PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàTin TứcTin Trong LớpTrần Có Vui Sao Chẳng Cười Khì

Trần Có Vui Sao Chẳng Cười Khì

Còn nhớ vào những năm cuối cùng của bậc trung học, thầy cô dạy môn Việt văn thường cho học trò làm luận văn bình giảng những bài thơ Song Thất Lục Bát hoặc những bài Hát Nói.  Một trong những bài thơ đó có hai câu đã đeo đuổi người viết dai dẳng cho đến nhiều năm sau trung học:

Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe,
Trần có vui sao chẳng cười khì.

Mèn đét ơi, thuở đời nay mình là con nít mới lớn, ăn chưa no lo chưa tới, còn ăn bám cha mẹ, vẫn cắp sách tới trường mà thầy cô lại bắt bình giảng những tư tưởng cao siêu, những nhân sinh quan đúc kết kinh nghiệm sống một đời…  Không biết bạn bè khác bình giảng ra sao chứ với tôi những bài luận văn với đề tài như thế thường là nộp giấy trắng hoặc chỉ lặp lại như vẹt những gợi ý hoặc hướng dẫn trong sách giáo khoa thời đó.


Đông Tây Gặp Nhau:

Một vài năm sau đó  tình cờ lại được đọc một vài truyện dài được dịch sang tiếng Việt của Erich Maria Remarque , tác giả người Đức. Trong một tác phẩm của EMR ( hình như là Khải Hoàn Môn – Arch  of  Triumph )  có một đoạn tác giả mô tả cảnh sinh nở của một người đàn bà  ( gypsy ?) trên đường chạy trốn sự săn lùng của Đức- quốc- xã.  Nghe đứa bé cất tiếng khóc oe oe chào đời, nhìn thấy máu me sản hậu, tác giả đã cho một nhân vật nam của  mình,  trong một giây phút cảm nghiệm lẽ nhân sinh,  bật thốt lên  rằng  “ con người sinh ra, máu và nước mắt…”

Gần  đây  hơn có nhạc sĩ đã than thở   “ ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu…,”   làm cho mình có lúc ngồi thẫn thờ tự hỏi không biết hoàn cảnh nào đã khiến các nhà thơ, nhà văn, các nhạc sĩ thốt lên những lời lẽ đầy bi quan  nghe nản lòng chiến sĩ,  nản  chân giang hồ như thế.

Vậy mà những câu văn, thơ cô đọng một nhân sinh quan, một triết lý sống đó vận vào người , ảnh hưởng sự suy nghĩ của mình lúc nào không hay.  Hậu quả là vào những năm cùng cực bi đát sau tháng 4/75, những suy nghĩ bi quan yếm thế đó làm cho người viết đã có lúc đâm ra tuyệt vọng và chán đời, chỉ muốn tự kết liễu cuộc đời mình.  Cũng may cái bản năng sinh tồn tự nhiên đã ngăn mình chọn lựa giải pháp sau cùng đó.

Bây giờ vào cái  tuổi quá năm mươi, cũng gọi là có chút ít kinh nghiệm sống, cay đắng ngọt bùi của cuộc đời chí ít gì thì cũng đã nếm qua.  Nếu được phép, hậu sinh sẽ trả lời với những bậc tiền bối, tác giả của những  quan niệm bi quan yếm thế đó rằng trần thế có nhiều nỗi buồn phiền, nhưng trần thế cũng tràn đầy những niềm vui.  Cuộc sống có máu và nước mắt nhưng cuộc sống cũng vang dội những tiếng cười…

Một trong những niềm vui đó là niềm vui  có  bạn bè từ phương xa tới thăm, niềm vui được lang thang, được tán dóc và được ngồi bù khú với những người bạn một thời chung ghế giảng đường, chung phòng thí nghiệm, chung những ngày lao động bắt buộc,  chung những bữa  cơm  nơi nhà ăn tập thể của trường,…

Những tiếng cười  nôn  ruột đó đã vang lên ở Toronto, ở Ottawa và Montreal trong những ngày cuối tuần vừa qua, khi lang thang rong chơi với Trương Tuấn Hạnh, Trương Văn Nhân, Võ Quang Thịnh, và nhất là với Nguyễn Minh Tuấn, người bạn gặp lại sau hơn 30 năm xa cách.  Những tràng cười liên tục đó đã vang lên ngày Chủ nhật vừa qua tại nhà Lê Minh, với sự góp mặt của Lê văn Anh (ACC), Dương Quang Bổn (ACC), Trần Quang Kim ( ACK), và Lương Duy Kiên (AH).  Và cũng như thường lệ không thiếu sự đóng góp tiếng cười của các Chị,  Bích ( bà xã Nhân ), Hà (Bổn ), A Mý ( Kim ) và Trân ( Lê Minh ) trong vai bà chủ nhà.

Toronto,   Những Ngày Cuối Hè 2009
Vũ Ngọc Toàn

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả