PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Ngày Vui Qua Mau

Nguyễn Thiệp

NgayVuiQuaMau1

“Đi chơi sướng hơn đi làm.” Đó là lời bà xã thường nhắc nhở để tôi khỏi quên dự trù nhửng cuộc đi chơi xa. Nhưng một ông bạn tôi lại bảo rằng: “Ở nhà khoẻ hơn đi chơi” Câu nào cũng đúng. Nhưng nếu đi chơi du thuyền, thì có chi mà mệt. Nằm phơi nắng bên hồ tắm, ngâm nước nóng, thể dục, nghỉ ngơi. Nếu có mệt, thì mệt vì ăn uống quá nhiều mà thôi.

Anh em ái hữu Công Chánh hẹn hò nhau đi chơi chung một tuần trên du thuyền Norwegian Star, đi về hướng nam, từ hải cảng Los Angeles của California, dọc miền biển phía Tây của Mễ Quốc, ghé ba hải cảng. Tôi cũng nôn nóng lắm, tuổi nầy làm chi còn nhiều thì giờ để đắn đo chờ đợi, biết đâu hôm nay, ngày mai, hay vài năm nữa, còn có sức khoẻ và còn có dịp để tham gia không. Muốn đi, nhưng bà xã còn bận bịu mẹ già 95 tuổi trong tình trạng nguy kịch của bệnh ung thư tái phát, chưa biết giờ nào, ngày nào rời thế gian về miền tiên cảnh. Nhưng khi nhận được email của bạn Hà Quốc Bảo có mấy câu thơ:


“… “Chúng ta rồi ai cũng già.
Cũng lên nóc tủ, ngồi cạnh ông bà.
Núp sau nải chuối ngắm gà khỏa thân…”

Tôi nghĩ rằng, thời gian còn lại của mình cũng không còn dài nữa, và được bà xã đồng ý để tôi đi một mình, tôi vui vẻ mua vé. Dù đi một người thì phải trả giá gấp đôi những gia đình đi một cặp. Cũng không sao, miễn vui bạn vui bè là được. Tôi phóng email đi, nhờ các bạn khác kiếm cho một người đồng hành, và cam kết sẽ không “sàm sở bậy bạ” khi ở chung phòng. Chỉ cam kết với nam giới thôi, còn nữ giới thì không dám cam kết gì cả. Thế là anh Nguyễn Đình Duật rủ rê được anh Nguyễn Xuân Hoàn cùng chia phòng với tôi. Anh Hoàn và tôi là láng giềng, nhà kế cận nhau trong hơn 25 năm, và cùng làm chung sở, qua lại thân tình như anh em. Chúng tôi ở gần San Francisco nên không sợ thiên hạ hiểu lầm là hai vợ chồng “bà bóng” đi với nhau, vì San Francisco là “trung ương cục” của những người đồng tính luyến ái. Không hiểu lầm thì tốt, mà hiểu lầm thì cũng chẳng sao. Biết đâu có ngày cái ngông của tôi nỗi lên, ôm tiền chạy qua Thái Lan làm một cuộc giải phẩu đổi giống, để được làm bà ngoại, rồi chạy rông kiếm ông già tám mươi về làm chồng, nấu ăn phục vụ cho lão, cho mệt ngất ngư luôn.

Tham gia cuộc du hành nầy vì có đông anh em bạn bè Công Chánh dự, chứ xem cảnh xem người thì tôi đã quậy nát những thành phố sẽ thăm viếng nầy đến ba lần rồi. Vui nhất là trong chuyến du hành nầy, có anh chị Ông Ngọc Ngoạn từ tiểu bang Louisiana, anh chị Hà Quốc Bảo và Trương Minh Trung từ tiểu bang Washington về.

Anh Hà Trọng Minh như đầu mối để cung cấp địa chỉ, điện thoại, và email để liên lạc với hãng du lịch. Ái hữu nào muốn tham gia cuộc du hành, thì kêu thẳng đến hãng du lịch, để lấy tin tức, mua vé, trả tiền trực tiếp tại hãng. Chỉ cần cho biết là ở trong nhóm Minh Hà thì họ sắp xếp đi chung. Như vậy thì đỡ cho ban tổ chức bớt được nhiều việc, khỏi phải trách nhiệm và nhức đầu. Anh Trình hữu Dục giúp cập nhật danh sách anh em cùng địa chỉ, email, số phòng.

Các Ái hữu ở xa thì bay về phi trường Los Angeles, rồi nhiều gia đình lấy xe taxi chung từ đó về thẳng hải cảng, nơi tàu neo bến là San Pedro. Những người ở gần, thì gia đình chở đến, hoặc kêu xe chuyên chở do ngưòi Việt lái, giá cả khá rẻ.
Chúng tôi đến bến thì hình như đa số gia đình các Ái Hữu khác đã lên được tàu rồi và đang ăn trưa tại lầu 12. Chiếc du thuyền to đại bàng như một toà nhà nhiều từng. Tàu dài 965 bộ, rộng 105 bộ, cao 13 từng, vận tốc 25 hải lý mỗi giờ. Tàu chứa được 2350 du khách, và có tổng số nhân viên là 1065 người. Đại khái, trên tàu, hai du khách, thì có một người phục vụ. Nhiều bạn đã từng vượt biển tìm tự do trên những con thuyền bé tí teo mà sóng nhồi cho nhừ tử, đã nôn ra mật xanh mật vàng, nghe biển đã tái mặt. Nhưng họ không biết thuyền lớn như một thành phố nổi, khi có sóng lớn, thì tàu chỉ nhè nhẹ lắc đưa nhẹ nhàng, phài chú ý mới cảm biết được. Thế nhưng, cũng có người say sóng theo tâm lý. Cứ lên tàu, tàu đứng yên, không sóng gió gì cả, cũng nôn oẹ choáng váng, mặt mày xanh lè.

Nhiều người sợ lên du thuyền sẽ thấy buồn chán, vì những ngày hải hành, chỉ thấy trời và nước mên mông, chẳng có việc chi làm. Không lo. Trên du thuyền có 2 rạp hát lớn, trình diễn mỗi ngày cho du khách giải trí không trả tiền. Có 9 quầy rượu và phòng ăn với 14 lối ăn khác nhau. Các quày rượu mở cửa đến khuya. Có phòng ăn mở 24 giờ phục vụ khách ăn không trả tiền. Một hồ tắm lớn và có cả trăm cái ghế dài bao quanh cho du khách nằm tắm nắng, nghe nhạc, đọc sách, xem những thân thể mỡ mòng bụng phệ của du khách khác. Nhiều hồ nước nóng sôi lục bục cho du khách ngâm mình, mà các áí hữu gọi là tắm vạc dầu vì tội lỗi. Những phòng tắm hơi khói bốc mịt mù, vào đó như xông khi bị cảm cúm. Có sòng bài lớn cho du khách cúng tiền, vào đây thì tiền bạc đi ra mau lắm. Có nhiều phòng chơi cho trẻ em, có phòng thể dục, khu thương mãi như một đường phố nhỏ, bán hàng đắt cắt cổ, ví dụ như một đôi dép Nhật mua ở bên ngoài chỉ 99 xu, mà trong đó đề giá 22 đô. Ai dư tiền thì cứ tiêu cho hết bớt. Nhiều phòng nhạc khác nhau do nhiều ban nhạc sống trình tấu. Lầu 7 và lầu 12 có đường đi bộ thể dục quanh tàu để mỗi sáng, bà con đi bộ thể dục, tiêu bớt mỡ vì ăn uống quá nhiều. Có cả một cái vườn rộng 6700 bộ vuông, và nhiều trò chơi, giải trí khác cho du khách khỏi buồn chán trong thời gian lênh đênh trên biển. Theo nhận xét cá nhân tôi, thì du thuyền nầy không lớn bằng những chiếc khác mà tôi đã biết.

Trước khi qua cỗng để vào du thuyền, thì các thành viên trong gia đình được gom lại để chụp hình chung. Có lẽ mấy ông thợ chụp hình tưởng anh Hoàn và tôi là hai vợ chồng “gay” già. Cũng không sao. Tôi nói cho anh Hoàn biết rằng, có ông trong sở trốn vợ dẫn bồ lên du thuyền mà bị “bể mánh”, vì khi ở nhà, bà vợ lên internet, thấy chồng mình chụp hình chung với bà nào đó trên chuyến đi ngày nào, đi đâu. Vì thường những hãng du thuyền tung các hình ảnh ra để quảng cáo các chuyến đi. Những người chịu khó lùng internet, có thể tìm lại hình ảnh của họ trên các chuyến đi cũ.

Qua trạm kiểm soát, để đi vào du thuyền, thì đưa cái thẻ mở cửa phòng cho nhân viên quẹt qua máy. Thẻ nầy vừa là một căn cước điện tử, vừa là thẻ tín dụng. Ảnh của người mang thẻ được hiện lên trên màn hình để họ nhận diện. Tôi nhớ nhiều năm trước, đi du thuyền lên Alaska chơi, bà bạn của nhạc gia tôi muốn ở chung với bà cụ, để chị em tâm sự dong dài, ôn lại thời thơ ấu tại Hà Nội vào cái thời hơn sáu bảy chục năm trước, nên đổi thẻ phòng cho ông nhạc gia tôi. Khi bà xuống bến, đưa thẻ cho nhân viên an ninh kiểm soát, họ thấy hình râu ria xồm xoàn dài thòng hiện lên trên màn ảnh, họ chận bà lại, gặp rắc rối. Bà lại không biết tiếng Anh nên càng khó hơn.

Chúng tôi đi thẳng đến lầu 12 có quán ăn buffet. Thiên hạ ngồi đầy và xếp hàng dài đi lấy thức ăn. Có cả mấy chục món, thức ăn ê hề. Đang đói bụng, thấy là đã ngon rồi. Chưa kịp lấy thức ăn, thì chị Bảo đến dặn chúng tôi là chiều nay toàn thể anh chị em sẽ ăn chung với nhau lúc 5 giờ tại quán ăn Versailles tại lầu 6. Chị đã ghi danh đặt bàn rồi. Mấy anh chị khen chị Bảo giỏi, lanh lẹ và chu đáo, chịu khó đứng ra tổ chức cho anh chị em có cơ hội ngồi chung mà chuyện trò vui vẻ.

Chúng tôi bưng thức ăn lại các bàn có anh chị Công Chánh đang ngồi, và nói năng đùa giởn rất rộn ràng. Nhiều bạn cũ, quen biết lâu ngày, nay mấy chục năm sau mới gặp lại. Có bạn thì không thay đổi bao nhiêu, gặp nhau ngoài đường chưa giới thiệu cũng có thể nhận ra nhau, có bạn hoàn toàn thay đổi, nếu không giới thiệu, thì cũng không biết đó là bạn cũ. Đa số đều mập mạp, có bụng, có da, có thịt. Một số ít vẫn thon gọn nhưng không vêu vao hốc hác như cái thời tiến mau tiến mạnh lên xã hội chủ nghĩa.

Đang đói, dù có tham, nhưng cũng không dám ăn nhiều, không dám đụng đến các món béo bở, vì ở nhà ăn rau và ăn ít đã quen. Đó là hôm đầu, mhưng mấy hôm sau thì cứ ăn tưới, lâu lâu mới có mấy ngày, kiêng cử làm chi cho đời mất vui.

NgayVuiQuaMau2

Ăn xong, ra đứng trên lầu cao nhìn tàu rời bến. Con tàu chầm chậm xuôi về hướng nam. Nắng vàng chiếu trên bến cảng Los Angeles, ở đó có nhiều cần cẩu dong chia chỉa lên trời cao. Có cả rừng thùng chứa hàng chất đầy bến. Thì ra, dù có kinh tế khủng hoảng, mà hàng hoá ở bến cảng vẫn tràn đầy, chứng tỏ tình hình cũng chưa đến nỗi nào. “Tư bản vẫn chưa rẫy chết” như các nhà nước CS tuyên truyền. Với những người đã về hưu như tôi, cũng còn thấy thích thú vì bảy ngày trên tàu sẽ có bạn bè cùng hàn huyên than thiết. Những người còn công ăn việc làm, thì có lẽ thấy vô cùng khoái trá, khi bỏ lại sau lưng bao nhiêu công việc, bao nhiêu trách nhiệm, bao nhiêu nhức đầu. Lên tàu, không chút lo âu, vui hưởng nhàn nhã. Cũng không cần lo đi chợ, nấu ăn, đã có thức ăn nấu sẵn, ngon, nhiều, dọn ra ê hề từ sáng sớm đến khuya, ăn chết bỏ mà không phải trả tiền. Ăn để sợ lên cân, sợ cao máu, và lo mỡ đọng.

Khi tàu rời bến, tôi nhớ lại có lần một người bạn đùa, nói rằng: “Nếu bây giờ chúng ta bị lừa, thuyền trưởng đổ chúng ta xuống một hoang đảo, bị bán làm nô lệ như ngày xưa người ta bán dân Châu Phi, chúng ta bị bắt đi đập đá, đốn cây, xeo gỗ, và hàng ngày bị roi da quất vun vút trên lưng đổ máu, thì thiệt là ân hận không biết lấy chi mà đo lường được.” Một ông bạn khác trả lời: “Nói chi mà khiếp thế? Sao không tưởng tượng chiếc du thuyền nầy đưa chúng ta lạc vào thiên thai, và khi trở về, thì đã hơn trăm năm rồi, cháu chắt chúng ta đã chết hết, hoặc đã già hơn chúng ta bây giờ…” Cảng Los Angeles đã khuất sau lưng. Trời biển xanh mênh mông. Lòng tôi vẫn cứ bồi hồi nhớ lại một thời xưa cũ, mơ một lần ra khơi, từ bỏ quê hương tù đày áp bức, và trái tim xúc động mạnh mỗi lần nghe câu hát của Phạm Duy:

“ Ra đi, nước trời bao la, hết cuộc phong ba, đất liền Âu Á cũng không xa gì…”

Khi về phòng, thì thấy hành lý đã để trước cửa. Tôi thấy cái giường chung, chạy ra kêu anh dọn phòng và nói đùa: “Vợ chồng tôi không ngủ chung. Nhờ anh kéo hai cái giường riêng ra cho chúng tôi dễ ngủ.” Anh dọn phòng nhìn anh Hoàn, rồi nhìn tôi mà cười. Chưa soạn xong áo quần, thì đã đến giờ ăn chiều, phải xuống ngay, sợ trể hẹn với các bạn bè. Chúng tôi là những người khách sớm nhất của bữa ăn chiều. Chị Bảo hướng dẫn chúng tôi vào năm bàn đã dành sẵn. Chúng tôi ngồi gần nhau, và đùa giởn, trêu chọc nhau không ngớt. Tiếng cười vang rộn rã. Không biết các thực khách khác có khó chịu không, nhưng kệ họ. Tôi không ưa những bữa ăn trịnh trọng mà thực khách im lặng ngậm miệng mum-mum thức ăn như lén lút, như một lũ bị đau răng. Ăn uống, mà có nói, có cười, có vui, có nhạc đệm, thì ngon hơn gấp nhiều lần. Bữa ăn kéo dài theo câu chuyện vui của đám bạn già gặp nhau mà lòng thấy trẻ lại như thời còn sinh viên.

Sau khi ăn xong, chúng tôi kéo ngay xuống rạp hát Stardusk để xem văn nghệ. Chúng tôi chiếm ngay được mấy hàng ghế ở giữa, nơi rõ ràng và thuận lợi nhất. Những màn vũ thì không có gì đặc sắc, nhưng chúng tôi vẫn tận tình thưởng thức và vỗ tay rào rào khen ngợi diễn viên, cho họ vui mà diễn tiếp. Những đêm kế tiếp sau, có nhiều màn ảo thuật hay, nhiều màn biểu diễn tài nghệ không thua gì ban Circle du Soleil tại Las Vegas .

Xong buổi văn nghệ, anh em kéo nhau lên lầu 12, ăn trái cây, uống nước, nói chuyện tiếp. Rồi rủ nhau qua quán Java Café ngồi uống cà phê, ăn cánh gà chiên bơ mà nghe nhạc do ba người trình tấu vọng lên từ từng dưới. Ba nhạc sĩ, một người vĩ cầm, một thổi sáo, và một cây đàn ghi ta, có nhạc dương cầm đệm từ máy. Phải công nhận ba ông nhạc sĩ nầy có tài, đã trình tấu những bản nhạc du dương, dìu dặt, khi thì như gió qua truông, khi thì như nước tuôn từ thác đổ, khi nhặt, khi khoan, tiếng đàn làm mê mẩn tâm hồn, ru lòng người về cõi mộng. Chúng tôi uống cà-phê, nghe nhạc và thỉnh thoảng kể chuyện tiếu lâm cười đến đau bụng. Cánh gà chiên bơ hơi mặn, nhưng cũng ngon, dù cho buổi chiều đã ăn quá nhiều. Một vài anh chị lên lại lầu 12 ăn trái cây, uống nước, trước khi đi ngủ. Một chị nói rằng, đi chơi du thuyền thì vui, nhưng hơi lo lắng, vì ăn uống quá nhiều, làm lên cân. Chúng tôi nghe nhạc mãi cho đến 12 giờ đêm mới về phòng ngủ. Ngồi nghe nhạc trong đêm khuya trên du thuyền, làm gợi nhớ về Sài gòn thời truớc 1975, những đêm cùng bạn bè ngồi ở quán nhạc Đêm Màu Hồng của ban Thăng Long, quán Hoà Bình ở công viên chợ Bến Thành, và những đêm nhạc sinh hoạt thanh niên nghe hát Tâm Ca, Du Ca …và nhớ những đêm khuya đi về nghe tiếng giày mình gõ nhịptrên nhựa đường.

Một anh nói rằng, bạn bè ngồi quanh đây, liệu còn có lần gặp nhau nữa không, trong tuổi nầy, hình như không ai chắc chuyện gì sẽ đến trong hôm sau. Nhiều bạn bè đã ra đi ở tuổi sáu mươi, bảy mươi, đi bất thần, không một báo trước. Bởi vậy, có dịp đừng bỏ qua những lần họp mặt vui như thế nầy. Uổng lắm.

Tôi về phòng, đặt lưng xuống là ngủ say một giấc cho đến sáng hôm sau. Mỗi buổi sáng, anh Hoàn và tôi dậy sớm đi bộ tập thể dục quanh tàu, khi thì lầu 7, khi thì lầu 13. Chúng tôi hay gặp anh chị Hà Trọng Minh, anh Hoàng Gia Thụy. Chị Minh thì bước đi nhẹ nhàng và thoăn thoắt như Tiểu-Long-Nữ đằng vân, anh Minh bước nặng nề với nét mặt mệt nhọc theo sau cho kịp vợ. Nghe anh chị nói đi bộ đến 10 vòng tàu. Tính sơ sơ, cũng gần bằng 4 dặm Anh. Khiếp, hai anh chị còn gân thật. Nghe anh Thụy cũng làm 10 vòng mỗi sáng như vậy. Anh Hoàn cũng đi bộ rất mau, và đi được nhiều vòng. Phần tôi thì làm 5 vòng, khoảng 2 dặm là vừa sức, sợ mòn sụn mai sau đau đàu gối. Các anh chị khác thì vì quen đi các phòng tập, nên xuống phòng tập thể thao để đi bộ trên máy hoặc nâng tạ, đạp xe vân vân. Anh chị Dục và anh chị Duật thì sau khi ở phòng tập ra, thì đi tắm vạc dầu. Khoảng từ 7 đến 8 giờ sáng thì anh em lục tục lên lầu 12 ăn sáng. Thức ăn ê hề, nhiều thứ “độc địa” như thịt heo ba chỉ chiên, xúc xích, thịt hầm, thịt nguội vẫn được nhiều du khách chiếu cố. Nhiều anh chị Công Chánh thì thanh đạm hơn, nhắm vào nồi cháo gạo tẻ (oat meal) ăn với nho khô và đường vàng. Trái cây cũng được các anh chị ưu ái trong buổi ăn điểm tâm, nhiều chị xơi cả dĩa vun trái cây mà hết sạch.

Buổi sáng anh Duật lấy thức ăn đầy dĩa, nói là đem về phòng cho vợ, vì hôm nay bà mệt. Mấy anh nhao nhao lên rằng, đêm qua làm chi mà bà ấy mệt đến không đi nỗi. Anh Duật cười. Một lúc sau chị Duật lên lầu 12 cùng ăn sáng. Chị nói “Cái ông nầy, vợ không thích mà cứ làm”. Ý chị nói chuyện khác, nhưng anh em bắt được câu nói đó, mà trêu chọc anh Duật: “Ông nầy quá lắm đó nghe. Vợ không thích mà cũng cứ làm. Không trách chi bà ấy mệt, không đi ăn được” Người khác nói thêm: “Buổi sáng, làm ăn chi sớm thế? Chắc có uống viên thuốc màu xanh chăng?” Chị Duật nói: “Đêm qua ngủ không được ngon nên hơi mệt thôi” Anh em cùng trêu anh Duật: “Ông nầy còn mạnh thật.” Anh Bảo nói: “Tôi cũng còn mạnh lắm, đêm bảy ngày ba, vào ra không kể, nghĩa là đêm dậy đi tiểu bảy lần, ngày ăn ba bữa, vào ra uống nước thì không kể.” Sau đó, anh Bảo đọc thêm ca dao thời đại:

“Không đi không biết Sài gòn.
Đi về túi rỗng không còn đồng xu.
Nghĩ lại mới thấy mình ngu.
Thằng lớn tiêu ít, thằng …u tiêu nhiều”

Một bạn khác nổi hứng đọc tiếp:

“Không đi không biết Hòn Gai.
Đi rồi mới biết thua hai…hòn nhà.
Hòn nhà … nhăn nhúm… như cà.
Nhưng là hòn nhẵn, không là Hòn Gai.”

Trong những buổi ăn sáng, anh Ngô Thái Bình được anh em khen là người chồng có hiếu nhất. Khi nào cũng lấy thức ăn cho vợ, một diã vun, đem đến tận bàn. Được anh em khen, anh Bình cười cười hiền lành. Vợ anh thì nói rằng, mọi việc trong nhà chị đều lo hết, anh không hề biết và không hề đụng đến, mấy ông con cũng vậy, cứ ỷ vào mẹ. Chị nói tiếp rằng, mai mốt chị có chết, thì chắc anh phải rước gấp bà khác về thay thế, chứ không thì chết đói. Chị Duật cũng đồng ca với chị Bình rằng, chồng chị cũng không làm được gì cả, rửa chén dĩa thì chỉ tráng nước cho sạch thôi rồi để đó, chứ chưa rửa. Khi nào thấy anh nổi hứng rửa chén bát, thì các con la lớn lên mách chị “Mẹ ơi, Ba rửa chén bát đó” như một biến cố trọng đại !. Anh Duật cũng cười, nụ cười rất tươi khi nghe vợ tố. Một anh khác nói rằng, các ông ấy khôn lắm, làm thế để các bà thiếu tin tưởng, lần sau không dám sai bảo việc gì, cho khoẻ cái thân già. Mấy bà khác cũng xúm lại, mỗi bà một câu, chê các ông chồng. Thật ra thì ông nào cũng đáng chê cả, ông nào cũng có tội lỗi, cũng có điều làm cho các bà không vừa lòng. Trong lúc các bà thì cứ chăm sóc tận tình, từ miếng ăn, cốc nước, giấc ngủ, buồn vui của các ông. Một chị nói nhỏ với tôi rằng: “Đừng tưởng. Mấy ông khôn thấy mồ, giả vờ không biết chi cả, chỉ biết nương nhờ vợ, cho các bà tưởng thật mà thấy sướng.”

NgayVuiQuaMau3

Trong khi luận bàn về tội lỗi của các đức ông chồng, thì chỉ có chị Luân không góp lời mà thôi. Vì anh Luân đã được anh em phong cho chức “Hội Trưởng Hội Nịnh Vợ”. Anh Luân nói rằng, tại sao không nịnh cho vợ mình vui, vợ mình vui thì mình cũng được vui theo, không mất gì cả, mà có được hạnh phúc. Anh Luân kể rằng, có lần cả nhà rủ nhau đi Hawaìi chơi, anh Luân vô ý để rơi cái máy hình vào trong nước, tất cả hình đều đi đong. Chi Luân giận và trách sao đi chơi, tốn thì giờ, tốn tiền bạc, mà không chịu lập một chương trình làm gì, đi đâu, khi nào. Anh Luân phải bảo cô con gái phác hoạ một chương trình cho chị vui. Sau đó, cả nhà thuê xe đi tắm biển. Lái xe hơn hai mươi dặm đường đèo, đến biển rồi mới biết là quên thuê phao tắm. Chị lại giận anh. Anh bảo rằng, không sao cả, để anh lái xe về nơi cho thuê phao cách 20 dặm kiếm. Anh đi về giao phao cho chị, chị vẫn còn hầm hầm không vui. Anh không bực, cũng không phản ứng. Chỉ nói nho nhỏ rằng: “Đi hai mươi dặm đưòng đèo, về hai mươi dặm đường đèo để thuê cái phao, chỉ mong có một nụ cười, mà cũng không có.” Chị cũng im lặng. nhưng sau đó, chị ôm anh hôn mà xin lỗi, hứa lần sau sẽ không làm như vậy nữa. Anh nói tiếp rằng, mình có nhiểu thái độ để lựa chọn khi đó. Có thể bảy tỏ sự giận hờn, hoặc gắt gỏng, hoặc nạt nộ, nói nặng lời, hay có thái độ ôn hoà, chịu đựng. Tùy theo thái độ của mình, mà gặt hái kết quả khác nhau, tại sao mình không chọn con đường tốt nhất, hiệu quả nhất và có ảnh hưởng về lâu về dài. Anh Luân nói tiếp rằng, anh thường hay nhắc nhở vợ, hoàn cảnh của gia đình hôm nay là may mắn và đầy ơn phước của trời ban. Ngày xưa còn ở với Cọng Sản, thì chỉ cầu nguyện được thoát ra khỏi xứ, khi vợ chồng chưa được đoàn tụ thì cầu nguyện cho đoàn tụ, khi chưa có việc làm ăn, thì cầu cho có công ăn việc làm kha khá. Nay đã có đủ hết rồi, đã có đời sống trung lưu của dân Mỹ, thì là đại phước, đừng cầu mong gì hơn nữa. Muốn có nhiều hơn, thì là tham lam, chỉ làm khổ, làm hư hỏng cái hạnh phúc hiện tại đang có mà thôi. Anh Luân kể rằng, hạnh phúc nhất đời mà anh tìm được là kê cái mũi xuống sàn nhà dưới cánh cửa cạnh lỗ cầu tiêu để thở. Đó là kinh nghiệm khi bị bắt giam trong lần vượt biên không thoát, mà phòng giam đông chật cứng nóng bỏng ngộp thở hơi người. Nếu ai chưa từng thèm chút không khí để thở trong hoàn cảnh đó, thì có thể chưa thấm thía cái hạnh phúc tuyệt vời của anh.

Anh Hoàn và tôi đi lang thang vào phòng Spinnaker Lounge thấy thiên hạ đông đúc ngồi chơi Bingo. Phòng nầy khi nào cũng đông đúc. Có lẽ các ông già bà già thích giết thời gian bằng trò chơi nầy. Nếu thế, thì lên du thuyền làm chi, ở nhà cũng có thể chơi được dễ dàng. Tôi thấy có một ông tàn tật, nằm trên giường ngắn có bánh xe. Một chân ông cứ đạp choi choi mãi. Cái đầu nghiêng về một phía mà gật gật trong lúc miệng méo, le lưỡi. Thì ra ông cũng đang chơi Bingo, có người chăm sóc cầm thẻ cho ông. Có lẽ ông cũng còn cảm thấy vui khi tham dự trò chơi nầy. Tự nhiên, tôi thấy mình còn có quá may mắn, còn đi được, còn nói, nghe và sinh hoạt bình thường như mọi người. Tôi thầm cám ơn Trời Đất cho tôi phước hạnh nầy. Chúng tôi ra khỏi phòng, gặp hai bà già mù, ăn mặc thanh nhã, cầm gậy dài dò dẫm đường đi. Tôi đã thấy hai bà nầy nhiều lần trên du thuyền nầy. Thì ra đời còn nhiều người vô cùng bất hạnh.

Buổi tối, anh chị em ra sân lầu 12 nơi có hồ tắm nghe nhạc Jazz chiếm mấy bàn kế cận nhau. Nhạc khá hay, trình tấu bởi nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nghe rộn rã. Các anh thì ngồi nghe thờ ơ, và thỉnh thoảng nói vài câu khôi hài. Dù mới ăn xong buổi chiều, các chị cũng đi lấy nhiều đĩa thức ăn đem đến bàn cho các anh. Nào là bánh mặn, bánh ngọt, trái cây cắt sẵn, để đầy trên bàn và ép các anh ăn. Có anh lịch sự thì ăn cho vợ vui, có anh gạt ngay, bảo đang no mà ăn cái gì được nữa. Các chị cũng cứ ép. Mấy bà vợ Việt nam chăm sóc chồng khá kỹ. Không thấy bà Mỹ, bà Mễ nào chăm sóc chồng như thế cả. Các chị còn đi lấy nước cho chồng và cho bạn của chồng. Có chị còn mang cả mấy cái cà-rem về, món nầy thì hình như các anh ít khi từ chối. Nhạc Jazz ngoài trời, cũng hay và rộn ràng, làm không khí thêm vui nhộn và lãng mạn.

Mỗi ngày anh Ái Văn ghi danh dành phòng họp trên lầu 12 gần thư viện cho tất cả củng họp mặt, chuyện trò từ 9 đến 11 giờ. Hai giờ họp chung cũng đủ vui rồi. Hai giờ nói đủ thứ chuyện, đa số đều là chuyện vui, và tiếng cười vang vang không dứt. Aí Văn kể chuyện tiếu lâm, chuyện trêu chọc các bạn khác trong không khí thân mật. Anh Hà Quốc Bảo hát bản “Giữ Đời Cho Nhau” của Từ Công Phụng, giọng ấm mà truyền cảm, làm các chị chớp mắt, vì ông nào cũng có mang ơn nghĩa nhiều của vợ. Tiếng hát như ru trầm: “Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển vớt đời ta trôi… tạ ơn em, tạ ơn em… ơn em hôm sớm ngậm ngùi, kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau… tạ ơn em, tạ ơn em...” Anh Trương Minh Trung kể chuyện tiếu lâm. Rồi một màn tự giới thiệu cho anh em biết nhau nhiều hơn về thân thế, gia đình, con cháu bao nhiêu người. Anh nào cũng có cháu nội cháu ngoại. Anh Bê có cháu ngoại đã 20 tuổi, vì lấy vợ sớm, từ thời còn là sinh viên.

Khi anh Trung cho biết có thời làm trưởng ty Công Chánh Chương Thiện, thì anh Hoàn hỏi có biết địa danh “Chắc Cà Đao” hay không. Anh Trung cười và nói rằng, “Chắc cà đao” là tiếng Miên, có nghĩa là “gảy tay tôi”. Nguyên do là vùng đó có nhiều đầm lầy, các cô gái Miên hay đi mò cua bắt ốc, gập mình chổng mông lên trời. Các anh lính trẻ xa nhà nghịch ngợm và hứng tình chạy xuống đầm ôm mông các cô mà ủi tới. Các cô mất thăng bằng, hai tay phải chống xuống bùn và kêu to lên rằng: “ gảy tay tôi anh ơi” ( chắc-cà-đao boòng ơi) Và vì vậy nên vùng đó mới có tên là “Chắc-CàĐao”

Anh Ái Văn chuyên nghề đệm những câu trêu chọc vui vẻ làm anh em cười vang. Làm buổi họp mặt thêm phần vui hứng.

Trong bảy ngày đi du thuyền, thì mất năm ngày rưỡi thuyền đi và về. Chỉ ghé lại đưọc một ngày rưỡi tại cảng Cabo San Lucas, và một ngày tại cảng Vallarta. Chị Bảo hy sinh buổi ăn sáng, để lấy vé cho tất cả anh chị trong nhóm đưọc xuống tàu theo thứ tự sớm. Cái đuôi lấy vé dài thòng, phải chờ lâu lắm mới lấy đưọc vé. Nữa ngày đầu tại Cabo, anh em đi lang thang dầm nắng cho khát nước chơi, phố nầy cũng giống như các phố du lịch khác. Chỉ mới có mấy năm, mà nơi đây phát triển mau chóng lạ lùng, đông đảo thuyền máy đi chơi của các phú gia san sát neo trên biển. Phía núi đồi, biệt thự và nhà cửa cũng san sát. Nhiều công trình xây cất dở dang, bỏ không, có lẽ vi ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Chúng tôi đi bộ quanh chơi, và ghé quán bên đường uống cà phê nhìn du khách qua lại.

Hôm sau, chúng tôi cũng được xuống chơi tại hải cảng nầy thêm một ngày nữa. Nhờ chị Bảo mặc cả, thuê một chiếc thuyền có đáy lót kiếng đi vòng trên biển, xem cá và cảnh đẹp. Chúng tôi được thuyền thả xuống một bãi tắm có cắm nhiều cây dù và ghế cho du khách nằm. Thuyền không có thang hay tấm ván nghiêng cho du khách bước xuống. Mọi ngưòi phải xắn cao quần, và vịn tay mấy ông Mễ ở dưới mà nhảy xuống, có anh trượt chân ướt loi ngoi. Nhiều chị được các ông Mễ ẵm lên bờ khô. Cảnh tượng không khác chi thời vượt biên là mấy. Có lẽ lúc nầy, ai cũng lo xuống thuyền, nên không chụp được những tấm hình kỷ niệm hoạt cảnh quý báu. Các anh các chị xuống tắm biển nô đùa với sóng, và tắm nắng gay gắt của miền Mexico . Tôi và anh Hoàn lội bộ dọc bãi biển và đi ra phố, thuê một chiếc xe gắn máy, có dạng xe Vespa ngày xưa bên mình. Giá chỉ 15 đô một giờ. Hơn ba mươi năm không chạy xe gắn máy, tôi chạy loạng quạng như người say. Khi biết mình không nên giởn mặt tử thần, nơi mà xe hơi lái rất hoang dã, tôi đem xe trả và chào thua.

Du thuyền đi xuống miền Nam, ghé lại cảng Puerto Vallarta, chị Bảo lại thuê cho chúng tôi 3 xe, đi chung thăm thành phố, cuối cùng ghé lại bãi biền chơi. Sóng lớn và có lẽ cũng chán tắm rồi, nên chỉ có một số it anh chị xuống biển. Anh chị em ngồi dưới bóng các cây dù lớn uống nước mà nhìn sóng lớn xô bờ.

Hôm cuối cùng, chúng tôi hẹn nhau tại phòng họp lúc 9 giờ. Tôi bị đau bụng vì ăn trái táo tàu nhảo nhẹt, nên không tham dự được. Nằm trong phòng mà tiếc không sinh hoạt được với anh em ngày cuối. Tôi cố gắng lên gặp anh em dù chưa bình phục. Tôi đến trể. Nghe anh Khưu Tòng Giang kể chuyện đi xe lửa từ Hà Nội lên Lào Kai, đi từ 9 giờ tối đến 6 giờ sáng mới đến. Thuê giường ngủ hạng sang, có máy lạnh. Đang ngủ mà nghe nhột nhột từ chân lên đầu. Tưởng là có cô nào vào mò mình, sướng quá nằm yên. Nhưng khi bật đèn lên, thì thấy bầy gián đang bò trên thân anh. Sáng hôm sau sợ quá, phải lấy xe hơi đi về. Đường đèo đã nhiều ổ gà, lại quanh co chật hẹp, phải đi đến 10 tiếng đồng hồ. Xe chạy 6 giờ đường đèo quanh co, các bà ngất ngư mệt. Anh phải nói chuyện liên tục với tài xế để cho y tỉnh ngủ mà lái xe may ra về đến Hà Nội. Ở chợ Sapa gặp người Hmong bán y phục điạ phương có màu sặc sở. Anh Giang mua một bộ. Anh có thói quen mua được áo quần gì mới thì cởi đồ cũ ra mặc liền. Áo màu mè rất đẹp mắt. (Anh em hỏi nếu mua được quần lót mới, thì anh Giang có cỡi đồ ra mà mặc vào không?) Anh Giang mặc bộ nầy mà ngủ. Sáng dậy, thấy màu nó phai ra, làm cả người xanh lè từ đầu đến chân. Cái tấm vải trải giường cũng xanh lè. Tắm cả mấy tiếng đồng hồ mới kỳ và chùi ra hết.

Tiếp đến anh Duật kể chuyện vui. Kể rằng hai anh chàng mới chết về trời gặp nhau. Anh A hỏi anh B tại sao mà chết? Anh A nói, khi tôi đang làm việc tại sở, thì có người báo cho biết vợ tôi ở nhà tiếp trai. Tôi vội vã chạy về để bắt quả tang. Khi vô nhà, tôi tìm mãi không thấy ai cả, tức quá động tim mà ngã lăn ra chết. Anh B vỗ vai nói ngay “ Nếu anh mở cái tủ lạnh lớn ra, thì hai đứa mình đã gặp nhau, và cả anh và tôi đều thoát chết rồi.

Anh Luân kể chuyện. Chuyện nầy đã được bà xã duyệt y trước rồi. Anh Luân cho biết, làm bất cứ việc gì nhỏ lớn đều phải có sự chấp thuận của vợ. Anh kể chuyện nhan đề là “Trái tim phập phồng” Rằng trong đám tang của một bác sĩ mổ tim, bạn bè đem vòng hoa có hình trái tim đến phúng điếu, và trên vòng hoa, có một trái tim máy đang đập phập phồng. Bỗng một người cười vang. Có kẻ hỏi tại sao anh cười? Anh nói rằng anh là bác sĩ sản khoa, nghĩ đến cái mà người ta sẽ đem đến khi đám tang của anh, mà không nhịn được cười.

Tiếp theo, anh Bê kể chuyện can cường của một ngưòi bạn cũ. Ngang tàng từ thời còn đi học. Về sau đi lính cũng lập đưọc rất nhiều chiến công. Khi bị bắt đi tù, anh bị hành hạ, đánh đập. Vượt ngục hai lần không thoát, bị đánh đến chết. Bạn tù đem chôn. Đêm đó mưa trôi đất và anh từ hòm chui ra. Thế mà vẫn sống được và bây giờ ở Sacramento. Anh ấy nói cho biết về kinh nghiệm khi cận tử, khi đó thấy rõ vợ con, thấy bạn bè, thấy cả xác của anh và các bạn đang chôn anh.

Anh Thụy kể chuyện chân trời. Một em bé đoan chắc với cô giáo là trời có chân. Vì một đêm kia em thức giấc nghe bố em kêu lên : “Trời ơi, dang chân ra nào!”

Tiếp theo, anh Dục góp vui bằng ca một bài hát „cô đầu‟ Hồng Hồng Tuyết Tuyết. Không có đàn đệm, không trống chầu chát chát tom tom, mà giọng anh run run cao thấp rất điệu nghệ : “Hồng Hồng Tuyết Tuyết, mới ngày nào chửa biết cái chi chi. Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì? Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu. Ngã lãng du thời quân thượng thiếu…mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại…” Tôi nhìn mái tóc trắng của anh cảm được hai chữ “bạch phát” (tóc trắng). Anh Dục hát xong, anh em vỗ tay ào ào khen ngợi, vì bài hát xưa hiếm hoi nầy được nghe lại.

Anh Bảo bao giàn chót bằng bài hát do anh sáng tác. Nhạc dịu dàng, lời văn hoa dễ thương. Tôi không nhớ hết, nhưng đại khái có tóc, có tay, có vai, có tim, có tình và có môi hôn… Đây là một bản nhạc hay mà tôi nghe được. Tiếp theo bản nhạc nầy, anh Bảo nói chuyện về một anh chàng miền Bắc đến thăm Quảng Ninh, hãnh diện thấy cửa khẩu (hải cảng) của mình mở ra, kể từ đó hàng hóa từ Trung Quốc và từ Việt-nam đều đi qua cảng này, nhờ nhân công rẻ nên nguyên liệu (hàng thô) xuất cảng thì ít mà sản phẩm chế biến (hàng tinh) thì xuất cảng nhiều hơn, nên tức cảnh làm bài thơ rằng:

“Đi chơi cho biết Quảng Ninh.
Đến nơi mới thấy cửa mình mở ra.
Hàng của bạn, hàng của ta.
Hàng nào cũng phải đi qua cửa mình.
Nước ta buôn bán lình xình.
Xuất thô thì ít, xuất tinh thì nhiều.”

Cuối cùng anh Bảo hát bài “Ru Mẹ”. Bài hát rất cảm động mà tôi đã được nghe khi đám tang mẹ anh tại San Jose.

Thời gian hai giờ đã hết, anh em ra phòng ăn trưa. Trong một lần đông đủ anh em, anh Ái Văn có nêu vấn đề có nên tổ chức đại hội Aí Hữu Công Chánh tại Nam California hay không. Nhiều ý kiến khác nhau. Anh Thụy cho biết, muốn tổ chức được một đại hội như vậy, thì cần phài có ít nhất 5 anh làm việc liên tục trong nhiều tháng để chuẩn bị. Đó là kinh nghiệm của anh em Thân Hữu Điện Lực, tổ chức đại hội hàng năm, đi du thuyền, và năm nào cũng quy tụ được trên 100 người tham dự. Kết luận, nhiều anh đồng ý Công Chánh chúng ta là chưa thể tổ chức đại hội được. Nhưng một số lớn anh em cũng có thể hàng năm, đi chơi chung, gặp mặt nhau ít nhất là một lần trong những chuyến viễn du. Chỉ cần một người nào đó, thấy có nơi nên đi và giá bán rẽ trong đợt “khuyến mãi” thì cứ phóng lên internet, báo tin cho anh em biết, để cùng ghi danh đi chung. Cách hay nhất là mỗi người tự liên lạc thẳng với trung tâm du lịch để trả tiền, mua vé. Nhưng mỗi lần như vậy, anh em phải lấy quyết định ngay, vì nếu chậm, thì phải mua vé đắt hơn, có khi gấp đôi giá khuyến mãi.

Tuổi già, gặp được bạn cũ là quý báu. Chưa ai biết ngày nào, giờ nào thì trời kêu. Nếu còn sức, còn đi được, mà bỏ qua những cuộc họp mặt bạn bè thì uổng lắm./.

Nguyễn Thiệp

Nguồn: Ái Hữu Công Chánh, số 96 tháng 2/2011

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả