Thấm thoát thoát nhìn lại đã gần nửa thế kỷ kể từ lúc lứa tụi tôi thi tú tài. Tú tài năm đó (1974) hay được gọi là tú tài IBM vì là lần đầu tiên không thi viết tay và thầy/cô chấm bài như kiểu cũ mà là lựa câu trả lời đúng trong số a, b, c, d… và do máy tính điện tử IBM chấm.
Hình 1. Bằng tú tài IBM (hình từ internet)
Tôi còn giữ được bản sao cái bằng tú tài IBM của mình. Coi kỹ thì chi tiết cá nhân và điểm thi trong bằng được in bằng một loại máy in matrix. Mấy môn thi là Công Dân, Triết, Vạn Vật, Toán, Sử Địa, Sinh Ngữ 1 (Anh Văn), Sinh Ngữ 2 (Pháp Văn) và Lý Hóa. Nghĩ lại thấy đáng tiếc là không có môn Việt Văn, nhưng bù lại có môn Công Dân, đúng với truyền thống tiên học lễ hậu học văn của nền giáo dục thời đó! Tất cả ban A, B hay C đều học những môn học giống nhau, chỉ khác ở giờ học hàng tuần và hệ số điểm, và chắc là chương trình học cũng khác nhau. Giờ tụi Úc vậy mà hay, không ban biếc gì cả. Lớp 12 học trò phải học từ 5 tới 7 môn – phần lớn lựa 6 môn, chỉ Anh Văn là môn bắt buộc còn lại thì muốn lựa sao thì lựa, ngay cả môn thể dục thể thao, hay qua trường dạy nghề học ké môn thợ mộc thợ nề hay nữ công gia chánh cũng được tất! Tôi biết mấy chuyện này là nhờ ở thằng con trai.
Hồi đó thằng con trai học lớp 12, thấy nó toán hơi yếu mới tính tự mình kèm thêm cho nó. Mấy mục quen thuộc như đạo hàm nguyên hàm này nọ thì còn nhớ được, nhưng giờ ở Úc tụi nhỏ học coi bộ cao siêu quá. Lớp 12 mà đã đụng tới nào là ma trận, rồi giải phương trình bậc 4 bậc 5 này nọ. Thấy ớn quá, vả lại coi bộ bụt nhà không thiêng, nên thôi đành kiếm thầy ngoài dạy kèm cho nó. Đụng chuyện rồi mới thấy thời nào, ở đâu, cũng có chuyện dạy kèm. Vì cha mẹ nào cũng lo chuyện hành của con cả. Mới bùi ngùi nhớ lại mấy năm làm nghề dạy kèm khi học đại học ở Phú Thọ của mình.
Mấy năm ấy tôi may mắn có dạy kèm vài ba cô học trò – cũng như rất nhiều sinh viên cùng trường xa nhà – để kiếm thêm tiền ăn học. Mỗi tuần một hai lần gì đó, mặc bộ quần áo tươm tất nhứt, hì hục đạp chiếc xe đạp cà tàng từ Phú Thọ xuống Sài Gòn dạy kèm tại gia. Không nhớ là mỗi lần một hay hai giờ. Không nhớ là kèm môn gì, chắc chỉ là toán. Cuối tháng lãnh lương thì vui vô cùng, có thêm tiền cho những bữa cơm bo bo rau muống chấm nước tương! Và ngày hôm sau đại khái ra quán cà phê kêu một ly cà phê sữa đá thay vì cà phê đen thường lệ! Cuối năm thì xong việc chia tay, không chắc là mình đã giúp được cô học trò bao nhiêu trong chuyện học hành thi cử. Không ít chuyện anh thầy dạy kèm và cô học trò phải lòng nhau rồi thành đôi lứa. Mấy cô học trò của tôi hồi đó cô nào cũng (dĩ nhiên là trẻ) duyên dáng dễ thương cả. Nhưng phần tôi hồi đó chỉ nghĩ đến mỗi chuyện dạy kèm kiếm cơm thôi, có lẽ vì không khí trường lớp căng thẳng, cuộc sống bấp bênh, tương lại vô định… Tôi không giữ liên lạc với các cô. Về sau này nghe nói tất cả đều vượt biên và sống đâu đó bên Tây bên Mỹ.
* * *
Tú tài IBM lứa tụi tôi thi nghe nói được chấm bởi cái computer của Công Ty Điện Lực. Tôi đoán cái computer này là supercomputer IBM 360. Mấy cái supercomputer này giờ so với cái chíp i5 dùng trong mấy laptop thường thường bậc trung thì “công lực” chỉ bằng chừng 1/5 tới 1/10 gì đó.
Năm đầu ở Đại Học Cơ Bản có môn học chương trình điện toán, giờ không nhớ gì nhiều nhưng chắc là lúc đó học ngôn ngữ FORTRAN. Học toàn lý thuyết, viết chương trình xong cô giáo đọc và kiểm lỗi “chính tả” (syntax). Cô hứa là thi cuối học kỳ thì sẽ được dùng máy IBM, đại khái cả lớp sẽ xuống Trung Tâm Điện Lực đục chương trình vô cạc (punch card) và nạp vô máy chạy thiệt. Hì hục cả học kỳ mong được có ngày được nộp bài vô cái máy tính điện tử thiệt. Nhưng xui là tới khi thi cuối học kỳ thì nghe đâu máy bị trục trặc, nên bài thi chương trình cũng chỉ do cô giáo chấm tay!
Hình 2. Punch card IBM (hình từ internet)
Khi qua Úc, tôi theo học computer. Lúc đó trường có một cái supercomputer Cyber, tụi tôi học viết chương trình ngôn ngữ Pascal và FORTRAN trên máy này. Rồi học COBOL trên một máy midrange HP 3000, và C trên một máy midrange VAX 11/750. Mấy máy này giờ chỉ tìm thấy trong bảo tàng viện. Đại khái cả mấy trăm mạng chia nhau xài chung. Ở trường thì vô lab dùng dumb terminal, ai sang thì ở nhà sắm một cái personal computer IBM XT và nối qua điện thoại. Ngồi trong lab viết chương trình tôi hay nhớ về môn điện toán ở trường Phú Thọ cũ hồi xưa. Nhất là khi học FORTRAN. Ông thầy môn này thuộc loại “cổ lỗ sĩ”. Mặc dù thời đó đã có dumb terminal để xài computer rồi nhưng ông muốn cho học trò thấy lại cái thuở “hàn vi” của điện toán ra sao cho nên ông mới dùng phần mềm mà simulate cạc. Nhưng xui là phần mềm ông thầy dùng để simulate có lỗi không xài được. Cho nên một lần nữa tôi lại lỡ cái dịp dùng cạc!
Hình 3. Dumb terminal IBM (hình từ internet)
Gần nửa thế kỷ qua, mọi thứ kỹ thuật tiến bộ vô cùng. Trong tay mọi người giờ ai cũng có một cái computer – là cái điện thoại cầm tay (mobile phone). Phần lớn nhờ vào internet mà thế giới sống sót qua hai năm dịch Covid-19. Người người nhà nhà mua sắm online, từ rau trái tới quần áo máy móc; nhân viên văn phòng làm việc từ nhà; qua Zoom nhà thờ cử hành lễ chủ nhật, cô giáo dạy yoga/fitness hàng ngày; qua mấy cái áp như WhatApp, FaceTime hay Viber… mà gia đình bà con nhìn thấy nhau/nói chuyện với nhau, bạn bè nhậu lai rai với nhau… vân vân và vân vân …
* * *
Nay gần tới tuổi thất thập, nhìn lại năm năm ở trường Phú Thọ chỉ là một phần không dài lắm của đời người, nhưng có lẽ là một phần quan trọng. Tiếc là kỉ niệm thì nhiều nhưng theo năm tháng cũng lần lần không còn được nhớ rõ trong trí tưởng. Một đôi lần về thăm nhà tôi có lặn lội lên Phú Thọ vô thăm trường cũ, thấy mình như Từ Thức về trần. Khu cư xá Tô Hiến Thành hồi xưa biến mất, thay vào đó là trùng điệp nhà cửa nguy nga đồ sộ. Quanh trường hàng rào tường cao vôi trắng hoa tím rũ không còn mà chỉ là phố bán vật liệu xây dựng dày đặc. Vô sân trường thấy mọi thứ như rất lạ, lòng chỉ thấy chút ít cái cảm giác xúc động của một sinh viên về thăm lại trường đại học cũ của mình, mà nhiều hơn là tưởng nhớ lại và thấy tội nghiệp cho những ngày mình hai mươi tuổi và ngậm ngùi cho những dâu bể từ độ ấy.
Nguyễn Sĩ Hạnh
6/2022