Năm 1973 có một bước nhẩy lớn trong sự phát triển của trường Hàng Hải thuộc Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật tức Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ cũ. Kể từ niên khóa 1973-1974, trường sẽ bắt đầu đào tạo các sĩ quan hải hành và cơ khí cho tầu biển viễn dương theo học trình mới kéo dài bốn năm. Trước đây trường chỉ đào tạo sĩ quan hải hành và cơ khí cho tầu cận và viễn duyên với học trình là hai năm. Vì năm đầu tiên phải học ở trường khoa học cơ bản, chúng tôi, sinh viên lớp viễn dương đầu tiên, bắt đầu học chuyên môn của ngành khi lên năm thứ hai vào niên khóa 1974-1975.
Ảnh huy hiệu Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật do Dương Quang Bổn cung cấp.
Không như những ngành khác ở Học Viện Quốc Gia Kỹ Thuật, hải hành viễn dương là cái gì hết sức mới lạ mà dù có thắc mắc chúng tôi cũng không biết đi hỏi ở nơi đâu. Bởi vậy cho đến khi vào năm học, ngoài những lúc thầy giảng bài, chúng tôi thường đặt rất nhiều câu hỏi để các thầy giải đáp và tiện thể kể thêm những câu chuyện liên quan với cái ngành nghề mà chúng tôi sẽ nối nghiệp trong tương lai. Mỗi ngày chúng tôi lại biết thêm một ít về công việc hải hành viễn dương và đời sống trên biển cả mà lúc đó còn hết sức mới lạ với người Việt Nam. Thật vậy, vào thời gian đó, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chúng ta chỉ mới có ngành hải hành cận duyên và viễn duyên mà thôi. Tầu bè thường chỉ đi lại các cảng trong nước, hoặc nhiều lắm là đến các quốc gia lân cận ở Đông Nam Á. Chuyện đi làm ăn ở ngoại quốc đã ít, đã vậy do hoàn cảnh chiến tranh việc đó lại càng bị hạn chế hơn nữa.
Nhiều thầy của chúng tôi là những viễn dương thuyền trưởng, hầu như đều tốt nghiệp ở các trường hàng hải hay học viện hải quân Pháp. Nên biết một điều là, theo các trường hàng hải Pháp, sau khi tốt nghiệp ra các sĩ quan hải hành phải hội đủ điều kiện có ít nhất là sáu năm đi biển (sea time) để được thi lấy bằng thuyền trưởng. Dù khi đã có bằng rồi nhưng để được thực sự bổ nhiệm làm thuyền trưởng thì còn phải qua một quá trình gay go đòi hỏi những kinh nghiệm từng trải hơn rất nhiều. Thật vậy, vì những con tầu viễn dương là những tài sản có giá trị rất lớn, nhất là vào thuở xa xưa, cho nên khi tầu cặp bến ở một đất nước khác thì nó vẫn được xem là lãnh thổ của đất nước mình. Do vậy, người thuyền trưởng còn phải hành xử trong vai trò là người đại diện quốc gia ở cảng mà mình đang ghé. Cho nên ngoài những hiểu biết về chuyên môn, người thuyền trưởng còn phải có sự lịch lãm trong lãnh vực giao tiếp và cư xử.
Ngày xa xưa khi phương tiện còn thô sơ, mỗi chuyến hải hành viễn dương đều luôn luôn đối diện với biết bao điều bất trắc. Bởi vậy khi ở trên tầu thì mọi mệnh lệnh của thuyền trưởng đều phải được tuyệt đối thi hành. Là người chịu trách nhiệm tối hậu của con tầu, thuyền trưởng bao giờ cũng được coi rất trọng. Thí dụ như lúc đến giờ ăn, các sĩ quan kể cả thuyền phó phải vào bàn ngồi rồi thì thuyền trưởng mới vào. Sau bữa ăn, phải chờ thuyền trưởng đứng lên thì mọi người mới được giải tán. Thời nay, trên các tầu viễn dương của Mỹ không còn thấy quan cách như vậy, nhưng theo một người bạn của tôi đi tầu bên Canada thì tầu Canada hay tầu Pháp vẫn còn giữ ít nhiều truyền thống đó. Để có được những trọng vọng như vậy, người thuyền trưởng cũng phải có rất nhiều trách nhiệm. Thí dụ như gặp lúc nguy hiểm tầu chìm hay phải bỏ tầu, thuyền trưởng phải lo cho mọi người được thoát hiểm trước. Sau đó, nếu muốn rời tầu, thuyền trưởng phải là người cuối cùng. Như chúng ta có xem trong phim Titanic, ông thuyền trưởng, cơ khí trưởng, và chủ tầu đều tiếp tục điều khiển con tầu bị nạn trong khi hành khách đang được đưa xuống thuyền cấp cứu. Cuối cùng, vào giờ phút cuối cả ba đã quyết định cùng ở lại lúc tầu chìm.
Một buổi tối gần cuối năm 1974, trường Hàng Hải có tổ chức buổi lễ nhập môn cho hai khóa 1973 và 1974 tại Câu Lạc Bộ Hải Quân trên bến Bạch Đằng. Cha đỡ đầu của khóa chúng tôi, đề đốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh Hải Quân, nhúng đầu từng sinh viên xuống một chậu nước. Sau thủ tục truyền thống đó là lời tuyên bố khóa Viễn Dương Hàng Hải đầu tiên 1973 sẽ được đặt tên là Đệ Nhất Dương Cưu. Mỗi người chúng tôi còn được phát một cái huy hiệu của ngành để đeo ở ngực. Đối với các người hải hành, mặt trời di chuyển theo một vòng tròn trên trời khi nhìn lên từ trái đất, vòng tròn đó được gọi là vòng Hoàng Đạo (Zodiac). Dương Cưu (Aries) chính là chòm sao của cung đầu tiên trong mười hai cung được chia trên vòng Hoàng Đạo đó. Khóa 1974 cũng có cha đỡ đầu, tôi không nhớ chắc, hình như là ông giám đốc hãng vận tải đường biển Vishipcoline (?). Khóa này được đặt tên là Kim Ngưu (Taurus) tức là chòm sao của cung thứ hai trên vòng Hoàng Đạo. Buổi lễ nhập môn này, chắc bắt chước theo truyền thống các trường hàng hải Pháp, đã để lại trong tôi ít nhiều cảm xúc. Qua bao thế kỷ, người ta đã ghi lại được vô số những câu chuyện mà người thuyền trưởng đã chọn cái chết khi ở lại với con tầu bị chìm. Gần nhất, hồi đầu năm 1974, hạm trưởng Ngụy Văn Thà cũng từ chối rời chiếc chiến hạm đang chìm trong trận hải chiến Hoàng Sa. Truyền thống oai hùng của các thuyền trưởng đó làm cho một thanh niên mới lớn như tôi cảm thấy lây với cái tự hào của danh dự và trách nhiệm.
Nhưng chỉ sau vài tháng ngắn ngủi, một biến cố lớn đã xẩy đến với miền Nam và đưa chúng tôi sang một ngã rẽ cuộc đời: trường Hàng Hải thôi không còn tồn tại nữa. Vào những ngày giao thời đó, ban giảng huấn của trường đã đi ra nước ngoài gần hết. Với những người bạn đồng môn của tôi có người cũng bỏ đi đâu mất. Trong những người còn ở lại, đối diện với một tương lai bấp bênh, một số quyết định bỏ học để xin làm thủy thủ trên các tầu hàng. Số còn lại chỉ độ hơn mười sinh viên thì được ban giám hiệu nhà trường mới cho chuyển hết sang khoa Cơ Khí. Niên khóa 1976-1977 là năm tôi được đi học trở lại sau một thời gian dài xáo trộn. Nhưng mỗi con người lại có một định mệnh riêng. Trên con đường đời người ta vẫn có thể gặp phải cảnh đất bằng nổi sóng, thương hải biến vi tang điền. Những lượn sóng đời cuối cùng cũng xô tôi ra khỏi cái thành phố mà tôi đã sống hết thuở thiếu thời. Nó cũng xô tôi ra khỏi ngôi trường mà năm 1973 sau khi trúng tuyển, tôi đã dệt biết bao mộng đẹp cho tương lai. Bỏ lại tất cả sau lưng, tôi như đặt cả cuộc đời mình vào một canh bạc. Lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân xuống miền Tây sông nước để làm nghề hạ bạc, để biết cảnh chờ đò, và để sống cảnh gạo chợ nước sông. Tôi cũng không bao giờ ngờ rằng cuối cùng mình sẽ trải qua gần năm năm trời lênh đênh trên một cái ghe xuôi ngược khắp vùng châu thổ sông Cửu Long. Có lẽ không có gì diễn tả được tâm trạng của tôi, trong những tháng ngày phiêu bạt đó, hay hơn là những lời trong bài Điệu Buồn Phương Nam của Vũ Đức Sao Biển như sau.
…………………………….
Đàn thiên thu đứt dây tơ rồi,
Theo sóng vàng cát lở sông bồi.
Còn chi nữa, biển dâu đã bao đổi dời,
Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi,
Thương những đời như lục bình trôi
……………………………..
Như đã kể ở trên, khi mộng không thành, hai mươi sáu con dê Dương Cưu gặp cảnh tan đàn, xẻ nghé. Về sau rồi cũng có sáu con dê thực hiện được giấc mộng hải hồ khi kiếm được chân thủy thủ dưới tầu cận duyên. Phần đông còn lại thì sẽ chẳng biết đến tầu bè là gì nữa. Riêng cá nhân tôi thì lại có phần hơi khác. Có lẽ tại vì tôi tuổi Mùi nên cái mạng Dương Cưu nó vận vào đời mình chăng. Không có cái cơ hội vượt trên sóng gió đại dương ngàn trùng, tôi lại có biết bao lần ngồi đến oải cả người đi trên những nhánh sông Cửu Long dài như vô tận. Tuy không bao giờ được theo ánh đèn hải đăng để đặt chân đến những bến cảng xa lạ sáng rực ánh đèn khắp năm châu, tôi lại thường xuyên hàng đêm dừng ghe cắm sào bên những hàng bần tù mù ánh đom đóm. Cũng là cuộc sống lênh đênh, nhưng thay vì là nếp sống hải hồ của các nhà hải hành viễn dương thì cuộc đời tôi lại mang dáng dấp khiêm nhường của các tay giang hồ tỉnh lẻ lưu lạc nơi các bến sông, bến đò của chợ xã, chợ huyện.
Thời gian sống đời gạo chợ nước sông là những tháng ngày lưu lạc. Đó là thời kỳ lúc nào cũng phải lo con nước lớn hay ròng, phải lo ghe đi xuôi hay ngược nước. Rồi hàng tháng cứ đến ngày mười sáu âm lịch lại lo cúng “bà cậu” hồi nào không hay. Cúng vái cũng chẳng để cầu xin buôn may bán đắt làm gì mà nhiều khi chỉ mong cho không gặp phải những chuyện xui xẻo mà thôi. Những nghiệt ngã của cuộc sống tưởng chừng như chưa đủ, sự đổi thay của lòng người lại càng làm thêm ngậm ngùi khi trên những dòng sông vẫn chứng kiến cảnh cát lở sông bồi. Nhưng cũng may, cuộc đời chỉ thử thách tôi chưa đến năm năm. Tôi chấm dứt cuộc đời sông nước của mình vào buổi chiều ngày 24 tháng 6 năm 1983 khi đặt chân lên được Borneo.
Chiều ngày 24 tháng 6 năm 1983 tại Kuala Baram, Sarawak, Malaysia.
Đã mấy mươi năm từ cái buổi chiều mà cuộc đời tôi sang một trang mới. Thỉnh thoảng, tôi vẫn hay lấy tấm ảnh cũ ở trên ra xem lại. Tôi thường dừng mắt ở những lượn sóng ngoài xa đang đổ dồn vào bờ như thể phong ba, bão táp mà có những lúc tưởng rằng không chịu nổi nay đã lui lại ở phía sau lưng. Có lẽ trong những lúc khó khăn nhất mà không ngã lòng chính là nhờ vào sự thôi thúc của một truyền thống mờ nhạt mà tôi đã cảm nhận được ở đêm nhập môn năm nào. Cái truyền thống của những người viễn dương thuyền trưởng mà tôi không bao giờ có cái vinh dự được cùng đứng chung. Tôi chỉ là một học viên của khóa hải hành dang dở, và mãi mãi chỉ là kẻ đứng bên lề. Hôm gần đây tình cờ có đọc được mấy vần thơ của thầy dậy Việt Văn của mình hồi còn dưới thời trung học, tôi xúc động với hào khí của một sĩ phu phải sống trong cảnh giao thời. Dù qua những năm tháng dài đầy những gian lao thử thách, thầy tôi vẫn vượt qua tất cả để làm cây thông đứng thẳng giữa trời xanh. Sự hiên ngang trước nghịch cảnh của một sĩ phu như vậy có khác gì những người cầm nắm vận mệnh con tầu đã bảo vệ danh dự của mình lúc phải chọn lựa một quyết định khó khăn khi con tầu đang chìm là ở lại để tuẫn tiết với tầu.
“Thiên nga không soi bóng nước ao tù
Và tùng bách vẫn xanh cây thẳng ngọn
Gió táp mưa sa là vật mọn
Cho ngàn năm nuôi dưỡng nợ sinh thành
Hoa tâm tư vẫn nở với bình minh”
-Tác giả Bùi Viện
Cảm khái vô cùng.
Lời kết:
Mặc dù trường Hàng Hải là một trường rất nhỏ, hàng năm chỉ tuyển vào khoảng năm mươi sinh viên cho cả hai ngành hải hành và cơ khí, nhưng trong số những cựu học viên của trường có nhiều người đã từng giữ các vai trò rất quan trọng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Xin kể ra theo thứ tự như sau:
1-Tổng Thống: Nguyễn Văn Thiệu.
2-Tư lệnh Hải Quân: Hồ Tấn Quyền, Trần Văn Chơn, Chung Tấn Cang, và Lâm Ngươn Tánh.
3-Sĩ quan cấp tướng:
-Phó Đô Đốc: Chung Tấn Cang
-Đề Đốc: Trần Văn Chơn và Lâm Ngươn Tánh.
-Phó Đề Đốc: Đinh Mạnh Hùng, Nghiêm Văn Phú, và Nguyễn Thành Châu.
Đó là những cựu học viên của trường được đào tạo ra trong khoảng thời gian ba mươi năm (trường khai giảng khóa đầu tiên năm 1941 dưới thời Pháp thuộc). Từ khóa Đệ Nhất Dương Cưu 1973 đến nay đã ngót nghét năm mươi năm. Nếu giả dụ là trường Hàng Hải vẫn còn hoạt động và cứ đặt tên các khóa theo thứ tự của các chòm sao trên vòng Hoàng Đạo như vậy thì đến bây giờ đã có đến khóa Đệ Ngũ Dương Cưu. Và hãy thử tưởng tượng ra là sau năm mươi năm tiếp tục đào tạo với số lượng các cựu học viên đông đảo như vậy thì họ sẽ đóng góp được đến chừng nào cho nước nhà. Thật là một cơ hội đã bị bỏ lỡ. Tiếc lắm thay!!!
On these last words, I bid you good night.
Nguyễn Như Sơn
May 5, 2022