PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Lão Đẹp

Bình minh rồi lại hoàng hôn,
Năm cùng tháng hết lo buồn mà chi. (1)

Có anh bạn cùng khóa viết thư trao đổi ” Đời có bốn thứ không thể bỏ được là Sinh Lão Bệnh Tử. Nếu có thể bỏ được một trong bốn thứ thì tôi sẽ bỏ Lão …” Tự cổ chí kim, loài người chỉ có thể trì hoãn, kéo dài tuổi già chứ chưa có ai không lão. Đã không tránh được thì tìm cách chấp nhận cái sự thật khắc nghiệt ấy và lão sao cho đẹp.

Trong cuốn sách I Feel Bad About My Neck, tác giả Nora Ephron ta thán về tình trạng xuống dốc của cái cổ đã qua sáu mươi năm cuộc đời của mình: ” bộ mặt chúng ta dấu tuổi, cái cổ nói thật. Nếu cây gỗ đỏ có cổ, bạn sẽ không cần phải cưa ngang để biết nó bao nhiêu tuổi.” Bà viết tiếp, “rất thường khi tôi đọc một cuốn sách viết về lão, và ai đó viết tuyệt vời tuổi già, tuyệt vời sự già dặn và khôn ngoan, tuyệt vời khi bạn đạt đến tuổi tri thiên mệnh, hiểu điều gì là quan trọng trong cuộc sống. Tôi không ngửi được những người nói như thế. Họ đang nghĩ gì vậy? Bộ họ không có cái cần cổ sao?” Giọng trào lộng, bà viết về việc xóa những nếp nhăn trên mặt bằng Restylane và Botox, việc phải đọc chữ to, nỗi đau buồn trước những mất mát của bạn bè. Cuối cùng bà kết luận, ” sự thật phũ phàng là bước qua tuổi sáu mươi, buồn ơi là buồn.”

Thật vậy, tuổi già đầy những bẫy mìn tình cảm như nỗi sợ hãi mất sự độc lập, sợ phải sa vào bệnh tật trầm trọng. Không phải dễ để lão đẹp, chuyện đó tuỳ thuộc vào thái độ của riêng mỗi cá nhân. Già là chuyện chẳng đặng đừng. Đừng để sa lầy vào những suy nghĩ tiêu cực của tuổi già. Một khi nghĩ tới, bạn có thể nổi khùng. Hổng làm gì được hơn đâu; cái đồng hồ sinh học vẫn cứ đều đặn gõ tic tắc. Không ai có thể khống chế những biến đổi sinh học diễn ra từng ngày trong cơ thể mình, nhưng cái ai cũng có thể làm là chọn một phong cách sống và một thái độ lạc quan trước tuổi già.

Không phải người già nào cũng bi quan. Có người vẫn lạc quan và yêu đời. Về già, dễ mệt mỏi, và chậm chạp là chuyện tự nhiên. Nhưng có người già tận hưởng từng phút giây của cuộc sống. Ông già chịu chơi Kirt Spradlin là một người như thế; khi được hỏi tuổi đã hãnh diện trả lời ” 79 và phân nữa.” Sau khi nghỉ hưu, tay cựu kỹ sư điện này bắt đầu trò chơi mới: leo núi. Ông đã leo núi Whitney (California) và Kilimanjaro (Tanzania) Ông và bà vợ Donna, hai người, chỉ riêng họ, đã du lịch bụi tới vùng hoang dã. Donna được 80 tuổi. Ông phát biểu “thiên hạ nghĩ tụi tui điên.” Với Kirt, không có chuyện già đâm ra xấu nết khó chịu.

Cặp đôi Spradlin đã bước vào tuổi già một cách đẹp đẽ và với thái độ chấp nhận. Tuy vậy bệnh trầm cảm vẫn là mối nguy hiểm hiện diện ở tuổi già. Có người trở nên cay đắng, cô lập, cảm thấy cuộc sống vô nghĩa. Những người khác chẳng chịu đầu hàng, họ quyết quậy. Căng da mặt và hút mỡ bụng hả? Được, tới luôn bác tài, chơi luôn, sợ gì ai.

Các chuyên viên làm việc với người già đã chia xẻ cách lèo lái vượt qua những thách đố, những thăng trầm tình cảm để lão sao cho đẹp:

Người Già Là Những Người Sống Sót. Đúng, già kéo theo gánh nặng. Nhưng nên nhớ người già thuộc vào một nhóm chọn lọc: những người sống sót. Khôn ngoan, chín chắn, suy nghĩ chững chạc,…thường được kể như là phần thưởng của tuổi già. Dẫu vậy, thọ tự nó đã là một thành tựu. ” bạn sống thọ, tức là bạn đã sống sót qua nhiều mối đe dọa thể chất lẫn tinh thần, những mối đe dọa đã làm quị ngã những người không còn tồn tại quanh bạn.” Hoặc nhờ may mắn hoặc do di truyền, người già đã tránh được những tai nạn chết người, bệnh tật và những thứ đã giết chết những người trẻ. Người lão đẹp là người chẳng màng suy nghĩ nhiều về tuổi già. Họ chẳng bận tâm về cơ phận nào còn làm việc tốt cơ phận nào không. Nếu bạn cứ ngồi gặm nhấm về ý nghĩa cuộc sống và than thở thời gian qua nhanh, thì chính bạn sẽ khó mà lão đẹp.

Chấp Nhận Những Đổi Thay. Tuổi già làm thay đổi mọi người không trừ một ai. Khéo vận dụng thì những thay đổi này có khác chi tương chao và nước mắm, càng để lâu càng dịu xuống, dậy mùi và thơm ngon hơn. Chấp nhận những thay đổi chẳng đặng đừng của tuổi già, chấp nhận cuộc sống không vũ như cẩn, vẫn như cũ. Biết chấp nhận, không coi đó là những khủng hoảng, đó là yếu tố quan trọng cho sức khỏe tâm thần. “Nếu bạn thọ tới 95, có lẽ bạn không còn sống một mình trong căn hộ đẹp đẽ, bạn không thể tự lái xe tới chợ, bạn cũng không tự tới tiệm giặt ủi hoặc đi bộ cả cây số trong công viên. Dự kiến được như thế, bạn sẽ dễ chấp nhận.” Những ai có lối suy nghĩ cứng nhắc, thiếu uyển chuyển, không chịu thích ứng, khi đối đầu với những thay đổi tự nhiên và những thay đổi về tình trạng sức khỏe, họ sẽ cảm thấy căng thẳng. Họ cũng dễ cảm thấy bị tràn ngập, và dễ rơi vào trầm cảm.

Tránh Những Thành Kiến. Chẳng có gì xấu khi than tiếc một thời trẻ đẹp. Tiếc thì tiếc cái già vẫn cứ như xe hủ lô lừng lững lăn tới, không ai thoát được. Vậy thì làm được gì cứ làm. Cuộc sống còn nhiều thứ khác ngoài vẻ đẹp và nỗi lo người khác đánh giá mình thế nào. Nghĩ vậy, bà Sue Ellen Cooper đứng ra thành lập Hội Mũ Đỏ để chào mừng quý bà 50 trở lên. Cho tới nay hội Mũ Đỏ đã có 40,000 phân hội trên toàn nước Mỹ và hải ngoại. Đa số thành viên đội nón đỏ và mặc áo tím khi dự họp mặt. Dù vậy bà già chịu chơi Cooper cũng thú nhận lúc còn trẻ bà cũng có thành kiến với người già. ” Khi gặp một người, tôi nghĩ chắc tôi sẽ khó làm bạn với người đó bởi vì bả lớn hơn tôi tới 20 tuổi. Đó có những lúc mình vội vã phán đoán dựa vào bề ngoài.” Gặp gỡ cả ngàn hội viên Hội Mũ Đỏ, những người già hơn mình, bà đã thay đổi những suy nghĩ đầy định kiến trước đây bằng những quan điểm lạc quan về lão đẹp. ” Ấn tượng ban đầu chẳng nói lên điều gì. Một số trong họ đã có cuộc sống, nghề nghiệp nổi bật, óc hài hước và đầy kiến thức. Tuy vậy xã hội coi họ như không có: ‘ Ồ bà ấy vừa già khú đế vừa mập thù lù.'” Đáp lại, bà Cooper thách thức, ” Được, cả thế giới nhìn xem: đây mấy bà già gân. Tụi tui tụ tập, tụi tui kết bạn. Tụi tui vẫn còn ngon lành và chịu chơi.”

Tìm những việc làm ý nghĩa. Một trong những thách đố của tuổi về hưu là tiếp tục tìm kiếm những việc làm có ý nghĩa. Hãy theo đuổi những đam mê. Bạn có thể đi du lịch, tìm kiếm và theo đuổi tâm linh, các thú vui, tụ tập bạn bè, học hỏi những cái mới, hoặc qua thời gian với người thân gia đình, những người bạn ít gần gũi trong những năm bận rộn mưu sinh. Về hưu nên là một giai đoạn chuyển tiếp. Đừng đang làm việc hôm nay rồi cảm thấy hụt hẫng ngày mai. Được vậy bạn có thể tránh rơi vào tình trạng trầm cảm và không cảm thấy cuộc sống vô nghĩa.

Tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Ngoài thái độ lạc quan trước tuổi già, muốn lão đẹp, không thể không có sức khỏe. Một chế độ ăn uống đều độ, lối sống lành mạnh, tạo những thói quen tốt, tập thể dục và vận động thân thể thường xuyên, vận động trí óc như chơi bài, giải ô chữ, chơi cờ,…là những yếu tố không thể thiếu để lão đẹp.

Nói túm lại, các thẩm mỹ viện với kỹ thuật dao kéo hiện đại có thể giúp bạn tân trang bộ mặt đô thị, việc lão sao cho đẹp là một nghệ thuật mọi người phải tự chinh phục lấy. Đọc tới đây chắc có bạn sẽ cắc cớ hỏi vậy thì lão đẹp để làm gì? Thì để:

“Bà già lấy le ông già Chiều chiều dắt ra bờ sông Hai người nói chuyện tâm tình Ôm nhau nhảy ùm xuống sình.” (2)

Riêng người viết chợt nhớ lại mấy câu thơ học thời trung học:

Chơi cho lịch mới là chơi Chơi cho đài các cho người biết tay.

Chúc bạn lão đẹp!

Nguồn:

The Art of Age Gracefully, WebMd, http://www.webmd.com/healthy-aging/features/the-art-of-aging-gracefully

(1) Ông Lão Chèo Đò, Soạn Giả Viễn Châu, https://www.youtube.com/watch?v=2VVcByoQgTg

(2) Tôi Đi Hớt Tóc, Văn Hường

Toronto 19/08/2015

VNToàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả