Trong nội bộ A74, có bài viết “Trần Hiền và tôi” của Nguyễn Sĩ Hạnh, “Gout và Tôi” của Dương Quang Bổn, ngoài đời sống sinh hoạt hàng ngày, có rất nhiếu bài viết, bài thơ, bài nhạc liên quan đến cái … “Tôi”. Đại dịch COVID-19 đang từ từ bị đẩy lùi vào dĩ vãng, ban tổ chức A74 đang sửa soạn cho chương trình họp mặt ở Cali. Để đánh dấu thời gian quan trọng này, xin được cà kê chuyện thuốc chích ngừa cho phù hợp tình hình thời sự hiện giờ.
Cũng thanh minh thanh nga trước, đây không phải là chuyện liên quan về y khoa hay khoa học mà là chuyện lòng vòng về đời sống của tôi từ hồi nhỏ cho tới bây giờ.
Thiệt tình khi COVID-19 bắt đầu nghe tên thì bà con mình mới làm quen với những chữ mới khi viết, lạ tai khi nghe trong tiếng Việt như vắc xin, tiêm chủng … còn riêng mình, tôi chỉ biết 1 tiếng duy nhứt từ xa xưa: thuốc chích ngừa!
Tôi lớn lên ở ngoại ô thị xã Mỹ Tho, tỉnh Định Tường khi gia đình Ba Má tôi đã trụ lại sau một thời gian dài chạy giặc, trôi nổi dọc theo bờ biển gần các cửa sông Cửu Long: Vàm Láng, Bình Đại, Thừa Đức, Ba Thắc, Ba Động, Long Toàn …. Xóm đó có cái tên là xóm Năm Nồi. Nó nằm dọc theo con lộ chánh Sài Gòn – Mỹ Tho nên người ta nuôi ngựa rất nhiều để dùng cho xe ngựa (xe thổ mộ) chuyên chở hàng bông, hoa quả mỗi ngày từ Ngã Ba Trung Lương vô chợ Mỹ Tho. Thời đó dép cao su chưa thông dụng, đám nhóc tì tụi tôi đứa nào cũng mang guốc vông, loại guốc làm bằng cây vông nhẹ hều, lá của nó dùng để gói nem đó. Vậy mà đôi guốc vông vô chưn mấy đứa xây lố cố này thì dễ đứt quai, mau sút đinh vì phải lội trên những con đường bùn sình trơn trợt. Thôi thì đành tháo guốc bỏ vô cặp, đi chưn không, vì vậy nên dễ bị đạp miểng chai, tô chén bể, kim loại nhọn, sắc bén … làm rách bàn chưn, nhiễm trùng. Vì sợ phân ngựa theo mưa trôi khắp nơi rồi dính vô vết đứt, đạp vô là phong đòn gánh giựt theo ông bà ông vải luôn thì lúa đời nên Má tôi phải dẫn tôi đi bịnh viện chích ngừa. Đây là cớ sự vì sao tôi biết tới chích ngừa phong đòn gánh. Kể từ đó, chỉ lần đó thôi, tôi quên bẵng luôn cho tới khi chứng kiến một tai nạn xảy ra năm 2005. Trong một lần làm việc ở công trường tại Toronto, có anh thợ máy bị cắt một vết dài ở lòng bàn tay do sơ ý. Từ bịnh viện trở về, anh cho biết đã lãnh 14 mũi may vết cắt kèm thêm một phát chích ngừa phong đòn gánh (tetanus shot). Cũng nhờ dịp này tôi mới biết ảnh hưởng của mỗi mũi chích có thời hạn là 10 năm!
Lúc tụi mình còn nhỏ, bịnh đậu mùa bùng phát rất nhiều. Năm đó đang học lớp Ba trường Nam Tiểu Học, cả trường được luân phiên nghỉ học, sắp hàng ra sân sắp hàng trồng trái. Vì sợ hậu quả là sau khi khỏi bịnh vết thẹo còn để lại trên mặt (rỗ) lỗ chỗ tùm lum và bị bạn bè chọc ghẹo là bị té sấp mặt vô … thùng đinh nên đứa nào cũng ngay ngắn vô hàng.
Không biết dụng cụ để nhân viên y tế dùng ra sao nhưng nhìn nó thì y chang cái ngòi viết. Chấm chấm vô chai thuốc, họ gạch 2, 3 đường cho rướm máu trên bắp vai của đứa học trò đã vén tay áo lên cao. Nhìn mấy thằng đã qua ải, có thằng tỉnh bơ, có thằng nhăn nhó, có thằng kêu đau, có thằng nói giống như kiến cắn …, gì thì gì chứ đứng sau mà đánh lô tô trong bụng nếu không muốn nói là … teo bu gi. Rồi sau đó, chỗ trồng trái của đa số đứa nào cũng bị sưng lên, làm mủ để thẹo cho đến bây giờ. Về già gặp nhau, lỡ khoe cánh tay trần mà không có thẹo thì chắc là hồi xưa … trốn trồng trái! Nghe nói sau này, người ta trồng trái ở bắp chưn để không thấy 2 cái thẹo chần dần coi hơi ngứa mắt!
À còn cái bịnh dịch tả cũng ám ảnh tuổi thơ một thời gian. Vào một đêm đầu Hè (không trăng sao – cho lâm ly bi đát), Bà Nội tôi bị Tào Tháo rượt từ đầu hôm cho tới gần sáng. Cả nhà lo lắng vô cùng. Rốt cuộc rồi cũng phải mướn xe lam để chở bà vô bịnh viện. Ngày hôm sau mới biết bà bị lây vi khuẩn dịch tả. Cũng trong lúc này, cho dù sắp nghỉ Hè, đám học sinh khỏe vì nước cũng phải sắp hàng chích ngừa. A lê hấp, năm nay chích ngừa không phải bằng ống chích mà nhân viên y tế xài cây súng (jet injector) mới run. Cái hình ảnh cây súng nối với cọng dây dài thòong và cảm giác chích không như kiến cắn cũng bị lãng quên theo năm tháng.
Lần hồi, đủ thứ chích ngừa tùy theo bịnh nào bùng phát. Lao phổi (BCG), Thương hàn (ban cua), Sốt tê liệt … năm tụi mình thi Tú Tài IBM lại có thêm dịch đau màng óc nữa chớ nhưng có lẽ chích ngừa chó dại thì ít ai có liên quan.
Năm 1966, trong lúc chạy giành trái banh với thằng bạn học cùng lớp, con chó của nó binh chủ nên táp mình một phát, hai dấu răng cắm sâu vô bắp vế bên phải, máu chảy cũng khá. Nghe nói là nặn máu ra cho khỏi làm độc, cũng làm theo, băng bó thấy êm. Anh Ba nó và 2 thằng tụi tôi dẫn con chó đi ra Ty Thú Y khám nghiệm coi có bị binh dại không. Vài bữa sau đi học, thằng bạn cho hay con chó của nó mới chết tối hôm qua. Trời đất, xin thày nghỉ học, ba chưn bốn cẳng chạy về nhà. Má tôi dẫn ra Ty Thú Y hỏi thì kết quả khám nghiệm con chó chưa có. Thôi thì ra Ty Bưu Điện gần bên, đóng tiền, đánh điện tín cho Cậu tôi đang làm việc ở Sài Gòn. Cả ngày thằng nhỏ nhớ bài học Vệ Sinh bịnh chó dại với chiếc xe bắt chó chạy vòng vòng trong thị xã mà sợ tới bỏ cơm luôn. Ty Thú Y tỉnh không có thuốc chích ngừa, hai ngày sau được ông Cậu cho hay là đã xin được chích ngừa bịnh chó dại ở Viện Pasteur ở trên Sàigòn vào ngày hôm sau. Vì chưa biết rõ chi tiết (do điện tín viết nhiều thì tốn tiền nhiều), nên sau khi vô trường xin tạm nghỉ học, Ba tôi dẫn tôi đi Sài Gòn ở nhà Cô Hai trong khu La Cai, trong hẻm kế bên rạp hát Hào Huê…
Sáng hôm sau Cậu ghé chở tôi vô Viện Pasteur. Sau khi làm thủ tục giấy tờ, cô y tá dẫn tôi qua phòng khác chích mũi đầu tiên trên vòng bụng, ngang hông, trên chỗ thắt lưng quần một chút. Lúc ra về, Cậu tôi cho hay phải chích đầy đủ 24 mũi, mỗi ngày một mũi mà thôi. Hồi ra đi lên Sài Gòn,đâu có ai tính lâu dữ như vầy. Ba tôi phải trở về Mỹ Tho đi làm, tôi ở lại Sài Gòn với Cô Hai. Sáng sáng trước khi đi làm, Cậu ghé chở tôi ra đường Hồng Bàng, đi qua Nguyễn Hoàng đường một chiều, ngừng vô xe bánh mì thịt ở ngã tư Nguyễn Hoàng – Trần Bình Trọng (sau này có tiệm Phở Cây Dầu và cà phê Song Nhị), mua 3 ổ, một ổ ăn sáng, một ổ ăn trưa cho tôi, và 1 ổ cho Cậu. Hai Cậu cháu nhá xong 2 ổ bánh mì thì cũng tới lúc quẹo từ đường Hồng Thập Tự qua đường Pasteur. Vì có xin phép trước, nên khi Cậu thả tôi xuống để đến sở làm, còn sớm nên tôi được ngồi ở phòng chờ đợi cho đến khi nghe kêu tên vô chích, thường tới khoảng 10 giờ sáng thì xong. Lòng vòng chơi ở khuôn viên, ngồi băng đá, ngó ra hàng rào coi ông đi qua bà đi lại, ăn bánh mì dằn bụng cho đến trưa, Cậu được nghỉ, mới đón về nhà Cô. Tuần đầu Má tôi có lên thăm, mang theo bài chép tay mà anh tôi mượn của mấy đứa bạn. Nhưng qua tới tuần sau thì tôi nản quá, trưa về nhà rồi, không biết làm gì, tôi theo mấy người anh họ, đi chơi dọc đường Đồng Khánh vô tuốt trong chợ Kim Biên, cầu Ba Cẳng, ghé đường Triệu Quang Phục mua tem, qua Minh Phụng, Cây Gõ, có lúc ra tận tới đường Hậu Giang mua cần câu rồi trở lại theo đường Hồng Bàng, thấy có trường Y khoa mà nhớ một lần có hứa với Má tôi: mai mốt lớn lên con vô học trường này! Ai dè, lớp Mười chọn ban B, đi tuốt vô Phú Thọ! Thỉnh thoảng còn ghé chợ An Đông ăn mì coi người ta nhảy cầu trong hồ tắm hay ngồi coi người lớn chơi banh sắt dưới mấy tàn cây dầu.
Cuối tuần thứ hai, tôi xin Cậu hỏi xin Viện Pasteur có cho phép đem thuốc về Mỹ Tho để tiếp tục chích hay không vì 2 lý do:
Thứ nhứt là thuốc chích rồi không tan, rờ bên hông có từng cục nối tiếp nhau. Giống như người ta đeo chuỗi ở tay, đàng này chuỗi lận dưới da ngang hông mới ngầu.
Thứ hai là nhớ nhà, nhớ trường. Chơi thì chơi nhưng nhớ Mỹ Tho quá cho dù năm đó lễ Quốc Khánh 1-11, được coi diễn binh, có máy bay sắp hàng bay thả khói hình cờ VNCH …
Sau khi được chấp thuận với giấy tờ kèm theo về bịnh viện Mỹ Tho, đưọc nghỉ vài ngày cho thuốc tan bớt, thuốc được giữ trong thùng xốp có nước đá giống như thùng … cà rem, tôi phải tiếp tục được chích mỗi ngày cho đến hết mũi thứ 24! Vòng cái eo bầm tím, lục cục lòn hòn, cả tháng sau mới bớt.
Ngó về những ngày sắp tới, thấy bác sĩ ghi toa đi chích cúm mùa, không quên nhắc nhở chích dời leo chưa, rồi thêm ngừa sưng phổi nữa … Bà con mình chắc cũng chích ngừa giống nhau thôi hà, còn gặp mặt còn vui, trong mình võ trang kháng sinh đầy đủ đến tận răng, con vi khuẩn nào mù mới nhào vô kiếm ăn. Nói vậy chớ về già, nó “oánh” cho xất bất xang bang thì cũng “oải” lắm.
Nói chuyện dịch, chợt nhớ may mà có 24 mũi chích ngừa bịnh chó dại ngày xưa chớ không thôi chưa chắc có còn sống đến bây giờ để chém gió cùng bà con cô bác. Hẹn gặp sau nghen.
Toronto, II*II Tháng Sáu 2022.
DqB