PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàSáng TácĐoản VănKhông có hoa mai ở Seattle

Không có hoa mai ở Seattle

LTS. Bài này đăng trên website của AH74, xin phep đăng lại theo lời yêu cầu của Vũ Ngọc Toàn.

Sáng 30 Tết tôi rời nhà sớm để đi công-tác xa.  Trước khi ra sân bay tôi phải ghé qua sở làm để thu xếp hành-lý, cho dù chiều hôm trước tôi đã ở lại trễ mà vẫn không chuẩn-bị xong.  Nghĩ đến khoảng thời gian dài của chuyến đi trước mặt tôi tự nhiên thấy chán nản.  Đêm hôm nay đã là Giao-Thừa rồi.  Thêm một lần nữa Xuân lại về trên đất lạ.  Năm nay một mình tôi đón Xuân xa nhà cho dù hai mươi mấy năm qua, năm nào cũng chỉ là Xuân tha hương.

Trước khi ra cửa, tôi đã định chào mấy đứa con nhưng vợ tôi gạt đi, bảo là để cho chúng ngủ vì còn quá sớm.  Hơn nữa, tối hôm trước tôi đã nói cho các con tôi biết là sẽ không có nhà đêm Giao-Thừa để lì-xì cho chúng nó.  Mấy đứa nhỏ buồn lắm vì mấy ngày nay, lúc nào các con tôi cũng luôn miệng nhắc đến Tết.  Vợ tôi cũng tiếc vì chúng tôi dự định tối Giao-Thừa sẽ thức khuya xem chương trình đặc biệt đón Xuân trên truyền hình.  Dự tính tuy đơn giản cuối cùng vẫn không làm được vì chuyến đi công-tác bất ngờ của tôi.

Trên đuờng đến sở, gió lạnh buổi sáng thổi vào mặt không làm cho tôi thoải mái hơn được.  Trời tháng Hai dương lịch vẫn còn âm-u giá buốt.

Nơi đây bây giờ vẫn đang giữa mùa Đông.  Nhớ đến hôm qua, khi vừa buớc chân vào sở, người xếp đã chận đầu tôi trước cửa văn-phòng, vội vã
nói: “Happy New Year!”

Tôi đáp lại “Cám ơn.” Đang định hỏi tại sao biết là sắp đến Tết, ông ta đã nói trước:

– Cái dự án ở Seattle phải bắt đầu ngay ngày mai.  Anh đi đuợc không?

Tôi nhìn thẳng vào mặt ông xếp:

– Ông nói gì? Sao hôm qua trong buổi họp, ông dự kiến là sẽ bắt đầu trong hai tuần nữa?

Người xếp nhăn nhó:

– Thì lúc đầu là như vậy.  Nhưng bây giờ tình-hình khẩn trương, khách hàng đòi thay đổi và tôi đành phải nhận lời.

– Ông quyết định từ bao giờ?

– Mới sáng nay.  Mà cũng không phải là do mình quyết định nữa.

Ông xếp uống một ngụm cà-phê từ cái ly trên tay rồi tiếp:

– Dịch-vụ đang bị cạnh tranh rất nhiều.  Nói chung là khách hàng muốn mình làm sớm cho hợp với qui-hoạch của họ.  Mình không chiều ý, sợ sẽ bị huỷ bỏ hợp-đồng.

Tôi im lặng nghĩ đến những dự tính mấy ngày đầu năm đã hứa với các con tôi, nay sắp phải bỏ lỡ.  Không thấy tôi nói gì, ông ta ngần ngừ:

– Anh cũng biết, cái dự án ở Seattle là một buớc ngoặt lớn cho hãng ta…

Tôi cắt ngang: “Chuyến bay mấy giờ?”

Nguời xếp biết tôi đã ưng thuận liền quay lưng bỏ đi, một tay đưa lên cao khỏi đầu, chỉ về phía truớc:

– Hỏi thư ký.  Cô ấy đã xắp xếp giờ bay và chuyến bay xong cả rồi.

Tôi thừa hiểu ông xếp cũng đang ở thế kẹt chẳng hơn gì tôi.  Đã là đi làm công như nhau thì nhiệm vụ chính là phải sinh lợi cho chủ.  Nếu ông ta không quyết định cho tôi đi công-tác chuyến này, mai sau hậu quả tai hại, ông sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm.  Những lo toan cho miếng cơm manh áo không nhiều thì ít đã lấy đi một phần tự do trong cuộc sống.  Nhưng ít ra, khi kiếm được đồng tiền bằng công sức của chính mình, mình cũng được tự do chi dùng theo sở thích.  Từ lâu, tôi đã quen với những chuyến công-tác xa và đột ngột như thế này nên ít khi nào tỏ vẻ thắc-mắc trong sở.  Việc của mình, không làm truớc cũng phải làm sau.

Lần này thì khác.  Tôi muốn có mặt ở nhà ngày đầu năm với gia đình.

Sáng Mùng Một Tết tôi sẽ đưa các con tôi lên mừng tuổi ông bà nội ngoại; cho các cháu được xếp hàng trước mặt các đấng sinh thành ra cha mẹ chúng.  Mừng ông sống lâu như núi Nam, chúc bà phúc đức tựa biển Đông.

Những người viễn xứ như tôi đa số không biết Tết là gì, nhất là những nơi chốn không có nhiều đồng hương cư ngụ.  Không phải họ không tha thiết với những ngày truyền thống đầu năm nhưng vì cuộc sống gắn liền với sinh-hoạt của xã-hội, ít ai còn muốn dành thì giờ cho những tập-quán của người Việt.  Lâu dần rồi quên: Đêm 30 cũng như Mùng Một, mùng 10.  Đêm Giao-Thừa cũng như bao nhiêu đêm khác, không có gì lạ.

Nhiều năm, ngày đầu Xuân đi làm, người bản xứ cùng sở vỗ vai “Chúc Mừng Năm Mới”, mới biết là Mùng Một Tết.  (*)

Thật ra, Xuân ở trong lòng ta, ngoại cảnh chỉ là phụ thuộc.  Một ý nghĩ tưởng nhớ đến Ông-Bà Tổ-Tiên cũng đã là Tết, một bữa cơm xum vầy với gia đình bạn hữu cũng đủ làm nên mùa Xuân.  Bằng không, cho dù ngoài trời hoa mơ hoa mận có nở, trong lòng cô gái Xuân gan ruột cũng vẫn rối bời như tơ vò.

oOo

Máy bay đáp xuống Sea-Tac lúc trời đã quá trưa.  Tôi vội vàng lấy lành-lý chuyển lên chiếc xe vừa thuê ở phi trường và tiếp tục phần còn lại của chuyến đi.  Hành-trình chưa được một nửa sao đã thấy quá dài.

Xe lên đến xa lộ thì trời bắt đầu mưa.  Sau khi len lỏi qua những phu vực đông đúc trong thành phố, con đường trước mặt hướng về một cánh đồng rất lớn.  Ở chân trời, mây xám và sương mù hoà vào nhau không biết đâu là biên giới.  Thỉnh thoảng một vài đám mây trắng nhạt bay lững-lờ từ dưới đất lên cao làm cho bầu trời càng thêm nhàu nát, trông như khói xám từ một đám cháy nhà.  Tôi bắt đầu buồn ngủ và lái xe theo phản-xạ, cố giữ xe trong lòng đường và chạy thẳng về phía trước.  Càng đi, con đường càng trở nên vắng vẻ.  Đồi núi thưa thớt xen kẽ những thành phố nhỏ nằm rải rác theo bờ biển.  Mây mờ giăng kín cả bầu trời.

Sương mù che lấp cả mùa Xuân.  Hàng cây bên đường giống như những thanh sắt vụn lẫn lộn trong mớ dây kẽm đen dựng đứng trên nền trời tím thẫm.  Không khí hắt hiu, ảm đạm.  Không có hoa mai ở Seattle.  Trên thành phố giá lạnh mưa nhiều này, bóng Xuân vẫn còn xa vời ẩn náu nơi đâu, chờ cho Đông tàn để đến lượt được khoe tươi sắc thắm.

Đường xá dẫn đến hotel ngập loáng nước mưa trong đêm tối.  Ánh sáng phản chiếu trên mặt đường còn sáng hơn những bóng đèn nhỏ treo trên những trụ điện cao ngút.  Tôi cho xe vào bãi đậu và nhận ra đây là một khách-sạn nhỏ, vắng người qua lại.  Sau khi xem qua một một vài giấy tờ thủ-tục, người quản lý đưa cho tôi chìa khóa phòng rồi vội trở lại ngồi trước máy truyền hình đang chiếu dở một chương trình ca nhạc.

Nhìn lên màn ảnh nhỏ, tôi thấy cô ca sĩ da đen có mái tóc nhuộm màu vàng óng ánh đang trình diễn một bản dân ca vui nhộn.  Mái tóc như giòng suối bạc đang lấp lánh đổ xuống hai bờ vai trần duyên dáng trong đêm trăng.

Tôi chợt liên tưởng đến Như-Quỳnh và bản nhạc Câu Chuyện Đầu Năm trong đĩa nhạc Xuân mới mua tuần trước.  Thật xuất sắc, người ca sĩ đã gợi lên được hình ảnh yêu kiều của ngày Xuân và người Xuân.  Trong lúc trình diễn, cô mặc chiếc áo dài tha thướt có vẽ những đoá hoa tươi thắm nở trên ngực.  Nụ cười duyên dáng khoe chiếc răng khểnh sau đôi môi hồng đào làm cho người xem càng thêm đắm say.  Ánh mắt tha thiết xuân tình của người thiếu nữ xinh đẹp trong vườn đào gợi niềm mơ ước một mùa Xuân bất tận.  Tôi không biết ngày xưa gái Xuân giũ lụa bên sông Vân đẹp như thế nào.  Nhưng ngày nay gái Xuân Như-Quỳnh đã tô điểm tuyệt vời bức tranh Tết có giai nhân trước ngõ, bên mai vàng rực rỡ.

Khi ống kính thu hình chiếu gần nàng Xuân, khán giả có thể thấy rõ bốn điểm sáng tròn chia đều trên khuôn mặt khả ái: đôi mắt thanh tú và hai chiếc bông tai kim cương lóng lánh.  Trong ánh sáng ngập tràn của sân khấu, tôi không còn phân biệt được giữa mắt ngọc và đá quý, cái nào lấp lánh lung linh hơn.  Đĩa nhạc này đã được xem đi xem lại nhiều lần và lần nào tôi cũng bị thu hút bởi Nàng Xuân quá xinh đẹp.  Có những lúc mải mê xem trình diễn, tôi có cảm tưởng như Thanh Nguyên đang nói bên tai:

Nghe như mười tám đến gần
Với tay là chạm mùa xuân kia rồi

oOo

Tôi cố đi ngủ sớm để sáng hôm sau tỉnh táo đi làm nhưng không tài nào chợp mắt được.  Trên truyền hình mở quên, một bà đầm đang đọc bản tin cuối ngày.  Tôi chú ý nhưng không nghe được những gì bà đang đọc và tự nhiên thấy vô duyên quá.  Khuôn mặt bà ta thất thần vì thiếu ngủ và giọng đọc khàn khàn do hút thuốc lá quá nhiều càng làm cho tôi khó chịu.  Khi thấy người đàn bà cố gắng tạo những nụ cười ngượng nghịu trước ống kính tôi đưa tay tắt TV theo phản xạ.  “Bà này thiệt, không giống Như-Quỳnh chút nào!”

Đồng hồ đã chỉ gần nửa đêm và chỉ còn vài phút nữa là Giao-Thừa.

Trong cái trống trải của căn phòng, tôi tự dưng nghĩ đến gia đình và bạn bè.  Tôi muốn gọi điện thoại cho vài người để nói mấy câu thăm hỏi bình thường nhưng lại thôi vì biết rằng đây là những giờ phút linh thiêng nhất trong năm.  Chợt nhớ ra Trần Đình Tuấn-Xoàn ở bên Hawaii, tôi cầm điện thoại lên vì nghĩ chỉ có mình nó là vẫn còn tối 30, trong khi những nơi khác năm mới đã về rồi.  Cũng may lúc đó gia đình Tuấn vừa cúng Ông-Bà xong và đang chờ đón Giao-Thừa.  Tôi và Tuấn nói chuyện rất lâu, ôn lại cho nhau bao nhiêu mùa Xuân đã đi qua, đã thay đổi nhiều theo thời gian và nơi chốn.  Con người có qua bao đắng cay hạnh-phúc, cuộc đời có qua bao thay đổi thăng trầm, Xuân vẫn trở về đều đặn hàng năm như người tình không bao giờ lỗi hẹn.  Tuấn và tôi đang đón một mùa Xuân tha hương mà lòng luôn nhớ về những mùa Xuân ở quê nhà.  Có nhiều người bạn dù đứng trong giá lạnh mùa Đông, nhìn tuyết bay mà vẫn hình dung ra hoa đào đang nở.  Trong cái lạnh lẽo nơi đất khách, ánh Xuân nồng nơi quê hương vẫn là ngọn lửa sưởi ấm khó quên đến từ quá khứ.  Chắc chẳng bao giờ còn tìm lại được những mùa Xuân đầm ấm năm xưa; trong đêm 30 mẹ đang sửa lại những tấm bánh chưng trên bàn thờ cho ngay ngắn, cha đang đếm lại những xấp tiền trong tủ chờ chủ nợ đến thu trước Giao-Thừa.  Chắc chẳng bao giờ còn thấy lại được bóng giáng xinh đẹp của người con gái hàng xóm bên kia đường mà mỗi độ Xuân về lại mặc lên người chiếc áo dài mới duyên dáng hơn, yêu kiều hơn.  Ngực áo sẽ chật thêm đôi chút và eo áo sẽ thon đi ít nhiều.

Trước khi gác máy, Tuấn nhắc mấy lời nhạc của Lê Uyên Phương..  Rồi mùa Đông đến.  Rồi mùa Xuân đến.  Cuộc đời vẫn quay đều.. gọi là mừng tuổi tôi trước thềm năm mới.  Trong khoảnh khắc, đầu óc tôi trở nên trống vắng lạ thường và không còn suy nghĩ được gì suốt mấy phút đồng hồ.  Một lúc sau, để cho tan đi không khí im lặng đang trở nên khó chịu trong căn phòng nhỏ, tôi lơ đãng bật máy truyền hình coi bà xướng ngôn viên lúc nãy đọc tin tức rồi chìm dần trong giấc ngủ muộn đêm 30.

Võ Quang Thịnh

(*) Chỗ này kể theo ý của Trương Tuấn Hạnh-Cận.

3 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả