PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Phố Cũ

Năm 2009 hai đứa tôi xách túi về Sàigòn, một quyết định ngoài dự kiến vì năm đó chị em tôi không còn ở VN, bên chồng cũng chỉ còn gia đình anh cả thôi.

SG3

Thật lòng tôi đi theo chàng vì ĐH Bách Khoa Phú Thọ kỷ niệm 30 năm tốt nghiệp của niên khóa 74.

Trước đó trong diễn đàn của lớp chủ xị quảng cáo rầm rộ, « bạn ơi có bao nhiêu 30 năm qua rồi » làm con tim đám thanh niên ngày xưa rúng động dù bây giờ đã lên chức tía bày trẻ, có đứa phát tài là đại gia mới ghê.

Ôm cái bằng KS ra hải ngoại đa số phải đổi nghề để hội nhập xứ người, vài bạn bên Mỹ và chàng còn bám ngành công chánh sống chết với nghề thuở bước chân vào đại học.

 Đứng cạnh đám KS mình đâm tủi phận, nghiệp văn chương chữ nghĩa của tôi rẻ hơn bèo, ra hải ngoại bạn bè cũng như tôi phải học nghề mới chả bù các bạn ở VN bảnh chán, thầy đại học, trưởng Ban Pháp Văn …

Lần này hai đứa ở khách sạn ngay ngã 6 Sàigòn cho tiện, sáng đầu tiên chúng tôi đi bộ loanh quanh « khám điền thổ », phố xá thay đổi đến nổi tôi không nhận ra chốn xưa mình lang thang với bạn bè.

Xế trưa anh Hoàng Mịch Đại bên Mỹ về đây tuần trước và anh Phạm Phi Hùng chủ công ty bự đón chúng tôi đi nhà hàng, ngày đầu đến với bạn của chàng tôi bị « việt vị » ngồi xớ rớ nghe mấy ông nhắc chuyện xa xưa.

Tôi ngồi đó nhâm nhi bia lạnh và mấy dĩa mồi với ba ông kẹ, lẳng lặng nghe mấy vị tán chuyện, cầm ly bia tôi nhớ bố quá, ngụm bia đầu đời của tôi từ tay bố rót vào ly cho các con, năm tôi lên tám.

Hôm sau chủ xị Hội Ngộ Phú Thọ, Trần Viết Hiếu mời hai đứa đến nhà dùng cơm với anh Lê Văn Việt, may mà có bà xã anh Hiếu « cầm bạn » nên tôi không bơ vơ như bữa tiệc hôm trước.

Mấy chai rượu đỏ của chủ nhà rất « bắt cơm » với đặc sản Huế, gặp món ruột tôi làm một bụng no nê, về khách sạn đánh một giấc, tờ mờ tối bên ly cà phê tôi ghi vội vài hàng ngày đầu về quê để dành « làm của ».

Sáng nay chàng đi dự Đại Hội Phú Thọ 74 bên Bình Quới, tôi lang thang khắp Sàigòn, đi ngang Khách sạn Hữu Nghị (Palace trước 75), tôi đứng đó nhìn mông lung, nhớ thuở cụng ly rượu đỏ với cán cuốc và ông kẹ Tây, bơ sữa, fromage … dạo đó thuộc hàng hiếm.

Chả bù mấy năm trước ba mẹ con tôi nhâm nhi rượu đỏ mỗi bữa cơm gợi nhớ thời khoai độn bobo tôi may mắn làm việc với tây u nên có dịp ăn uống xả láng mỗi lần đi công tác với cán bự.

Từ khách sạn Hữu Nghị băng qua đường Nguyễn Văn Thinh là chung cư của hãng Pháp dành cho nhân viên trước năm 75, bố của Hà là KS cơ khí được cấp căn nhà 4 phòng tận lầu 7.

Hôm nào thầy vắng mặt bất tử cả đám rủ nhau rong chơi khu thương xá Cristal Palace, về nhà Hà vào thang máy bấm nút chạy lên chạy xuống vài lần mới chịu vào nhà Hà chơi đến giờ tan trường.

Sau này qua Pháp tôi gặp lại chị Hiền của Hà mới biết em Hưng đã bảo lãnh cả gia đình Hà qua Úc, chị Viễn Hoàng BS làm việc tại đoàn Thanh Niên Xung Phong vẫn còn ở VN với chồng con, tôi mất liên lạc với chị Hiền khi chồng chị nghỉ việc ở hãng Kodak.

Ghé về xóm cũ, cư xá Bùi Thị Xuân của ông tướng Tôn Thất Đính, nơi gia đình tôi cư trú hơn mấy chục năm trước, dẫy phố đã thay hình đổi dạng không còn dấu tích năm 1963 bố mẹ dọn về đây.

Hàng xóm hồi xưa có chị Kim Phượng cô giáo Gia Long, sau này chị kết hôn với anh Cao Thanh Tùng người dẫn chương trình « Đố Vui Để Học » trên đài truyền hình số 9.

Dạo đó chị em tôi  9 – 10 tuổi chơi với Thiên Nga, Kiều Nga, Tuyết Nga cháu của chị Phượng nên gọi chị là « Dì tám » như các bạn, sau này chị em tôi lập gia đình nên gọi « chị tám » cho đến bây giờ.

Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, qua Mỹ em tôi thường lui tới với gia đình anh chị tại quận Cam.

Hàng xóm bên phải nhà tôi là ông kẹ Christophe Trịnh Nghĩa, hắn bằng tuổi chị tôi lại là con út nhỏ hơn anh chị của hắn đến 7-8 tuổi nên nhập bọn với chị em tôi và đám con nít trong xóm.

Cư xá chỉ có 10 căn nhà, con nít cùng lứa với chúng tôi có Lộc biệt danh « xíu ròm » vì hắn còm nhom thấy thương luôn, kéo violon rất hay, Roger Quang lớn nhất đầu têu đám nhóc chúng tôi.

Sát bên cư xá là hãng gạch bông « Khánh Thuận » có đến 6 anh em, chị cả Tuệ Tâm kết thân với chị tôi, em tôi cặp kè với Nguyệt, chị em tôi hay sang bên đó coi thợ đúc gạch, hái mận, khế chấm muối ớt.

Tôi gõ cửa hãng gạch ngày xưa nay là quán cà phê, giờ này quán đóng cửa chỉ bán buổi chiều.

 Phục em trai kế chị Tuệ Tâm mở cửa, hắn nhìn tôi chầm chập, hỏi :

– Bạn đó sao ?

Bên tách cà phê Chúng tôi ôn lại chuyện cũ, chị Tâm đã mất vì tai nạn gia thông, Phục vợ con đề huề, Nguyệt ở San José với chồng con, Song Tú, Song Văn đã lớn hẳn, hơn bốn mươi năm gặp lại, vật đổi sao dời mọi thứ trôi theo dòng đời còn đâu những ngày tung tăng khắp xóm với các bạn.

Lang thang Sàigòn vài ngày, hai đứa đi tour Đà Nẵng Huế, ngày đầu tiên đến xứ Đà, cơm chiều vừa xong, anh Hải Đà thầu khoán bự tại đó cho xe đến khách sạn đón hai đứa tôi đến quán nhậu.

Thực đơn độc nhất món thịt luộc chấm mấm nêm các bác nhâm nhi rượu bia, tôi lạc lõng giữa 5 ông bợm nhậu, đành làm bạn với lon bia nghe chuyện thuở sinh viên có đứa từng là tổ trưởng tổ phó trong lớp hét ra lửa.

Khuya hôm đó về khách sạn, chàng vẫn còn thắc mắc dạo mới quen nhau,khi biết chàng là tổ trưởng tôi ra điều kiện chàng phải từ chức nếu muốn tiếp tục quen với tôi.

Mượn hơi bia, tôi tuyên bố tuyên mẹ :

– Ừ thì phải làm giá chứ, ai đời người ta mới « cua mình » mà mình gật đầu, mất « vi tính » lắm ạ.

***

VK7

Trở lại Sàigòn, tôi mò ra trường Văn Khoa, vào văn phòng tìm bạn cũ, cô trẻ trực hôm đó nhìn tôi trân trân :
– Cô tốt nghiệp năm nào ?
– Năm 78, xưa quá phải không em !

Em gật đầu, tôi tiếp :
– Cô tìm cô Như Hoa
– Xếp ban Pháp Văn phải không cô, cô ấy vừa về hưu

Một cậu nghe vậy chạy tới hỏi tôi :
– Chị là gì của cô Như Hoa ?
– Bạn cùng lớp, vậy em có biết anh Diệm đoàn viên TNCS ĐH Văn Khoa sau tháng tư 75 ?
– Dạ biết, anh ấy cũng về hưu rồi, em nhập học năm 77 nên biết anh ấy.

Chuyện trò một lúc với chú em về giọng Quảng đặc sệt của Diệm chúng tôi cùng cười về cung cách « bôn sơ vít » ( Bolchevik) lố bịch của hắn dạo Sàigòn vừa bị đổi tên.

Hồi đó tôi không ưa nổi giọng hắn hát « Két đoàn chúng ta là sức mạnh », thế mà xa nhà lâu năm bất chợt nghe giọng Quảng tôi nhớ đến mấy chuyện « khó ưa » xưa cũ, rồi cười xòa nhận ra mình không còn nông nổi như thời trẻ.

Đi một vòng sân trường, giảng đường vẫn còn đó, cây phượng đỏ ngày xưa đâu rồi, góc sân bên phải mọc lên Quán Cà Phê Sân Thượng, nơi chúng tôi tụ lại nghe Châu Castafiore hát nhạc ngụy bị viết bản tự kiểm te tua.

Hiện nay nhạc vàng của VNCH được hát từ Bắc chí Nam điều đó chứng minh Bên Thua Cuộc rất Nhân Bản, Văn Minh không rừng rú tàn độc như bọn CSVN đã thắng cuộc còn giam cầm quân cán chính VNCH trong tù cải tạo.

VN bây giờ thay da đổi thịt, phồn hoa, tươi đẹp nhưng vỏ bọc bên ngoài đó không giấu được những bất công xã hội, bọn cầm quyền đàn áp dã man những ai lên tiếng đòi dân chủ nhân quyền, bán nước cho tàu cộng, cướp đoạt công khai tài sản của dân chúng, dòng tu Công Giáo…

Hơn mười năm nay tôi chưa quay về chốn cũ, quê hương bỗng trở nên xa lạ trong tôi, dấu tích Sàigòn đã phai màu theo thời gian, tôi như lữ khách lang thang phố cũ, lạc lõng giữa lòng quê mẹ.

 Bài « PHỐ CŨ » của nhạc sĩ Trần Kim Bằng đã đưa tôi về chốn xưa đầy kỷ niệm, cảm hứng từ giọng hát của Diệu Hiền và Ngọc Quy, tôi ghi vội vài hàng lưu lại « làm tin ».

Phố cũ xa lạ quá, loanh quanh đi tìm mãi,
Phố cũ nay ta về, bạn xưa tóc trắng.
Lối tắt qua nhà em, bâng khuâng chân ngại bước,
Những gốc me trên đường, bùi ngùi cho ai nép bên mình

Phố xá đêm về sáng, lang thang nơi đường cũ,
Quán cóc nghe đêm dài, quạnh hiu xa vắng.
Lữ khách mơ về đến, quê hương khung trời đó,
Có biết bao ngậm ngùi, rồi mai đây ta cũng xa rời.

Quê cũ, có biết bao buồn vui.
Ngơ ngác, khung trời dĩ vãng,
Quê nghèo năm xưa, ta về đây,
Trăng tan, hiu hắt bên trời,
Yêu em thơ cũ, yêu người trăm năm.

Mời bạn nghe bài hát – Phố Cũ – của nhạc sĩ Trần Kim Bằng.

Dung Paris

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả