ đều tìm đến anh những khi vội vã muốn biết đặc tính hay một vài chi tiết nào đó. Họ có thể coi thường anh là một thư ký quèn, nhưng tất cả đều cần đến anh.

Mặc dù công việc đơn điệu tẻ nhạt, Marc vẫn thích cái văn phòng mình hơn căn phòng của anh trên đường Oven (cái đường chạy Bắc Nam từ đường Sherbrooke Đông tới đường St. Catherine), nơi hàng xóm là những kẻ ồn ào và đôi khi bạo lực, bà chủ nhà cũng y chang như vậy. Có lần anh gắng giãi thích ý nghĩa sự hiện hữu của mình với gã láng giềng Louis cũng dân ở thuê, nhưng chỉ vô ích. Louis, đến khi hiểu ra, gã liền cười chế diễu.

“Ừ thì đường Craig nối với đường Bleury và Bleury dẫn tới dường Park, ai cần bận tâm? Có gì đâu hứng thú?”

“Tôi sẽ chỉ cho bạn thấy,” Marc nói. “Nào, bạn đang ở đâu?”

“ Nè có điên không? Ngay đây trên đường Oven. Còn ở đâu nữa?”

“ Làm thế nào để bạn biết?”

“Làm sao biết hả? Thì tớ đang ở đây, phải không? Tớ trả tiền nhà. Tớ nhận thư từ trao tận nơi, chẳng phải vậy sao?”

Marc lắc đầu một cách kiên nhẫn.

“ Đó không phải là bằng chứng,” anh nói. “ Bạn sống ở đường Oven bởi vì có một con đường như thế trong tủ hồ sơ của tôi ở tòa thị chính. Bưu điện giao thư tới bạn là do cái thẻ lưu trữ bảo như thế. Nếu cái thẻ lưu trữ không bảo thế, bạn đã không hiện hữu và cả con đường Oven cũng vậy. Thưa bạn, đó là sự khải hoàn của bộ máy công quyền.

Louis bỏ đi với vẻ khinh ghét. “Nói cho bà chủ nhà biết điều đó đi,” gã lầm bầm.

Rồi Marc tiếp tục công việc bình thường của mình, sinh nhật bốn mươi đến rồi đi không kèn không trống, ngày qua ngày trong tẻ nhạt. Một con đường đổi tên, một con đường khác vừa mới xây, một đường nữa được mở rộng; tất cả được ghi nhận cẩn thận trong ngăn hồ sơ, ngược, xuôi, ngang, dọc.

Bỗng có chuyện xảy ra làm cho anh kinh ngạc, sốc không thể tưởng, và làm cho cái thế giới của những tủ hồ sơ rúng động tận gốc.

Một buổi trưa tháng Tám, kéo hết cái ngăn hồ sơ ra, anh cảm thấy có gì đó vướng vít. Mầy mò coi kỹ, anh tìm thấy một cái thẻ nằm kẹt bên trong, giữa hai ngăn kéo, trên và dưới. Anh lôi nó ra và thấy đó là tấm thẻ lưu trữ cũ, rách tơi tả, nhưng vẫn còn đọc được. Tấm thẻ tựa đề Rue De La Bouteille Verte, hay Đường Chai Xanh.

Marc ngạc nhiên chăm chú nhìn . Anh chưa từng bao giờ nghe tới cái chỗ đó hay tương tự một cái tên kỳ lạ như thế. Không nghi ngờ gì, nó đã được đổi tên cho phù hợp với thời thế. Anh kiểm tra kỹ những chi tiết và đối chiếu một cách tự tin với hồ sơ gốc tên những con đường. Không có trong đó. Anh lại lục tìm, thật cẩn thận và không ngưng nghỉ, cả tủ hồ sơ. Không thấy gì hết. Tuyệt đối không.

Anh xem xét cái thẻ thêm lần nữa. Không hề nhầm lẫn. Lần cuối cùng con đường được thanh tra chính xác cách nay đã đúng mười lăm năm, năm tháng và mười bốn ngày.

Ngay khi sự thật trần trụi ập đến trong đầu, kinh hoàng Marc đánh rơi cái thẻ, rồi trong nỗi lo sợ anh dẫm lên nó, mắt liếc qua vai.

Một con đường bị bỏ sót, quên lãng. Trong hơn mười lăm năm, nó hiện diện ngay trung tâm thành phố, chỉ cách tòa thị chính độ nữa dặm, và không một ai biết nó ở đó. Đơn giản nó ngoài tầm mắt, một viên sỏi dưới nước.

Tự trong thâm tâm, Marc đã từng nghĩ đến một khả năng như thế. Thành phố có quá nhiều chỗ khuất lấp, những con hẻm ngoằn ngèo và những con đường chồng chéo nhau như một ma trận Ai Cập. Nhưng dĩ nhiên điều đó không thể nào xảy ra, quyết không thể với cái thẻ hoàn chỉnh trên tay. Mặc dù vậy đó lại là sự thực. Và là thuốc nổ, sẽ nổ tanh bành cái văn phòng này lên tận mây xanh.

