PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Câu Chuyện Về Một Dòng Sông

DongSong

Tôi vừa bồn chồn vừa hồi hộp bước chân vào giảng đường mới. Tôi đến lớp sớm mười phút tìm ghế ngồi, dãy thứ ba từ bục giảng đếm xuống. Ngày đầu tiên ở đại học, tôi thấy mọi thứ đều khác lạ: bạn bè, cách học, cách giảng dạy của giáo sư,… Ở bậc trung học, tôi có cùng một đám bạn học hết năm này qua năm khác, từ ngày bước chân đến trường đến khi thi tú tài đôi. Còn nơi đây, tôi sẽ làm quen với nhiều bạn mới trong lớp của môn học này, và các bạn mới khác trong lớp khác của môn học khác. Ở trung học, thầy cô và ba mẹ tôi rất sao sát, tỉ mỉ với tôi. Còn nơi đây, giáo sư không có thời giờ làm điều đó, tôi được thả lỏng. Ở trung học, thầy cô giục tôi làm bài tập. Còn nơi đây, tôi phải tự ý thức và học cách tự chịu trách nhiệm cho mọi hành động của mình. Nếu không học tập chăm chỉ, chẳng ai nhắc nhở tôi, tất cả sẽ là điểm thi cuối khóa, định đoạt tương lai của tôi (tiếp tục ngồi lại trường hay đi lính). Ở trung học, tôi phải đi học đúng giờ, mặc đồng phục, áo bỏ vào quần khi vào sân trường, tóc cắt ngắn theo quy định của thầy tổng giám thị. Còn ở đây, tôi tha hồ mặc áo màu, quần ống loe, tóc để dài như hippy Mỹ.

Điều khác lạ và thú vị nhất đối với tôi ở đại học là tôi được học chung với con gái, lần đầu trong đời. Hình như nhóm học của tôi có nhiều con gái nhất. Một trong những người con gái đó là một nữ sinh nhút nhát từ miền trung vào Sài Gòn tá túc nhà người quen để đi học. Trong buổi học đầu tiên tôi đã để ý đến cô, nàng ngồi trước mặt tôi, dãy bàn thứ hai, nên tôi được dịp lén trộm nhìn suốt buổi học. Sau đó, một cuối tuần, tôi tình cờ gặp nàng dẫn chiếc xe đạp mini đi tìm sách cũ trên vỉa hè đường phố ở trung tâm Sài Gòn. Tánh tôi nhút nhát khi đứng trước đàn bà, con gái, nên chỉ đứng lén ngắm nhìn nàng từ xa chứ không dám đến hỏi thăm, (ngay cả trong lớp học). Mãi đến một hôm kia, tại sân banh trường, nàng bước đến hỏi thăm sức khỏe của tôi (sau một cơn bạo bịnh, tưởng chết rồi, vì kiệt sức sau khi học thi vào Phú Thọ).

Mối tình thầm lặng của tôi bắt đầu ở sân banh trường, ngày đó. Nhưng rồi chuyện không đi đến đâu thì tôi tiếp nhận một tình yêu khác, cũng thầm kín mà tôi ấp ủ trước cuộc tình với cô nữ sinh cùng nhóm học. Tôi yêu con gái như vậy đó: ”yêu ai chẳng nói nên lời”, nên suốt đời tôi hiu quạnh như một

“… linh mục,
có được một tín đồ,
nhưng không là thánh thần,
nên tín đồ đi hoang”.
(thơ Nguyễn Tất Nhiên)

Mặc dù chuyện tình cảm trai gái của tôi không thuận buồm xuôi gió, nhưng ngày xưa tôi sống với gia đình thật hồn nhiên, không lo nghĩ, chỉ biết ăn, học, ngủ, đi chơi. Rồi tháng 4/75 với “sự đổi đời” đến, hạnh phúc gia đình tôi không còn nữa: Ba tôi mất, anh tôi đi học tập cải tạo, các chị, các em tôi cũng không còn tiếng cười. Trong gia đình, lúc bấy giờ, tôi là con chim đầu đàn. Con chim đầu đàn đã đủ lông đủ cánh, tôi còn đủ hai chân, hai tay nhưng tôi không giúp gì được cho “kinh tế” của nhà. Hơn nữa, tôi tự cô lập mình với xã hội, tôi sống ngay trong đất nước mình mà cứ tưởng mình như là người ngoại quốc. Những chuỗi ngày đó, tôi cứ ưu tư về tương lai của các em tôi, của chính tôi, của gia đình tôi. Những chuỗi ngày đó là chuỗi ngày cằn khô và buồn tẻ. Tôi mong chờ một dòng nước mát chảy qua, chảy qua đời tôi cho bớt khô cằn.

Đến năm 1979, Mẹ và các chị khuyên tôi ra đi. Tôi không bao giờ muốn đi, tôi không bao giờ muốn rời bỏ Mẹ, anh chị em, bạn bè và một dân tộc tội tình ra đi. Tôi muốn sống và chết như Ba tôi ở xứ nhà. Ấy vậy mà 43 năm trước, tôi đã nuốt nước mắt ra đi. Tôi đi để Mẹ và các anh chị tôi không thấy tôi buồn, tôi khổ, để Mẹ và các anh chị hy vọng tôi có tương lai. Tôi đã bỏ nhà, bỏ nước ra đi. Tôi đi hoang, đi hoang cả đời này của tôi. Ngày tôi đi không bạn bè đưa tiễn, tôi lén lút ra đi trong đêm tối, tôi ra đi khi các em tôi còn ngáy ngủ. Ngày tôi đi chỉ có người chị kế đưa đi. Chị đưa đi mà phải đứng từ xa nhìn vói theo với nước mắt chảy quanh. Ngày tôi đi như vậy đó. Rồi đúng 20 năm sau, tôi về thăm gia đình lần đầu. Ngày tôi về không có chị tôi vui cười đón tiếp. Chị nằm đó, nằm im không hơi thở, nằm im nghe cỏ mọc trên đầu, văng vẳng đâu đâu tiếng chuông chùa vọng lại xen lẫn tiếng cầu kinh.

Ngày đặt chân lên xứ này, tôi thấy mình mất hết, buồn nhớ gia đình, đơn độc, tủi thân. Vật chất bên đây không đủ để tôi vui, không đủ để tôi bớt nhớ nhung gia đình. Tôi nhớ nhà thật nhiều, tôi nhớ Mẹ, anh chị em và các cháu còn ở lại khổ cực. Nhiều lúc nhớ nhà quá, tôi muốn quay về. Nhưng lúc bấy giờ, có muốn quay về thì cũng đâu có đường nào để tôi trở lại. Những tháng năm đầu ở đây, không quyến thuộc (ngoài đứa em 11 tuổi, cùng đi), không bạn bè, lúc bấy giờ hơn lúc nào hết, tôi cần, thật cần những an ủi, vỗ về của người thân. Tôi cần một dòng nước mát chảy qua. Có, đã có một dòng nước chảy qua, nhưng nó không là một dòng suối mát dịu êm mà là một cơn thác lũ điên cuồng. Thác lũ cuốn qua đời tôi những năm tháng đầu nơi đây. Bây giờ cơn nước lũ đã qua rồi nhưng nó còn để lại trong tôi bao vết tích hằn sâu như vực thẳm.

Tôi đến đây với đứa em 11 tuổi và đôi bàn tay trắng. Nhưng tôi còn có một khối óc, một trái tim đầy máu đỏ, môt đôi tay vững chắc và một gia đình đứng phía sau, tôi sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách và chông gai. Suốt hai năm đầu ở đây, tôi đi làm coolie, để dành được một ít tiền. Tôi thèm đi học lại quá và tôi tiếc công Ba Mẹ nuôi dưỡng mấy năm học hành ở Việt Nam, mà tôi có cảm tưởng là tôi mang nó đổ xuống sông xuống biển, nên tôi liều mạng bỏ việc làm, đi học lại. Tôi vào đại học, học lại từ đầu văn bằng cử nhân. Học được một năm, tôi hết tiền vì cả hai anh em đi học mà không có nguồn thu nhập nào. Tôi dự định bỏ học, đi làm. Thời may, một giáo sư trong khoa của tôi, gọi tôi và cho việc làm phụ tá nghiên cứu với ông. Chiều hôm đó, tôi bỏ lớp học, chạy về nhà báo cho em tôi biết là tôi có việc làm ở trường. Hai anh em mừng rỡ chảy nước mắt: tôi sẽ tiếp tục học toàn thời gian và làm việc toàn thời gian để nuôi thân và nuôi em. Hai năm rưỡi sau, tôi nhận được bằng cử nhân, tôi tiếp tục học, rồi tôi tiếp tục học nữa.

Sống một mình lâu rồi thành thói quen. Kinh nghiệm cuộc sống cho tôi biết rằng: mọi thứ chỉ là thói quen, ta đau buồn khi mất đi thói quen này, nhưng sẽ hạnh phúc và bình yên với thói quen mới. Khi trai trẻ, vào mùa đông tôi có thói quen đi trượt tuyết, còn ba mùa còn lại thì tuyệt vời, tôi thích nhất mùa thu, hầu như cứ mỗi cuối tuần, tôi đi tìm một ngon núi để leo. Bây giờ tuổi cao, những cuối tuần, tôi chỉ nằm thật im trên giường, tắt đèn tối đen và nghe nhạc, hay mùa đông, ngồi im trước lò sưởi, nhìn củi cháy, nghe nhạc..

Hơn bốn mươi năm qua, tôi giam mình trong sách vở, trong công ăn việc làm, nhốt tâm trí mình trong nổi quyến luyến gia đình. Thỉnh thoảng, tôi gặp vài người con gái trẻ đẹp, giàu có, có nghề nghiệp chuyên môn như bác sĩ, nha sĩ, luật sư,…Họ sẵn sàng gật đầu nếu tôi mở miêng. Nhưng rồi chuyện cũng không đi đến đâu. Tôi bình thản buông lơi để họ lướt qua đời tôi. Bạn bè trách tôi vô tình. Có lẽ tôi vô tình thật và cũng có lẽ tôi đã quên mất đời tôi từ năm 1979. Chắc suốt đời tôi chỉ sống vời kỷ niệm và dĩ vãng thôi.

Hình như có lần tôi đã kể ai nghe câu chuyên về một dòng sông: Có một dòng nước nào đó chảy qua chỗ bùn lầy thì mọi người cho là nước bẩn nước dơ, nhưng cũng dòng nước đó chảy qua đá sỏi, cát vàng thì mọi người cho là nước trong, nước mát. Có chảy qua đâu đi nữa thì bản chất của nước vẫn là nước, vẫn là H2O không hơn không kém,
Tôi chỉ muốn mình là một dòng nước chảy quanh.

Cayo CoCo, Cuba, tháng 6, 2022
Tô, Công-Hiệp (ACK74)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả