LTS. Bài viết này là cho kỷ niệm ngày giỗ thứ 18 của Đào Xuân Ngọc. Có kỷ niệm gì để kể thêm thì xin các bạn viết trong phần Lời Bình Luận bên dưới hay gởi bài về.
Thúc Quang báo tin:”Ngọc mất rồi!”. Dẫu biết giờ phút ấy thế nào cũng tới, nhưng sao vẫn thấy bất ngờ, hụt hẫng. Tan sở, mình đạp xe ra đường Trần Quang Khải , đặt một vòng hoa trắng với hàng chữ “Vô cùng thương tiếc, Đào Đào ơi!”. Nhìn thấy vòng hoa, Phi Ích Cương hỏi “Tại sao là Đào Đào?” Vì đó là cái tên Ngọc thích và thường xưng như vậy mỗi khi viết thư cho mình.

Làm sao không thương tiếc một cô bạn đặc biệt như thế, xẻ chia với mình nhiều như thế những buồn vui khi còn đi học, khi đã ra đi làm. Ngọc giản dị như…một chàng trai. Sinh nhật Ngọc là 20/10, trước đó 10 ngày, 10/10 là sinh nhật Bích Huyền. Nhớ có một lần, tới SN Huyền, nghèo quá, không mua được quà gì đáng giá cho bạn ngòai một đọan ruban màu. Sáng đó, vô lớp, mình đã thắt 2 cái nơ bằng ruban buộc lên tóc Huyền để làm…quà sinh nhật. Món quà nhỏ xíu, bất ngờ đó làm 4 cô Xây dựng (lúc đó hình như Cường đã nghỉ học) vui lắm. Nhưng sau đó Ngọc thì thầm:”SN tao mày đừng có làm như vậy nữa nhé! Tao không thắt nơ như vậy được đâu, ngượng lắm !”
Rồi lần đi lao động Tân Long. Lúc đó mình đã thấy vui, không hãi hùng như thời Phạm Văn Cội. Nhớ đêm biểu diễn văn nghệ cuối cùng trước khi về, Tổ 3 của Ngọc đã có một buổi trình diễn xuất sắc với màn múa của Phạm Kim Sang và dàn hòa tấu đàn miệng của mấy bạn trong tổ. Ngọc không ra biểu diễn nhưng cố võ nhiệt tình bằng những trận cười nghiêng ngả vì màn biểu diễn quá độc đáo. Nhớ hòai gương mặt đầy “diễn cảm” của Sang khi hát “Lá đỏ” cải biên: Ngọc ơi! Tân Long lộng gió !
Thực tập tốt nghiệp, Ngọc cùng tổ với Lợi, Thiết, Tuấn (voi) và mình. Lúc đầu, còn ngồi chung với nhân viên của Viện thiết kế vậy mà cả hai đã có một lần cãi nhau chí chóe trong phòng, Thiết và Tuấn can không nổi. Lúc cãi nhau thì giận, tức, nước mắt…nhưng cũng không thiếu những lần ở lại thật muộn để làm bài, chở nhau về bằng xe đạp trong đêm, hay cùng Đà, thống kê dùm mình những bảng cốt thép cho kịp trước ngày bảo vệ.
Ra trường, Ngọc về Long An, có dịp thực hành nhiều những bài học đã học. Ngọc than ”Trên bàn tao không lúc nào vơi bảng vẽ”. Rồi về lại Sài Gòn.
Đám cưới mình, Ngọc may dùm 2 cái ruột gối nhồi bông gòn. Vội lắm nên không kịp lấy hột gòn ra, gối một thời gian thì gòn đi đàng gòn, hột đi đàng hột. Quà cưới là những đồ dùng trong nhà bằng nhựa màu xanh lá chuối non (Ngọc biết mình thích màu đó). Những món quà giản dị ấy, gói ghém bao yêu thương bạn bè, bao giờ mình mới quên!
Được tin Ngọc bệnh từ Sơn, em Đà. Bàng hòang . Thương Ngọc, thương cu Linh còn quá bé bỏng. Vào Chợ Rẫy thăm Ngọc mà lòng xót xa vì sự lạc quan của Ngọc. Ngọc nói “Vào làm gì, ít hôm nữa tao khỏe về nhà rồi đến chơi”. Ngọc không biết bệnh mình, tưởng rằng đã được giải phẫu để chữa dứt bệnh. Ngọc về nhà ba mẹ, cứ héo mòn dần , nhưng đôi mắt vẫn rất sáng, rất tinh anh dưới đôi mày rất đậm của Ngọc. Mình đã tự trấn an, con người với đôi mắt sáng như vậy thì không thể chết được, khỏang 2 tuần trước khi Ngọc mất, trong lần cuối thăm Ngọc.
Hôm đưa Ngọc đi hỏa táng, xe tang chạy từ nhà ba mẹ Ngọc, đường Phan Kế Bính, vô tận cuối đường Trần Hưng Đạo để Ngọc nhìn lại tổ ấm của mình rồi sau đó, không biết gia đình có chủ ý không hay do thuận đường, rẽ qua Lý Thường Kiệt để đi Bình Hưng Hòa. Khi xe đi ngang cổng trường xưa, nghĩ rằng Ngọc đang giã biệt ngôi trường đã học bao năm, rằng từ nay, nơi này vĩnh viễn chẳng còn in dấu chân của Ngọc, nỗi nhớ thương dâng đầy trong mắt và tuôn trào không kềm chế nổi.
Nhớ Tết nào phòng khách nhà ba mẹ Ngọc cũng được chưng một cành đào nở hoa rất đẹp mà chợt nghĩ Ngọc như một nụ “Đào” chưa kịp nở trọn vẹn đã vội phai, rơi rụng giữa xuân thì.
Phạm Thị Ngọc Dung
19/3/2009
Mười tám năm rồi, Ngọc từ bỏ thế giới này!
Đọc bài viết của Ngọc Dung bao nhiêu kỷ niệm của 4 đứa con gái tụi mình trong lớp Xây dựng chợt hiện ra. Ngày xưa, lúc Ngọc mới vào, tụi mình hay gọi Ngọc “con nhỏ Bắc kỳ”. Nhưng “con nhỏ Bắc kỳ”này tính tình dễ thương quá, thân thiện, gần gũi và rất tốt với bạn bè. Nhớ những lần lao động Ngọc hay giành công việc nặng, nhường mình việc nhẹ hơn, lúc nào hình như Ngọc cũng sẵn sàng để bảo vệ mình. Ngọc thẳng thắn, đơn giản, giống như con trai và giẫy nâỷ lên khi bắt làm …điệu, nhưng mà có lần đôi má Ngọc ửng hồng lên khi bị tụi mình chọc gheo!!??
Làm sao quên được giọng cười giòn tan, vô tư của Ngọc, cũng như nét mặt bực bội cự nự mấy anh chàng trong lớp “hâm tỉ độ”!
Ngọc hay gọi “cái Dung”, “cái Phương Anh”, “cái Huyền” và mình gọi… “cái Ngọc” à……..!!!
Viết vài dòng để nhớ bạn!!!
Bích Huyền
19/3/2009
Ngọc Dung,
Bài viết hay quá! Đọc xong buồn muốn khóc, và bỗng dưng…chán sống! Ông trời lập trình nhiều khi thật khó hiểu!
Hi Ngọc Anh,
Sao lại như vậy được! Đừng có lập trình lộn xộn nữa chứ! :roll::
Dung
Bài viết hay, đọc cảm động quá cỡ, nhứt là hai đoạn cuối.
Mong là Dung sẽ tiếp tục gởi bài lên…
tình thân
Hạnh
[i]Lạy trời cho ngày vui qua mau, cho tuổi trẻ chóng tàn và cho những người con gái chết lúc còn xuân đẹp – Phạm Công Thiện[/i]
Các bạn,
Hôm nay, 19/3/2011, là ngày tròn 20 năm Ngọc mất. 20 năm với bao chuyện vật đổi sao dời nhưng những mến thương đã chia xẻ cùng bạn bè thì vẫn còn đó.
Chợt nhớ tới bài Rơi lệ ru người:
[i]Thí dụ bây giờ em phải đi…
Quanh em, trăm năm khép lại
Có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi…[/i]
Trăm năm thật sự đã khép lại vì tất cả là [i]thực[/i] chứ không phải [i]thí dụ[/i].
Vài hàng tưởng nhớ Ngọc.
ND
* Hạnh ơi, bài này đã mang tựa “Đào Đào” …tròn 2 năm rồi, hôm nay D sửa lại cái tên nguyên thủy của bài nhé! 😆