Trong cơn bối rối, Marc mơ hồ nhớ lại. Một thời gian sau khi anh bắt đầu nhận việc, bộ phận của anh đã được dời đến một tầng lầu khác. Những hồ sơ cũ bị thải bỏ và tất cả thẻ lưu trữ được làm mới. Đúng là lúc đó, Con Đường Chai Xanh bị bỏ sót, kẹt giữa hai ngăn kéo.

Nhét tấm thẻ vô túi, Marc ra về và suy nghĩ. Đêm hôm đó, anh nằm trằn trọc và những hình ảnh ma quái cứ nhảy múa trong giấc mơ. Trong số đó xuất hiện một hình ảnh khổng lồ trông giống như ông xếp đang nổi khùng, đẩy anh vào trong cái tủ hồ sơ nóng bỏng.

Ngày hôm sau, anh quyết định. Cáo bịnh, anh xin nghỉ buổi trưa và háo hức quyết tìm tới con đường.

Mặc dù biết rất rõ, anh cũng phải đi qua đi lại đến hai lần và có lúc đã phải đi lùi lại. Bế tắc, anh nhắm mắt, tham khảo cái bản đồ trong đầu và đi thẳng đến lối vào. Con đường thật hẹp đến nỗi anh có thể dang tay và chạm hai bức tường kế cận. Cách lề đường vài bộ là một cấu trúc bằng gỗ, cao và chắc chắn, dãi dầm mưa nắng, với một cánh cửa có chốt gài ở giữa. Anh mở cửa và bước vào. Đường Chai Xanh trãi dài trước mặt.

Nó hoàn toàn có thật, và đầy sức thuyết phục. Con đường lót đá, mỗi một bên đứng ba căn nhà nhỏ, tổng cộng sáu căn, mỗi nhà có cái vườn xinh xắn be bé trước sân, phân chia bởi rào sắt, loại rào đã không còn được sử dụng, ngoại trừ ở những khu phố cổ. Những căn nhà trông gọn ghẽ, được chăm sóc cẩn thận, có vẻ lớp đá lót vừa mới được quét và rửa sạch. Mấy bức tường không cửa sổ của những nhà kho bao quanh sáu căn nhà và nối nhau ở phía cuối con đường.

Thoạt nhìn, Marc nhận ra ngay lý do cho cái tên bất thường như thế. Nó giống y chang hình dạng một cái chai.

Ánh mặt trời soi trên những tảng đá lót đường, và rọi lên những mảnh sân. Với bầu trời trong xanh trên đầu, nhất thời con đường gợi lên nơi anh một cảm giác yên bình, thư thái. Nó hoàn toàn hấp dẫn, một cảnh chỉ có trong tranh ảnh cách nay năm mươi năm.

Một người đàn bà tuổi khoảng sáu mươi đang tưới những cụm hoa hồng trong sân trước căn nhà đầu tiên bên tay phải. Bà đứng yên liếc nhìn anh, nước từ bình tưới tuông chảy xuống đất. Anh cởi nón và thông báo, “ Thưa bà, tôi từ phòng Kỹ Thuật thành phố.”

“ Vậy là cuối cùng rồi anh cũng tìm ra,” bà nói.

Nghe như thế, niềm tin rằng mình đã sai sót một cách vô hại và đáng chế giễu, niềm tin đó tan biến một cách nhanh chóng. Rõ ràng đã không có sự nhầm lẫn nào ở đây.

“ Xin vui lòng kể tôi nghe,” giọng trầm trầm anh nói.

Đó là một câu chuyện đáng được chú ý. Trong nhiều năm, dân ở thuê trên đường Chai Xanh sống thân thiện với nhau và với chủ nhà, người cũng ở một trong những căn nhà nho nhỏ trên đường. Chủ nhà trở nên gắn bó với họ đến nỗi khi qua đời, như một biểu hiện của lòng thành ông ta sang tên nhà cho họ chỉ với một khoản tiền nhỏ.

“ Chúng tôi trả thuế,” người đàn bà nói, “ điền nhiều đơn, và trả lời các câu hỏi của những quan chức khác nhau về căn nhà của mình đều đặn một khoảng thời gian. Rồi sau đó, chúng tôi không còn nhận được giấy báo, vì vậy chúng tôi ngừng trả thuế. Không một ai quấy rầy chúng tôi nữa. Phải mất một khoảng thời gian dài để chúng tôi hiểu rằng bằng cách nào đó họ đã quên hẳn mình.

Marc gật đầu. Dĩ nhiên, nếu đường Chai Xanh ra khỏi tầm của tòa thị chính thành phố, sẽ không có thanh tra nào tới viếng, không người kiểm kê dân số, không cả nhân viên thu thuế. Tất cả đã bỏ sót, đi ngang qua một cách vui vẻ, cái tủ hồ sơ không thể sai lầm đã hướng họ tới những địa điểm khác.

“ Rồi Michael Flanagan, người sống ở nhà số Bốn,” bà nói tiếp, “ một con người rất thú vị, anh nên gặp ông ta – Flanagan tụ tập chúng tôi lại và nói nếu phép lạ đã xảy ra, chúng ta nên giúp đỡ và khuyến khích họ. Chính ông ta cho xây cái cửa ngay lối vào ngăn không cho người lạ hay những viên chức có thể lui tới. Chúng tôi thường khóa cổng, nhưng đã từ lâu không có ai bén mảng nên chúng tôi cũng chẳng màng bận tâm.”

“ Ồ, cũng có vài việc chúng tôi phải làm, như phải lấy thư ngoài bưu điện và không bao giờ có hàng hóa giao tận cửa. Giờ đây hầu như chúng tôi ra ngoài chỉ để mua thức ăn và quần áo.”

“ Và suốt trong khoảng thời gian đó, nơi đây không có gì thay đổi sao?” Marc hỏi.

“ Có chứ, hai người bạn qua đời, và chỗ của họ bỏ trống một thời gian. Rồi Jean Desselin, – ở căn số Sáu, người thường đi phố, và trở lại với Plonsky, một dân tị nạn. Ông Plonsky thì quá mệt mỏi và kiệt sức với những chuyến đi của mình nên rất vui khi dọn vô ở với chúng tôi. Cô Hunter, nhà số Ba mang về nhà một người tử tế, tôi tin họ là bà con xa. Mọi người hoàn toàn hiểu rõ tình cảnh.”

“ Thưa, còn bà thì sao?” Marc chất vấn.

“ Tôi tên Sara Trusdale và tôi ở nơi này đã trên hai mươi năm. Tôi hy vọng mình rồi sẽ sống đến cuối đời nơi đây.”

Rồi bà cười vui với anh, rõ ràng tạm quên phắt rằng trong túi anh đang có quả lựu đạn có thể làm nổ tung cái thế giới nhỏ bé của họ thành từng mảnh.

Hết thảy bọn họ, có vẻ mỗi người có những rắc rối riêng trong cuộc sống, những mất mát và thất bại, trước khi họ tìm đến nhau nơi trú ngụ nầy, đường Chai Xanh. Với Marc, luôn nhớ cuộc sống không thoả mãn của mình, những điều đó nghe hấp dẫn. Anh băn khoăn mằn mò cái thẻ trong túi. “ Ông Plonsky và Flanagan rất hạp nhau,” bà Trusdale nói tiếp. “Cả hai đã từng đi du lịch nhiều nơi và thích kể về những gì họ đã chứng kiến. Cô Hunter chơi đàn dương cầm và biểu diễn cho chúng tôi nghe. Rồi còn có ông Hazard và ông Desselin, cả hai rất thích đánh cờ và làm rượu dưới hầm. Riêng tôi, có những bụi hoa và những cuốn sách của mình. Mọi người ai cũng có niềm vui.”

Marc và bà Trusdale ngồi yên lặng một lúc lâu trước hiên nhà. Bầu trời xanh đã trở màu xẩm tối, mặt trời mất dạng sau những bức tường nhà kho bên phía trái.

“ Anh làm tôi nhớ đến đứa cháu trai,” thình lình bà nói. “ Nó là một đứa trẻ đáng yêu. Tôi quá đau buồn khi mất nó trong dịch cúm sau chiến tranh. Anh biết không, tôi là người còn lại cuối cùng trong dòng họ.”

Marc không thể nhớ lần cuối mình được nói đến bằng những lời trìu mến như thế, tuy những lời rất đơn giản và gián tiếp. Anh thấy ấm lòng với người đàn bà này. Một cách mơ hồ anh cảm thấy mình đang bên bờ một khám phá giá trị. Anh móc cái thẻ trong túi ra.

“ Hôm qua tôi tìm thấy cái này trong tủ hồ sơ,” anh nói. “ Chưa một ai biết đến nó. Nếu nó chường mặt, sẽ có một xì-căn-đan lớn, và những rắc rối vô bờ bến sẽ đến với tất cả quý vị. Những phóng viên báo chí, nhân viên thu thuế…”

Anh lại nghĩ tới mụ chủ nhà nơi mình trú ngụ, những tên láng giềng hiếu chiến, cái phòng anh đang thuê thách đố mọi sửa chữa. “ Tôi tự hỏi,” chậm rãi anh nói, “ Tôi là một người ở thuê tốt, và tôi muốn nói…”

“ Ồ, dĩ nhiên,” bà nghiêng người tới trước, “ anh có thể ở tầng trên cùng nhà tôi. Nhà có quá nhiều chỗ trống không biết để làm gì. Tôi tin nó thích hợp với anh. Anh phải tới coi ngay.”

Trong đầu của Marc Girondin, nhân viên hồ sơ, đã có quyết định. Với một cử chỉ dứt khoát, anh xé tan cái thẻ và thả những mảnh vụn vô bình tưới. Đối với anh, Đường Chai Xanh sẽ vĩnh viễn nguyên trạng là con đường trật chìa.

Dịch từ truyện ngắn: The Street That Got Mislaid . Tác giả: Patrick Waddington (1912-1973)

Toronto 07/12/2017

VNToàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả