PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàTin TứcCông Việc Từ ThiệnQuyên góp quĩ cho Nhà May Mắn – 07/2008

Quyên góp quĩ cho Nhà May Mắn – 07/2008

(bài trích từ Kỷ Yếu ACC74 2009)

Câu chuyện của Aline:

Năm 1992, cô gái Thụy Sĩ Aline Rebeaude đến Việt Nam với ý định ban đầu là tham quan để tìm hiểu về văn hóa, ngôn ngữ, đời sống, con người và thắng cảnh; giống như những lần trước đó, cô từng vượt đường bộ sang các nước bắc Âu, Serbia, Nga và Trung Quốc. Hồi đó, Aline là họa sĩ. Cô sống bằng công việc thông dịch và vẽ tranh. Cuộc đời của Aline có lẽ sẽ khác nếu như không có câu chuyện của một buổi tối…

Một buổi tối về phòng trọ, Aline nghe có tiếng khóc trong đường hẻm. Tò mò, Aline đi vào đường hẻm đó để xem, thì thấy một đứa trẻ Cam-pu-chia, khoảng 10 tuổi, nằm yếu ớt bên đống rác. Aline mời nó đi ăn mì. Nó cười, nhưng gượng đứng dậy không nổi. Aline ẵm nó lên và đưa nó đi ăn. Sau đó, Aline biết nó không có bất cứ giấy tờ gì để chứng minh mình là ai. Cô tìm đến các sở ban ngành liên quan, các cơ sở xã hội để tìm nơi nhận nuôi đứa bé và làm thủ tục, giúp đứa bé có giấy tờ, tên tuổi như người khác. Công việc đi hết cơ quan này, đến cơ quan khác như vậy, giúp Aline hiểu nhiều hơn về các tổ chức xã hội tại Việt Nam thời đó.

Chuyện của Thành:

Mồ côi từ nhỏ, tâm thần kém phát triển, Thành được nuôi tại trại tâm thần Thủ Đức. Cậu bé bị bệnh tim thập tử nhất sinh. Thành cầm chắc cái chết, nếu như không gặp Aline Rebeaude-đến từ một nước Châu Âu xa xôi!

Chuyện của Tim:

Sau 6 tháng đến Việt Nam, Aline có dịp đến thăm trại tâm thần Thủ Đức và gặp Thành. Sau khi xin bảo lãnh cho cậu bé, Aline mang Thành đến Viện Tim, nhưng bị từ chối. Cô đành mang cậu bé sang bệnh viện Nguyễn Tri Phương. May sao, ở đó họ nhận. Mừng vì có người biết chuyên môn nhận Thành, mừng vì sắp được nghỉ ngơi sau một ngày chạy hết chỗ này đến chỗ kia làm thủ tục, Aline gởi đứa bé lại bệnh viện, định bụng sáng mai quay lại. Nhưng quy định buộc “người nhà” phải túc trực bên bệnh nhân. “Ừ, thì ở!” Aline đã nghĩ vậy và ở lại nuôi bệnh. Cô nhập “hội” với những người thăm nuôi bệnh nhân, cũng ra công viên nấu cơm, cũng ngủ lại đâu đó trong bệnh viện nuôi Thành. Sau gần 3 tháng trời, cậu bé dần bình phục, thoát khỏi tay tử thần. Ngày xuất viện, nhóm bạn “thăm nuôi” chia tay nhau. Có người cười cười bảo với Aline: “Để đặt tên mới cho cô.” Họ lấy chữ “tim” từ “tim mạch”, ghi trên tấm bảng treo nơi  cổng ra vào bệnh viện, để đặt tên Việt Nam cho Aline.  Tên của cô dài thêm là: Tim Aline Rebeaude – Aline Rebeaude đã có thêm “trái Tim Việt Nam” trong tên của mình.

 Từ đó, Tim ở lại Việt Nam thành lập Nhà May mắn nuôi trẻ đường phố, mồ côi và khuyết tật. Tim xoay xở bằng cách lấy tiền bán tranh thuê nhà và tự mình đảm nhận vai trò người mẹ, người cha, y tá và cô giáo trong “gia đình” mới của mình. Nhà may mắn phát triển dần với nhiều bàn tay giúp đỡ khác của các nhà hảo tâm, có xưởng may, xưởng vẽ, lớp học văn hóa, lớp vi tính vv…Gọi là “xưởng” cho oai nhưng thật ra đó là những căn phòng không lớn lắm, được dùng làm nơi các thành viên cho ra những sản phẩm như thú nhồi bông, quần áo, bản thiết kế mẫu, tranh, thiệp, xử lý ảnh vi tính vv…Bên cạnh việc tìm nơi triển lãm, tiêu thụ sản phẩm, Tim còn liên hệ tìm sự giúp đỡ ủng hộ của các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Lời kêu gọi của Tim qua radio tại Thụy Sĩ đã “kéo” cô bạn trẻ Anne Laure rời quê hương sang Việt nam làm tình nguyện viên cho Nhà May mắn, sau khi tốt nghiệp ngành Xã hội học. Anne cho biết sau gần một năm ở Việt Nam, cô thấy vui và tiếp tục muốn ở lại chung sức với Tim và các tình nguyện viên khác.

Những tháng ngày “chạy marathon” ở nước ngoài tìm nơi giúp đỡ, ngược xuôi liên hệ các cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân…tìm nguồn tài chánh duy trì hoạt động cho Nhà May mắn, đã được bù đắp: vào qúy 1, 2006, trung tâm “Chấp cánh” sẽ khánh thành và các thành viên Nhà May mắn có nơi làm việc và học tập mới khang trang hơn.

Bí quyết thành công của Tim là: “Tim có lòng và có nghị lực để làm điều gì đó cho các em thiếu may mắn được sống trong Nhà May mắn. Tay trắng, nhưng Tim tin tưởng và “nhảy” vô làm. Chỗ ở của Tim cũng là văn phòng của Tim. Công việc là đời riêng của Tim. Tim chẳng có chỗ riêng nào cho mình hết!”

Có lẽ Tim đã nghĩ: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…(Trịnh Công Sơn – Để gió cuốn đi).

Nhà May mắn: www.maison-chance.org

6/17 Tân Kỳ -Tân Quý, phường Bình Hòa A, Bình Tân, TP.HCM.

N.Thủy thực hiện

Từ những bài viết tương tự , bạn bè ACC74 nói riêng và A74 nói chung cùng gia đình đã chung tay , góp sức phần nào với Tim Aline Rebeaud  nhằm giúp đỡ cho các trẻ em tàn tật , các người già neo đơn có điều kiện làm việc và học hành để hội nhập lại với Xã Hội .

Anh em ACC74 , thân hữu A74 của các Khoa bạn  cùng gia đình đã đóng góp và đưa tận tay Aline Rebeaud số tiên là : 18.484.000 VNĐ và 2.100 USD .

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả