PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Đặt Tên Con Gái

Vì sao tên của 2 cô con gái tôi lại là tên ghép của các bạn cùng học Đại học với tôi?

Thử nghĩ lại xem các bạn của tôi ơi, cái thuở học trò Tiểu học, Trung học Đệ nhất cấp, Trung học Đệ nhị cấp hay Đại học, đều rất là đẹp, lại càng đẹp khi chúng ta gần hết cái tuổi U70, rạt rào kỷ niệm với chúng ta và với tôi.

Tôi cũng có chút may mắn sau khi học ra Trường về lại quê hương Đà nẵng, làm việc và sinh hoạt. Trong gần 40 năm ấy tôi cũng hay gặp gỡ quý Thầy Cô các lớp, gặp bạn bè các cấp, và nhà tôi cũng là nơi gặp gỡ Quý Thầy Cô, lai rai với bạn bè trong thời gian ấy. Bạn bè tại Đà nẵng, bạn bè Sài gòn và trong nước, bạn bè nước ngoài cũng hay ghé nhà thăm và gầy độ lai rai.

Rồi năm 2017 có duyên, tôi cùng vài bạn tâm huyết tổ chức Kỷ niệm 50 năm ngày vào Trường Phổ thông Trung học Phan Châu Trinh Đà nẵng (15/09/1967- 15/09/2027). Khi tôi và bạn mang thiệp mời đến nhà một vị Thầy, Thầy nói Đà ơi, lần đầu tiên Thầy nhận Thiệp mời của Cựu Học sinh Phan Châu Trinh mà có con số 50 đó. Tôi thưa Thầy, em ăn gian một chút đó Thầy. Ăn gian là sao? Dạ thưa Thầy, em tính số 50 là em tính từ ngày nhập học đó! Thầy nói À ha! Ăn gian ha, các bạn khác thì tính từ lúc ra Trường. Em nói Thầy là em ăn gian mà. Thầy trò cười vui. Thừa thắng xông lên do được bạn bè khích lệ, năm 2019 chúng tôi lại tổ chức 45 năm ngày rời Trường Phan Châu Trinh, cũng là ngày kỷ niệm 50 năm kỳ thi IBM duy nhất của Miền Nam Việt Nam, và cho cả Việt Nam bây giờ, đó là Kỷ niệm 26/06/1974- 26/06/2019, chỉ tiếc là không tổ chức tại Trường Phan Châu Trinh được, vì đang có Hội đồng chấm thi ở đó. Cả hai kỳ Họp mặt 2017 và 2019 đều có trên 20 Quý Thầy Cô và gần 200 bạn bè các nơi trở về như Sài gòn, Ban mê Thuộc, Huế, Kon tum, Canada, Hoa Kỳ, Úc…

Cuối Năm 2019 do có chút kinh nghiệm nên tôi cùng vài bạn Tổ chức Re-Union A74 Phú Thọ Bách Khoa SG tại Đà nẵng nhân 40 năm ngày ra Trường. Buổi trù bị và tiệc chính thức, cũng như hậu Reunion đi chơi Thánh địa Mỹ Sơn, gặp gỡ tại Tam Kỳ hay xem Ký Ức Hội An cũng rất vui. Sau đó có chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm Huế, Quảng Trị Quảng Bình để lại nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhất là các bạn đang bệnh, không biết có còn cơ hội để đi lại nữa hay không. Kỳ Re-Union đó trong ban tổ chức cũng có ý định ra một tập sách nhỏ ghi lại Kỷ niệm tuổi sinh viên hay sau khi rời Trường, nhưng không có người phụ trách nên tập ghi đó không ra mắt được.

Sau kỳ Re-Union đó Ban Tổ chức đã sử dụng số tiền còn lại gần 30 Triệu đồng làm Quỹ từ thiện và duy trì từ tháng 9/2019 đến nay vẫn hoạt động tốt nhờ sự đóng góp của các bạn, nhất là Võ Văn Khải ACD74, Trịnh Xuân Đông AXD74, Võ Như Tiến & Phan Văn Chiến AD74, Trần Tấn Nghinh AH75, Nguyễn Thế Hùng, Đinh Viết Bình, Đặng Minh, Bryan Nguyễn (Nguyễn Phi Hùng) đều ở Hoa Kỳ, Nguyễn Hùng Minh, Nguyễn Văn Chí & Huệ ở Úc, Đoàn Anh Tuấn ở Pháp…..mỗi tháng trao quà cho 10 gia đình nghèo bệnh, Học bổng cho 5 sinh viên, các thuốc men hay giúp đở người nghèo khác. Hè trao thêm sách vở, Tết và lễ thì cho quà thêm người nghèo, mỗi năm cũng trao từ 100 đến gần 200 triệu đồng. Đây là việc mà Re-Union đóng góp cho đời sồng người nghèo tại Việt nam.

Năm nay, được biết Ban tổ chức Re-Union 2022 A74 Phú Thọ-Bách Khoa có ra Đặc san nhân 43 năm ngày ra Trường, du ký ức cũng phai mờ nhưng tôi cũng viết vài dòng ghi nhớ chuyện ngày xưa thuở sinh viên Trường Phú Thọ còn đọng lại nhớ thương đến nỗi khi vợ sanh 2 cháu gái tôi đã nói và được vợ đồng ý cho tôi đặt tên các bạn bè mình trở thành tên 2 cô con gái rượu của tôi, đó là Nguyễn Hải Ngọc Quỳnh sanh năm 1983 và Nguyễn Hải Quỳnh Anh sanh cuối năm 1984 (bí mật chút, sau cháu Quỳnh Anh 12 năm, tôi có con trai và lúc ấy tôi tình nguyện nhường cho vợ đặt tên con trai-vì mình đã đặt 2 đứa rồi mà).

Bạn Lê Phước Quỳnh từ Huyện Đại Lộc ra học Trường Phan Châu Trinh năm lớp 10, niên khóa 1971-1972, Quỳnh ở trọ nhà bà con đường Trần Quý Cáp, đi bộ đi học (cả lớp thì trên 80% đi bộ). Quỳnh học giỏi, lạ Trường lạ lớp lạ bạn bè nhưng ngay lớp 10 Quỳnh đã nằm trong top 5 của lớp, lên lớp 11 và lớp 12 cũng vậy. Hai đứa cùng chọn chung một số Trường Đại học để thi, tuy nhiên chỉ kịp thi 2 Trường là Dự bị Y Khoa Huế và Phú Thọ (các Trường khác đã nộp đơn là Sư Phạm Sài gòn, Kiến Trúc Sài gòn,.. chưa kịp thi) thì gia đình gọi về học Dự Bị Y Khoa, lý do chính là gần nhà, kinh tế dễ lo liệu còn Phú Thọ Sài gòn không biết có đậu không? Ai dè có kết quả Phú Thọ hai đứa tôi bỏ lại hai người bạn (Thắng, Khánh) mà quay về Sài gòn cùng với Cảnh Kỳ, Hóa học của Phú Thọ. Hai đứa ở chung nhà trọ đường Sư vạn Hạnh của Cô người Bắc già mà vui khỏe chu đáo, căn phòng trọ do người Anh họ quen (học xong Tiến sỹ đệ tam cấp (Master) ở Khoa Học Sài gòn, về dạy ở Đại học Cần thơ) nhường lại, đạp xe đi học, đi xe bus xuống Sài gòn xem xi nê, ăn kem, uống dừa….ăn cơm tháng gần nhà trọ và khúc thút thít khi Ba Má anh em ở Đà nẵng mất liên lạc từ 11g30 ngày 29/03/1975.

Bạn Đào Xuân Ngọc thì khác hẳn, một cô gái Bắc, từ miền Bắc vào, khuôn mặt chữ điền, thậm chí có râu tơ mong mỏng (nếu đậm thì ra đàn ông luôn), nói năng thoải mái, xe đạp trật sên thì dựng ngược chiếc xe đạp lại dùng tay sửa lại dây sên quay chạy tròn rồi dựng ngược xe đạp lại, đi tiếp. Tôi không nhớ Ngọc vào Trường Bách Khoa cụ thể thời gian nào, vì lúc Ngọc vào lớp có nhiều bạn trai hay tiếp xúc với Ngọc mọi lúc mọi nơi nên tôi không muốn tham gia lăng xăng. Có duyên là một hôm Ngọc bàn với vài bạn như Nhường, Vĩnh, Quỳnh, Việt (nữa thì phải) là lên nhà Ngọc làm bánh bột mỳ ngọt chiên, cộng thêm Nhường mang xoài to ăn chấm nước mắm từ quê lên, các bạn không đành để tôi một mình ở Cư xá 268 Bis nên rủ tôi đi theo. Từ đó tôi quen Ngọc, sau này lại Ban cán sự lớp, Tổng Đội cờ đỏ Khoa Xây dựng, Tổng đội cờ đỏ Trường, Ban chấp hành Đoàn lớp, Ban thể thao…cả nhóm Ngọc, Quỳnh, Vĩnh, Nhường, Việt, Đà thân nhau hơn. Và tôi biết có nhiều bạn khác cũng thân với Ngọc (vì Ngọc tính tình hiếu khách mà) như Tuấn Hoàng, Văn Sành….Tôi cũng mất một chiếc xe đạp mới khi đi cùng bạn đến nhà Ngọc vào cuối tuần. Xuân Ngọc cũng có dịp hôn cháu Ngọc Quỳnh khi Ngọc đi công tác từ Sài gòn ra Hà Nội bằng xe công ty, đi ngang Đà nẵng để lấy giấy phép và tranh thủ hôn cháu còn nằm trong nôi lúc 6 giờ sáng giữa tháng 12/1983 khi cháu đâu hơn 4 tháng tuổi, tại nhà đường Hải Phòng (chắc cũng là lần duy nhất vì cháu không có dịp đi đâu xa, khi cháu đi được xa thì bác Ngọc đã ra người thiên cổ, năm 1991). Trong số các bạn nữ trong lớp tôi khá thân với Ngọc, một phần vì công việc trong lớp (Tôi làm lớp phó học tập-và học cũng không tồi-bảo vệ Đồ án tốt nghiệp 10/10 ngành Xây dựng, cùng với Lê Văn Việt 10/10 ngành Cầu Đường, được Trường thưởng cho kỳ nghĩ hè tại Nha Trang năm 1979), sau khi ra Trường mỗi lần công tác vào Sài gòn, tôi và Phước Quỳnh, Văn Việt rất hay gặp gỡ cà phê với Xuân Ngọc, thậm chí rủ các bạn khác như Phương Anh, Bích Huyền, Văn Long đi chơi chung quanh Sài gòn bằng xe đạp (hồi đó làm sao có Honda để đi?). Xuân Ngọc lập gia đình năm 1984 tôi có vào Sài gòn chung vui với bạn, Ngọc có con trai duy nhất sanh năm 1985 và mất sớm, ngày chia tay Ngọc cuối năm 29 Tết đi về Đà nẵng, trong lòng đã biết mình mất bạn vĩnh viễn, đau đến nỗi không dám vào đưa tang bạn, tháng 3/1991.

Tôi có nhiều người bạn tên Anh, Anh Dũng (nam) học từ lớp Năm đến lớp Nhất, Nguyễn Anh (nam- học 10B, 11B), Nguyễn Thị Kim Anh thì học chung lớp 12B, vào Đại học Phú Thọ có Phương Anh, Kim Anh, Ngọc Anh…. nhưng thân thiết thì Phương Anh hơn tất cả, vì chung lớp, năm 1974-1975 chung đường đi học chung đường về, dù Phương Anh không biết tôi và Quỳnh đạp xe đạp đi theo sau do chung đường về Sư Vạn Hạnh. Trong lớp AXD cũng có vài bạn tôi biết muốn quen thân thiết hơn với Phương Anh, nhưng cuối cùng thì mùa Noel năm 1978, có bạn thấy Phương Anh đi cùng với một người học ACK73 và thông báo cho cả phòng to (cải tạo từ sân thượng) của Ký túc xá 268 Bis Lý thường Kiệt là Phương Anh đã có bạn trai, thế là nhiều bạn “vỡ mộng”. Còn Phương Anh sau này nói mấy ông cứ nói đủ thứ mà chẳng đi đến đâu, nên Phương Anh chọn con đường của mình, hi hi. Gần đây vc Anh Khoa- Phương Anh có một ngôi nhà mới xinh xắn tại Thành phố Tam Kỳ thì vợ chồng mình cũng có dịp vào chia vui, sau đó lại có trong buổi đón tiếp hai bác Bá Tuấn ACC74– Thúy Vân BH74.

Một trong những bạn tên Anh mà tôi ấn tượng là Kim Anh, người Quảng Ngãi cùng quê với Phương Anh, người mà Hải Đà cùng Xuân Ngọc, Ngọc Vĩnh, Phước Quỳnh sau chuyến đi lao động tại Tân Long Bến Cát Tỉnh Sông Bé năm 1977..… đến nhà xác của Bệnh viện Trưng Vương để xem có thật sự bạn đã chết hay không? (nằm sau công viên Lê Thị Riêng đường Cách mạng Tháng Tám Sài gòn), Kim Anh nằm trong tủ đông khi kéo ra thì khuôn mặt của Kim Anh vẫn còn màu hồng nhạt và lấm tấm sương tuyết trong hộc đông đá để bảo quản chờ người thân vào khâm liệm, lần đầu tiên chứng kiến sự sống và cái chết rất gần như ngay ở bên ta. Kim Anh thì tôi nhớ có nhiều lần sinh hoạt chung, hình như cũng nhóm C Anh văn?, từ 1974 đến 1977 thì tách ra Xây dựng Cầu đường Thủy lợi ít gặp nhau. Hình như chuyến đi Tân Long là chuyến đầu tiên sau khi tách ra ba ngành trên.

Thời gian thấm thoát đã trên 40 năm ngày ra Trường, các bạn tách ngành, tách khoa so với 1974,1975 thì còn lâu hơn nên kỷ niệm cũng nhạt nhòa. Sau khi ra Trường đất nước còn rất khó, chúng ta lại lập gia đình, sanh con đẻ cái nên lăn lộn trường đời, thương nhớ bạn bè chỉ có dịp đi công tác Sài gòn hay bạn về Đà nẵng thăm bà con, du lịch…. Đặc biệt là họp lớp từ năm 1986 (mà nghe các bạn nói lại là Đào Xuân Ngọc nhiệt tình với việc tổ chức này từ lâu), riêng tôi mãi đến 1996 mới dự cuộc họp lớp đầu tiên, đâu đường Nguyễn Cư Trinh, sau đi nhậu gần chợ Bến Thành, tối ăn cháo khuya lề đường gần New World, xong đi taxi về nhà anh Thiện lớp trưởng AXD74 ngủ bên Trần Não, sáng sớm ngày 2/1 ra phi trường bay về Đà nẵng (thời đó chỉ lễ nghỉ được 1 ngày 1/1).

Nói dông dài, dù còn thiếu rất nhiều, để nhớ lại tình bạn trong sáng đẹp vô ngần của chúng ta, nhất là tuổi đang học Đại học, nên để nhắc bạn thường xuyên thì đặt tên con cái mình bằng cách ghép tên các bạn học cũng là một cách mà Hải Đà chọn- được bà xã ok- Cháu đầu tên Nguyễn Hải Ngọc Quỳnh, chữ Hải là chữ lót của tên Cha, Ngọc Quỳnh là loài hoa mà ai cũng biết, trồng rất lâu mà hoa thơm chỉ nở rồi tàn trong một đêm, chắc chắn Đà không phải vì tên loài hoa mà đặt cho cháu, chính là quý mến Xuân Ngọc- Phước Quỳnh mà đặt tên con gái đầu như vậy. Cháu thứ hai Nguyễn Hải Quỳnh Anh thì cũng tương tự, ban đầu có ý định đặt Việt Anh kia, nhưng bà xã nói chưa đẹp, nên lại mượn tên bác Quỳnh cho cháu thứ hai.

Năm nay, 2022, kỳ Re-Union này sẽ gặp hai bác Quỳnh- Hồng tại Nam Cali, (còn hơn năm 2014 bác Quỳnh đã đặt phòng tại Thành phố phía nam Toronto Canada cuối cùng không dự họp lớp được vì nghe đâu bác gái Hồng bận việc), nhóm bạn bè quê hương Quảng Nam Đà nẵng sẽ gặp nhau khá đông vui gồm Hai bác Quỳnh-Hồng, hai bác Võ Kim- Tuyết, hai bác Lê Tạo-Thanh, hai bác Nguyễn Cường- Linh, hai bác Tấn Nghinh- Hường, hai bác Hoàng Anh Tuấn- Mừng, bạn Lê Văn Việt,…..

Ngồi viết những dòng này, ngậm ngùi thương nhớ Nguyễn Thị Kim Anh ATL74, Đào Xuân Ngọc AXD74, Nguyễn Huyến ATL74, Cao Hoàng Thanh và Lê Văn Thành ACD74, Trương Minh Hoàng ATL74, Huỳnh Đô AXD74, Hồ Hữu Phước ACD74, Phạm Ngọc Sang ATL74, Nguyễn Văn Sành ACD74, Lê Hoàng Hải AXD74 và nhiều bạn khác khoa…đã đi về cõi vĩnh hằng.

Sẽ vui vẽ gặp nhau nhân ngày Re-Union 2022 tháng 9 tại Nam Cali và viết lên đây để thắp nén hương lòng thướng nhớ các bạn cũ của tôi ơi.

Nguyễn Hải Đà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả