PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Ngoái Đầu Nhìn Lại

Lời phi lộ
Một thanh niên 19 tuổi lúc biến cố 1975 xảy ra, sống qua đủ các thời kỳ từ thời quân quản, thời kỳ bao cấp bị cấm vận, thời đổi mới mở cửa, rồi đến thời hòa nhập,…

Ngoái đầu nhìn lại là một phần trong tự truyện của tác giả viết xong cuối năm 2016.

Bài viết là lời kể lể tâm tình của tác giả với một số bạn thân thời đại học. Cách xưng hô trong bài viết là “bạn” và “tui”, sau này được hiệu chỉnh thành “tôi”. Xin quý thầy và các sư huynh miễn thứ khi đọc bài này.

PHẦN 1 – THỜI SINH VIÊN VUI VẺ

Năm 1974, đậu xong Tú Tài IBM, tôi thi được vào khoa Hóa trường Đại Học Kỹ Thuật Phú Thọ. Vốn là con nhà nghèo, những tưởng là được vào trường này sẽ có cơ hội lớn để thay đổi cuộc đời.

Nhưng…

Biến cố 1975 xảy ra. Lúc ấy, mới 19 tuổi đời, cũng chẳng thấy có gì là ghê gớm.

Vẫn tiếp tục đến trường khi được gọi lại.

Rồi đi làm công tác đường phố, đi làm thủy lợi, học chính trị,… mất gần 1 năm trước khi vào học chính thức.

Trong thời gian học ở trường này, mình kết được một nhóm bạn thân…

…Ngày xưa khi học lớp 11, tui được học về thơ văn của cụ Nguyễn Công Trứ. Tui rất ngưỡng mộ ngài. Ngưỡng mộ vì tài văn võ song toàn, ngưỡng mộ vì tư tưởng rất thoáng trong việc thành đạt – “ngày xưa ta làm quan, không lấy đó làm vinh, thì bây giờ làm lính ta cũng không coi đó là nhục” -, ngưỡng mộ vì ngài rất xung – “tân nhân dục vấn lang niên kỷ, ngũ thập niên tiền nhị thập tam”. Vì ngưỡng mộ như vậy nên tui đã lấy ngoại hiệu là “Cuồng Sĩ” do thường ngâm nga bài Kẻ Sĩ và bản tánh ngông cuồng lúc đi học.

Bài Kẻ Sĩ này cũng như biệt hiệu Cuồng Sĩ dường như đã vận vào cuộc đời của mình… long đong, lận đận 14 năm trời cho tới lúc gặp vận, rồi mới được ung dung tự tại lúc về hưu sau này.

“Cuồng Sĩ” là một trong nhóm “phong trần lục dật” mà tụi tui đã lập ra thời học đại học. Xin được kể lại tên của sáu kẻ nhàn nhã phong trần này như là một hồi ức.

Sắc Ma – Trần Tấn Tài, bạn này có tài chinh phục phụ nữ, nhảy đầm số một. Bạn này định cư ở Úc và mới từ trần năm ngoái vì ung thư

Cuồng Sĩ – Bùi Thế Mẫn, ngang tàng, dọc ngang chẳng biết trên đầu có ai. Mang tính tự tôn, ba gai đó ra đời, mới đi làm được một năm thì bị ban GĐ quân quản quất một cú té lòi bản họng. Danh sách công nhân nam của Cty khoảng 300 người, Cuồng Sĩ là một trong hai Kỹ Sư của xí nghiệp…vậy mà được đưa vào danh sách đi bộ đội với chỉ tiêu 5 người của quận 5. Dĩ nhiên là với tính cách ba gai và sự non nớt của tuổi trẻ, hắn đã phản ứng quyết liệt và tuyên bố không chấp hành. Thông tư như kim bài lịnh liên tiếp về địa phương,…lại không trình diện…Thế là bị cắt hộ khẩu sống lang thang như đã có lần kể với các bạn. Hề hề, Thúy Kiều mất 15 năm mới thoát kiếp hoạn nạn,…thì tui đây cũng được 14 năm, tính từ lúc mất hộ khẩu năm 1980, sống đời thủy thủ kiếm cơ hội vượt biên, rồi lang bạt sống ở các tỉnh miền tây…tới lúc quay về Sài Gòn, kiếm việc làm, xin lại được hộ khẩu năm 1994. Rồi tới khi “rồng mây khi gặp hội ưa duyên, đem quách cả sở tồn làm sở dụng”… sau thời mở cửa, đặc biệt là sau năm 92 khi B Clinton bỏ cấm vận, các Cty nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh, hắn mới có cơ hội và… cờ tới tay, hắn đã phất ra trò.

Túy Đầu Đà – Lê Quang Đức, to cao, ăn nói rổn rảng, tính bộc trực…đầu tóc để bờm sờm, còn đi học mà đã uống bia rượu như nước lã…Nhìn hắn tự nhiên liên tưởng đến nhà sư ăn thịt chó Lỗ Trí Thâm. Tên này hiện định cư ở Canada.

Bệnh Tiên Sinh – Tạ Chí Vĩ, dáng gày gò, hom hem… lúc nào cũng ra vẻ bệnh hoạn, nhưng gặp việc thì hai mắt sáng rực lên, giải quyết nhanh chóng, là một trong những kỳ thủ đáng gờm của mỗ thời còn đi học. Bạn này là chủ của hãng Sơn Á Đông ở Bình Thới, vượt biên rất sớm, sau đó không nghe tin tức nữa.

Tiếu Diện Vô Lường – Nguyễn Phương Khanh, nhỏ con, lúc nào cũng tỏ ra xuề xòa, không muốn hơn ai…Miệng bạn ấy lúc nào cũng sẵn một nụ cười như là đang có một niềm vui gì đó,…nhưng thật vô lường, bạn này có sức khỏe, sức bền lạ thường. Khi xỏ giày vào sân cỏ, trông như là bạn ấy đã cao lên, to lên rất nhiều. Và một điều vô lường nữa mà sau này tôi mới biết, bạn ấy đã từng là cây viết bài cho một tờ báo của dân chơi “Đua Ngựa Phú Thọ” trước năm 75. Phương Khanh hiện đang sống ở Mỹ.

Triền Miên Cầm Sĩ – Nguyễn Văn Trúc, biệt tài…ngủ. Có cảm tưởng như Trúc có thể ngủ bất cứ lúc nào, lúc học chính trị, thảo luận tổ, đi lao động cũng ngủ. Nhưng tiếng đàn dương cầm của Trúc thì không chê vào đâu được. Khi hứng lên, Trúc có thể ngồi chơi đàn hằng giờ liền mà quên… ngủ. Trúc hiện giờ đang sống ở Úc, cùng bang con mình. Lần nào qua Úc cũng được Trúc đón tiếp chu đáo.

Cuộc sống sinh viên với nhiều kỷ niệm, nhưng nói chung là vui vẻ và chẳng phải tính toán so đo gì hết.

Rồi thời gian cũng qua đi. Các bạn đã vượt biên sang xứ người, mình vẫn cứ ở lại và cuối cùng cũng ra trường với mảnh bằng Kỹ Sư Hóa năm 1979

PHẦN 2 – BẮT ĐẦU GIAN TRUÂN

Năm 1979, sau khi ra trường, tôi về làm việc ở nhà máy Xà Bông Việt Nam (Xà Bông Cô Ba, Trương Văn Bền ở chợ Kim Biên). Lúc đó tôi như một con ngựa non háu đá, thấy việc gì cũng xen vào… Có lẽ câu chuyện bắt đầu từ việc tôi tìm cách và tạo những dụng cụ để đo đạc thể tích và hàm lượng Silicate trong xe bồn được giao đến nhà máy. Lúc đó mình chỉ nghĩ là giúp Phòng Kỹ Thuật Xí Nghiệp có cách quản lý tốt hơn… sau này tôi mới biết đó là mặt hàng được giao từ các cơ sở SX tư nhân với những hợp đồng được ký kết trực tiếp với Ban Giám Đốc!!!… Kết quả là đến cuối năm 1980, tôi nhận được quyết định điều động nhập ngũ…mặc dù chỉ tiêu giao quân của nhà máy chỉ là 5 người và nhà máy có hơn 300 công nhân nam…

Tôi cảm thấy mình bị ức hiếp và với tính cách của tôi vào những năm đó thì cũng dễ hiểu được tại sao tôi xông vào phòng của viên Phó Giám Đốc Kỹ Thuật (vốn cũng là một Kỹ Sư Hóa từ ngoài Bắc chuyển vào)… Câu chuyện rất ồn ào và dĩ nhiên người thua cuộc là tôi…Tôi còn hùng hồn tuyên bố là tôi sẽ không tập trung nhập ngũ trong ngày kế tiếp…

Sau đó với việc không chấp hành lệnh nhập ngũ thì tôi bị mất việc. Cùng với việc tôi gây náo loạn ở Văn phòng Cty, họ gửi thông báo đến địa phương nơi tôi ở. Một lần nữa tôi không trình diện ở địa phương, thế là hộ khẩu của tôi bị cắt…

Lúc đó, gia đình tôi đâu có khá giả để cưu mang tôi. Mà bản tánh tôi cũng ba gai, không muốn lụy phiền gia đình. Tui bắt đầu kiếp sống bụi đời từ đó. Nói sống bụi đời đơn giản là như vậy, nhưng mà có trải qua rồi mới biết… Nó rất kinh khủng… bào mòn cả thể xác lẫn tinh thần của mình… Nhất là vào những năm 1980, khi Công An khu vực còn quản lý chặt chẽ từng hộ dân thì việc kiếm chỗ ngủ an toàn qua từng đêm là gay go như thế nào…

Tui sẽ nói vắn tắt giai đoạn này, nhưng mà bây giờ nghĩ lại vẫn còn rùng mình…

Lúc đầu và trong năm kế tiếp, tôi được Cô Dượng tui (Vợ chồng Thầy Nguyễn Bát Tuấn) cho ở nhờ. Vợ thầy Nguyễn Bát Tuấn, giáo viên hướng dẫn bài tập Giải Tích ở Khoa Cơ Bản ĐHBK, là em họ của mẹ tôi. Nhà thầy Tuấn rộng rãi, con trai nhỏ hơn mình khoảng 5-6 tuổi, mới đi vượt biên… Tôi ở nhà phụ giúp vài việc và dạy toán cho mấy đứa con nhỏ của thầy. Ban ngày tui đi chạy hàng hóa chất kiếm tiền tiêu, chiều tối về nhà thầy nghỉ ngơi.

Nhưng tui cũng biết việc này không thể kéo dài.

Có những đêm Công An khu vực tới khám nhà, tui phải trèo lên nóc nhà, nằm trốn trên đó đến gần sáng, lạnh và sợ hãi vô cùng….

Rồi tui quen với một người bạn mở cơ sở sản xuất xà bông và dầu gội đầu bên quận 8… tôi chạy giao hàng vật tư kiếm sống và phụ giúp pha chế hóa chất cho cơ sở này… nhiều đêm tôi có thể nghỉ ở lại cơ sở này mà không lo gì hết…

Rồi có thời gian tôi vào làm cho Công Ty Sản Xuất của thầy Phan Phải, giáo sư khoa Hóa trường ĐH Bách Khoa, thầy cũ của tôi. Công ty này sản xuất thuốc trừ sâu Vi Sinh BT. Tôi thường xung phong trực đêm để theo dõi nồi ủ men vi sinh… Đây là những đêm mà tôi cảm thấy an toàn với giấc ngủ nhất.

Hoặc cũng có khi tôi phải tá túc ở nhà bạn bè. Trong đó tui tri ân nhiều người bạn đã giúp tôi…

Tôi tri ân bạn bạn Bạch Long Nguyễn Văn Minh, nơi mà tôi đã được đãi những bữa ăn ngon… và những giấc ngủ ngon qua đêm…

Tôi cũng tri ân bạn Phan Anh Thành Trung, người gần như cùng cảnh ngộ trốn nghĩa vụ quân sự với tui, đã chia xẻ với tôi từng bữa ăn rau và nhiều đêm cho tôi tá túc trong một cái chuồng cu trên gác xép để trốn Công An…sau này, khi thoát được cảnh khổ mà thấy Thành Trung còn long đong tôi rất đau xót… Nhiều lần giúp đỡ Thành Trung… Vật chất thì không nói làm gì vì nó không thể nào đủ hết…Việc mà tôi muốn giúp Trung là tìm ra hướng đi mới… Tuy nhiên muốn vậy thì trước hết Trung phải biết chấp nhận là ḿnh đang thua cuộc, từ bỏ nó, để mà xây dựng một cái mới hơn… Trung rất thành kiến…vẫn khư khư giữ quan điểm là mình đang đi đúng hướng (nuôi chim Cút theo hướng Công Nghiệp), khó khăn chỉ là tạm thời, chỉ cần thêm thời gian và thêm vốn,…Tôi đã tranh luận với Trung nhiều lần mà không thuyết phục được Trung… Thậm chí có lần tôi đã cùng Trung nhậu với Âu Dương Công Tử – Văn Thảo… Tôi ủng hộ ý kiến của Âu Dương Công tử là đầu tư một dàn máy làm giây thun dùng trong may mặc cho Trung… Lúc đó trong thời làm ăn thuận lợi, Âu Dương Công Tử có hứa rằng sẽ bao tiêu sản phẩm làm ra,… rằng Trung có thể kiếm thu nhập khoảng 1 triệu đồng mỗi ngày… Vậy mà Trung vẫn từ chối, vẫn muốn tiếp tục dự án của mình…Chính vì vậy mà tui rất giận Thành Trung và giận chính mình… Nhưng tôi nghĩ rằng không ai có thể giúp Thành Trung khi nó không muốn giúp chính nó…Sau này Trung lập gia đình, sống đời nông dân luôn ở Long An.

Lại còn có những đêm sau khi ngại làm phiền người quen và không tìm được chỗ ngủ, tôi ôm chiếc xe đạp và túi “dết” giang hồ của tui, lủi vào một ngõ hẻm rồi ngủ ngon lành… May mà những năm đó xã hội cũng chưa đến nỗi như bây giờ….

Thời gian chịu đựng như vầy của tui khoảng 2 năm… nói 2 năm chứ nếu nghĩ đến 2 x 365 ngày, và mỗi ngày cứ phải nghĩ tới mình sẽ ngủ ở đâu thôi là rùng mình rồi…

Khoảng giữa năm 1981, tui tích cóp được một ít tài sản và bắt đầu con đường đi vượt biên… tui đã tìm cách được làm thuyền viên (thủy thủ) của 1 tàu đánh cá…thực chất là con tàu tui đã đóng góp tiền để được đi vượt biên. Công việc của tui trên tàu là nấu ăn cho tộng cộng 9 thuyền viên và phụ giúp việc kéo lưới, phân loại cá,… Mỗi chuyến đi biển khoảng 10 ngày đến 2 tuần… Nghỉ 3-4 tuần rồi lại đi. Công việc rất cực nhọc nhưng mà tui lại cảm thấy rất yêu đời. Tui học được nhiều kỹ năng sống trong giai đoạn này…Việc này kéo dài khoảng gần 1 năm… Chủ yếu là để làm quen với các cửa biển và để chủ tàu tìm cơ hội…. Sau cùng công việc cũng thất bại. Tàu bị bắt, mất hết của cải và hy vọng…

Tui quay trở về thành phố tiếp tục sống trong thất vọng….

Rồi cũng đến một ngày….……………………….

(xin đục bỏ phần này vì đó là một bí mật cá nhân)
………………………………….
Lúc tui tỉnh dậy thì thấy mình nằm trên một giường sắt của bệnh viện. tay chân bị trói chặt với nhiều vết thương (có lẽ do giẫy giụa lúc thuốc ngấm)…

Rồi lại thiếp đi,…..

Lúc tỉnh dậy (hay đúng ra là bị đánh thức dậy) lần sau, trước mặt tui là 1 viên công an… Anh này lấy khẩu cung của tui. Tui cũng quá chán nản nên nói hết mọi việc,…. Anh ta bỏ đi….

Trong bụng tui nghĩ là sẽ sắp sửa bước vào cuộc sống ngục tù….

Vậy mà viên công an đó không quay trở lại… chắc là họ xác định đó không phải là một vụ án hình sự nên bỏ qua….

Tuy nhiên tui lại phải đối mặt với một khó khăn sắp tới…

Tui ở lại bệnh viện tiếp 1 hay 2 ngày gì đó…

Không có tiền, không ai chăm sóc,…. (nếu gặp thời nay chắc chết quá)

Những người, nhiều người không quen trong bệnh viện giúp tôi, cho tôi ăn…giúp tôi đi lại…

Không biết là mấy ngày sau đó, cô y tá bệnh viện bảo tôi ký giấy xuất viện (chắc bệnh viện thí cô hồn tiền viện phí của tôi)… Tôi nhớ lúc đó mọi người gọi tên tôi là Nam… tôi cũng ngạc nhiên… nhưng mà vì thông minh (??? ) nên sau này tui cũng tìm ra lý do….

Khi vào bệnh viện, chắc lơ xe khai báo là nạn nhân không có tên…

Trong sổ ghi là Vô danh – Nam…. Nhưng các cô y tá ở nơi nhận bệnh không biết nguyên ủy, đặt cho tôi cái tên là Võ Danh Nam.

Lúc rời khỏi đây, tui đã xem và biết được rằng bệnh viện đã bắt tui tiếp tục trả nợ đời là Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Vĩnh Long

Sau này tui có lần trở lại đây, muốn hỏi thăm về những người làm việc ở Bệnh Viện thời gian này và muốn tìm quyển sổ ngày 15/7/1982 có ghi tên bệnh nhân Võ Danh Nam mà không thể nào thực hiện được.

Rồi một khó khăn nữa là làm sao quay trở về Sài Gòn, khi mà trong túi chẳng còn một đồng xu nào….

Tôi tri ân những người không quen biết trong bệnh viện đã góp tiền cho tui có phương tiện trở về Sài Gòn….

Lúc đó, tôi vẫ chưa ngộ được rằng mình còn phải trả nợ đời….

Nếu không có một biến cố khác và gặp được một vị kỳ nhân thì chắc là tui sẽ lại tìm cách trốn tránh trách nhiệm xã hội khi mà trước mặt không có một con đường nào sáng sủa để đi….

PHẦN 3 – LƯU LẠC GIANG HỒ

Trong thời gian lưu lạc giang hồ, tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều vị quái kiệt…

Với giới Văn Nghệ Sĩ thì tôi có cơ hội ngồi uống rượu ca hát (với sự đệm đàn bằng guitar) với Duy Khánh, Nhật Trường trên sông Hậu… Tui cũng có dịp gặp gỡ và nói chuyện với vợ chồng Nguyễn Chánh Tín, Bích Trâm… một số ký giả của báo Tuổi trẻ cười và nhà văn Sơn Nam… Những chuyện này xảy ra vào năm 1984 lúc tôi xuống làm kỹ thuật viên cho một cơ sở sản xuất Xà Bông và Kem đánh răng ở An Giang.

Ông Sơn Nam có nói nghệ thuật viết truyện, dẫn truyện là phải kích thích sự tò mò của độc giả… có thể bằng nhiều cách… Một trong những cách đó là không nên kể chuyện theo một mạch thẳng mà phải biết phân nhánh,….

Xin được áp dụng điều này.
………………….
Lại nói về thời gian làm thủy thủ trên con tàu mang ý định vượt biên, tôi đã có những giờ phút rất thoải mái khi lênh đênh trên biển và cũng có những chuyện lạ lùng đã được chứng kiến.

Khả năng hát xướng của tôi được phát triển trong giai đoạn này. Trong số thủy thủ, có một ông lúc đó ngoài 40 (mình mới có 25 tuổi – 1981). Ông ấy, tên Thảo, vốn là một Trung Sĩ trong ngành cảnh sát, biết và thuộc rất nhiều bài hát. Ông Thảo và một người nữa chơi được guitar. Tôi đã tập được rất nhiều bài hát với ông ấy. Có những đêm lênh đênh trên biển lúc chờ cá vô giã cào, chỉ cần một người lái tàu, anh em khác có thể nghỉ ngơi, bọn tôi túm lại ca hát. Có trải nghiệm với việc đi tàu trên biển vào ban đêm mới cảm nhận được hết những lời trong bài hát Hoa Biển của Trần Thiện Thanh.

“Vượt bao hải lý, lênh đênh triền sóng thấy lung linh rừng hoa”….ban đêm khi tàu chạy với tốc độ cao, hai bên sườn tàu sóng dậy, bọt nước xuất hiện… do độ mặn của nước biển và dưới ánh trăng, bọt nước sóng biển này kéo dài khoảng vài trăm thước rồi mới tan. Đứng phía đuôi con tàu quả thật như nhìn thấy cả một rừng hoa trắng lung linh…Và “em ơi giận hờn, xin như hoa trắng tan trong đại dương”…thật vậy, đó chỉ là hoa biển thôi nên sau khi xuất hiện sẽ chóng tan vào đại dương…Cũng mong rằng giận hờn, nếu có, giữa anh em bạn bè chúng mình cũng sẽ dễ dàng tan biến như vậy….

Rồi có một lần ra ngoài khơi theo cửa biển Sông Đốc, tôi được chứng kiến một sự kiện hy hữu. Lần đó tàu cũng ra khá xa khơi, ra ngoài phao số 0 (điểm mốc tiêu đầu tiên dẫn vào cảng của 1 quốc gia), tàu chúng tôi thấy thấp thoáng trước mặt một con tàu lạ, to lớn, có vẻ là tàu nước ngoài. Anh em tụi tui tự hỏi chẳng lẽ mình đã ra đến hải phận quốc tế… Sau một hồi do dự, tàu chúng tôi tiến lại gần. Khi có thể thấy được rõ người trên tàu từ hai phía, chúng tôi nghe tiếng loa phóng thanh “nếu là tàu Việt Nam, mau tiến lại đây, nếu không chúng tôi bắn”… Chúng tôi tiếp tục tiến tới chầm chậm. Thì ra đó là một tàu đánh cá của Thái Lan, xâm nhập vào hải phận Việt Nam. Không biết thuyền trưởng đã chống cự hay sao đó mà đã bị bắn chết, xác còn nằm trên tàu. Con tàu đang được các Chiến Sĩ thuộc Hải Đội Việt Nam khống chế, gần đó là một tàu tuần tra Việt Nam. Con tàu Thái Lan đang được dẫn vào trong căn cứ Hải Quân VN ở Sông Đốc, Cà Mau thì vướng phải bãi bồi nên mắc cạn. Tàu chúng tôi được yêu cầu kéo con tàu này ra khỏi bãi cạn. Sau đó các bộ đội biên phòng báo cho chúng tôi biết đêm hôm đó có thể ra đấu giá mua cá…

Đêm đến, tàu chúng tôi và một vài con tàu nữa vây quanh con tàu khốn khổ…Chỉ còn các tay bộ đội trên tàu. Các thủy thủ Thái Lan chắc đã bị đưa vào nhà giam… Các tay bộ đội khuân các kiện cá đã được muối đá kỹ lưỡng trong các khay plastic ra và rao bán… Chúng tôi mua được một số lượng cá lớn. Có lẽ đây là lần duy nhất đi đánh cá mà con tàu của chúng tôi có lãi… Mọi lần, số cá bán được không thấm vào đâu so với chi phí bỏ ra (vì toàn dân bán chuyên nghiệp)…Chỉ tội nghiệp cho những ngư dân Thái Lan xấu số gặp luật rừng của Việt Nam.

Lại nói về môt chuyện khác trong thời gian làm thủy thủ bất đắc dĩ này….

Con tàu của chúng tôi có một bến đậu tại Vàm Láng, Huyện Cần Đước, Tỉnh Long An…. Vào thời đó từ Sài Gòn băng qua cầu Nhị Thiên Đường là lộ đá đỏ (Tỉnh Lộ 50 bây giờ). Đây là con đường Sài Gòn – Cần Giuộc – Cần Đước – Gò Công. Mất khoảng hơn 2 giờ để về đến bến xe Lộ đá đỏ từ Cần Đước. Tàu chúng tôi thường đi biển chỉ khoảng 2 tuần, nhưng cập bến đến hơn cả tháng vì như đã nói tàu chỉ đi cho có hình thức để thăm dò các cửa ra biển và tìm cơ hội móc nối với Công An biên phòng chứ đi biển thì luôn luôn lỗ vốn. Mỗi lần tàu cập bến, các thủy thủ khác thường tìm về gia đình ở Sài Gòn, còn tôi chỉ về Sài Gòn 1-2 ngày, chủ yếu là lấy thêm tiền mà tôi đã cất ở nhà cô dượng tôi để tiêu xài. Thời gian còn lại tôi xung phong quay trở lại giữ tàu.

Tàu thường xuyên có 3 người… 1 người lái tàu là cháu của chủ tàu, Ông Thảo và tôi…

Ở Cần Đước, tôi vẫn giữ nhiệm vụ hỏa đầu quân, hằng ngày vẫn ra chợ mua rau thịt… Dần dà, tôi có quen biết với mấy cô gái của 1 tiệm bán chè… tối đến tôi thường đến quán này ăn chè và nói chuyện với mấy cô đó… Nhà hình như có 5 chị em, trong đó chỉ có 1 người con trai.

Qua nhiều lần nói chuyện hình như Cô Ba (tên là Ngọc Dung) có cảm tình với tui còn tui thì chỉ có một chút thiện cảm với cô ấy thôi. Cô này là một giáo viên, dạy môn văn ở một trường trong Huyện. Tuy nhiên, lúc đó với thân phận là một thủy thủ kém học, làm sao tôi có thể bộc lộ hoàn cảnh của mình. Vả lại tình cảnh của tôi lúc đó cũng rất là nguy hiểm, biết ai tốt ai xấu mà mình dám thố lộ….

Rồi mọi chuyện cũng qua đi…

Sau vài lần đi biển lỗ vốn và cũng đã có đủ thông tin cần thiết về các cửa biển, chủ tàu cho anh em giải tán chờ ngày hành động. Tôi quay về sài Gòn, không dám nói lời từ giã với Ngọc Dung.

Lúc này về Sài Gòn, tôi xin vào làm ở cơ sở sản xuất thuốc trừ sâu vi sinh của thầy Phan Phải… Trong một lần đi trên đường tôi được một người gọi tên Quang, tên của tôi trong thân phận thủy thủ. Tên này là tên của anh ruột tôi. Thời đó có một cái may là bộ phận hành chính của địa phương rất chậm chạp trong việc phát hành ID cho dân. Mỗi người chỉ có một cái biên nhận đã làm Chứng Minh Nhân Dân (ID), không có hình ảnh gì hết. Tôi mượn anh tôi được giấy tờ này và dùng nó trong hồ sơ xin thẻ thuyền viên. Các bạn biết ai đã gọi tôi không, Ngọc Dung đó… Tuy tôi đã thay đổi, không đen đúa như thời đi biển… ăn mặc cũng khác đi, nhưng cô ấy vẫn nhận ra…Lúc bấy giờ, tôi không thể chối từ tình cảm ấy… Tôi cũng nói rõ cho cô ấy biết hoàn cảnh của tôi, nhưng cô ấy vẫn chấp nhận kết bạn (trời ơi, chạy trời không khỏi nắng!). Lúc ấy tôi mới biết là cô ấy đang lên Sài Gòn học nâng cấp lên để dạy Cấp 3. Nhà cô ấy có 1 xe đò chạy tuyến Sài Gòn –Cần Đước. Trên Sài Gòn có một căn nhà nhỏ bên Cầu chữ Y cho cậu em ở và làm việc gì đó… Ngọc Dung lên Sài Gòn ở với cậu em. Từ đó ngôi nhà này cũng là một nơi trú chân của tôi. Tuy nhiên cũng phải nói rõ là hình như Ngọc Dung không phải là mẫu phụ nữ mà tôi thích. Có lẽ tôi thường thích những người con gái mảnh khảnh … Ngọc Dung (xin lỗi, hơi tròn trịa) dù có khuôn mặt rất đẹp và giọng nói thật là truyền cảm lại không tạo được sự hấp dẫn cho tôi, cũng không hiểu tại sao nữa.

Rồi đến thời gian chủ tàu thi hành chiến dịch… mỗi lần tổ chức như vậy, tôi lại phải ra đi, suýt bị bắt, rồi quay trở về…. Lúc này căn nhà của Ngọc Dung là chỗ tôi thường trú ngụ do xưởng Vi Sinh của thầy Phan Phải tạm ngưng hoạt động. Thầy Phải chuyển sang hợp tác với Ủy Ban Quận 3 làm xưởng chế biến Xà Bông. Tôi cứ đến với Ngọc Dung rồi lại ra đi… mà vẫn chưa nói gì dứt khoát với Ngọc Dung. Có lẽ cô ấy cũng cảm nhận được điều này….

Một lần cô ấy nói với tôi… “ngày xưa người chinh phụ hóa đá còn có lúc được người chinh phu về thăm, còn em, không biết có được anh ngó ngàng gì nếu hóa đá không…”, rồi viết tặng tôi mấy câu

Nếu bảo chờ nhau mà hóa đá
Thì em đây xin được thử một lần
Chỉ sợ khi em thành núi biếc
Ngàn năm không thấy dấu chân anh

Tôi cảm động lắm, nhưng mà lúc ấy cứ nghĩ rằng thân mình còn không lo được, lo gì cho ai. Trong thâm tâm lúc đó nghĩ rằng nếu mình ra đi thành công, thì chắc chắn mình sẽ tìm cách liên lạc lại với Ngọc Dung để báo đáp ân tình….

Tình hình ngày càng xấu đi…

Cuối cùng tàu cũng bị bắt. Tôi không còn một hy vọng gì về việc vượt biên nữa…

Tôi đã tìm một giải pháp khác…

Mãi sau này, khi trở về Sài Gòn, tôi có một lần gặp cậu em trai Ngọc Dung. Nghe nói Ngọc Dung đã có chồng. Hai vợ chồng làm giáo viên… Tôi cũng đã có gia đình nên không có liên lạc gì với cô ấy nữa.

Tôi mang nợ ân tình của Ngọc Dung… Mong rằng cô ấy đã quên hoàn toàn người cũ và có cuộc sống êm đẹp hơn…

PHẦN 4 – BẾ MÔN TU DƯỠNG

Từ Vĩnh Long tôi về đến Sài Gòn……………

Trời nắng chang chang…. Lòng tôi bời bời…. Gõ cửa nhà Cô Dượng, chị Côi, người làm của Cô Dượng mà ông bà tôi đã cứu trong trận đói 1945 và nuôi đến bây giờ, mở cửa thảng thốt….Anh Mẫn, sao vậy… Tôi chưa soi gương nhưng biết người mình tàn tạ lắm…

Tôi chỉ cười cười rồi leo lên căn phòng nhỏ dành cho mình…ngủ một giấc đã rồi tính gì thì tính… Chiều tối, Cô Dượng đi làm về, hỏi thăm tôi trong bữa ăn. Tôi trả lời vắn tắt do đi vượt biên, bị công an xã bắt, rồi tìm cách thoát nên người mang nhiều vết trói…Thầy Tuấn, vốn bản tánh xuề xòa, cười trêu đùa tôi và xem như không có việc gì, nhưng trong ánh mắt cô, tôi có một vẻ gì đó… Sau này Cô Dượng ra đi đoàn tụ với con ở Sydney, trong một lần cô về thăm Việt Nam, tôi đến thăm và có thú thật với cô về chuyện này… Cô trách mắng dữ lắm và nói rằng lúc đó cô cũng không tin vào lý do mà tôi kể… Thế mới biết phụ nữ có những giác quan đặc biệt…

Nghỉ ở nhà một hai hôm, tôi vẫn chưa thấy phục hồi… nhất là về tư tưởng…tôi vẫn chưa cảm thấy thoát ra khỏi nỗi chán chường khi nghĩ đến những ngày sắp tới…Tôi phân vân không biết là mình nên tiếp tục sống như thế nào đây, hay là lại làm liều một chuyến nữa…..

Mấy hôm tiếp, tôi thấy cô tôi có vẻ lo lắng…

Bố của cô (là em út của ông ngoại tôi) lâm bệnh nặng. Bố mẹ cô sống ở thành phố Cần Thơ. Con trai trưởng của Ông là Sĩ Quan phụ trách một đơn vị ở Quận Chương Thiện (bây giờ là Huyện Vị Thanh, Cần Thơ). Vì vậy mà ông bà đã về sống ở miền Tây này để được gần với gia đình của Cậu. Quận Chương Thiện là nơi cuối cùng của nước Việt Nam đầu hàng Việt Cộng trong chiến dịch năm 1975, hình như là ngày 04/5/1975…Cậu tôi bị bắt làm tù binh… Các Sĩ Quan Việt Nam khác bị bắt đi cải tạo… Còn Cậu tôi bị xử bắn ở sân vận động Cần Thơ vào khoảng tháng 8 năm đó…Không biết luật tù binh Quốc Tế có cho phép làm điều đó hay không?….2 cô con gái của cậu tôi bị nhiều sự phân biệt đối xử thời đó. Cô lớn, nhỏ hơn mình khoảng 5-6 tuổi gì đó, sau khi học hết lớp 12 không được vào đại học (sorry, chuyện này tôi chỉ nghe thôi, không hỏi rõ lắm)…Cô thứ nhì, nhỏ tuổi hơn nên đến lúc thi đại học thì Việt Nam cũng đã tương đối thay đổi,…cô em thi được vào trường Y và bây giờ đang là Bác Sĩ phục vụ cho đất nước này… cũng mừng cho em…

Trở lại việc ông bị bệnh…

Gia đình ông sống ở Cần Thơ…. Nhà cũng rất rộng rãi. Ông tổ chức sống kiểu đại gia đình giống như thời còn ở ngoài Bắc. Mợ cả và hai cô con gái tôi vừa kể cũng được ông cưu mang chung sống ở đây… Cậu út, lớn hơn tôi khoảng 3-4 tuổi, tốt nghiệp Đại Học Nông Lâm Súc Cần Thơ, nhưng chắc cũng vì lý lịch nên không có việc làm… chạy xe lôi máy và làm giá đậu sống qua ngày…

Tuy nhiên cuộc sống gia đình ông rất sung túc… có lẽ vốn liếng của ông bà còn nhiều… đồng thời 2 người con gái và 1 cậu khác (vốn là Sĩ Quan Phi Công thoát khỏi VN năm 1975) sống ở nước ngoài thường xuyên tiếp tế….

Cô Hoài, vợ thầy Bát Tuấn, đang rất lo lắng vì không có đủ người chăm sóc ông… nhà ở dưới Cần Thơ chỉ còn có một mình cậu út là đàn ông, mà cậu cũng đã có vợ và 2 con còn rất nhỏ… một mình cậu không thể vừa làm vừa chăm sóc ông lâu dài…

Tôi nghĩ là mình đã mang ơn cô dượng cưu mang mình bấy lâu…bấy giờ là lúc phải làm một chút gì cho cô dượng nên tạm dẹp ý nghĩ bi quan sang một bên và nói với cô dượng rằng tôi có thể về ở Cần Thơ chăm sóc ông một thời gian…Cô băn khoăn về việc tôi vẫn còn rất yếu và về việc tôi phải bỏ mất công việc của mình ở Sài Gòn…Tôi nói rằng về Cần Thơ cũng là một cách để tôi tịnh dưỡng, còn việc rời bỏ công việc (chạy hàng hóa chất kiếm tiền và làm kỹ thuật cơ sở) thì tôi vẫn thường phải tạm bỏ dở lúc đi biển nên quen rồi…

Thế là về miền Tây…

Tôi đến Cần Thơ vào ngày thứ ba hay thứ tư ông bị mê man, thỉnh thoảng tỉnh giấc một chút rồi lại đắm chìm vào giấc ngủ.. hàng ngày Bác Sĩ ðến nhà tiêm thuốc… tôi cũng không nhớ rõ là ông bị bệnh gì… có lẽ là bệnh già và kiệt sức thôi… nhiệm vụ của tôi là thức đêm (cũng nằm ngủ chập chờn bên cạnh ông chứ không phải thức hẳn), khi nào ông sốt thì lau nước, hoặc khi ông tỉnh dậy có cần gì thì tôi đỡ cho ông. Vài ba hôm sau thì ông tỉnh táo hơn, có thể nằm nói chuyện…Ông nói chuyện rất hóm hỉnh…tôi rất thích nói chuyện với ông…

Cứ như vậy, ông dần dần bình phục…

Tôi cũng vậy, được ăn uống tẩm bổ ké ông và được hoàn toàn nghỉ ngơi, sức khỏe tôi cũng dần dần trở lại… Khi ông đã đi đứng được, ông bảo tôi cùng ông đi bộ hàng ngày mỗi buổi sáng sớm và mỗi buổi chiều ở lộ 20, nay là đường Nguyễn Văn Cừ, Cần Thơ.

Trong thời gian bên cạnh ông và cũng qua những lần bách bộ nói chuyện với ông, tôi học hỏi ở ông tôi rất nhiều điều. Vị kỳ nhân mà tôi phóng đại trong phần trước chính là ông. Tôi sống ở Cần thơ này khoảng 2-3 tháng và rồi trở về Sài Gòn với ý chí mạnh mẽ hơn. Tất cả là nhờ ông của tôi.

Xin được nói thêm về ông một chút.

Ông có Tú tài Hán ngữ, chuyển sang học Pháp văn, nói tiếng Pháp…không biết ông học tiếng Anh từ bao giờ nhưng năm 1982 (ông 72 tuổi), lúc tôi ở với ông, hằng ngày ông nghe tin tức trên đài BBC bằng tiếng Anh và kể cho tôi nghe những tin sốt dẻo nhất…

Kiến thức tổng quát của ông về hóa học, dù bản thân là Kỹ Sư Hóa Học, tôi e rằng mình cũng phải nể phục… Cách ông bố trí dàn làm giá đậu trong nhà rất khoa học… Cậu út của tôi thường làm mọi việc theo sự chỉ dẫn của ông…

Về chính trị, ông có một kiến thức và một kinh nghiệm phong phú…tuy nhiên ông dặn tôi là đừng bao giờ tham gia vào chính trị. Lúc đó ông dặn tôi đừng bao giờ nhắc tên ông với nhiều người bởi vì trước đó ông có ân oán lớn với VC. Bây giờ ông đã mất rồi, với lại thời gian đã qua rất lâu, tôi chắc ông cũng cho phép tôi được nói một chút về ông.

Ông là một thành viên trong phong trào Công Giáo chống cộng từ ngoài Bắc.

Thời đệ nhất Cộng Hòa, ông là một trong những phụ tá của Ngô Đình Nhu… Có thời gian, ông trông coi tỉnh Thừa Thiên Huế…

Nói nhiều như vậy để các bác biết là tôi đã chịu ảnh hưởng, đã học hỏi rất nhiều từ ông trong thời gian sống ở Cần Thơ…và điều này rất có ích cho tôi trong cuộc sống sau này

Trước hết, ông tạo lại niềm tin cho tôi bằng niềm tự hào gia tộc. Ba má tôi do nhiều con và vài lý do khác tôi không muốn nói mà trở nên nghèo khổ… tôi từ nhỏ sống trong sự nghèo khổ nên không biết nhiều về gia tộc. Ba tôi có lẽ vì mặc cảm cũng ít muốn nhắc tới họ hàng.

Qua những câu chuyện ông kể, tôi biết được rằng ông cố ngoại tôi (là bố của ông) chính là cụ Nghè Trịnh Hữu Thăng, người cùng làng với Tú Xương… đã từng được Tú Xương nhắc tới trong câu…

Cử Thăng, Huấn Mỹ, Tú Tây Hồ,
Ba bác chung nhau một cái đồ

Cử Thăng, lúc ấy chỉ mới đỗ xong Cử Nhân, là ông cố ngoại tôi. Sau này cụ thi đỗ Tiến Sĩ nên thường được gọi là cụ Nghè.

Tôi cũng được nghe một giai thoại về ông ngoại tôi.

Từ nhỏ ông ngoại tôi nổi tiếng là giỏi thơ…Lúc ông cố tôi mới đỗ Tiến Sĩ, về nhà có quan Tổng Đốc hay Tuần Phủ của địa phương đó đến chúc mừng… Trong tiệc rượu, vị quan này nói nghe danh cậu Ấm (con cả của Ông Nghè được phong tước Ấm) giỏi chữ, muốn được thử tài. Ông cho đề tài là “Tiến Sĩ giấy”. Thời ấy các người tài giỏi chỉ dồn hết đầu óc mình vào những vâu văn sáo ngữ… mà không nghĩ nhiều đến việc cải cách, trách sao nước mình không bị lụn bại. Tuy nhiên các bạn hãy để ý là vị quan này rất thâm… Người ta mới đỗ tiến sĩ mà bắt con người ta vịnh “ông tiến sĩ giấy” thì có phải là chửi vào mặt người ta không. Hơn nữa, trước đó Cụ Tam Nguyên Yên Đỗ cũng đã có một bài tiến sĩ giấy để chửi thời cuộc rồi (tham khảo tiến sĩ giấy ở google)… Ra đề tài này với một cậu thiếu niên quả là chơi khăm… Vậy mà ông ngoại tôi đã vượt qua cuộc khảo hạch một cách ngoạn mục, đồng thời còn có dịp trả đũa viên quan kia, nghe bài thơ này thật là sướng…

Mời các bạn cùng nghe

Chẳng phải Trạng Nguyên, chẳng phải Nghè
Cứ rằm tháng tám lại ra hè
Bảng vàng rỡ rỡ ba phân giấy
Hốt bạc ngời ngời một lọng tre
Mảnh óc đất bùn son phấn điểm
Buồng gan giấy lộn đỏ xanh che…

Rõ ràng đủ 2 câu thừa đề, phá đề… hai câu thực, hai câu luận… Còn 2 câu kết thì sao đây…

Đến đây, ông ngoại tôi bước tới trước mặt quan, lúc đó đang vuốt râu khen ..hay..hay.., và nói “bẩm quan lớn, con xin đọc tiếp..” rồi vái quan một vái và đọc

Ví rằng khoa hoạn như ông cả
Thì bả văn chương tớ chán phè

Thật là một câu chửi lại đã tai….

Tự truyện còn dài, tuy nhiên các phần còn lại chủ yếu là kể lể, tự sự…không dám đưa thêm vào đặc san này.

Xin nói vắn tắt các phần sau :

Phần 5 – XUỐNG MIỀN TÂY LẬP NGHIỆP….

Thời gian này (1984-1991), tôi nhận lời làm Kỹ thuật viên cho một cơ sở sản xuất kem đánh răng và xà bông ở Huyện Chợ Mới, An Giang. Sau một năm làm việc, tôi làm quen và lấy một cô thôn nữ ở đó, là vợ tôi bây giờ. Tôi tạm trú ở nhà vợ, tìm xin được việc ở địa phương và sinh được hai đứa con trai.

Phần 6 – QUAY LẠI SÀI GÒN… Từ 1991, thấy cuộc sống SG có vẻ đổi mới, và nghĩ đến tương lai các con, tôi quyết định quay lại Sài Gòn. Ban đầu muối mặt, trở lại Cty cũ, Xà Bông Việt Nam, xin việc. May mắn được giám đốc mới trước là xếp phòng Kỹ Thuật của tui chấp nhận. Rồi may mắn cứ từ từ đến như để đền bù những gian truân mà tui đã gặp phải. Tui xin lại được hộ khẩu năm 1994. Cũng trong năm này, tui nộp đơn vào một Cty của Nhật và may mắn được tuyển dụng… Từ lúc đó may mắn cứ tiếp tục mỉm cười với tôi cho dến lúc về hưu “thảnh thơi thơ túi rượu bầu” này.

Xin cảm ơn các bạn đã bỏ chút thời gian để đọc phần tự truyện này

“Lời quê góp nhặt dông dài”,
Mua vui xin được một vài tiếng vỗ tay

Sài Gòn, tháng 3, năm 2017
Bùi Thế Mẫn

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả