Chu kỳ âm lịch có mười hai con giáp và năm nay đang là năm con mèo, Tân Mão. Theo lệ thì các bài viết nhất là những bài viết đăng trong những số báo Xuân, thường viết về mèo, khi thì con mèo bốn chân trong ca dao như lúc nhỏ thường được nghe: Con mèo mày trèo cây cau. Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đường xa. Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo. Khi khác là mèo hai chân, kiểu mèo ngái ngủ trên tay anh như thơ của Nguyên Sa, hay chuyện mèo mã gà đồng mà những ông bà già xưa hay dùng để răn đe con cái.
Bác Hạnh thúc giục viết bài, nhằm đang lúc cạn kiệt đề tài tưởng đã phải bó tay. Thời may đang đọc cuốn sách Super Freakonomics (tác giả Steven D Levitt và Stephen J Dubner) đến lời bạt, Monkeys Are People Too thấy hay hay có thể khai thác để viết lăng nhăng gửi đến bạn bè nên đành phá lệ, năm mèo mà viết chuyện khỉ vậy.
Kinh tế học được phân loại làm hai nhánh: kinh tế vĩ mô macroeconomics và kinh tế vi mô microeconomics. Trong khi nhánh kinh tế vĩ mô quan tâm đến những vấn đề lớn như lạm phát, suy thoái và những cú sốc tài chánh,…thì nhánh kinh tế vi mô lại cố gắng để lý giải hành động, thái độ của những cá nhân, và tìm hiểu những lý do tại sao con người có những chọn lựa nhất định, tại sao lại mua món đồ này mà không phải là món kia.
Trong kinh tế học cũng như trong cuộc sống, sẽ không bao giờ tìm được câu trả lời nếu như ta không đặt câu hỏi dù câu hỏi có vẻ phi lý hay ngây thơ. Câu hỏi đưa ra bởi Keith Chen, giáo sư môn kinh tế học trường đại học Yale là Điều gì sẽ xảy ra nếu ta dạy cho một bầy khỉ cách xài tiền ? Nghĩ là làm, và với phương tiện dồi dào của một trường đại học lớn, ông đã làm thí nghiệm với khỉ capuchin, một giống khỉ vùng Tân Thế Giới, có kích thước cỡ đứa bé một tuổi, với một bộ óc nhỏ, và sinh hoạt khá tập trung vào thức ăn và tình dục. Bước đầu tiên ông làm là dạy cho khỉ capuchin biết giá trị của đồng tiền. Điều này không phải dễ vì nếu đưa cho con khỉ một đồng tiền cắc, thoạt đầu nó sẽ ngửi đồng tiền cắc và sau khi đã xác định là không thể ăn đồng tiền đó, con khỉ sẽ ném đồng tiền cắc sang một bên. Do đó Chen và các cộng sự đưa đồng tiền cho khỉ đồng thời chỉ cho nó thấy một món ăn mà nó ưa thích. Bất cứ khi nào con khỉ đưa đồng tiền trả lại cho Chen, nó sẽ được hưởng món ăn ưa thích đó. Phải mất nhiều tháng khỉ mới hiểu rằng tiền có thể mua được món ăn ngon.
Trong một lần thí nghiệm, một con khỉ thay vì thu thập lấy những đồng tiền để trên cái mâm và dùng tiền để đổi lấy thức ăn như thường lệ, chú khỉ đã ném cái mâm với những đồng tiền qua cái chuồng nhốt chung cả bầy và bỏ chạy ra khỏi chuồng thử nghiệm. Một vụ cướp ngân hàng ! Trong chuồng nhốt chung bầy, hỗn loạn xảy ra với bầy khỉ giành giựt những đồng tiền. Khi Chen và các cộng sự vô chuồng để lấy lại những đồng tiền, bầy khỉ không đưa lại. Chúng đã hiểu giá trị của những đồng tiền. Chen đã phải dùng đến phương pháp hối lộ chúng bằng thức ăn. Điều này dạy cho bầy khỉ một bài học giá trị: crime pays.
Không chỉ có thế, một trong những chú khỉ thay vì đưa lại đồng tiền để đổi lấy trái nho hoặc miếng táo, đã đưa đồng tiền cho một chị khỉ cái khác. Vài phút sau đó hai anh chị khỉ giao hợp với nhau. Chen và các cộng sự đã chứng kiến lần đầu tiên loài khỉ thực hành cái nghề xưa như trái đất !
Lượt bỏ qua những chi tiết thí nghiệm khác, sau đây là tóm tắt những kết quả mà Chen và các cộng sự của ông tìm được:
* Những con khỉ capuchin trong thí nghiệm của Chen, mỗi con có sự ưa thích các món ăn ngon khác nhau, không con nào thích giống con nào.
* Loài khỉ phản ứng hợp lý giống như loài người: khi giá thức ăn tăng, nó sẽ mua ít đi và khi giá thức ăn giảm xuống nó mua nhiều hơn.
* Càng ngạc nhiên hơn, khỉ cũng có những phản ứng phi lý không khác chi một số người, ví dụ như những người mua bán cổ phiếu trong ngày (day traders.) Chen nói những dữ kiện thống kê tìm được qua nghiên cứu khỉ capuchin cho thấy chúng phản ứng không khác gì một số các tay đầu tư thị trường chứng khoán.
Chen và các cộng sự của ông còn muốn đi xa hơn bằng thí nghiệm đưa tiền trực tiếp vào sinh hoạt của bầy khỉ và sau đó quan sát kết quả. Tuy nhiên những người chịu trách nhiệm của phòng thí nghiệm không đồng ý vì sợ sẽ làm hư hỏng cấu trúc xã hội của bầy khỉ mà không cách chi sửa được.
Năm mèo viết về khỉ ngoài lý do bí đề tài, còn có một lý đó thầm kín khác, đó là bạn bè 74, ngoại trừ một số ít học trễ, hoặc làm giấy khai sinh nhỏ tuổi, còn thì đa số giống như người viết, sinh năm con khỉ Bính Thân. Cho nên khỉ viết về khỉ thì không còn gì thích hợp hơn.
Và chuyện Khỉ, khỉ đến đây thì xin dừng.
Toronto 8/05/2011
VNToàn
Lời Chú: Freakonomics (2005) và Super Freakonomics (2009) là hai cuốn sách rất hứng thú để đọc. Tác giả Steven Levitt là giáo sư môn kinh tế học trường đại học Chicago, USA. Stephen Dubner là nhà báo và biên tập viên báo The New York Times Magazine. Sách đề cập đến những vấn đề thời sự lớn nóng hổi như trái đất đang nóng dần (global warming) và những phương pháp khắc phục, lẫn những chuyện như tai nạn giao thông xe ngựa tại New York vào năm 1900 ( Năm 1900 tại thành phố New York, khi xe ngựa còn là phương tiện giao thông chính và xe hơi thì chưa được phát minh, năm đó có khoảng 200 người chết vì tai nạn xe ngựa hay 1 cho mỗi 17,000 dân. Năm 2007 cũng tại New York, có 274 người chết vì tai nạn xe hơi hay 1 cho mỗi 30,000 dân. Tác giả kết luận cơ hội để cư dân New York chết vì tai nạn xe ngựa năm 1900 lớn gần gấp hai cơ hội chết vì tai nạn xe hơi ngày nay.) Hy vọng sẽ có dịp viết về những đề tài khác được đề cập trong sách gửi đến bạn bè.