Tặng :Ngọc Dung, viết Dũng, Tôn thất Tú, Viết Hiếu,Trung Ngôn
(nhớ đêm nghe online tấu khúc- Lạc lối bên sông)
Ô hay Trời lạ chưa tề
Bổng dưng giông gió tái tê tiếng đàn
Buâng khuâng mấy dặm quan san
Mà lòng lữ khách mang mang giọt sầu
Kể từ lạc bến nhiệm mầu
Bước vào trần thế , đớn đau đã nhiều
Đêm nay thiệt thấy tịch liêu
Thấy thân rời rả thấy xiêu xiêu hồn
Biển kia bổng hóa thành cồn
Tri âm với rượu chiêu hồn nốc say
Trần gian trải bước mới hay
Đông sang xuân tận là tay vô tình
Tháng ngày trong cõi vô minh
Bao nhiêu dồn dập thình lình biết đâu.
Đêm 23/12/2011
Nguyễn Hoàng Minh
HMinh,
Cám ơn đã tặng thơ, mà sao thơ buồn quá vậy, đàn sầu là đàn ai? :-?: Chứ tiếng đàn và lời hát…online của 4 vị kia đâu có “tái tê” dữ vậy? Không tin, túi ni đằng vân vô SG là biết liền ! 😀
nd
HMinh
Đồng ý với Nặc danh 1, bài thơ/nhạc đâu buồn đến thế.
Bài thơ này của một người biết uống rượu; biết uống rượu không cần thiết là uống được nhiều rượu/uống nhiều rượu được, mà biết say, nhưng không nhất thiết phải say rượu, rượu chỉ là cái cớ thôi, nhưng nếu có say rượu thì đã sao ?.
Tặng Minh (02) bài thơ của một người biết uống rượu và cũng uống được nhiều rượu và biết say.
Bên cầu gãy Sông Ba
Hơi lạnh núi rừng lưng chừng quán lá
Chiều An Khê bông sậy trắng thời gian
Sông Ba ngược gữa hai bờ quên nhớ
Uống đi thôi đốt cháy chuyện cũ càng
Em thuở ấy trong veo như giọt rượu
Hương hám bay quyện gió ngát xanh trời
Dáng hương ngái qua cầu trăng hoang dại
Ta ngu ngơ yêu vậy chẳng nên lời
Cõng con tình lang thang giờ mỏi gối
Về lại đây – chốn cũ tóc hai màu
Cầu đã gãy hồi nào sông vẫn chảy
Rựơu hết rồi tình cũ vẫn còn say
Nguyễn Đình Lương
(Cỏ lấm bụi đường, NXB Tuổi Trẻ 2006)
Về quê uống rượu
Rượu quê già lửa hương gằm
Uống đi cho cháy hết lòng với nhau
Biết còn có bận mai sau
Sân trăng nghiêng chén say câu tao phùng
Nguyễn Đình Lương
(Cỏ lấm bụi đường, NXB Tuổi Trẻ 2006)
Lạm bàn cho vui
[b]1/Ngọc Dung ![/b]
*đàn sầu là đàn ai = ai đàn là sầu đàn 😆 😆
* mà sao thơ buồn quá vậy = “Như nhân ẩm thủy, lãnh noãn tự tri” – như người uống nước, nóng lạnh tự biết. 😉 😉
[b]2/Gởi “Bạn” nặc danh 2.và bạn Nguyễn viết Dũng tác giả bài thơ Lạc lối bên sông[/b]
*Cám ơn bạn đã gởi tặng hai bài thơ hay của Nguyễn Đình Lương.
*Minh không dám luận bàn hay so sánh giữa hai bài thơ hai tác giả cũng như truyện Kim Vân Kiều và Đoạn trường Tân thanh.
* Nhưng bài thơ của người bạn Minh là Nguyễn viết Dũng được viết trong tâm trạng thật , hoàn cảnh thật , cho nên nó là thật , với những ngôn từ và tư tưởng chịu ảnh hưởng của triết học Phật giáo.
*Cái đêm đầu tiên Minh được các bạn (Hiếu , Dũng, Tú) đàn hát cho nghe online bài nhạc phổ thơ trên , trời miền Trung rét buốt trong gió bấc lạnh tái tê từng cơn , ngồi một mình trong căn nhà trống vắng cho nên buồn chăng , vả lại ca từ cũng sầu buồn vô thường luân lạc , đâu phải cái sầu rượu , sầu tình miên man đâu bạn.vì thế tiếng đàn càng nghe tái tê chăng?
*Có thể các bạn Minh mỗi người một cách hiểu khác nhau, chẳng sao? Vì – như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Nhưng Minh biết chắc chắn rằng bài thơ được viết ra bằng tâm thức chứ không bằng ý thức . Cái tình chỉ là một nguyên cớ để nương theo để dẫn về cái nhận thức thực của tác giả.Đôi lúc đem cái nguyên cớ ấy ra( do tâm ta bị chấp , bị định kiến vào nguyên cớ ấy) mà nhận chân thì nguy hiễm vô cùng.
Minh chúa ghét phải chẻ sợi tóc ra làm tư , vì bất khả tư nghì mà , nhưng rồi phải nương theo nó để chuyển tải cái ý hạn hữu của mình , Minh thử trình bày cái hiểu ,cái cảm thụ của Minh một chút cho vui nha :
[b]Em thuở ấy trong veo như giọt rượu,[/b]
-Thuở ấy xác định rằng:
Thời gian vật lý : # Em của quá khứ #Ta với điểm nhìn hiện tại –khoảng cách: trên 30 năm.
Không gian vật lý : Em quá khứ tồn tại một điểm xác định , ta hiện tiền tồn tại một điểm không xác định ( nên sau này mới nói Chiều phiêu linh).
– trong veo như giọt rượu,:hàm ý đó là người con gái đã trong độ tuổi đôi mươi , tâm hồn còn đang thanh khiết , ngây thơ , chưa vướng vào vòng tục lụy , tại sao không như giọt nắng ban mai hay như giọt sương thu mà là như giọt rượu mà là trong veo thì đích thị là rượu gạo (Bà Điểm , Đá bạc , Bàu đá , Gò đen , Làng Vân …) quốc hồn quốc túy rồi còn gì . Nó chưa nhiễm trược , chưa vẩn đục , đầy quyến rủ , mê say , đắm đuối..
[b]
Biết vô thường sao cứ mãi ngẩn ngơ,[/b]
Vế trước và sau của câu thơ thật là ăn khớp , như Lão tử khi nói về cái sự biết (Đạo):Người biết không nói , người nói không biết “Tri giả bất ngôn,ngôn giả bất tri”. Vậy mà tác giả dám nói biết Vô Thường , tức là tác giả không biết hoặc là biết chưa rốt ráo (hoặc biết mà chưa biết sợ: chưa thấy quan tài chưa đổ lệ) –cũng vì cái biết không rốt ráo mà tác giả mới thản nhiên “cứ mãi ngẩn ngơ”. Một câu thơ hay & nỗi buồn cứ ngỡ là man mác nhưng lại rất là sâu , vế trước trả lời cho vế sau – không xuất phát từ tâm thức là gì?
Vô thường無常 : là không luôn luôn như vậy, tức là có thay đổi, biến hóa không chừng. Các vật ở thế gian, trước không nay có, có rồi lại không, nên thảy đều Vô thường sanh diệt, lưu chuyển, không sát na nào yên, nên gọi là Vô thường.Cái vô thường đã làm cho cái”trong veo như giọt rượu “ thưở ấy thành những cognac , whisky…những so sánh ,những phân biệt , thiệt hơn…..
Biết vô thường mà không buông bỏ được , cứ trôi lăn mãi trong vô thường không đáng buồn lắm chăng?
[b]Chiều phiêu linh ta ngồi bên quán cóc,
Cạn ly đầy như uống cả giọt em.[/b]
Thường thì khi nhắc đến chiều người ta hay liên tưởng đến nỗi buồn , mà quả thật trong thi thơ nhạc họa chiều hay được dùng để nói lên cảm xúc về nỗi buồn nỗi niềm nào đó , nó là khoảng thời gian tranh tối tranh sáng , nó là thời khắc tranh chấp giữa âm và dương để bắt đầu cho một biến chuyển mới nó nằm gần cuối của tiến trình sinh , thành ,trụ , diệt.
Phiêu linh 漂零lại là cái phần linh diệu của ta rơi rụng trôi nổi. Quán cóc lại là thứ quán tạm bợ , chợt có chợt không rất nhanh . Cái thân vật lý ( năm uẩn) đã đành , cái thân linh diệu lại trôi nổi trong những buổi chiều buồn vô định không biết an trú về đâu , quả thật là buồn , buồn để rồi nâng ly rượu lên ngửa cổ uống cạn ly mà hoang huyển với sự trong veo vô thường , quả đáng buồn lắm chăng?
[b]Ta ngầu đục như sông Côn mùa lũ,
Bao yêu thương cứ nhốt mãi trong lòng,
Tuổi chạng vạng giật mình, ôi lau trắng,[/b]
Sống trong vô thường , nương theo vô thường, sao không vướng vào nghiệp vào nhân vào quả cho được. Một sát na nhìn lại ta không là đại du thủ thì cũng là tiểu du côn , tâm ta biến hiện , xáo động , lung tung , sân ,si ,mê, dục, đến như dòng sông mùa lũ mang trong mình nó biết bao thánh khiết hòa lẩn bao dơ bẩn tạp uế, loạn xà ngầu cả lên nên tác giả thấy tâm mình ngầu đục ,sục sôi cuồng loạn biết đâu mà lần , biết đâu là trong là đục đâu là bờ bến. Thôi thì đành chôn chặt vào nội tâm.Tĩnh tâm tác giả nhìn lại quảng đường qua , mình đã già rồi ư , thân Người khó làm , thế mà…Đến đây giật mình than ôi mái đầu đã bạc trắng mất rồi . Cuộc trần ai giờ đây như những bông lau trắng trên đầu ngọn lau kia phất phơ giữa đất trời , chỉ biết nương theo gió mà tồn tại mà chờ ngày trở về…
[b]Bồ tát ơi! ta lạc lối qua sông.[/b]
Ui chao ! câu thơ này thật đáng bàn ! tác giả không gọi trời gọi đất không gọi cha gọi mẹ không gọi đến người em thưở ấy , chẳng gọi ai cả mà gọi Bồ tát ơi! rồi xưng ta ,tác giả hổn ư !tăng thượng mạn ư ! ngã mạn ư ! không , bởi tác giả đang chới với giữa vô thường , tâm không nơi an trú , không bến đậu .Mặc cho tác giả nhận nhầm cái ngã là thực đi nữa ,không thấy cái tâm thường hằng , cái bản lai diện mục là cái thực .Mặc cho tác giả cho rằng Bồ Tát là Phật tánh trong ta.Thì nhà Phật cũng đã thường bảo “ Buông đao thành Phật đó sao “ – Phải buông xả , buông xả tất cả , ngay đến Phật pháp cũng buông xả đó sao.
Khi nói Bồ tát ơi! là đã ngưỡng vọng là đã hướng lên , là đã đi theo con đường để tìm trở về cái gốc đích thực của mình . Mặc cho có lạc lối bao lâu chăng nữa.Tui tin tác giả có ngày trở về đó.
Một đêm mùa đông gió bấc lạnh , rít từng cơn , nghe những ca từ như thế , nhìn lại quảng đời đã qua của mình quá u mê huyễn hoặc , không biết rồi sẽ còn trôi lăn bao lâu nữa , mà sao không chạnh lòng không tê tái cho được bạn ơi.Chắc có lẽ cùng tâm trạng đồng cảm ,Tú ,đã phổ nhạc bài thơ này
Như Lão Tử bảo thì tui thuộc tuýp người : [b]Nói tức là người không biết .[/b] 🙁 🙁
Mong các bạn miễn thứ .
Chúc các bạn thân tâm thường lạc
Hm
Thân gởi bạn Nặc danh 2,
Bạn nguyễn Hoàng Minh và các bạn,
Mình không ngờ là Minh cảm nhận bài thơ ” dữ dội ” như vậy, đọc bài của Nặc danh 2 và của bạn, xin có được 1 vài lời phi lộ :
Anh Nguyễn Đình Lương là người anh , con ông bác của Nguyễn Viết Dũng, là 1 người làm thơ hay và nổi tiếng trong vùng ( bạn của nhà văn Đào Hiếu ) , mình thường gọi là : anh Bốn Lương .
Trong 1 lần uống rượu ở quán Đất Sét với các bạn ở quê ( có em của anh Lương là bạn học cùng lớp ), nghe đọc nghe bài ” Bên cầu gãy sông Ba “, rồi nhớ những lần lang thang trên Phutho74.com thấy tấm hình trắng đen của cô bạn học ngày xưa nên lấy câu [i]Em thuở ấy trong veo như giọt rượu[/i] và làm tiếp 3 câu thơ con cóc gắn dưới bức hình cô bạn cũ coi như là 1 lời bàn.
Sau đó mình thường vào Phutho74.com để xem lại 4 câu thơ này ( hay để xem hình cô bạn cũ ? ), và có làm tiếp 4 câu nữa – coi như 1 lời bàn tiếp chứ không nghĩ là 1 bài thơ hoàn chỉnh , bỡi vì khi đặt chung với nhau thấy lạ lạ, không được trơn tru, không ra 1 bài thơ, chắc do làm cách quãng 1 thời gian. Ý tưởng , vần điệu không ” ăn ” với nhau.
Các bạn cũng có ít người biết mấy câu thơ này mặc dù nó có mặt trên Phutho74.com cả 1 năm nay , vì coi như là lời bàn qua ngày , nên cũng không có ý nghĩ ghi chú thích của câu thơ đầu tiên là của anh Lương, hay các từ mình đã lấy dùng để ghép câu như : [i]sông Côn mùa lũ [/i]là tên 1 tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác hoặc [i]lau trắng[/i] là từ lấy ở trong bài Chiếc lá thu phai của Trịnh Công Sơn .
Trong những lần nhậu ở quê, với các bạn, mình cũng hay đọc mấy câu thơ này, cũng có lần đọc cho anh Lương nghe cả bài Lạc lối bên sông và anh ấy rất khoái câu : Bồ tát ơi ta mất lối qua sông .
Rồi Tôn Thất Tú nghe và ra chuyện : lột da mấy câu thơ con cóc của mình, phổ nhạc cho các bạn nghe, từ lúc ý nhạc reo trong đầu Tú đến lúc hình thành bài nhạc rất nhanh- do có Hiếu, Ngôn, Hoàng Minh và Ngọc Dung giúp sức.
Bây giờ khá nhiều bạn đã biết mấy câu thơ và bài nhạc này. Việc không ghi lại các chú thích như nói ở trên thật là sai sót , cũng do nghĩ rằng chỉ là 1 lời bàn thôi chứ không dám lấy ý tưởng của ai rồi ghép vào cho là của mình, xin các bạn hiểu cho .
Các bạn thân mến,
Tình thật là như vậy , còn nếu có ai đó có ý nghĩ khác thì chỉ biết : Nam Mô Bồ Tát Ma Ha Tát.
Chúc các bạn vui khỏe.
Nguyễn Viết Dũng.
PS. tấm hình cô bạn cũ và mấy câu thơ đầu tiên chưa chỉnh sửa, nếu các bạn muốn biết , xin theo đường dẫn này :
http://www.phutho74.com/index.php?option=com_g2bridge&view=gallery&Itemid=233&g2_itemId=6695