PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàSáng TácĐoản VănMột lần hát Tình ca

Một lần hát Tình ca

Hôm qua chủ nhật ..buồn, không biết làm gì nên mở karaoke ra nghêu ngao hát. Sau một hồi những bài …linh tinh thì muốn hát lại bài Tình ca của Phạm Duy. Bài hát mẹ đã dạy cho hát , cùng với bài Trường làng tôi của Phạm Trọng,  khi mình hình như là mới vào lớp 1.   

Tình Ca, nhạc Phạm Duy, Thái Thanh trình bày

Tôi yêu tiếng nước tôi,
Từ khi mới ra đời, người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời!

Hồi bé thì làm sao hiểu được những gì ông Phạm Duy gởi gắm vào bài hát. Thích bài hát vì mẹ dạy, vì âm điệu khi đó nghe quá đỗi dịu dàng, khi lớn thêm một chút và bây giờ thì thấy sao mà tha thiết! Và cứ thế, hát thuộc lòng “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” hay “một yêu câu hát chuyện Kiều”  mà chẳng hiểu mệnh nước là gì với lại tại sao câu Kiều lại…lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta”… May ra thì hiểu được cô gái bên nhà được yêu vì miệng xinh ăn nói mặn mà có duyên !

Mẹ chỉ dạy cho đọan thứ nhất. Có lẽ mẹ cũng không thuộc đọan 2, đọan 3. Sau đó, ba mua về một cái máy quay đĩa với vô số dĩa hát. Trong đó có một dĩa bự (78 vòng) mà hai chị em rất thích nghe, có những bài Reo vang bình minh, Bạch đằng giang, Rừng Lạng Sơn, Tình ca…hình như do mấy cô Thái Thanh, Mộc Lan, Kim Tước …hát, các nam ca sĩ thì không nhớ được ai, có lẽ có Hòai Bắc, Hòai Trung, Anh Ngọc…?  Lúc đó mới nghe được đọan 3 của bài Tình ca.

Ông Phạm Duy đã yêu tiếng nước tôi qua câu ru của mẹ, qua những câu Kiều trau chuốt  của cụ Nguyễn Du,… giờ là đến yêu những con người nước tôi. Lời của đọan 3 thì dễ hiểu lắm, vì những bác nông phu, những bà mẹ quê với tấm áo nâu và đàn trâu trên cánh đồng là những hình ảnh quá quen thuộc. Và khi đã yêu những con người, những hình ảnh đơn sơ nhất ấy, làm sao không nhắc đến những anh hùng trong những trang sử vàng son của đất nước. Muôn đời và mai sau:

Tôi yêu biết bao người
Lý , Lê, Trần và còn ai nữa
Những anh hùng của thời xa xưa
Những anh hùng của một ngày mai…

Nhưng da diết nhất với mình, là đọan thứ hai, không biết đã được nghe từ hồi nào, lời hát về đất nước tôi:

Tôi yêu đất nước tôi
Nằm phơi phới bên bờ biển xanh
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình
Nhìn trùng dương hát câu no lành

Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hòang hôn
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng,
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

Tôi yêu những sông trường!
Biết ái tình ở giòng sông Hương
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong
Người yêu thế giới mịt mùng
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng Việt Nam
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung Nam Bắc kết hàng mến nhau.

Cả một dải đất chữ S với bao nhiêu sông núi thân yêu cùng với đặc điểm vùng miền , cứ như một bài địa lý tổng hợp, được gói gọn vào trong những câu hát- Vì vậy mà mình có thể quên tất cả những gì không hay, không đẹp người ta đã nói về Nhạc sĩ Phạm Duy!

Chiều hôm qua, khi hát đến đọan thứ hai, một nỗi ray rức chợt đến và rồi cứ miên man, miên man…. Mình đã tự nghĩ những gì ông Phạm Duy viết bây giờ và mai sau có còn được như vậy nữa không.

Người dân nước mình có còn được nhìn trùng dương hát câu no lành nữa không. Các chàng trai xứ Quảng :

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Có còn:

.. bơi thuyền đi đánh cá (Quê hương – Tế Hanh)

Hay  lại phải xếp thuyền, treo lưới ngay trong mùa cá, chờ một ngày bình yên.

Trường Sơn có còn là nơi ẩn bóng hòang hôn kỳ vĩ, có còn là “thế tựa sơn” để dân Việt tựa vào, tự tin nhìn ra biển lớn? Hay mai này đất đỏ bazan nhỏ máu khóc thương.

Thương câu hát núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng, Lúa miền Nam chờ gió mùa lên. Miền Tây – đồng bằng sông Cửu Long có còn là vựa lúa no đầy, trù phú của miền Nam ? Hay mai đây, dòng phù sa màu mỡ sẽ bị chặn lại từ những con đập đầu nguồn. Chín con rồng từ từ tan mất vào biển khơi để lại cánh đồng mặn chát vì nước biển.

Mà nghe đâu, đầu nguồn sông Hồng cũng sẽ có những cái đập chặn nước như vậy.

Hai con sông lớn của đất nước, lại óai oăm, bắt nguồn từ những cao nguyên Tây Tạng, Vân Nam , trên đất người!

Cái đòn gánh miền Trung có còn nặng trĩu hai đầu , gánh hai vựa thóc của đất nước?

Nghĩ mà đau!

Thế đó, hát Tình ca mà buồn quá , nhưng sao tận trong đáy lòng vẫn còn một  niềm tin: chả lẽ đất nước mình không còn có ngày sáng tươi sau bao nhiêu máu xương đã đổ xuống? Mình không tin như vậy vì thấy còn chung quanh đây bao nhiêu tấm lòng.

Niềm tin như những câu hát :
Vì yêu, yêu nước , yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài tình ca
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà
Lòng tôi đã nở như là đóa hoa.

Ngọc Dung
tháng 7/2009

12 BÌNH LUẬN

  1. Hạnh,
    Tìm chữ gì thay cho chữ “rên rỉ” dùm đi! Thái Thanh chứ đâu phải….Chế Linh 😀
    Khi tải nhạc lên, đừng có quên bài Tình hòai hương nhen. Cám ơn trước.
    nd

  2. Dung,
    Bài này là một trong những bài của Phạm Duy mà H. thích nhứt. Đêm khuya, nghe Thái Thanh rên rỉ, [i]bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi[/i]… mà muốn rướm nước mắt.
    Cuối tuần này về lại Melnourne, sẽ tải lên một số nhạc cũ của Phạm Duy do Thái Thanh hát.
    H.

  3. Tui cũng rất thích bài này,(ngày xưa nghiện nhạc Phạm Duy, Văn Cao,Đoàn Chuẩn Từ Linh , Đặng thế Phong ..nói chung nhạc Tiền Chiến lắm). Cám ơn đã tải lên.
    Cái vụ Sông Hồng M. chưa nghe (đọc chính xác ). Chớ cái vụ Mê Kông thì ui thui đau lắm. TQ không nằm trong Ủy ban quốc tế sông Mê Kông , có mời họ cũng không vào ( nghe phong phanh họ không có khái niệm \"sông quốc tế\".Tại Tây Tạng và Vân Nam dòng sông này có tên là LAN THƯƠNG (lạng xạng) làm cho mình hiểu tình thương lan tỏa muôn nơi – thế mà-họ chơi cú: THƯỢNG ĐIỀN TÍCH THỦY HẠ ĐIỀN KHAN – (nghe nói có cái kế hoạch lái dòng bù nước về sông Dương Tử , nước Dương Tử về Hoàng Hà , để tưới cho vùng Bắc khô khan. Đó là chưa kể họ chơi cú Tam Quốc Chí (vỡ đập). Ôi đủ thứ , môi trường , dòng chảy , phù sa….Đầu nguồn tại TQ chiếm khoảng 16%(?) lưu lượng Mê Kông… Bao nhiêu hệ lụy cho tự nhiên , cho các tộc người hiền hòa sống với và nhờ dòng sông này.
    Mười mấy cái thượng lưu ở Lào và Thái LAn hình như đã ngưng , và nó được sự bàn thảo của UB sông Mê kông . Còn mười mấy cái ở TQ thì đã hình như đã xây dựng được 4-5 cái rồi (-ngoài tầm tay-)
    Thấy Mê Kông mà đâm ghen tức với thằng Danube , Hắn cũng chảy qua mười mấy nước cũng thượng trung hạ ,thế mà \" đứa nào cũng thương hắn\" hắn cảm cúm sơ sơ đứa nào cũng xúm lại lo . Bởi rứa mới có cái bài The blue Danube của Johann Strauss II (1825-1899) thật hay . Phạm Duy phổ lời Việt : Một dòng xanh xanh , một dòng tràn mông mênh , một dòng nồng ý biếc ….Sông về sông dào dạt ý…
    .Ai ghiền bài hát này thì vô đây:
    [url]http://www.youtube.com/watch?v=2jer6EF3cbE[/url]
    Nghe nói TQ mở tuyến đường vận tải sông Mê Kông ở Lào , gần đây họ có đề nghị tạm gác vấn đề chủ quyền trên biển Đông , mà cùng nhau hợp tác khai thác.
    Rõ ràng hai năm là mười . Khúc Lạng Xạng trên đất tui tui muốn làm gì kệ tui , còn trên (lãnh thổ ,lãnh hải , biển đông…) của ông thôi xài chung.
    Giống hồi nhỏ bị thằng bạn to con lớn xác ăn hiếp : đề ra nguyên tắc : của tau tau dùng , của mi chúng ta dùng chung!
    HM

  4. Dear N Dung!
    Cám ơn bạn vẫn còn chút tình với đất nước VN khốn khó này, bởi vì tôi đã sinh ra ở đây sau cuộc chiến chống đế quốc Pháp ( 100 năm), lớn lên ở đây trong cuộc chiến 20 năm khốc liệt, vẫn còn bám trụ ở đây từ năm 1975, qua cuộc chiến Campuchia và biên giới phía Bắc với TQ, bây giờ vẫn đang khóc cười theo mệnh nước nổi trôi và vẩn vững vàng trong cuộc sống dù thế giới đang trãi qua cuộc khủng hoảng kinh tế và đại dịch H1N1.
    Niềm tin của N Dung về tương lai đất nước VN sáng tươi là có cơ sở vì:
    ” Tôi yêu biết bao người
    Lý , Lê, Trần và còn ai nữa
    Những anh hùng của thời xa xưa
    Những anh hùng của một ngày mai…”
    Lịch sử VN đã có Lý công Uẩn,Lê Lợi, Trần Hưng Đạo,Quang Trung đánh tan giặc Tàu,Mông Cổ, Xiêm La, Chân Lạp; Dân tộc VN đánh bại đế quốc Pháp ở Điện biên Phủ, giành lại độc lập tự do thống nhất cho đất nước từ tay ngoại bang bằng bất cứ giá nào, bất cứ đau khổ, mất mát nào.
    Thân chào.
    DT Sỹ- ACK 74

  5. Dung oi,

    nhung gi D. noi len, ai cung biet het…mot nguoi luu vong nay thinh thoang co nghe lai may bai nhac do…ma long rat u la buon nen khong bao gio nghe het duoc nhung ban nhac…bay gio lam gi duoc Thai thanh ca, chi co Y lan, not bad…nhung loi nhac no xoan vao dau…nen khi doc qua nhung dong phan tich cua d. cang lam minh tham them, nhung biet lam sao…

  6. Bạn ở xa à,
    Dung không hy vọng thế hệ mình được sống lại trong khung cảnh thanh bình của đất nước – như hồi còn nhỏ (nhỏ quá nên làm sao biết được những gì đang xảy ra trên đất nước mình) Nên bây giờ chỉ nghe và …hát những bài đó để tự…”ru ngủ” mình thôi. Nhưng “ngủ” không yên. Cứ phải “thức giấc”, như những gì Dung viết trên đây vậy. 😀 .
    Vậy là bạn ở xa (Brisban – Dung đóan vậy) mà vẫn đau đáu về Việt Nam? Nếu nghe những bài đó mà buồn quá thì nghe nhạc mới đi. Bạn search “Biển nỗi nhớ và em – Thu Phương hát”; “Tình ca phố – Đức Tuấn hát”; “Những mùa đông yêu dấu – Tấn Minh hát” (Úc đang mùa Đông)… trên internet. Dung thấy mấy bài đó hay lắm.
    Nghe đỡ buồn nhen bạn.
    nd
    Thêm: Admin của Phutho74.com sẽ làm thêm mục giới thiệu bài hát hay sắp tới đây, bạn chờ nhé.

  7. Dung oi, minh cung dang nghe lai nhung bai nhac cu, moi ngay tren duong di tu cho dau xe toi cho lam, co the nghe duoc mot bai, tai vua roi doc bia cua d. minh nghe lai cap song ca Khanh ly va Pham duy, mot bai rat hay…noi len tinh yeu, su dau kho va cai chet, khong biet sao minh chi thich nhung the loai do…u se mo nhung bai d. gioi thieu nghe thu…khong biet co thoi gio khong, moi ngay chi co rat it gio de nghe nhac mot minh…hoi weir qua phai khong…thuong thuc nhac ma ly…

  8. Dung

    Kiểu này là Dung đặt cái cày trước con trâu !
    Mấy bữa rày bận quá, không có thì giờ để viết lách gì hết

    Sao Dung không viết đại đi, nhạc gì, bài gì cũng được, ai hát cũng được. Miễn là Dung viết thực với lòng mình thì đọc sẽ thấy hay liền !!!

    H.

  9. tu de cau bai nhac do la “roi mai day toi se chet”…voi chinh tac gia va khanh ly ca, that la tuyet chieu do d. minh thich cai giong rat u la …gi do cua ong gia…tim nghe di…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả