PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Quê Nội

Đó là những ngày đầu hạ, nắng chưa kịp chói chang, phượng chưa kịp rực đỏ trên cành, con ve rụt rè cất những tiếng đầu tiên… hay những ngày cuối năm trời đã khô, giá rét đã dịu lại, bắt đầu cho mùa Xuân nồng nàn sắp tới.  Là khoảng thời gian mong đợi của cả mấy chị em – sẽ sắp được về quê nội vui chơi thỏa thích, chẳng phải lo gì đến việc học hành bài vở.

Những chuyến tàu

Ga Diêu Trì

Những chuyến tàu đưa mẹ con tôi về quê nội thường rời sân ga khi ngày chưa kịp bình minh. Khoảng cách Diêu Trì Quảng Ngãi chưa đầy 200 km nhưng với nỗi háo hức đầy ứ của cô bé, sao mà dịu vợi xa. Lúc ấy thì chỉ mong mình có đôi hia bảy dặm để bước ba bước  là về tới quê nhà. Tôi nôn nao đếm từng ga đỗ trên đường tàu và cái kiểu mong chờ ấy đã làm tôi thuộc tên từng nhà ga trên suốt hành trình về quê nội: Diêu Trì, Bình Định, Phù Cát , Phù Mỹ, Bồng Sơn, Tam Quan, Sa Hùynh, Đức  Phổ, Mộ Đức, Quảng Ngãi. Trên đường đi, con tàu còn phải đi qua  hai cái hầm Phú Cũ và Bình Đê, hai cái hầm dài tối thui vì khi đó trên tàu thường là không có đèn.  Con tàu cứ chậm rãi  đi như con sâu bò, mặc kệ nỗi sốt ruột của chúng tôi.  Tôi nhớ, khi đến Bồng Sơn, thường là khoảng nắng đẹp nhất trong ngày. Với tôi ngày ấy, cầu Bồng Sơn thật đồ sộ với những thanh sắt đen trũi, nhưng nhìn xuống dòng sông nước xanh lục trong vắt, lóng lánh ánh mặt trời như những đốm lân tinh, lòng cô bé không khỏi thoáng một chút lo sợ, rủi con tàu rớt xuống dòng nước trong sâu thẳm ấy thì làm sao thoát!! Nhưng rồi, những tàu lá dừa xanh loang loáng dưới nắng đã trùng trùng vây bủa, đã đến xứ dừa Tam Quan. Tàu đỗ lại  và làm sao lại không mè nheo với mẹ để xin một trái dừa xiêm cho được! Còn nhớ như in đôi tay khéo léo của người bán dừa, một tay cầm rựa, một tay cầm trái dừa, chỉ loáng ba nhát là đã có một trái được vát miệng, với phần cơm dừa trắng nõn vừa vặn lộ ra. Ôi! ước gì bây giờ được uống một ngụm nước dừa ngọt lịm, mát rượi như thế! Vừa uống xong trái dừa, tàu đã lanh lảnh huýt còi rời ga. Một lát thì qua Sa Huỳnh, bắt đầu vô địa phận Quảng Ngãi, đường sắt men theo bờ biển. Giữa trưa, nước xanh sao mà xanh ngút mắt, cát trắng như không thể trắng hơn, một vùng biển đẹp tuyệt vời. Rồi những cánh đồng muối cũng hiện ra trước mắt , mặt nước mặn loang loáng những đám mây trời và những đụn muối trắng sáng lòa dưới nắng. Vậy là, chỉ còn có 2 ga Đức Phổ, Mộ Đức  là đã về tới quê nhà.

Tôi sẽ không kể nhiều đến những chuyến tàu rời ga Quảng Ngãi mang về  Diêu Trì cô bé con lòng buồn rười rượi,  trên mi rưng rưng những giọt nước mắt âm thầm. Lùi vô một góc, che đôi mắt ướt , tôi thờ ơ với cảnh vật trôi qua khung cửa mà thấy con tàu dường như …nặng nề, ì ạch  thêm (vì  mang cả lòng thương nhớ.) Có những nỗi xấu hổ mà một cô bé không sao vượt qua, hồi ấy, xấu hổ vì  thấy mình “mít ướt” quá, cũng chỉ vì   chợt cảm thấy chưa xa những người thân yêu, chưa xa quê hương mà đã nhớ, chưa kịp hết một mùa mà đã mong tới mùa sau…

Trong vườn nhà

Nhà ông nội tôi ở thôn Phú Mỹ hạ,  phía nam thành phố, từ quốc lộ, cạnh trường Trần Quốc Tuấn, rẽ xuống dốc Cống Kiểu, đi một đoạn đường đất là tới- Cái dốc Cống Kiểu ấy, nơi những lần tập chạy xe đạp ra khỏi sân nhà, ra phố rồi quay về, đã bao phen khiến tôi xém …phi xuống ruộng- Xuống khỏi dốc là  con đường đất nhỏ, bên phải là bờ tre, bên trái là ruộng lúa- đi một lát thì gặp cái quán nghèo của bà Mừng, nơi chị em tôi thường ra mua kẹo. Ngày ấy, từ ga về, thường là được đi xích lô. Xuống khỏi dốc, chiếc xe cứ kẽo kẹt đi dưới bóng tre. Gió đồng mát rượi mơn man trên tóc. Hương lúa, hương đất, hương của những bờ rào xanh mênh mang,  mênh mang- mùi hương thân thuộc của quê nhà, tràn trề cả hai lá phổi! Cảm giác mát rượi ấy kéo dài khi chúng tôi về đến vườn nhà nội. Khu vườn rộng đến nỗi bước chân nhỏ bé của tôi dường như chưa in dấu hết, chưa khám phá hết những …bí mật thú vị- trong những đôi mắt trong veo ngày ấy. Trong vườn, trong sân, lá che trên đầu mát rượi. Những cây lâu niên ấy tỏa bóng mát xuống tuổi thơ chúng tôi, và mỗi một bóng cây là một trời kỷ niệm.  Giữa khu vườn xanh lá  là ngôi nhà thờ mái ngói âm dương,  xanh mờ rêu phủ. Ngôi nhà kiểu ba gian hai chái như hầu hết những ngôi từ đường xưa. Những cánh cửa gỗ nặng – khi mở ra đóng lại phát ra những tiếng động đầy đe dọa với mấy cô, cậu bé –  Mở ra gian nhà thờ cổ kính với những hoành phi, câu đối, với di ảnh của tổ tiên, lư hương trầm mặc, với hai con hạc thanh nhã đối xứng đứng hai bên, cao vượt đầu những cô, cậu bé và một cặp lồng đèn lớn. Gian nhà thờ uy nghiêm đến nỗi, mỗi buổi tối, khi phải đi từ phòng của ba tôi – chái phía bên trái nhà thờ để xuống nhà vỏ cua  – không hiểu tên gọi từ đâu- ở phía bên phải nhà, một nỗi sợ hãi mơ hồ nào cứ thúc cho đôi chân phải bước vội. Tiếp với gian nhà vỏ cua bên chái phải là ngôi nhà của bác tôi, được cất theo kiểu mới, có cái hành lang dài phủ đầy dây leo tygôn với những bông hoa màu hồng bé li ti.

Ngọc Dung
Với chị Lựu và anh Tuân trong sân nhà (Hồi này còn nhỏ quá và thật ngại ngùng khi post ảnh này vì không biết mình có… mặc quần không Laughing)

Khu vườn nhà  nội để lại những dấu ấn sắc nét  lên ký ức tuổi thơ tôi, không ít đã trở thành những thói quen, những sở thích cho đến tận bây giờ.

Trong sân có một cây ngọc lan thật cao không biết ông nội đã trồng từ bao giờ. Hẳn là trước khi tôi ra đời vì nhìn lại những ảnh cũ thấy cây đã rất cao lớn. Những bông hoa trắng ngà,  như những ngón tay nhỏ – dịu dàng một mùi hương bền lâu. Những sáng tinh mơ, khi sương chưa kịp tan trên ngọn lá, mùi hương tinh khiết của hoa phảng phất trong không khí, yêu dấu cả một góc sân nhà.    Những năm đó, tôi  đã biết trèo cây nhưng để hái những bông hoa  mọc tít đầu cành thì không thể. Năn nỉ anh Yên, anh Tuân lắm, hai anh mới hái cho một, hai  búp xinh xinh, chỉ hoa búp thôi, vì khi hoa nở xòe hết các cánh thì mùi hương đã bay đi hết rồi. Được hoa rồi thì vừa đưa lên mũi hít hà, vùa chạy vô nhà  để hoa trên cái đĩa nhỏ đặt ở bàn làm việc của ba. Hoa sẽ thơm cả ngày. Không sai chút nào khi nói, hương ngọc lan đã thấm đẫm tâm hồn tôi  bắt đầu từ cây hoa nhà ông nội. Ngày đó, chưa biết rằng lá ngọc lan cũng có mùi thơm. Vò một chiếc lá trong tay, biết thêm một đặc điểm của loại cây này.

Ngọc Dung
Hình Ba chụp với anh Yên anh Tuân khi chưa cưới Mẹ. Bên phải Ba là cành ngọc lan, phía sau là nhà thờ, có cửa sổ phòng Ba.

Ngọc lan là mùi hương gợi nhớ khi đã đi xa, vui thích nhất vẫn là chuyện trèo cây hái trái. Những cây nhãn trong vườn nhà, có lẽ ông nội tôi đã trồng cùng lúc với hàng nhãn ông trồng  trong thành nội Huế. Khi tôi bắt đầu nhận biết, bốn cây nhãn đã thành cổ thụ.  Mỗi mùa cây ra  trái,  bác gái tôi nhờ người xuống tận Sa Kỳ mua những mảnh buồm không còn sử dụng về lồng nhãn -lấy vải  buồm lồng chung quanh chùm nhãn xong cột lại cho chim chóc khỏi phá,  đến lúc chín là những chùm nhãn  sum suê những trái to, thơm phức, cơm dày và ngọt, hạt bé tí, đặc sản của vườn nhà. Trong bốn cây nhãn già  đó, có một cây ở góc vườn giống xấu, trái nhỏ, mỏng cơm. Và đó là cây chúng tôi được tự do trèo hái thỏa thích. Mỗi đứa dành một nhánh leo lên, hái ăn cả những trái nhãn cơm còn mỏng dính, chưa kịp ngọt – mà ăn vẫn thấy ngon-  và cứ vắt vẻo trên cây như vậy suốt những buổi trưa hè.

Nơi đầu hồi nhà bác tôi, trước khi đến khoảng sân chính là một gốc mận lớn. Đó là một cây mận hồng, trái nhỏ mà rất ngon. Mùa hè là mùa mận ra hoa kết trái. Hoa mận nở từng chùm, mong manh, trắng muốt, một cơn gió thoảng qua, long lanh một cơn mưa trắng.  Những trái mận chín trong dịp hè ngày ấy, trong ký ức tôi, là những trái mận ngon nhất, rồi trở thành loại trái ưa thích cho đến tận bây giờ. 

Ngày mận chưa chín thì hái khế, cây khế ngọt cạnh cửa sổ phòng anh Yên anh Tuân, hay đi tìm ăn những trái ngâu hiếm hoi khuất dưới chòm lá xanh, hay đi tìm trái muồng quân, có một cây trong vườn và năm thì mười họa mới tìm được một trái chín…Trong vườn cũng có một cây bồ kết rất cao, dưới gốc tua tủa những chùm gai thật dài – “vũ khí” rất tốt để lể ốc gạo – loại ốc duy nhất tôi biết ăn và thích ăn hồi ấy.

Nhưng không phải trong vườn trồng toàn những cây tôi thích, từ cửa sổ phòng bác gái nhìn ra là một cây lê ki ma trĩu quả. Tôi chỉ thích lượm những bông hoa rụng bé li ti màu trắng xanh, tròn như hạt ngọc trai  xâu thành chuỗi để đeo chơi mà chẳng màng đến trái , bùi bùi ngọt ngọt, chẳng khác gì tên gọi thứ hai: trái trứng gà (hồi nhỏ khi ăn trứng gà luộc, tôi chỉ thích ăn trứng… vữa và lòng trắng, lòng đỏ không ăn!)

Trèo hái chán chê , lại cùng nhau chơi rải ranh, ô quan… với hai chị Đơn, Trâm và Liên- cô cháu đồng trang lứa- dưới bóng mát của tán cây mận. Chơi trận rải ranh nào cũng thua vì Đơn, Trâm chơi hay quá!

Trong sân nhà nội, tôi sợ nhất là hai con ngỗng trắng. Hai con ngỗng rất đẹp mà cũng rất khôn, chuyên ăn hiếp những cô bé …từ quê ngoại mới về. Chúng đang đi thong dong là thế, cổ ngẩng cao thanh thoát, quí phái, thấy bóng chị em tôi là quang quác la lên và Trời ạ! Cái cổ nó bây giờ vươn dài, … nằm ngang, cứ vậy phóng tới! Cũng may, tôi chưa khi nào bị ngỗng cắn, cho dù hai chân tôi ngày ấy rõ ràng là  ngắn hơn cái cổ rất dài, vươn tới của con ngỗng!

Có những buổi trưa hè nắng như đổ lửa, sau khi chạy chơi đã đời, chị em mệt nhoài nhễ nhại mồ hôi, thì sung sướng biết bao khi bà bán xu xoa hay đậu hũ gánh gánh đi qua, được ai đó kêu vô sân nhà và được ăn một chén. Tôi không thích đậu hũ , vì phải ăn khi còn nóng, chỉ thích một chén xu xoa mát lạnh chan nước đường. Bà hàng xắn một miếng lớn bỏ vô cái chén sành, lấy con dao nhỏ xắn lách cách trong chén  xong chan vô một vá nước đường nâu nâu trong vắt! Không có một thứ giải khát nào mát và  ngon bằng chén quà quê phảng phất  mùi rong rất đặc biệt trong những buổi trưa hè xa ngái ấy!

Ở cuối vườn có cái giếng nước trong và rất ngọt. Ba tôi kể cái thời chưa có nước đá, ba làm nước chanh lạnh bằng cách cho nước chanh vô chai đậy kín, cột dây thả xuống giếng một lát rồi kéo lên. Chúng tôi nghe mà tròn xoe đôi mắt! Cái giếng quê nội không như ở Diêu Trì. Thành giếng dày, lòng giếng rộng , cúi nhìn xuống, có thể thấy được bầu trời mùa hạ xanh cao đầy mây trắng . Dưới gốc mù u cạnh giếng là cái trục cần vọt của gàu múc nước. Không như những cái gàu múc nước ở quê ngoại Diêu Trì, chỉ có cái gàu nho nhỏ cột một sợi dây dừa, nhà nội dùng gàu cần vọt để múc nước. Cần vọt là một cây tre dài nguyên vẹn cả ngọn cả gốc-  thường là rất to, nhiều khi còn được cột thêm một gốc tre phụ để làm nặng thêm đối trọng. Một cây tre khác , một đầu được cột vào ngọn cây tre làm cần vọt và đầu kia cột cái gàu múc nước treo lửng lơ ở tầm miệng giếng.   Khi muốn múc nước, hai, ba chị em cố vục cái gàu xuống giếng, nước đầy gàu thì buông tay, cần vọt tự động nâng gàu nước lên tới miệng giếng. Một gàu nước ngày ấy như một xô nước lớn. Bị xối nguyên một gàu như thế lên đầu, phải nín thở thật lâu, nhiều khi phát ngộp mà vẫn thích tắm kiểu vậy. Những ngày hè nóng bức, chiếc cần vọt cứ kẽo kẹt than van múc hết gàu này đến gàu khác cho nguyên một đám con nít tắm táp thỏa thuê.

Khi mặt trời đã ngã bóng, lại rủ nhau ra chơi ngoài gò mả trước cổng nhà. Đó là một gò mả với khoảng chục cái mả nghèo. Chỉ là những nấm đất không bia mộ, xung quanh là cỏ mượt xanh. Chúng tôi chạy chơi ở đó mà trong lòng không mảy may sợ hãi, chỉ cố không dậm lên trên những ngôi mộ nghèo, với nỗi e ngại- dẫm lên đó, tối về …ma sẽ kéo chân. Từ gò mả nhìn ra xa xa, núi Thiên Ấn tuyệt đẹp trong tầm mắt. Khác với núi Thiên Bút, tím xám màu đá tảng, quả “Ấn trời”  xanh biếc trong nắng chiều. Ba tôi nói núi có màu xanh như màu mạ non chen với màu lục đậm như vậy là vì  trên triền núi, cỏ tranh mọc chen với cây rừng nhiều lắm. Ngày ấy, tưởng như khó khăn lắm mới được lên tận đỉnh núi. Nơi mà anh Yên, chị Lựu đều nói có một ngôi chùa với cái giếng sâu tận….âm phủ….Mà khó thật vì cho đến năm học lớp 12 tôi mới được lên tận ngôi chùa ấy. Từ đó nhìn ra xa, mũi Ba làng An mờ mờ trong khói sóng.

Có những ngày không chạy chơi ngoài vườn , tất cả túm tụm trên cái phản phía sau phòng khách nhà bác và cùng với một chồng bản nhạc nhiều vô kể  của anh Yên, chị Lựu, hát hò say mê! Hát …tử tế một hồi thì đến phần chế lời bài hát. Ôi! Có những bài hát chế lời …nhảm đến độ bây giờ vẫn còn nhớ mà không dám viết ra đây!!! Mấy mươi năm sau, một lần được gặp nhau, ở một nơi cách xa quê nhà một nửa vòng trái đất, cả sáu chị em trong nhà cùng hai chị Đơn, Trâm, lại cũng cười nghiêng ngả vì mấy bài nhạc chế!

Những ngày nghỉ hè của chị em tôi thường chỉ  …đóng khung trong khu vườn nhà nội, không đi qua khỏi cái không gian rợp bóng mát với tiếng tre ru, mà sao lại là những thời khắc huy hoàng với tôi như vậy.

Sông quê

Quê tôi có con sông Trà Khúc nước trong veo, thẫm sâu, chứa đựng muôn vàn điều bí ẩn.  Bí ẩn như tiếng rì rào không dứt của dòng sông (sông kể gì ai biết), tiếng róc rách của nuớc (nước nói gì ai hay!)  chảy từ những ống tre trong vòng quay của những bờ xe nước khổng lồ mang dòng nước mát của sông đổ về những con mương như những cánh tay vươn xa đến những cánh đồng mùa hạ khao khát. Ngày đó, ba tôi thường chở chúng tôi, hai, ba đứa, có khi có cả chị Trâm, trên chiếc xe gắn máy cũ đi xem bờ xe nước. Xe chạy vất vả trên những con đường đất ngoằn ngoèo, hai bên ruộng lúa rạp mình thả hương trong gió. Một cảm giác mát rượi vì gió đồng, vì hơi nước thấm đẫm trong tôi cùng với tiếng nước chảy như reo như ca . Chao ơi!  Buổi chiều sao tuyệt dịu quá!

Nhạc sĩ Vân Đông có bài hát Nhớ đàn xe nước  với những câu rất êm đềm:

Rì rào dòng sông âm vang đôi bờ
Mênh mang sông nước, tiếng đàn xe!

Câu hát  êm. Như dòng sông trôi. Như đàn xe quay…

Lục tìm trên net, có được tấm ảnh quí của bác Nguyễn Ngọc Trinh. Người con đất Quảng đã ghi lại hình ảnh tiêu biểu của quê hương mình. Bác Trinh đã qua đời tháng 8/2011, cũng như bờ xe nước, bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Những bờ xe nước ấy đã làm xong nhiệm vụ, giờ đây, dòng Trà khúc đã có con đập chắn ngang trên thượng nguồn, đưa nước tưới về những cánh đồng rộng lớn hơn.
Nhưng bờ xe nước trên con sông quê cứ quay mãi, quay hoài  trong trí nhớ!

Quảng Ngãi
Bờ xe nước Sông Trà Khúc – 1972 – Ảnh:  Nguyễn Ngọc Trinh

Và biển quê

Ký ức về biển quê là một mảng trắng: tôi chưa từng được đặt chân đến một bờ cát biển nào của quê  nội.Nhưng rồi trong những năm tháng này, quê hương xa xôi lại gần hơn bao giờ hết. Những địa danh chưa một lần đặt chân đến Mỹ Khê, Bình Sơn, Lý Sơn… sao nghe quá gần gũi thân thương.

Từ quê nội tôi nhìn về biển, chênh chếch lên hướng Bắc là Hoàng Sa, xuống phía Nam là Trường Sa. Là biển Việt. Dõi theo tin tức hàng ngày, mừng vui xiết bao khi được tin dân chài quê mình đi biển thắng lợi và nhói lòng, căm hận  khi ngay trên biển của mình mà ngư dân bị bắt, thuyền bị phá, cá bị cướp…

Những người vợ âu lo mỏi mắt trông chồng, không những vì nỗi lo biển động mà còn vì sợ mất kế mưu sinh; những em bé  bỏ học vì gia đình khánh kiệt,  không đủ sức lo sau khi đã dốc hết tiền chuộc cha …Quê hương bỗng như gần sát bên tim, chan chưá một tình yêu vô bờ. Những thương nhớ về quê nội, giờ đau đáu thêm cả khúc  biển miền Trung và trong tim khắc hằn  một mong ước cháy bỏng- Mong một ngày sóng yên, biển lặng, người dân chài quê tôi tự do trên biển ngọc, kéo những mẻ lưới no đầy cá bạc tươi ngon  đem lại ấm no cho gia đình và làm giàu cho đất nước.
Không khác gì những câu thơ tuyệt vời của thi sĩ Tế Hanh :

Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông
Khi trời trong, gió nhẹ sớm mai hồng
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá

Biển quê, sóng quê âm vang mãi trong lòng!

Mùi hương cũ

Quê nội tôi bây giờ vời vợi xa. Đã mấy mươi năm tôi chưa về thăm lại nơi ấy. Vật đổi sao dời! Ngôi nhà thờ giờ đã thành phế tích. Mồ mả ông bà đã được cải táng, theo con cháu vô Nam. Những cây nhãn, cây mận, cây ngọc lan…. giờ chỉ còn lại trong ký ức. Bụi thời gian vốn vô tình, sẽ phủ mờ, sẽ làm nhạt phai… Nhưng có thể nào tôi lại quên những gì đã lay động tâm hồn ngây thơ của cô bé con ngày ấy. Tất cả như một mùi hương xa xăm, nhẹ như có, như không  mà lại nồng nàn vị nhớ. Và làm sao có thể quên được một mùi hương!


Ngọc Dung

Viết nhân ngày giỗ Ba
9/2011

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả