Giới Thiệu Tóm Lược
Khi được phỏng vấn, Suzanne Collins, tác giả bộ ba cuốn tiểu thuyết Trò Chơi Sinh Tử – Bén Lửa – Chim Mockingjay cho biết thần thoại Hy-lạp Theseus và Minotaur đã là một trong những ảnh hưởng đáng kể khi bà dàn dựng nên cốt truyện. Đầy rẫy trong văn chương Anh, trong phim ảnh Hollywood lẫn đời sống thường ngày, khó mà tránh khỏi những ví von, liên tưởng, ám chỉ, đề cập tới các thần thoại Hy-lạp (TTHL.) Vi-rút xâm nhập máy tính được coi là những con ngựa thành Troy. Tượng trưng cho sức mạnh, Ajax còn là nhãn hiệu các chất tẩy rửa thông dụng hầu hết các bà nội trợ đều đã ít nhiều dùng qua. Ta sống trong một thế giới đầy hỗn loạn, lộn xộn (chaotic) với Chaos là thần Hỗn Loạn, vị thần đầu tiên có từ khởi thủy của vũ trụ. Mỗi cá nhân đều có nhược điểm, gót chân Achilles. Công việc nặng nề khó khăn là công tác Hercules. Phụ nữ hoặc hấp dẫn như mỹ nhân siren có tiếng hát làm mê muội các thủy thủ hoặc xấu xí như cô gái đầu người mình chim harpy. Thần Chiến Thắng Nike là thương hiệu giầy thể thao nổi tiếng khắp thế giới. Ai có bàn tay khéo léo, làm việc gì cũng thành công được cho là có cái chạm Midas, nhân vật huyền thoại tay đụng vào vật gì thì vật ấy biến thành vàng.
Mỗi một nền văn hóa đều có riêng những huyền thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian, truyện cổ tích thần tiên,… của riêng nền văn hóa đó. Ranh giới giữa chúng thường không được rõ ràng tách bạch; sự phân biệt khó rạch ròi phân minh. Truyện cổ tích thường mô tả một cách chung chung những cuộc mạo hiểm của người và/hay thú vật, có thể xảy ra mọi nơi mọi lúc, có thể có thật hay đơn thuần là sản phẩm của trí tưởng tượng. Truyền thuyết thì kể về những đợt di dân, (Con Rồng Cháu Tiên, một nửa theo mẹ lên núi, một nửa theo cha xuống biển.) Ngoài ra truyền thuyết với những nhân vật là con người, cũng đề cập tới các trận chiến, những chiến thắng, hành động của các anh hùng, sự nối tiếp của các triều đại,…
Thần thoại Hy-lạp thì khác. Các nhân vật chính thường là các vị thần, bán thần và những anh hùng; toàn là những nhân vật rất đặc trưng. Truyện diễn ra tại một vùng, một địa phương cụ thể, có liên quan tới các gia đình, những bộ tộc, các thành phố, những lễ hội… Trong khi các truyện thần tiên trong dân gian được kể và nghe như là một cách giải trí, các truyện thần thoại là cách người Hy-Lạp cổ dùng để giải thích sự hình thành vũ trụ, mối tương quan giữa con người và thế giới quanh họ cùng các vị thần, giải thích các hiện tượng vật lý hoặc thiên nhiên như sấm, sét, gió, lửa, sông, biển,…Nó cũng được dùng để lý giải những suy nghĩ, mặc cảm phức tạp trong mỗi cá nhân. Đặc biệt các vị thần Hy-lạp thường hành xử giống người trần hơn là giống các thánh nhân: họ đánh nhau, họ cãi vả, cộc cằn nóng tính, say xỉn, họ ghen tương và họ cũng ngoại tình. Có cái yếu đuối của loài người, các vị thần và các anh hùng trong TTHL trở nên gần gũi chúng ta hơn và làm cho những câu truyện về họ càng hấp dẫn.
Các truyện thần thoại Hy-lạp được truyền miệng qua nhiều đời với nhiều chủ đích khác nhau, khi thì giải trí, chỉ dẫn, thuyết phục, khi được dùng như những ví dụ. Thảng hoặc TTHL có thể chồng chéo nhập nhằng với truyền thuyết hay truyện kể dân gian, nhưng TTHL căn bản là về loài người: sở dĩ mang tính huyền thoại không chỉ vì sự có mặt của các vị thần, các thú vật biết nói tiếng người hay các phép lạ, nó huyền thoại nhờ có sự tham gia của con người, những người xa xôi trong quá khứ, không phải người bình thường như bạn và tôi. Như triết gia Aristotle đã viết: “ Vào thời xa xưa đó, chỉ những nhà lãnh đạo mới là anh hùng, đa số còn lại, chúng ta,… chỉ là những con người tầm thường.”
Mãi gần đây người ta mới khám phá những bộ sách thời cổ đại tổng hợp các thần thoại Hy-lạp. Một bộ sưu tập rất quan trọng, viết từ thế kỷ thứ Nhất là bộ The Library của Apollodoros. Đây là một công trình toàn diện, tuy phần cuối bị thất lạc nhưng nhờ có bộ Epitome chắp nối, giúp ta có cái nhìn tổng thể về những TTHL. Những huyền thoại mà Apollodoros lọc lựa để bao gồm hoặc cố tình bỏ sót có ý nghĩa rất quan trọng, giúp hình thành nên những gì ngày nay ta gọi là TTHL. Ông đã dẫn dắt người đọc bắt đầu từ truyện sáng tạo các vị thần cho tới trường ca Odyssey với cuộc chiến thành Troy là biến cố chủ chốt.
Dịch thuật kể cả lược dịch, phỏng dịch hay tóm lược ngoài việc tăng thêm tri thức còn là cách tự bắt buộc đọc kỹ một cuốn sách, hy vọng sẽ hiểu cặn kẽ điều tác giả muốn chuyển tải, truyền đạt. Tựa như những viên thuốc Tây trị bệnh, dịch thuật cũng có tác dụng phụ của nó. Quá trình suy nghĩ, tìm kiếm một từ thích hợp, sát nghĩa, sắp xếp ý tưởng cho mạch lạc, cái quá trình đó giúp làm chậm lại nhịp sống tất bật đang ngày càng vội vàng, hối hả. Với suy nghĩ như thế, trong những lần tới người viết sẽ cố gắng giới thiệu tới các bạn những câu truyện, các nam và nữ thần, bán thần và những anh hùng của thần thoại Hy-lạp. Nội dung các bài viết chính yếu được lấy từ cuốn sách Hướng Dẫn Ngắn Gọn Về Các Thần Thoại Hy-Lạp: Các Vị Thần, Ác Quỷ, Anh Hùng Và Nguồn Gốc Của Kể Truyện của tác giả Stephen P. Kershaw ( A Brief Guide to The Greeks Myths: Gods, Monsters, Heros and the Origins of Storytelling).
Nói là Hướng Dẫn Ngắn Gọn chứ cuốn sách sơ sơ mới có gần 500 trang chữ nhỏ. Khoan đừng nói tóm lược, chỉ nội việc đọc và hiểu không thôi đã là một Herculean task!
Toronto 26/06/2013
VNToàn