Đọc xong hãy giúp chia sẻ ( share ) bài viết này nếu người đọc nhận thấy rằng nó có ích !
Mục lục
1/- MÁY BƠM NƯỚC ( MBN )
2/- TIM NGƯỜI
• VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH NHỒI MÁU CƠ TIM
• VỀ BỆNH TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Tóm tắt các ý chính cần nhớ về tim mạch
KẾT LUẬN
*Tài liệu tham khảo
*Tác giả
2/- TIM NGƯỜI
Tim có hình như dưới đây:
HT1 – Hình tim người .*(2)
Nhìn HT1 ta thấy tim có nhiều cái ống tròn tròn. Đó chính là những đầu mạch máu chính đẩy máu đi và hút máu trở lại về tim như các đầu hút đẩy của cái MBN nhưng nó phức tạp hơn nhiều.
Giải thích cho hết mấy cái ống này cũng là cả 1 bài dài nên tạm đến thế thôi.
Bọc bên ngoài tim ta thấy có những gân máu nhỏ nhỏ nhìn giống mấy cái rể dây leo bám trên tường ( như rể dây trầu bà ).
Đó chính là hệ thống ĐỘNG MẠCH VÀNH ( ĐMV ) !
Vì không hiểu nên có nhiều người nghe nói ” ĐỘNG MẠCH VÀNH BỊ TẮC NGHẼN ” là nghĩ 1 trong mấy cái ống tròn tròn bên trên bị tắt !
Thật ra là không phải !
Vậy tại sao mấy cái động mạch vành bé tí đó bị tắc nghẽn lại có thể nhanh chóng đưa người ta … đi gặp ông bà tổ tiên ở thế giới bên kia ?
Từ từ chúng tôi sẽ giải thích lý do.
Hình HT2 phía dưới cho thấy 1 phần phía trong của tim :
HT2 – Hình 1 phần bên trong tim.*(2)
Trong hình HT2 ta thấy 2 ngăn 2 bên tim ở phía trên đều có cái lổ đen chung quanh trắng trắng hình ống ngắn kèm màng nhầy nhìn giống như có mấy sợi dây chằng xuống phía dưới.
Đó đều là VAN TIM .
Các cái VAN TIM sẽ đóng mở theo từng nhịp tim đập giữ cho dòng máu chỉ chảy đi theo 1 chiều duy nhất mà không bị dội ngược lại ( giống như cái van MBN ).
Có thể xem thêm hình HT3 dưới đây :
HT3 – Chiều di chuyển của máu trong tim.*(2)
Trong hình HT3 mấy chỗ vẽ trắng trắng ( giống cái sừng bò ) đều là VAN TIM và máu chỉ chảy theo chiều mũi tên .
Hoặc như hình HT4 dưới đây :
HT4 – Van tim ( Valves ), động mạch ( Arteries ), tĩnh mạch ( Veins ) và chiều di chuyển của máu ở tim.*(2)
Hình HT4 minh họa chiều đi của các dòng máu qua tim ( theo mũi tên ) và các van tim ( mấy cái sừng bò trắng ) chỉ cho phép máu đi một chiều.
Trình bày cho hết hoạt động co bóp của tim cũng như dòng luân chuyển máu trong cơ thể người là cả một câu chuyện rất dài.
Tất cả có thể tóm gọn như sau :
Tim bơm máu giàu dinh dưỡng vào hệ thống động mạch ( gọi như thế vì khi ta dùng tay ấn nhẹ lên các mạch này thấy nó động đậy nhúc nhích ! ) để đi khắp nơi nuôi cơ thể.
Sau khi được sử dụng xong dòng máu kém dinh dưỡng lại chảy về tim theo hệ thống tĩnh mạch ( phần mạch này sờ lên không thấy động đậy và nó thường bị chích thuốc vào khi bệnh vì lộ ra sát dưới da ).
Tim sẽ tiếp tục bơm máu kém dinh dưỡng đến các bộ phận liên quan để loại bỏ chất thải, nạp thêm vào các dưỡng chất cần thiết để rồi lại bơm máu đi nuôi cơ thể theo một chu kỳ mới.
HT5 – Sơ đồ minh họa máu di chuyển từ động mạch ( artery ) ➡️ tiểu động mạch ( arteriole ) ➡️ mao mạch ( capillaries ) ➡️ tiểu tĩnh mạch ( venule ) ➡️ tĩnh mạch ( vein ) xen kẽ trong các tế bào mô ( tissue cells ) trong người .(Burris, 1994).
Hình HT5 này minh họa máu từ động mạch ( phần màu đỏ ) bên trái được tim bơm đẩy vào hệ thống mao mạch li li ( phần ở giữa ) để nuôi tế bào trong cơ thể sau đó tiếp tục chảy qua hệ thống tĩnh mạch ( màu xanh ) để chảy về tim .
Như vậy tim là cái máy bơm hoạt động không bao giờ nghỉ giải lao trong suốt cả đời người !
Đến đây cơ bản ta đã biết tim được cấu tạo và vận hành thế nào cũng như hệ thống mạch máu trong người chảy ra sao.
Nhờ vậy ta có thể tìm hiểu vài căn bệnh nguy hiểm về tim thường hay gặp ( trong nhiều bệnh lý tim mạch ) như sau :
HỞ VAN TIM xảy ra khi có cái van nào đó trong tim không kín hoàn toàn lúc đóng làm 1 phần máu bị dội ngược chiều qua chỗ bị hở lúc bơm, khiến lực đẩy máu đi bị yếu. Tuỳ mức độ hở nhiều ít mà bệnh nặng hay nhẹ. Bệnh này thời kỳ đầu hay làm người ta mệt khi phải đi xa hay khi leo cầu thang. Nói chung nó làm người bệnh dễ mệt, đôi khi ngất xỉu khi phải gắng sức.
THIẾU MÁU CƠ TIM thường xảy ra khi động mạch vành bị mảng cặn bám bên trong ( giống cái ống nước cũ xài lâu bị cặn bám bên trong ống ) làm máu chảy qua khó hơn.
NHỒI MÁU CƠ TIM là thời kỳ diễn biến nặng của bệnh thiếu máu cơ tim do các mảng bám trong động mạch vành dầy lên (hình HT6 ) hoặc có 1 cục máu đông đi vào chỗ hẹp gây tắc nghẽn hoàn toàn khiến máu không chảy qua được như minh họa trong hình HT7 bên dưới.
HT6 – Mạch máu ĐMV bị tắc nghẽn do xơ vữa động mạch.
HT7 – Mạch máu ĐMV bị tắc nghẽn do cục máu đông ( Blood clot ) chen vào làm bít chỗ động mạch bị xơ vữa .
Bệnh thiếu máu cơ tim cũng như nhồi máu cơ tim thường có triệu chứng là những cơn đau thắt ngực bên trái như hình HT8.
HT8 – Cơn đau thắt ngực .
VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH NHỒI MÁU CƠ TIM
Để Trả lời câu hỏi ” tại sao mấy cái động mạch vành nhỏ xíu đó khi trở chứng tắc nghẽn lại gây hậu quả nghiêm trọng có thể làm người ta chết rất nhanh chóng ? ” chúng ta phải biết rằng
” cơ thể người được nuôi dưỡng bằng các chất dinh dưỡng do máu vận chuyển đến mọi ngóc ngách của nó và cũng chính máu lấy đi những chất cần loại bỏ mang đến những bộ phận liên quan ( như thận, phổi ) để lọc thải bỏ ra khỏi cơ thể “
Máu chỉ luân chuyển được khi tim vẫn còn co bóp được .
Chính TIM đồng thời cũng là một cơ thể sống và các CƠ TIM cũng phải được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất ( như cấp điện cho MBN ) để nó chuyển hóa thành lực co bóp đẩy máu đi.
Máu trong hệ thống động mạch vành là của tim bơm về để nuôi chính cơ tim !
Do đó khi hệ thống động mạch vành tức mạch máu nuôi tim bị hẹp hay bị tắc nghẽn đột ngột, cơ tim không được cung cấp đủ máu thì vùng cơ tim đó sẽ hoại tử ( chết ) gây triệu chứng đau ngực dữ dội.
HT9 – Động mạch vành cung cấp máu nuôi tim ( các mạch màu đỏ ).*(2)
Xem kỹ hình này ( HT9 ) ta thấy các mạch máu của động mạch vành không có MẠCH THÔNG NỐI nên cơ tim ngay phía sau điểm tắc nghẽn sẽ bị chết vì máu không chảy đến được ( giống như nhiều vùng đất chỉ có 1 con đường độc đạo kết nối với hệ thống giao thông khi nó bị tắt là hết đường đi ).
Vì vậy đây là 1 căn bệnh rất nguy hiểm cho tim !
Tùy theo vị trí xảy ra tắc nghẽn khiến vùng cơ tim bị chết nhiều hay ít mà bệnh có mức độ nặng nhẹ khác nhau.
Biểu hiện thường gặp là đau ngực trái dữ dội, kéo dài đến 15-30 phút. Cơn đau có khi kèm toát mồ hôi và khó thở, mệt nhiều, không thể vận động mạnh. Cơn đau từ ngực trái có thể lan ra hết cánh tay trái đến tận bàn tay trái, hoặc có thể lan ra sau lưng hoặc hàm dưới bên trái.
Ở những người đã có tiền sử bệnh thiếu máu cơ tim mà bị đau ngực trái dữ dội, được cho sử dụng viên thuốc ngậm dưới lưởi ( giúp giãn mạch máu ) và ( hoặc ) nhai uống thêm viên khẩn cấp ( giúp làm loãng máu ) cho máu dễ lưu thông và phải được đặt ngữa người kê đầu hơi cao nằm yên nghỉ .
Tiếp theo dù giảm hay không giảm đau cần đến bệnh viện ngay !
Tuyệt đối không gắng sức đi lại hay làm bất cứ việc gì phải dùng sức nếu đã có người trợ giúp ( trực tiếp tại chỗ hay liên lạc được từ xa bằng điện thoại ). Hãy nằm chờ cấp cứu .
Khi không có ai giúp được và không thể liên lạc nhờ hỗ trợ được, cần phải ra nơi có người qua lại nhờ giúp đỡ thì hãy di chuyển thật nhẹ nhàng chậm rãi .
Trên đường tới bệnh viện tốt nhất dùng xe cứu thương hoặc taxi để có thể nằm được. Tuyệt đối tránh ngồi xe ôm.
Một số người bị nhồi máu cơ tim có thể chỉ biểu hiện bằng khó thở nhẹ hay mệt khi vận động mà không đau ngực hoặc cơn đau chỉ thoáng qua. Do đó có thể dấu hiệu nhồi máu cơ tim sẽ bị bỏ sót. Cho nên bình thường chúng ta vẫn có thể gặp những trường hợp chỉ than mệt rồi vài giờ sau đó đột ngột tử vong.
VỀ BỆNH TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Một bệnh khác nữa cũng rất nguy hiểm thường gặp có nguyên nhân từ tim mạch là Tai Biến Mạch Máu Não, hay được gọi tắt là Tai Biến, Đột Quỵ Não.
HT10 – Mô tả một nhánh máu bị tắt gây nhồi máu não.*(4)
Nguyên nhân của bệnh này do các nhánh động mạch cung cấp máu cho não ( gọi là ĐỘNG MẠCH CẢNH ) bị tắt nghẽn hoặc vỡ ra làm xuất huyết trong não .
Mạch tắt nghẽn gây ra Tai Biến Nhồi Máu Não .
Mạch máu bị vỡ bể gây ra Tai Biến Xuất Huyết Não.
Các diễn biến xảy ra trong mạch máu gây nhồi máu não giống như của nhồi máu cơ tim chỉ khác nhau là nó xảy ra ở não thay vì ở tim !
Gây vỡ mạch máu não là do tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não.
Triệu chứng thường thấy của người bệnh tai biến là :
– Tê cứng ở mặt, tay hoặc chân hoặc cả nửa người. Chân tay khó điều khiển nhiều khi không cử động được . Mắt nhìn không rõ, cứng hàm nói không được. Trí óc không minh mẫn như bình thường. Đau đầu dữ dội.
– Nhiều người còn bị nấc cục, cảm thấy buồn nôn, mệt, tức ngực, khó thở, Tim đập nhanh bất thường.
Các triệu chứng trên xảy ra một cách đột ngột bất thường, không phải do các yếu tố bên ngoài tác động mà có.
Khác với nhồi máu cơ tim, việc cho người bị tai biến uống khẩn cấp 1 viên thuốc làm loãng máu sẽ làm cho tình hình tồi tệ thêm nếu đã có xuất huyết não đang xảy ra vì khi máu loãng xuất huyết sẽ nhanh hơn !
Không được cho người bệnh ăn uống vì có thể bị nghẹn do cứng hàm.
Không cạo gió, giác hơi,…vì chỉ làm bệnh nặng thêm.
Người bệnh cần phải được nằm yên và nhanh chóng được đưa tới bệnh viện bằng xe cấp cứu, taxi như trên đã nói trong thời gian sớm nhất có thể được.
Hậu quả, di chứng do tai biến cũng khác với nhồi máu cơ tim do nơi bị tổn thương là não. Tuỳ mức độ tổn thương mà bệnh nhân có thể dần hồi phục hay cứng cơ một phần khiến cơ thể đi lại khó khăn đến liệt nửa người hoặc chết não sống thực vật phần đời còn lại.
Như vậy khi bị hoặc nghi mình bị đau tim thì nên làm gì ?
Tốt nhất là đến bệnh viện, nên là bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được chữa trị kịp thời.
Khi xảy ra trường hợp có dấu hiệu nhồi máu hoặc tai biến thì giữ người bệnh nằm yên đầu hơi hướng lên cao để dễ thở rồi tìm xe cấp cứu hoặc taxi đưa gấp đến bệnh viện .
Thời gian lúc này quý như vàng !
Chỉ cho dùng thuốc khi đã biết chắc chắn là bệnh gì vì một sai lầm nhỏ cũng làm bệnh nặng thêm như đã nói ở phần trên.
Đến đây thì ai cũng biết mức độ nguy hiểm chết người của bệnh tim mạch là như thế nào.
Vậy nó có thể phòng ngừa và điều trị được không ?
Hoàn toàn có thể được !
Kỹ thuật y tế hiện nay có thể chẩn đoán phát hiện mạch máu bị xơ vữa ( bước khởi đầu nhiều loại bệnh tim mạch ) từ sớm nên có thể ngăn chặn được .
Xem hình HT11 dưới đây :
HT11 – Kết quả chẩn đoán của một bệnh nhân bị hẹp động mạch vành đang được điều trị .
Người bệnh này được chẩn đoán bị hẹp 50% một nhánh động mạch vành ( chỗ có đánh dấu ).
Tuỳ theo vị trí, mức độ bị nghẽn mà nguy cơ cao thấp khác nhau.
Các chuyên gia y tế sẽ theo dõi để điều trị thuốc hoặc can thiệp ngoại khoa như nong chỗ nghẽn bằng cái stent ( hình HT12 ) hay nối tắt -bypass ( hình HT13 ) để máu dễ lưu thông qua chỗ bị tắt.
Lưu ý là các điều trị này chỉ còn có ích khi cơ tim chưa bị hoại tử ( chết ) ! Đó là lý do mà Thời gian đến nhanh bệnh viện sau khi bị nhồi máu, tai biến được gọi là ” THỜI GIAN VÀNG “.
Tốt nhất là thời gian đến bệnh viện không quá 2 – 3 giờ tính từ khi xảy ra nhồi máu, để chậm sau 6 giờ là đã trễ, còn sau 12 giờ là đã quá trễ !
HT12 – Đặt stent nong mạch máu bằng cách nội soi đưa 1 chi tiết nhỏ hình ống đến chỗ bị nghẽn ( A ) rồi nong ( B ) cho nó phình rộng ra ( C ) .*(5)
HT13 – Hình minh họa kỹ thuật mổ nối tắt bypass bằng cách cắt lấy 1 đoạn mạch ở chân để nối tạo đường dẫn mới ở tim ( đầu mũi tên màu vàng ) thay thế đoạn động mạch vành bị tắt nghẽn .*(6)
Bên sửa ống nước dùng kỹ thuật bypass này trước ngành Y Tế từ rất lâu rồi !
Đến đây thì hãy để các chuyên gia y tế làm công việc điều trị, còn chúng ta thì bàn tiếp những việc mà mình có thể làm để lo cho tim của mình được khỏe mạnh dài lâu.
Tóm tắt các ý chính cần nhớ về tim mạch :
Tim mạch là bệnh nguy hiểm chết người nhưng có thể đề phòng được và điều trị không khó nếu phát hiện sớm.
Nếu bị Tăng Huyết Áp và Đái Tháo Đường ( tiểu đường ) mà không theo dõi kiểm soát chặt chẽ thường xuyên sẽ dễ dẫn đến nhồi máu.
Nhồi Máu Cơ Tim và Tai Biến Nhồi Máu Não đều bắt nguồn từ xơ vữa động mạch và ( hoặc ) có cục máu đông làm mạch máu bị nghẽn. Hai thứ này hình thành do tăng cholesterol và mỡ máu; cholesterol và mỡ trong máu tăng lại có nguồn gốc chủ yếu từ chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày.
Do đó hãy sống lành mạnh, hạn chế rượu bia, không thuốc lá, tập thói quen ăn uống điều độ cân bằng với lượng vừa phải bột đường, thịt cá, dầu mỡ và ăn nhiều rau xanh + trái cây tươi. Bớt ăn mặn. Tập thể dục đều đặn. Không để béo phì. ( Nói thì nghe đơn giản nhưng chỉ làm được đối với những ai có đủ ý chí biết tự kiềm chế bản thân và chịu khó tìm hiểu vì nó cũng khá phức tạp, là cả 1 ngành nghiên cứu về dinh dưỡng điều trị ! ).
Đọc nhớ kỹ các triệu chứng của bệnh tim mạch. Phải đặc biệt chú ý không bao giờ xem nhẹ bỏ qua CƠN ĐAU THẮT NGỰC TRÁI dù chỉ thoáng qua hoặc chỉ đau trong thời gian ngắn rồi hết. Thường đó là cảnh báo đầu tiên của bệnh động mạch vành – Hãy xem đó như là hồi chuông cảnh báo mà tim ta nhắc nhở hãy chú ý đến nó !
Định kỳ khám sức khỏe và thử máu để theo dõi được các chỉ số liên quan đến bệnh tim mạch như Cholesterol, Lipid, Triglyceride và đường huyết cũng như vài loại bệnh khác nữa.
Khi chính mình hoặc người thân thình lình bị cơn đau tim hay tai biến tấn công thì nhớ nguyên tắc cần phải làm theo là nằm nghỉ ngơi, tránh gắng sức và nhanh chóng được chở đến bệnh viện trong ” THỜI GIAN VÀNG 2-3 giờ ” bằng xe cứu thương hoặc taxi, không cố gắng ngồi xe ôm.
Điều hết sức đáng buồn là cho đến hiện nay tỉ lệ người bệnh nhồi máu cơ tim cũng như tai biến kịp thời đến bệnh viện trong ” thời gian vàng ” chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ, còn lại thường là trễ hoặc quá trễ nên không thể cứu chữa hoặc để lại di chứng nặng nề cho người bệnh .
KẾT LUẬN:
Bài viết này trình bày các kiến thức không nhằm mục đích chỉ cho ai cách thức tự chữa bệnh cho mình hoặc giúp người khác chữa bệnh !
Nó chỉ để cung cấp thêm thông tin nhằm giúp người đọc biết để phòng ngừa vài loại bệnh tim mạch nguy hiểm, nhận biết được những dấu hiệu – triệu chứng bệnh sớm nhất để đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời một cách đúng đắn .
Đồng thời biết chủ động tự chăm sóc cho mình trong quá trình điều trị.
Hãy chú ý gìn giữ đừng bao giờ để cái máy bơm tuyệt vời trong người mình bị cháy !
*Phần lớn hình ảnh và vài câu văn trong bài viết được trích dẫn từ các trang Wikipedia và Website chuyên ngành liên quan.
*Do đây là bài viết nhằm mục đích trình bày phổ biến kiến thức phổ thông nên để đơn giản hóa bài viết, chúng tôi bỏ qua phần ghi chú chi tiết tài liệu tham khảo.
Mong các Tác giả thông cảm !
TS. BS Nguyễn Thị Đoàn Hương – P. Giáo Sư – Trường Đại Học Y Dược TP .HCM
KS Hứa Hoà Bình – Kỹ Sư Hoá – Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM
*Tài liệu tham khảo
(1)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Pump
(2)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Heart
(3)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Myocardial_infarction
(4)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Stroke
(5)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Coronary_stent
(6)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Coronary_artery_bypass_surgery