Chúng tôi nảy sinh ý định viết về chủ đề này sau việc bài viết ” Tim và Nước ” được đọc, khen ngợi và chia sẻ rất nhanh trên Facebook mặc dù có những chỉ dẫn sai ” chết người ” nếu ai làm theo !
Qua đó cho thấy nhu cầu tìm hiểu các kiến thức y học được viết một cách đơn giản, bình dân dễ hiểu của mọi người là vô cùng lớn !
Một vấn đề rất thường gặp là từ ngữ chuyên ngành y học thường gây khó hiểu cho nhiều người mà BS thì không có nhiều thời gian để giải thích nên rất nhiều người tự suy diễn dẫn đến hiểu sai, thậm chí rất sai !
Chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy và cố giải thích bằng ngôn ngữ kiểu ” người thợ ” thì mọi người lại hiểu !
Ví dụ vài vấn đề về tim mạch như hở van tim, động mạch vành, cơ tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,… là gì ?
Việc đó xảy ra thế nào ?
Có điều trị được không ?
Làm sao để ngăn ngừa giảm bớt nguy cơ ?
Bài viết nhằm giải thích một số vấn đề như vậy .
Đọc xong hãy giúp chia sẻ ( share ) bài viết này nếu người đọc nhận thấy rằng nó có ích !
Mục lục
1/- MÁY BƠM NƯỚC ( MBN )
2/- TIM NGƯỜI
• VÀI ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH NHỒI MÁU CƠ TIM
• VỀ BỆNH TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO
Tóm tắt các ý chính cần nhớ về tim mạch
KẾT LUẬN
*Tài liệu tham khảo
*Tác giả
Trước khi nói về TIM NGƯỜI ( từ đây gọi tắt là TIM ) ta hãy tìm hiểu về cái MÁY BƠM NƯỚC ( MBN ) trước vì việc này đơn giản hơn !
1/- MÁY BƠM NƯỚC ( MBN )
HB1 – Máy bơm nước thông thường .
Hầu như ai cũng đã từng thấy cái MBN và hiểu nó là 1 thiết bị để vận chuyển nước từ nơi này đến nơi khác.
TIM cũng có công dụng như vậy nhưng là để bơm máu luân chuyển trong cơ thể người.
Có rất ít người có cơ hội được thấy tim người !
Người viết phần này cũng chưa từng được thấy !!!
Do đó hiểu được cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của MBN sẽ giúp ta dễ hiểu hơn về TIM ở phần sau.
Người ta có thể chế tạo ra rất nhiều loại MBN nhưng nói chung đều phải có 3 phần :
- Đầu hút nước.
- Đầu thoát nước.
- Bộ phận cung cấp lực đẩy nước đi.
Hãy xem sơ đồ nguyên lý cái MBN đơn giản nhất ( HB2 ) :
HB2 – Nguyên lý bơm piston.
Màu xanh là nước.
Mũi tên bên dưới là chỗ hút nước.
Cái chữ T ngay trên đầu mũi tên là cái van 1 chiều ( thợ nước thường gọi là cái flốp-pé ) chỉ cho nước chảy theo chiều vô phía bên trong vì nó sẽ mở ra khi hút vào và đóng lại khi bị ép xuống . Trong TIM cũng có vài cái VAN TIM có công dụng y như vậy !
Phần màu nâu phía trên là bộ phận cấp lực đẩy chạy lên xuống hoặc tới lui ( nếu để nằm ngang ). Hình bên trái là kiểu piston kín còn hình bên phải là cấp lực kiểu cái thụt bàn cầu ( nó tóp lại khi kéo lui và nở ra khi đẩy tới ).
Phía bên trái mỗi hình có hình chữ T cũng là cái van 1 chiều chỉ cho nước chảy ra chứ không cho vào trong ( ngược lại với cái T bên dưới ) để chuyển nước chảy đi đến nơi mình muốn.
Mũi tên trên cùng là chỗ nước thoát ra.
Hình minh họa tiếp theo sau ( HB3 ) là kiểu cái MBN bằng tay hay thấy ở các vùng nông thôn trước đây . Nó cũng có 2 cái van A&B, piston & tay cầm để bơm, 2 đầu hút và thải nước ra. ( chạm vào hình để mở lớn )
HB3 – Nguyên lý máy bơm giếng bằng tay.
Khi dùng cần gạt kéo cái piston lên thì cái van bên dưới bật lên để nước tràn vào đồng thời cái van phía trên do bị hút nên nằm ép xuống che kín đường ống.
Khi piston bị ép chạy xuống dưới thì cái van bên dưới đóng lại đồng thời cái van bên trên bị dòng nước đẩy bật lên để nước thoát đi !
Chu trình này liên tục lặp lại như vậy khi ta bơm nước .
Các hình trên là dùng để mô tả cho dễ hiểu vì nó đơn giản còn MBN bây giờ dù vẫn dùng đúng nguyên lý đó nhưng được chế tạo tinh vi hơn nhiều với nhiều kiểu cung cấp lực đẩy khác nhau trong đó có một phần không thể thiếu là cái MOTEUR điện chứ không bơm tay nữa.
Dưới đây là vài kiểu bơm khác nhau:
HB4 – Nguyên lý bơm bánh răng.
HB5 – Cấu tạo 1 loại bơm bánh răng.
Hai hình trên ( HB4, HB5 ) mô tả 2 dạng bơm bánh răng khác nhau mà các đầu bánh răng bên trong máy khi chạy liên tục lùa nước đi theo 1 chiều ( làm luôn chức năng của van 1 chiều ). Chỉ cho 1 bên vô, 1 bên ra.
HB6 – Nguyên lý cánh bơm ly tâm.
Cái hình tròn tròn đẹp đẹp trên đây ( HB6 ) mô tả nguyên lý vận hành của cái bơm ly tâm. Bên trong máy cấu tạo có cái đĩa tròn được cắt rãnh như hình vẽ ( có nhiều kiểu khác nữa ) để khi nó quay tròn tốc độ nhanh nước sẽ liên tục bị hút vào phần giữa vòng tròn và bắn ra phía bên ngoài vòng tròn bởi lực ly tâm để phun ra đầu thoát nước.
Để MBN chạy có một phần không thể thiếu là cái MOTEUR điện ( HB7 ) cấu tạo như hình dưới đây :
HB7 – Động cơ điện ( MOTEUR )
Ta thấy bên trong có những cuộn dây đồng để biến đổi năng lượng điện thành lực quay tròn liên tục đẩy nước đi.
Khi nghe thợ ống nước nói ” cháy Máy bơm ! ” tức bị hư phần dây đồng, MBN không chạy được !
Để kết thúc phần này mong mọi người cố gắng ghi nhớ các điểm chính yếu trong MBN gồm có:
- Đầu hút nước.
- Đầu thoát nước .
- Van một chiều .
- Bên trong MBN có những cuộn dây đồng để biến đổi năng lượng điện thành lực quay tròn liên tục đẩy nước đi.
- Khi nghe thợ ống nước nói ” cháy Máy bơm ” tức bị hư phần dây đồng, MBN không chạy được !
Để được bảo vệ, Máy Bơm Nước thường được gắn thêm cái CB ( Circuit Breaker ) có thể tự động ngắt điện phòng trường hợp xảy ra trục trặc về điện .
( còn tiếp )
TS. BS Nguyễn Thị Đoàn Hương – P. Giáo Sư – Trường Đại Học Y Dược TP .HCM
KS Hứa Hoà Bình – Kỹ Sư Hoá – Trường Đại Học Bách Khoa TP.HCM
*Tài liệu tham khảo:
(1)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Pump
(2)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Heart
(3)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Myocardial_infarction
(4)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Stroke
(5)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Coronary_stent
(6)-https://en.m.wikipedia.org/wiki/Coronary_artery_bypass_surgery