PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Thời Gian Còn Lại

Tháng ba bà già đi biển. Mặt biển bao la trông lặng lẽ như tờ. Ngọn gió Bấc từ phương Bắc xuống đã ngưng thổi từ hồi nào. Trong những ngày lặng gió đó, cái nắng nóng cháy da người làm không khí ở Bắc bán cầu giãn nở, giảm tỷ trọng, và bốc lên cao. Do vậy mà khối không khí lớn từ xích đạo, đem theo hơi nước, phải di chuyển lên các vĩ tuyến cao hơn để lấp đầy. Dòng khí này bị tác dụng của lực Coriolis làm lệch qua hướng phải để tạo nên cơn gió Nồm, gió mậu dịch hay là trade winds thổi theo hướng từ Tây Nam lên Đông Bắc. Ở miền Nam nước ta, mùa gió Nồm thường đem theo đám mây đen trĩu nặng hơi nước kéo từ biển vào đất liền, gây ra những cơn mưa như trút thường không kéo dài lâu. Vào mùa mưa những con sông cái chuyển mình như nước lũ đem theo biết bao phù sa để bón cho đồng ruộng. Những giòng nước trôi mãi quanh co qua những xóm làng để rồi cuối cùng thì chẩy ra cửa biển. Đã tự bao đời nước vẫn từ nguồn đổ ra biển, tựa như thời gian, đã đi qua mà có bao giờ quay trở lại?

Những ngày xa xưa đã có nhiều buổi chiều của mùa nước nổi tôi vô công rỗi nghề ngồi nhìn giòng sông Tiền đục ngầu những phù sa chẩy xiết về phía hạ lưu. Trông theo những đám lục bình lặng lờ trôi để thấy lòng trùng xuống khi cảm nhận được rằng thời gian cũng đang qua nhanh. Đó là những ngày tháng mà đã qua được năm bẩy năm tính từ một cái ngày lịch sử. Cái ngày mà dù đã qua ngót nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn như là chỉ mới hôm qua. Cái ngày đã làm thay đổi vận mệnh của biết bao nhiêu con người, trong đó có cả tôi. Từ một sinh viên mà sinh hoạt hàng ngày chỉ gắn liền với giảng đường đại học mà nay chiều chiều lại cắm sào bên cù lao Bình Hòa Phước để mong được một đêm an bình khi hoàng hôn buông xuống. Mãi đến tận sau này tôi mới hiểu ra rằng cái biến động lịch sử đó đã đưa cuộc đời mình đã qua một bước ngoặc khác, “twist of life”. Một bước ngoặc, mà mình không thể ý thức được hết hệ quả vào lúc đó, đã đưa đẩy theo thời cuộc chứ bản thân không hề có sự lựa chọn gì cả.

Buổi sáng hôm nay khi soi gương chợt thấy mái tóc đã bạc mầu sương gió. Nếu với Hà Huyền Chi “không gian vương dấu giầy” thì với tôi bụi thời gian cũng đã đong đầy trên mái tóc. Cũng đã ngót năm mươi năm rồi chứ ít gì. Mới ngày nào đây tuổi đời chỉ hai mươi, trong lòng không chút vướng bận. Tuổi thanh niên còn tay trắng, dại khờ nhưng lại nuôi mộng lớn mà chỉ một với là lên tới trời. Thế rồi ngày như gió, tháng như mây ngày hôm nay nghĩ lại thì mình đã đi gần hết con đường đời hồi nào chẳng hay. Con đường đời muôn lối đó có lúc thong dong, lúc gập ghềnh với biết bao nghịch cảnh. Ngày hôm nay nhìn lại thì mây trời vẫn bay, nước vẫn theo giòng về nguồn. Thời gian đã đủ dài để quên đi những nốt thăng trầm, để xem chỉ như là những dư âm của một ngày cũ.

Nhớ buổi chiều nào hồi còn ở bên DC cách nay ngót bốn mươi mùa lá rụng. Một người bạn thấy còn bỡ ngỡ đời tỵ nạn bèn chở cho đi xem xi nê. Thuở đó mới vừa sang định cư, chẳng nghề chẳng nghiệp, và cũng chẳng biết tương lai về đâu. Ngày nào cũng ngồi không như thể là ngày cuối tuần được nghỉ ngơi, thư dãn. Hai đứa mua bánh mì và xôi để vào rạp xem hết phim này đến phim nọ cho đến thật khuya mới về. Tôi nhận lời đi xi nê trong ngày làm việc vì dạo đó mình chẳng có chuyện gì để mà làm. Lúc đang ngồi trong rạp có một thoáng chốc tôi chẳng còn theo dõi được chuyện phim khi bỗng nhận ra một cái cảm giác gì đó là lạ trong lòng. Một cái gì đó nhè nhẹ như không yên tâm, như day dứt. Nó nhẹ nhàng, nhưng cũng thật là rõ rệt khiến lòng cảm thấy chẳng an. Mãi cho đến tận về sau này tôi mới tìm thấy được một cụm từ thật hay có thể diễn tả cái tâm trạng nao nao của mình hôm nào trong rạp xi nê: cội nguồn bất an (root of unrest.) Thật vậy, ai có lòng nào khi lại đi tiêu phí một buổi chiều ở cái tuổi ba mươi trong lúc tương lai thì thật là vô định.

Thời mới đến định cư ở Falls Church, có những đêm mất ngủ trong căn chung cư ở khu Seven Corners. Trong bóng đêm ngồi co ro cạnh cửa sổ nhìn xuống khoảng sân cỏ bên dưới. Tuyết phủ trắng xóa sân làm cho cảnh vật như chỉ còn hai mầu đen và trắng. Ngoài kia không một bóng người. Trong nhà mọi người đã yên giấc, chỉ còn một mình ta với ta và điếu thuốc cháy dở trên tay. Trong lúc cô độc đó bỗng chợt nhớ tới bài thơ “Ta làm gì cho hết nửa đời sau” mà mới đọc được ở đâu đó trên một tờ báo phát không ở các chợ. Tác giả chắc phải là một tráng sĩ, cũng cảm khái như thể Nguyễn Bá Trạc khi sáng tác ra bài Hồ Trường. Chắc vị tráng sĩ này trước đây đã từng dọc ngang xông pha trận mạc bên đồn biên giới trên cao nguyên hay núi rừng hỏa tuyến gì đó nên nay cảm thấy rất cám cảnh với cái sống tạm bợ của đời tỵ nạn:

“dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
gánh sơn hà toan chất thử lên vai
chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
nay đất khách kéo đời rất nản
ta tính sẽ về vượt suối trèo non…

sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
và cờ bay trên đất nước xanh tươi

một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
tự đốt mình cho lửa sáng xem sao …

thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
ta tiếc gì năm chục ký xương da
sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
những oan hồn ai bỏ giữa bao la …

bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
thấy chiến trường la liệt xác anh em
năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
những hào hùng uất hận gối lên nhau
kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
ta làm gì cho hết nửa đời sau?”

Nghe thật là quá đã. Tôi đã vồ được một “excuse” rất là có giá trị thuyết phục nếu muốn dễ dãi buông trôi để phần cuộc đời còn lại muốn ra sao thì ra. Thì cứ đổ thừa coi như chuyện đất nước đã xong nên đời trai nay chẳng còn có bổn phận gì nữa. Nửa phần đời đầu đã qua, nửa phần còn lại chẳng nợ gì ai thì ta làm gì cho hết nửa đời sau bây giờ? Nói là như vậy nhưng về sau này tôi có đọc được một bài thơ rất hay của Giang Hữu Tuyên. Bài thơ thi vị hóa sự nhọc nhằn kiếm sống trên vùng đất tạm dung của người tỵ nạn qua hình ảnh một người làm báo ở Mỹ. Đây cũng là sự điển hình hóa của biết bao mảnh đời tỵ nạn đang bắt đầu lại cuộc đời của mình trên quê hương thứ hai này.

“Chiều ngã năm đường năm bảy ngã.
Ngã nào cũng ướt giọt mưa rơi.
Bao mùa mưa đã im giông bão.
Sao nước trường giang vẫn khứ hồi.

Mười mấy năm làm tên phát báo.
Lòng buồn theo thành quách xa xưa.
Những trang tin dội từ quá khứ.
Rớt ngập ngừng cùng những hạt mưa.

Mưa lót ngót đời loi ngoi mãi.
Sáng chưa đi chiều lại mưa về.
Mưa ngã năm từ năm bảy ngã.
Ngã nào cũng mưa và mưa thôi.

Xấp báo trên tay vừa ướt hết.
Vậy mà cứ đứng dưới mưa bay.
Hình như những mùa mưa thuở trước.
Đang về làm ướt trái tim ai.”

Thoắt một cái từ cái ngày đầu đến quê hương thứ hai đầy bỡ ngỡ đó đến nay đã bốn mưới năm. Dù có cả một cuộc đời hay chỉ còn nửa đời, trong từng mỗi hoàn cảnh, ai nấy đều phải cắm đầu cắm cổ lo cho cuộc sống của riêng mình trên vùng đất tạm dung này. Ngày hôm nay, tuổi đời đã gần bẩy bó chỉ thiếu chút đỉnh. Nhìn lại thì nhiều thành bại, vinh nhục trên đời đều đã trải qua. Phải đến tuổi này mới ngộ được lời của người xưa “Ngũ thập tri thiên mệnh” chứ không phải muốn là được. Hoặc giả là ở đời vạn sự tùy duyên. Cuộc đời thật là muôn mầu, muôn vẻ chứ đâu phải chỉ có sự đơn điệu nhị nguyên của thành và bại. Phúc hay họa ở đời thật là khôn lường, nhiều khi chỉ là một chuỗi những sự kiện tái ông thất mã nối tiếp nhau. Những thăng trầm muôn mặt đó luôn luôn hiện hữu để tô điểm cho đời sống, và không ai có thể tránh khỏi. Hiểu được điều đó để lòng yên ổn với cái mà mình có, cái mà mình không có. Do vậy với thời gian còn lại không nhiều, hãy sống sao cho trọn vẹn nhất. Mấy câu thơ ngắn dưới đây tuy thật là đơn giản nhưng lại thâm thúy làm sao. Nó thật là một minh chứng rằng cho dù Đông là Đông và Tây là Tây, nhưng Đông và Tây vẫn có thể gặp nhau.

Here lies a miser who cared for himself,
who cared for nothing but gathering wealth.
Now where he is and how he fares,
Nobody knows and nobody cares

(Anonymous gravestone in Lemmington, England)

Nguyễn Như Sơn
August 3, 2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả