PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Ngoại

Mới đây Ngọc Dung bên ACC gửi cho bạn bè Toronto mấy gói bột đổ bánh xèo. Khi được hỏi cách pha bột, cô kể lại kinh nghiệm học từ Bà Ngoại là dùng nước nóng già để pha bột. Trong việc bếp núc, đã nghe qua hai chữ ” già lửa “, nhưng ” nuớc nóng già ” là danh từ mới nghe được lần đầu. Có lẽ Bà Ngoại cô bạn muốn nói đến nước âm ấm, không quá nóng để làm chín bột, cũng không quá nguội để bột nổi óc trâu chăng ?

Nhân Ngọc Dung nhắc đến Bà Ngoại , mình lại nhớ đến những kỷ niệm thủa nhỏ sống với Ông Ngoại . Bà Ngoại ruột đã mất trước khi mình chào đời nên không biết mặt, nói chi đến chuyện gần gũi bà cháu. Hai chị em, bác và ba dắt díu nhau di cư vô Nam năm 54, Ông Bà Nội ở lại ngoài Bắc với mấy bác nên có Ông Bà Nội cũng như không . May mắn là còn có Ông Ngoại . Ngoại hai vợ, mười tám người con, đếm kỹ chắc cũng được năm ba chục đứa cháu nội ngoại. Càng may mắn hơn, trong năm ba chục đứa cháu, mình được gần gũi Ngoại nhiều năm trước khi Ngoại mất, mà lại là những năm mà tụi Tây gọi là formative years. Những năm trong chu kỳ một đời người, các biến cố, sự kiện, ảnh hưởng của bạn bè, môi trường sống chung quanh,… thường để lại những ấn tượng sâu sắc và lâu dài trong lòng một đứa trẻ.

 


Cô bạn Ngọc Dung là con gái nên được Bà Ngoại chỉ dẫn cách nấu ăn. Mình con trai được Ông Ngoại dắt đi trường dua Phú Thọ coi đua ngựa. Bữa nào trúng độ đua thì Ngoại nhâm nhi chai bia lớn Con Cọp còn mình thì phá mồi…. nhiều. Hôm nào thua độ thì Ngoại tiêu chuẩn cũng chỉ một chai, mình thì có ít mồi để phá. Rồi hai ông cháu chen chúc ngồi xe lam về lại nhà. Những cuối tuần thuờng trải qua như thế.

Cuối tuần lang thang trường đua ngựa, trong tuần có những buổi tối Ngoại hay ngồi đánh bài tứ sắc với mấy bà bạn trong xóm. Lớn tuổi mắt kém, Ngoại chỉ thấy rõ những cây bài cầm trên tay, mình ngồi kế bên để nói cho Ngoại biết cây bài người khác đánh xuống chiếu là cây bài gì. Hệ quả là mình cũng biết đánh bài tứ sắc hồi nào không hay.

Gần gũi Ngoại, còn có những lần được ngồi xe đò đường Sàigòn Nha Trang. Những năm 68 – 71, chiến tranh sôi động, các chuyến xe đò tuyến Sàigòn Nha Trang không đi ngả Phan Thiết vì sợ bị đắp mô hoặc bị chận bắt nơi khu Rừng Lá, vốn nổi tiếng mất an ninh. Thay vào đó xe đò chạy đường đèo Ngoạn Mục ngang qua thị trấn Lâm Đồng, Bảo Lộc. Nhớ có lần đường đèo bị mưa lũ xói mòn, hàng dãy xe phải nằm chờ lính Công Binh đắp đất bắt cầu nối lại đường. Vậy là hai ông cháu qua đêm trên xe, co ro trong cái lạnh của núi rừng cao nguyên.. Gần sáng, thức giấc nhìn ra bên ngoài, sương mù phủ trắng xóa những rẫy trà, cà phê, xa xa lập lòe những đốm đèn lẻ loi của những người dân chân lấm tay bùn sớm hôm nương rẫy.

Lúc nhỏ được gần gũi Ngoại và vô tư theo ông đi đây đi đó. Lớn hơn một chút, vào những năm đại học, chuyện sách vở học hành, chuyện bạn bè trai gái, đẩy mình xa dần Ngoại. Tuy vẫn sống gần nhau nhưng hai ông cháu ít có dịp đi cùng. Chỉ duy nhất có một lần theo Ngoại và Mợ khăn gói thăm nuôi người Cậu học cải tạo. Những chuyến xe, cũng vẫn những chuyến xe. Không còn là những chuyến xe lam Chợ Lớn Phú Nhuận đưa ông cháu về nhà. Không còn là những chuyến xe đò Saigon Nha Trang đưa ông cháu rong chơi. Mà là chuyến xe thăm nuôi, vượt sình lầy đất đỏ lặn lội tới núi rừng Long Khánh. Vất vả đi lại như thế, nhưng tới nơi, chính sách cải tạo khắc nghiệt chỉ cho phép mỗi người lính cải tạo được một người vào thăm mà thôi. Mợ vào thăm gặp cậu, hai ông cháu phải ngồi ngoài đôi mắt ngóng nhìn qua hàng rào kẽm gai. Không biết Ngoại nghĩ gì trong đầu, cũng không còn nhớ Ngoại nói gì lúc ngồi chờ bên ngoài. Chỉ đoán rằng trong lòng Ngoại chắc buồn lắm. Có cha me nào mà không thương con và xót xa cho con trong cảnh tù đày ? May mắn trời vẫn còn thương những con người hiền lương, Cậu được thả về sống gần Ngoại một thời gian trước khi Ngoại mất vì tuổi già. Ngoại mất, chuyến xe tang đưa Ngoại ra nghĩa trang là chuyến cuối cùng ông cháu đi với nhau. Ngoại về với đất, sau đó mình cũng đơn thân tìm đường vượt biên, xa lìa đất nước để tới một nơi chưa định trước.

Trong ký ức về Ngoại không có dòng sông êm đềm chảy, thay vào đó chỉ có con kênh Nhiêu Lộc hai bên bờ là những dãy nhà sàn san sát nhau. Ký ức về Ngoại cũng không có vườn cây ăn trái xum xuê nặng trĩu, mà chỉ có hai cây dừa trước nhà, mỗi năm hai lần cho trái, Ngoại nhờ người trèo lên hái và chia cho bà con lối xóm người một trái ăn lấy thảo. Ký ức về Ngoại cũng không có những lần té ngã để được nâng đỡ, vỗ về, hay ôm ấp mà chỉ có những chuyến đi xa gần, ông cháu chia nhau miếng cơm cái bánh.

Khi Ngọc Dung yêu cầu kể lại, đã định thôi, chờ mươi mười năm nữa về hưu rảnh rỗi sẽ viết lên. Nhưng suy đi nghĩ lại, không biết cái tuổi già của mình có yên lành không hay là bị bệnh tật quấy rầy ? Lỡ không may bị căn bệnh Alzheimer quái ác nó hành cho đầu óc lú lẫn nhớ trước quên sau, lẫn lộn quá khứ với tương lai thì lúc đó có muốn kể lại cũng đã muộn rồi.

Ngọc Dung nhắc đến Bà Ngoại, làm mình liên tưởng đến Ông Ngoại với những kỷ niệm thiếu thời . Sự liên tưởng được nhân vật trong một truyện ngắn của nhà văn Hoàng Chính gọi là ” Hội Chứng Pháo Dây ” ( ” Sợi pháo dây dài, đốt ở một đầu, ngọn lửa sẽ ngoằn ngoèo chạy theo sợi dây cho tới hết. Nghĩa là khi bị ‘ đốt ‘ bởi một ý tưởng nào là ta cứ bị ám ảnh bởi ý tưởng đó cho tới khi bị đánh thức bởi một ý tưởng khác.”)

Đã khất với cô bạn mươi mười năm sau nhưng lại bị ” Hội ChứngPháo Dây ” nó hành nên mới có bài viết này. Blame it all on Ngọc Dung !

Toronto , Những Ngày Cuối Năm

Vũ Ngọc Toàn

 

4 BÌNH LUẬN

  1. Xuất sắc
    Hi Toàn,

    Lời văn bạn rất có hồn và lôi cuốn, hay là bắt đầu viết truyện ngắn là vừa, kinh nghiệm thương đau sau 75, vượt biên và định cư thế nào cũng có nhiều dữ liệu để viết.

    Đừng để mất một tài năng, phải để lại cho đời một vài cái souvenirs.

    VMT

  2. Toàn,

    “Thắng về Nội, thoái về Ngoại” có lẽ đúng vì bao giờ hình ảnh bên “oại” ảnh hưởng sâu hơn bên Nội sao đó, không cắt nghĩa được. Bảo đảm đọc bài này của mày sẽ có người rơm rớm nước mắt đó nghen.

  3. Bổn nói “bảo đảm” ghê! Bài viết của Toàn thật cảm động, D đọc xong rớm rớm nước mắt thật. Kỷ niệm về Ngoại thường là nhẹ nhàng mà gần gũi lắm, vì nó gắn liền với mẹ.
    Sau Toàn thì đến ai bị hiệu ứng pháo dây???

  4. Văn chương và âm nhạc ca tụng nhiều tình mẫu tử, bà cháu. Tôi không được may mắn trải qua những cảm nghiệm đó. Hên là còn có ông ngoại nên chỉ ghi lại mà thôi. Ai biểu ND đốt lửa châm ngòi ? Dây pháo chưa cháy hết. Chờ đi đang " thai nghén" bài mới. Toàn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả