PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàSáng TácĐoản VănỞ Một Nơi Xa Lạ

Ở Một Nơi Xa Lạ

Nguyên tác ” In A Strange Land “, William S. Maugham.
 

Tôi thuộc loại người không ngồi yên chỗ; dù vậy tôi đi du lịch không phải để ngắm nhìn những tượng đài, hay những phong cảnh hùng vĩ, những thứ đó làm tôi mau chán; tôi du lịch để gặp gỡ những con người. Tôi tránh gặp những nhân vật quan trọng. Tôi sẽ không băng qua đường để chào một tổng thống hay một ông vua; tôi cũng bằng lòng khi chỉ biết một nhà văn qua những trang sách y viết, và một họa sĩ qua những bức tranh anh ta vẽ; nhưng tôi đã đi hàng ngàn dặm để gặp một nhà truyền giáo, người có những câu truyện kỳ lạ, và tôi cũng đã trải qua đôi tuần trong một khách sạn tồi tàn để làm quen với một người chế tạo bàn bi-da. Tôi không ngần ngại gì để thêm rằng tôi hết còn ngạc nhiên khi gặp bất kỳ hạng người nào, tuy vậy có một loại người mà mỗi lần đụng đầu vẫn không ngừng làm cho tôi hơi bị sốc một cách thích thú. Đó là người đàn bà Anh lớn tuổi, có đầy đủ phương tiện vật chất, sống tự túc một mình, trên khắp thế giới, ở những nơi bạn không ngờ tới. Bạn hết còn ngạc nhiên khi nghe tới người đàn bà sống trong căn biệt thự trên đồi ở ngoại ô một thành phố nhỏ Ý-đại-lợi, người đàn bà Anh duy nhất trong khu vực. Bạn cũng sẵn sàng khi có ai đó chỉ cho thấy cái trang trại Tây-ban-nha trơ trọi ở Andulasia và cho bạn biết nơi đó có người đàn bà Anh sống đã nhiều năm. Tuy thế bạn chắc sẽ ngạc nhiên khi nghe rằng người da trắng duy nhất trong một thành phố Trung- hoa là một người đàn bà Anh, không phải là một nhà truyền giáo, không ai biết tại sao bà ta lại sinh sống ở đó; một người khác thì cư trú trên một hòn đảo ở vùng biển Nam Thái-bình-dương, và người thứ ba có một căn nhà ở vùng ven một ngôi làng lớn ngay trung tâm hòn đảo Java. Những người đàn bà nầy sống đời sống cô độc, không bạn bè, và họ cũng không muốn đón tiếp người lạ. Dù đã lâu không được gặp một người cùng màu da, họ sẽ làm lơ như không hề thấy bạn. Mừng rỡ gặp người đồng hương, bạn tìm đến, họ hầu như không muốn tiếp bạn; nhưng nếu tiếp bạn, họ sẽ mời bạn một tách trà nóng rót từ bình trà bằng bạc, và đãi bạn món bánh ngọt Scotch đặt trên dĩa sứ Old Worcester. Họ sẽ hầu chuyện bạn một cách lịch sự như là họ đang tiếp bạn trong một ngôi nhà nghỉ ở Kentish, nhưng khi chia tay, họ không có vẻ gì muốn tiếp tục kéo dài sự quen biết với bạn. Ta luôn tự hỏi một cách vô ích điều gì đã làm cho họ xa lánh những người cùng màu da, xa lánh đồng hương và vì sống trong một vùng đất xa lạ, phải từ bỏ những thứ quen thuộc đã có trước. Phải chăng tự do, hay những mối tình lãng mạn là cái họ đang tìm kiếm ?

 

Trong số những người đàn bà Anh tôi đã gặp hay chỉ nghe nói tới (vì như tôi đã kể, họ thường ở những nơi hẻo lánh, khó lui tới) người luôn hiện diện một cách sống động trong ký ức tôi là một người đàn bà lớn tuổi sống ở vùng Tiểu-Á. Dự tính sẽ leo núi, sau một chuyến đi dài tẻ nhạt, tôi đặt chân tới một thị trấn nhỏ, và rồi được đưa tới một khách sạn nằm trải rộng sát chân núi. Tới nơi khi màn đêm đã buông xuống, tôi ký tên trong sổ khách vãng lai rồi lên phòng mình. Trời lạnh cóng, đang lúc thay quần áo thì có tiếng gõ cửa và người bồi phòng bước vào.

 

– Của Signora Niccolini mời ngài. Anh ta nói.

Đầy ngạc nhiên, tôi nhận chai nước nóng từ tay người bồi phòng. Tôi cầm lấy, trong lòng thật biết ơn.

– Signora Niccolini là ai vậy?

– Bà ấy là chủ khách sạn này.

Tôi nhờ người bồi phòng chuyển lời cảm ơn và anh ta rút lui. Chai nước nóng là vật cuối cùng tôi trông đợi nơi một nhà nghỉ tồi tàn ở Tiểu-Á, có chủ là một bà già Ý. Tôi không thể ao ước gì khác hơn (nếu bạn chưa chán ngấy để nghe về chiến tranh thì tôi sẽ kể với bạn một câu truyện về sáu người liều mạng để lấy một chai nước nóng từ một lâu đài ở vùng Flanders đang bị dội bom); và sáng hôm sau muốn tận mặt nói lời cảm ơn, tôi đã hỏi xin gặp Signora Niccolini. Trong khi chờ đợi, tôi moi óc cố nhớ trong tiếng Ý, chữ chai nước nóng nói sao. Không bao lâu thì bà ta bước vào. Là một người nhỏ thó, hơi thô, nhưng không phải là không đáng kính, bà đeo cái tạp-dề màu đen có viền và trên đầu là một cái chụp lưới. Bà đứng với đôi tay khoanh lại. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy về vẻ ngoài, bà chính xác là hình ảnh của một người hầu trong một gia đình quý phái Ăng-lê.

– Ngài có điều gì muốn nói với tôi?

Đó là một người đàn bà Anh và chỉ qua vài lời, tôi chắc chắn nhận ra âm hưởng giọng nói Ăng-lê của bà.

– Tôi muốn cảm ơn bà về chai nước nóng. Tôi bối rối đáp.

– Tôi nhìn trong sổ khách lưu trú thấy tên ngài và tôi luôn luôn gửi một chai nước nóng tới phòng cho những vị khách người Anh.

– Tin tôi đi, chai nước đã được tiếp nhận một cách nồng hậu.

– Thưa ngài, tôi đã phục vụ nhiều năm cho ông chủ Ormskirk. Ông ấy luôn có chai nước nóng trong những chuyến du lịch. Thưa, ngài có cần gì thêm ?

– Hiện giờ thì không, cảm ơn bà.

Bà ta lịch sự gật đầu chào và rút lui. Tôi tự hỏi bằng cách nào một người phụ nữ Anh già, vui vẻ như thế lại là chủ một khách sạn ở Tiểu-Á. Làm quen với bà ta không dễ chút nào, và vì biết rõ vị thế của mình, bà luôn giữ một một khoảng cách. Việc từng phục vụ cho một gia đình quý tộc Anh không phải là không có tác dụng. Nhưng tôi kiên trì và cuối cùng tôi cũng khiến bà phải mời tôi một tách trà trong căn phòng nhỏ bé của bà. Do đó tôi biết được rằng bà đã từng là người hầu cho một phu nhân Ormskirk nào đó, và chồng bà, Signor Niccolini ( vì bà không bao giờ nhắc đến người chồng quá cố dưới một danh xưng nào khác hơn) đã là người đầu bếp của ông chủ. Signor Niccolini là một người đàn ông đẹp trai và trong nhiều năm giữa hai người đã có một sự hiểu ngầm với nhau. Khi để dành đủ tiền, họ lấy nhau, xin nghỉ việc, và tìm mua một cái khách sạn. Coi quảng cáo, họ đã mua nơi nầy bởi vì Signor Niccolini nghĩ rằng ông ấy thích đi đây đó. Đó là chuyện ba mươi năm về trước và Signor Niccolini chết đã được mười lăm năm rồi. Bà vợ goá của ông chưa hề một lần quay trở về nước Anh. Tôi hỏi bà có bao giờ thấy nhớ nhà.

– Không thể nói là tôi không thích về viếng thăm, dù tôi biết rằng đã có nhiều thay đổi. Nhưng gia đình tôi không thích việc tôi lấy người ngoại quốc và tôi đã không liên lạc với họ từ dạo đó. Dĩ nhiên ở nơi đây nhiều thứ khác hẳn với trong nước, nhưng thật là ngạc nhiên khi ta quen dần với nó. Tôi được gặp gỡ nhiều người. Tôi không biết là tôi có sống nổi một đời sống đơn điệu nhàm chán như họ đang sống ở London.

Tôi mỉm cười. Bởi vì những điều bà ta nói, hoàn toàn trái ngược với cử chỉ của bà. Thật là kỳ lạ, trong ba mươi năm bà ta đã có thể sống ở một đất nước hoang dã và hầu như sơ khai mà không bị ảnh hưởng gì đến tính cách mình. Mặc dù tôi không biết tiếng Thổ-nhĩ-kỳ và bà ta nói ngôn ngữ đó một cách dễ dàng, tôi tin rằng bà nói không đúng lắm và giọng vẫn còn cứng. Tôi cho rằng bà ta vẫn y nguyên là một người hầu Anh, ngăn nắp, gọn gàng và chính xác, dù đã qua quá nhiều bể dâu vẫn biết vai trò của mình, bởi vì bà luôn phớt tỉnh, không để lộ vẻ ngạc nhiên. Bà nhìn mọi việc diễn ra một cách tự nhiên. Với những ai không phải là Ăng-lê, bà đối xử như người ngoại quốc, và vì vậy với đồng hương, bà đối xử hơi đặc biệt. Bà đối xử với nhân viên một cách đúng mực vì chẳng phải là trong những ngôi nhà quý phái, bà đã biết một người hầu ở vai trò cao hơn phải dùng thẩm quyền ra sao đối với cấp dưới đó ư? – và mọi thứ nơi đây đều gọn ghẽ, sạch sẽ.

Lúc nào cũng một tư thế đứng kính cẩn khoanh tay, bà nói khi nghe tôi ngỏ lời chúc mừng.

– Tôi đã cố hết sức. Dĩ nhiên ta không thể mong đợi người ngoại quốc có cùng suy nghĩ như những suy nghĩ của chúng ta, nhưng như ông chủ tôi thường dặn dò, “cái ta phải làm, Parker, cái ta phải làm trong cõi đời này là tận dụng tốt nhất những gì ta đang có.”

Dù vậy bà dành cho tôi sự ngạc nhiên bất ngờ cho đến phút chót, buổi tối cuối cùng trước khi tôi từ giã.

– Tôi rất vui ngài chưa ra về trước khi gặp mặt hai cậu con trai của tôi.

– Tôi không biết là bà có con.

– Chúng nó đi công việc, nhưng hai đứa vừa về tới. Ngài sẽ ngạc nhiên khi gặp chúng. Tự tay tôi huấn luyện chúng và cứ cho rằng, khi tôi qua đời, chúng nó sẽ tiếp tục cai quản cái khách sạn này.

Không bao lâu, hai thanh niên cao ráo, bước vào sảnh. Mặt bà sáng lên một cách vui vẻ. Hai cậu đi tới bên bà, ôm bà trong tay và hôn thật kêu.

– Thưa ngài, hai đứa không nói được tiếng Anh, nhưng hiểu được chút ít và dĩ nhiên chúng nói tiếng Thổ như người bản xứ, cả tiếng Hy-lạp và tiếng Ý.

Tôi bắt tay cả hai, rồi Signora Niccolini nói cái gì đó và cả hai đi ra.

– Hai thanh niên đẹp trai, Signora, tôi nói. Bà chắc là rất hãnh diện về chúng.

– Đúng vậy, thưa ngài và chúng rất ngoan, cả hai. Chúng không bao giờ gây rắc rối cho tôi từ lúc chúng được sinh ra, và chúng là bản sao y chang của Signor Niccolini.

– Tôi phải công nhận không ai nghĩ rằng chúng có một bà mẹ người Anh.

– Thưa ngài, thực ra tôi không phải là mẹ chúng. Tôi chỉ kêu chúng tới để chào hỏi khách.

Dám cá là tôi trông như hụt hẫng.

– Hai đứa là con mà Signor Niccolini có với con bé Hy-lạp, trước đây làm việc trong khách sạn, và vì chính mình không có con, tôi nhận chúng làm con.

Tôi đang suy nghĩ sẽ phải nói điều gì. Đứng thẳng người lên, bà nói:

– Tôi hy vọng ngài đừng cho là tôi trách móc Signor Niccolini. Tôi không thích ngài nghĩ như thế.

Dáng khoanh tay, nét hãnh diện pha lẫn sự cao ngạo cố hữu, vẻ thoả mãn hiện trên nét mặt, Signora Niccolini thêm những lời cuối cùng:

– Signor Niccolini là một người đàn ông biết sống, chịu chơi và dám sống hết mình !

 

Nguyên tác ” In A Strange Land “, William S. Maugham.

  

Toronto 2/12/2012
VNToàn dịch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả