Tặng Thành, Lâm, và Hải để nhớ về những tháng ngày ở cư xá Lữ Gia 1975-1976.
Trịnh Xuân Thành và tôi cùng khóa Hàng Hải 73 với nhau. Trong năm học 74-75 khi chưa hết học kỳ hai thì đã xẩy ra chuyện ngày 30 tháng 4. Trường Hàng Hải phải ngưng hoạt động để chờ chỉ thị của chính quyền mới. Hơn một năm sau chúng tôi được chuyển sang khoa Cơ Khí để học cùng lớp với khóa 74. Nhưng đường đời đưa đẩy, chỉ được ít lâu tôi cũng lại bỏ trường, bỏ thành phố về miền Tây sống đời gạo chợ nước sông. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Những bận rộn trong cuộc sống làm tôi quên khuấy đi những năm tháng ngắn ngủi ở trường kỹ thuật Phú Thọ. Đến khi tuổi đã về chiều, may nhờ có internet mà tôi đã liên lạc lại được với ít người bạn thời đại học ngày xưa, trong đó có Thành. Cũng như tôi, Thành nay đã về hưu. Đang còn sức khỏe và cũng không vướng bận gì nên Thành thường đi đây đi đó khắp nẻo đường đất nước bằng xe gắn máy. Tôi cũng tán đồng với Thành vì là khi còn sức khỏe đi được thì cứ đi kẻo sau này ốm đau thì lại hối tiếc. Bởi vậy hôm rồi khi Thành gọi điện thoại sang cho biết sẽ làm một chuyến đi dọc theo biên giới phía Nam khởi đầu từ Hồng Ngự qua Tân Châu, rồi Hà Tiên, Rạch Giá, U Minh, Cà Mâu để vòng về Đại Ngãi, Trà Cú thì tôi thấy vui lây cho bạn của mình. Tôi có nhờ Thành tiện thể khi nào đến chợ Tắc Cậu thì chụp giùm tấm ảnh ở vàm Xẻo Rô, và một tấm nữa khi về đến chợ Vĩnh Thuận ở U Minh Thượng.
Xẻo Rô là cửa ngõ để đi vào U Minh Thượng. Đối với tôi, U Minh Thượng là nơi có nhiều kỷ niệm vì tôi đã từng ở tù tại đây vào năm 1979. Trại tù nằm trên con kinh thứ Bẩy rẽ ra từ kinh Xẻo Rô, nối liền hai thị trấn là Tắc Cậu và Thới Bình, trên bản đồ nhìn như những nhánh xương cá. Trại tù dựng ở ven rừng tràm, chung quanh đã được người tù phát quang để lại toàn là sậy và những đám ruộng đầy cỏ năng, lát ngút ngàn. Nơi đây dân cư thưa thớt, họa hoằn lắm mới thấy một mái nhà. Còn dưới kinh thì lâu lâu mới có ghe xuồng qua lại, ghe máy lại càng hiếm hoi. Kể ra như vậy để các bạn hình dung ra được cảnh khỉ ho cò gáy ở vùng U Minh ra sao. Từ kinh Xẻo Rô đi về phía Đông đến tận Vị Thanh, Hỏa Lựu, từ phía Nam sông Cái Lớn xuống tới gần kinh xáng Quản Lộ-Phụng Hiệp là cả một vùng mà ngày xưa cách đây non một thế kỷ vẫn còn được xem là đất rừng. Theo như nhà văn Sơn Nam ghi lại thì vào khoảng thời gian đó cọp và sấu vẫn còn tung hoành trên những cánh rừng thưa dấu chân người này. Sau khi ra tù, năm 1980 tôi có nhiều dịp trở lại vùng đất rừng này ở phía bên kia dòng sông Hậu, gần như nằm giữa các thị xã Rạch Giá, Cà Mâu, Bạc Liêu, và Cần Thơ.
Cầu qua sông Cái Lớn, người chụp Trịnh Xuân Thành.
Một vài hôm sau Thành hào hứng gọi sang để cho tôi xem đoạn video quay bằng Viber cây cầu bắc qua sông Cái Lớn. Ngày xưa ghe xuồng từ Rạch Giá phải qua khúc sông cái này để về U Minh, Thới Bình. Người ta rất sợ mỗi khi có gió to sóng lớn trên khúc sông rộng gần cửa biển này. Do vậy mà khi nay có được một cái cầu thì nó giúp cho việc đi lại trở nên thuận tiện biết bao. Thành còn khôi hài kể lại rằng ban nẫy khi hỏi thăm đường về U Minh, người ta hỏi là Thành về đó có việc gì. Thành trả lời là vì ngày xưa có một người bạn ở dưới U Minh. Sau này khi đã dọn đi nơi khác mới biết là còn để quên một món đồ ở dưới đó. Hôm nay ngót nghét sau bốn mươi năm nhân Thành có dịp đi qua đây nên nẩy ra ý muốn ghé vào tìm giúp cho bạn mình, nhưng không biết có còn tìm thấy được gì hay không. Ý của Thành là muốn ghi lại những hình ảnh một nơi chốn kỷ niệm của tôi thuở xa xưa. Còn người bên đường thì chắc nghĩ rằng ông già này lẩm cẩm. Rồi sau đó Thành có gửi qua cho tôi hai tấm ảnh một chụp cầu sông Cái Lớn và một chụp chợ Vĩnh Thuận.
Đúng như đã hàm ý, Thành chẳng tìm thấy được cái món đồ mà tôi đã bỏ quên mấy mươi năm trước. Trong tấm ảnh chụp trước chợ Vĩnh Thuận ngày hôm nay tôi thấy có chiếc xe hàng đang đỗ, một hình ảnh mà tôi chẳng thể nào tưởng tượng ra. Trong đầu tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều cách đây đúng bốn mươi năm, ghe khóm chúng tôi từ Bạc Liêu đang trên đường trở về lại Gò Quao đã cắm sào tại ngã ba chợ Vĩnh Thuận này. Cơm nước xong chúng tôi cho ghe ra giữa sông để mượn gió xua muỗi mòng, và nghỉ qua đêm tại đây chờ con nước xuôi ngày mai đi tiếp. Ngồi trên mui ghe uống trà, nhìn cảnh trí chung quanh vắng lặng với bóng rừng tràm xa xa trong nắng chiều đang phai. Gọi là chợ nhưng chỉ thấy có cái nhà lồng nhỏ, còn chung quanh thì nhà cửa thưa thớt nấp dưới tàng cây xanh. Nếu không có cái xuồng ba lá bán cà phê và thuốc lá tắp ra tắp vào các ghe thương hồ đang neo đậu thì nơi đây chẳng có vẻ gì là một chợ huyện. Chạy dọc theo mặt tiền chợ là con kinh xáng Chắc Băng nối liền thị trấn Thới Bình bên giòng sông Trẹm, Huyện Sử với vàm Chắc Băng, Cạnh Đền. Chính tại con kinh xáng Chắc Băng này là nơi mà năm 1954, những người trong Nam khi tập kết ra Bắc đã xuống tầu neo đậu nơi đây. Từ ngã ba sông Vĩnh Thuận đi về phía bên phải là Cạnh Đền mà nhà văn Sơn Nam đã tả trong chuyện “Cô Út Về Rừng.”
Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh
Bà Cả Ba, mẹ cô Út, ở Bình Thủy vào những năm 30, 40 của thế kỷ trước mà còn thấy Cạnh Đền là vùng đất khỉ ho cò gáy như vậy. Đó là vùng đất rừng, đất thấp chứ không phải là đất vườn, đất rẫy, đất trồng lúa như ở miệt trên Vĩnh Long, Cần Thơ. Năm 1980, sau bao năm chiến tranh tàn phá và cộng với bàn tay tác động của con người, rừng không còn phủ bốn phương trời như ngày xưa mà nay chỉ còn co lại vào vùng lõm. Tuy vậy ngày ấy vùng đất này nói chung vẫn còn hoang vu lắm, vẫn còn nhìn thấy rừng, chứ nào có vẻ đô thị hóa như tấm ảnh mà tôi nhận được ngày hôm nay.
Chợ Vĩnh Thuận ngày nay, người chụp Trịnh Xuân Thành.
Tôi nhớ đến vùng đất mênh mông bao bọc bởi kinh Xẻo Rô, sông Cái Lớn, từ Vị Thanh, Hỏa Lựu xuống tới Long Mỹ để vòng về Vĩnh Thuận, Thới Bình. Đó là những cánh đồng bất tận đầy những cỏ năng, lác, sậy, và tràm. Sông rạch khắp nơi, vùng đất trũng này còn điểm đầy những hố bom ngập nước sâu hoắm to như cái sân nhà, chỉ nhìn thôi cũng thấy rờn rợn không biết đáy ở đâu và có gì ở dưới đó. Vùng quê nghèo, đất nhiễm phèn nặng nên một năm chỉ làm một mùa lúa. Dù có bỏ công cấy cầy cũng chưa chắc được vài giạ một công. Đó đây là những nóc nhà thưa thớt ẩn hiện dọc bờ sông, lẫn vào hàng dừa nước dầy đặc hai bên bờ.
Tôi nhớ đến những con sông vắng lặng, vắng cả bóng ghe thuyền lờ lững trôi. Mỗi khi nước giật để lộ ra bãi sình rộng cả năm bẩy mét tây. Những con thòi lòi loài lưỡng cư chạy kiếm ăn trên bãi rồi thoáng một cái đã thấy trèo lên ôm bẹ dừa nước. Tiếng chim trời nghe quàng quạc từ phía bên trong cồn. Đám dừa nước dầy tới nỗi không thấy được mái nhà trên bờ, không nghe được cả đến tiếng người. Nếu có chuyện gì xẩy ra ngoài sông cái thời cũng không biết kêu cứu vào đâu. Sông nước khắp nơi với những cái tên rất xa lạ nếu ta không từng đặt chân xuống đến vùng đất này. Nào là sông Nước Đục, sông Ngã Ba Tàu, sông Cái Bè, sông Xáng Cụt vân vân. Ở những ngã ba, ngã tư sông chỗ nào có xóm làng đông đúc hơn thường thấy mọc lên những cái chợ mà người ta chỉ lui tới được bằng ghe, thuyền. Những cái chợ lọt thõm vào trong bưng, trong biền như chợ Ngan Gừa, chợ Ngã Ba Đình, chợ Cầu Đỏ, chợ Phó Sinh … mà người dân miệt vườn không mấy khi có dịp ghé đến.
Tôi nhớ đến cánh rừng tràm ngập nước mà tàng cây phủ cả trời xanh. Lá và thân cây tràm rụng xuống rồi mục rữa ra trong nước tù đã qua biết bao đời nay làm thành một lớp bùn có mầu đỏ quánh rất đặc trưng dầy tới gần cả thước ở dưới chân. Hãy nghĩ đến tình cảnh những người tù U Minh đã bao lần bước chân trên lớp bùn nước lấp xấp đến bụng đó, nắm dây choại mà đi trong cảnh chiều hôm tắt nắng mà vẫn còn lang thang ở giữa rừng. Không gian đang tím lại mà chiều hôm chẳng có một mái ấm gia đình mà về. Đi trong những buổi chiều mưa trong rừng U Minh đó để ngẫm đến bài Chiều Mưa Biên Giới:
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng
Thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi”
Tôi nhớ đến những người dân chất phác, hiền lành, và tốt bụng ở vùng đất nghèo này. Chỉ những cái tên thôi đã nói lên cái bản chất mộc mạc, đơn sơ như anh Ba Bụng, thằng Tuất, thằng Hợi … Không bà con, không bạn bè chỉ mới gặp nhau thôi đã sởi lởi mời mọc “cậu Hai ở lại chơi vài bữa rồi dìa”. Bữa cơm dọn lên để đãi khách không thịnh soạn có gà, có rượu như ở miệt trên Vĩnh Long, Cần Thơ mà chỉ có đĩa tép luộc đóng đáy được ngoài sông cái. Nếu không có tép thì có nước mắm kho quẹt ăn với trái khóm ngọt lừ. Còn cơm thì ăn thả cửa. Đất phèn không biết sao mà lại hợp với khóm. Từ Long Mỹ, Hỏa Lựu, về tới Gò Quao, sau này người ta đã lên rẫy khóm khắp nơi.
Bây giờ là tháng Sáu, đang vào giữa mùa mưa. Nước trên rừng tràm chắc đã tràn đầy và đang đổ ra các kinh, rạch chung quanh. Nước từ rừng mang một mầu nâu, đỏ trông tựa như nước cà phê nhạt. Trong những dòng nước đang chẩy xiết đó đem theo biết cơ man nào là cá rô trứng. Những con cá còn bé hơn cả cái đầu ngón tay, cứ thả vợt xuống chỉ trong một khắc là hứng được cả thúng. Cá nhiều như vậy nhưng không ăn được vì rất hôi mùi cỏ. Những dòng nước này sẽ tràn lên các cánh đồng. Đã tự bao đời những con cá rô trứng này vẫn thoát ra từ rừng để vào ruộng như vậy và sẽ lớn lên dần. Kịp tới khi nước giật, cá sẽ rút theo để vào và lớn lên trong những vuông, những đìa mà người ta đã đào sẵn trên những cánh đồng để đến cuối năm có cái thu hoạch ăn Tết.
Lúc trời chập choạng tối thì người ta đã vô mùng nằm để tránh muỗi. Bọn thanh niên chúng tôi rủ nhau đi ra quán nước ngoài bến đò. Con đường đất gặp hôm trời mưa trơn như thoa mỡ, đi không khéo thì ngã như chơi. Buổi tối không còn đò ghe, chủ quán thắp sáng cái bóng đèn bằng bình ắc quy. Lúc có khách lại còn mở thêm nhạc từ cái máy cát sét cũ nữa. Quán chỉ bán cà phê và thuốc lá. Dưới bến sông có mấy chiếc xuồng bán sương sáo. Đây là các cô gái nghe nói quê ở tận Phong Điền. Cứ mỗi lần hết mùa gặt thì lại xuống xuồng tỏa ra các nơi để buôn bán thêm chứ nếu chỉ trông vào ruộng nương thì không đủ sống. Các cô gái Phong Điền này mà tôi gặp ở đầu vàm Xáng Cụt, đi theo từng nhóm năm bẩy người, đem theo đặc sản từ quê nhà là sương sáo xuống tới tận xứ rừng này. Thấy mấy cô gái chịu thương, chịu khó các người bạn quê của tôi xà vào mua và hay nói đùa là tối nay đi ăn sương sáo làm tại hãng.
Chợ Vĩnh Thuận ngày hôm nay đã có quốc lộ 63 chạy ngang qua làm cho sự đi lại trở nên thuận tiện, dễ dàng. Đó là điều tốt vì nó giúp cho việc trao đổi hàng hóa và đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trên vùng đất này. Còn những người như bà Cả Ba ngày hôm nay có thể chỉ trong buổi là đã từ Bình Thủy về đến Cạnh Đền thăm cô Út. Nhưng với cá nhân tôi, qua tấm ảnh này khi thấy một Vĩnh Thuận văn minh hơn thì tôi lại không tìm lại được những cảm xúc như của một buổi chiều nào đậu ghe cũng tại bến chợ này bên bờ rừng U Minh tịch mịch. Ngày đó sau xóm nhà lấp ló lẫn vào triền lá ven bờ là bóng rừng phủ chụp phía chân trời xa xa. Nhìn về hai đầu cũng chỉ thấy hai hàng dừa nước phủ bóng xuống làm hẹp và tối dòng sông trước mặt. Đúng là cảnh “sầu trên nẻo xa chắn ngang đường đi”. Trong một thoáng bâng khuâng bỗng lòng tự hỏi cuộc đời nếu cứ theo những dòng sông này thì rồi sẽ về đâu. Hỏi để không có câu trả lời vì rằng hai người bạn đang đi cùng ghe cũng đang đặt cả hy vọng vào tôi để tìm một con đường cho tương lai của cả bọn.
Bốn mươi năm qua bước chân tôi đã đi qua rất nhiều nơi. Có chỗ chỉ ở vài bữa hay vài tháng. Có chỗ ở đến vài ba năm, nhiều năm. Trên con đường đời đó có biết bao điều đáng nhớ mà người ta vẫn hay gọi là kỷ niệm. Thời gian này khi tuổi đã bắt đầu về già thì tôi bỗng hiểu ra thêm một điều. Đó là bất kỳ một sự kiện nào thì cũng chỉ có giá trị ở vào thời điểm đó. Một sự kiện thì ngoài khung cảnh xung quanh nó còn phải gắn liền với những con người có liên hệ với sự kiện đó. Thí dụ như khi nhìn tấm ảnh chợ Vĩnh Thuận hôm nay, tôi không có cái cảm xúc như khi tôi lúc tuổi đời mới chỉ ngoài đôi mươi và đang còn hăm hở nhìn về tương lai. Hơn nữa khi đang xem lại tấm ảnh này, bên cạnh tôi cũng không có hai người bạn ghe để chia xẻ cái tâm trạng vui buồn như buổi chiều nào bên bìa rừng U Minh, hay khi còn xuôi ngược trên những dòng sông dài. Cái cảm xúc của một buổi chiều bên chợ Vĩnh Thuận ngày nào mà tôi vẫn nhớ cho đến tận hôm nay, thật ra đã ở lại bên dòng kinh Chắc Băng ngay chiều hôm đó. Cho nên khi Thành trong chuyến ngao du miền Tây tiện thể đi tìm lại cho tôi món đồ để quên, cũng không thể tìm thấy được.
Tôi thấy người Mỹ có một quan niệm sống rất hay và cũng rất đơn giản, đó là “live the moment.” Đúng, chúng ta hãy sống cho trọn cái giây phút đang có của ngày hôm nay. Dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng có thể tìm được cái vui, cái an nhàn trong hiện tại. Đừng hoài công tiếc nuối nhìn về quá khứ vì một khi thời gian đã qua thì nó sẽ không bao giờ trở lại. Chúng ta sẽ không có thể làm thay đổi được những gì đã qua. Tất cả chỉ là những món đồ để quên. Còn tương lai thì chưa đến, làm sao chúng ta biết được nó sẽ như thế nào để mà cứ mong đợi?
When I was just a little girl
I asked my mother, what will I be
Will I be pretty? Will I be rich?
Here’s what she said to me
Que sera, sera
Whatever will be, will be
The future’s not ours to see
Que sera, sera
What will be, will be
…………………….
Nguyễn Như Sơn
June 2020