Some people do drugs. I buy shoes. Thiên hạ hút xách chích choác. Tôi mua giày. Đó là lời thú nhận trong một cuộc phỏng vấn mới đây của cô ca sĩ nổi tiếng người Cà-ná-điên gốc Pháp Celine Dion. Cô ca sĩ hàng đầu của xứ lá phong có hợp đồng trị giá cả trăm triệu đô Mỹ, hiện đang trình diễn thường trực tại sòng bài khách sạn Caesar’s Palace, thành phố Las Vegas . Cô cũng là người hát bản nhạc My Heart Will Go On, bản nhạc chủ đề cho bộ phim Titanic.

I have about 3,000 pairs.Sở hữu sơ sơ khoảng ba ngàn đôi giày, Dion đáng được xếp hạng cùng mệnh phụ phu nhân Imelda Marcos, người đã có lúc cũng làm chủ cỡ 3,000 đôi giày kích thước 8 rưỡi đang được trưng bày ở Phòng Triển Lãm Giày Marikina. Thành phố Marikina gần Manila là nơi tập trung kỹ nghệ sản xuất giày dép và được coi là thủ đô giày dép của đảo quốc Phi-luật-tân .

Tuy nhiên sự tương đồng giữa hai người đàn bà chỉ đến đó. Những đôi giày của Dion có lẽ được mua từ đồng tiền chính đáng kiếm được nhờ vào tài năng ca hát độc đáo của cô. Khó có thể nói như thế với những đôi giày của bà Marcos, phu nhân của tổng thống tham nhũng và độc tài Ferdinand Marcos. Có một ước lượng cho rằng trong hơn 20 năm làm tổng thống, từ năm 1965 cho tới khi bị dân chúng lật đổ năm 1986 qua cuộc Cách mạng People Power, tổng thống Marcos đã đánh cắp khoảng 5 tỷ Mỹ kim từ công quỹ quốc gia. Đó là chưa kể đến một số những công ty độc quyền được dựng lên và đặt dưới sự kiểm soát của bạn bè ông như kỹ nghệ dừa, thuốc lá, chuối và đường. Ngoài ra gia đình Marcos còn là chủ nhân trực tiếp hoặc gián tiếp một số công ty lớn nhất của đất nước như Công ty Điện Thoại Viễn Liên (The Philippine Long Distance Company), hãng Hàng Không Philippine (PAL), công ty Thuốc Lá Fortune và hãng Bia San Miguel (một trong những hãng bia lớn nhất châu Á.)

Nếu phòng triển lãm của bà Marcos như là một chứng tích của sự thái quá, xa xỉ và phù phiếm của một mệnh phụ phu nhân thì phòng triển lãm Bata Shoe Museum ở thành phố Toronto là nơi sưu tập, nghiên cứu, gìn giữ và trưng bày những đôi giày dép đến từ mọi nơi trên thế giới. Thiên hạ người chơi tem, kẻ sưu tầm tiền cổ, còn bà Sonja Bata sưu tập giày dép. Bà vợ của người sáng lập công ty giày Bata, trong những lần tháp tùng chồng đi các nước để mở rộng công việc kinh doanh, đã thu thập những đôi giày dép từ các nơi bà viếng. Ngày nay Viện Bảo Tàng Giày Bata với một bộ sưu tập khoảng 12,500 đôi giày dép đến từ khắp nơi trên thế giới, thực hiện và bảo trợ cho những nghiên cứu nhằm tăng thêm sự hiểu biết về vai trò của giày dép trong việc hình thành đời sống văn hoá, xã hội, phong tục cũng như thói quen của các dân tộc khác nhau.

Viết về giầy dép mà không nhắc qua một chút về lịch sử của nó e rằng thiếu sót. Nhà khảo cổ học Erik Trinkaus tin rằng loài người bắt đầu sử dụng giày dép khoảng từ 40,000 cho tới 26,000 năm trước đây. Ông dựa trên sự kiện độ dày của xương các ngón chân giảm dần trong thời kỳ này , đồng thời cũng dựa trên lập luận việc mang giày làm cho xương các ngón chân ít phát triển, hậu quả là các ngón chân ngắn và mỏng hơn. Một điều lý thú là mãi cho đến khoảng năm 1800 đôi giày được làm ra là uni-side, không phân biệt chiếc chân phải hay chiếc chân trái. Dần về sau mỗi  chân mới có được chiếc giày riêng cho nó.

Khởi thủy là vật cần thiết để bảo vệ cho đôi chân không bị tổn thương bởi đất đá, mưa tuyết, giày đã bước một bước dài để trở thành món đồ thời trang của phụ nữ. Không dừng ở đó giày còn bị nhân cách hoá để trở thành đối tượng thương yêu của một số ít người bị rối loạn, lệch lạc về tâm sinh lý và tình dục. Shoe fetishism để chỉ hiện tượng những người thay vì có quan hệ yêu đương tình cảm với một người khác thì lại cảm thấy kích thích bởi đôi giày.

Lớn lên trong xóm lao động, hàng ngày chứng kiến không ít những người đàn bà buôn gánh bán bưng đi ngang qua nhà. Buổi sáng đó là bà cụ với gánh xôi và những đòn bánh tét nhân chuối, nhân đậu... Trưa trưa một chút đó là chị bán gánh khi thì nồi cháo huyết khi thì gánh bánh bèo và bánh ít trần. Tối tối đó là cô gái bưng thúng đi bán dạo từ xóm này qua xóm khác, rao bán các loại bánh ít, nhân đậu, nhân dừa... Họ hoặc đi chân đất hay chỉ mang những đôi guốc gỗ mộc mạc. Hồi tưởng lại thấy mà thương những người đàn bà Việt Nam lam lũ, tần tảo bán buôn để nuôi sống gia đình.

Những năm sau ngày 30 tháng Tư 1975, chính sách kinh tế còn là tập trung, bao cấp và đất nước còn chịu sự cấm vận cũng như cắt đứt bang giao với Hoa kỳ, sản xuất đình trệ, vật chất thiếu thốn. Thời đó đôi dép phải luôn liền chân. Những lần họp tổ dân phố trong xóm, hoặc qua nhà láng giềng xem vô tuyến truyền hình, cởi đôi dép để trước cửa nhà, không cẩn thận có khi dép không cánh mà bay. Có lần bà bác từ ngoài Bắc lặn lội vào Nam thăm viếng, cho được đôi giày xăng đan bằng mũ trong, mang cho đến lúc đứt quai mòn đế mới vất đi .Tới chừng học xong ra đi làm, có chút tiền bèn sắm đôi dép da Sa-bô và đôi giày mọi không cần mang vớ.  Qua tới trại tị nạn Palawan đất đỏ sình lầy, lại trở về với đôi dép nhựa rẻ tiền. Tới ngày lên máy bay đi định cư mới tậu được đôi giày thể thao.

Celine Dion có cỡ chừng 3,000 đôi giày. Cứ cho rằng mỗi ngày cô mang một đôi giày khác nhau thì cũng phải mất đến hơn 8 năm để tất cả các đôi giày được cô xỏ chân tới. Còn bạn nào duyên số  đưa đẩy ông trời cho được hiền thê là người thích mua sắm giày , nàng có vài ba chục đôi giày, có đôi chưa (hề) rớ tới thì cứ nhìn cô ca sĩ Dion mà tự an ủi. Cũng chưa đến nỗi nào!  Phần số mình ông trời định sao chịu vậy đi. Giày dép còn có số mà.

Nói vậy chứ ngồi tỉ mỉ kiểm lại thấy ở xứ này ai mà không có ít ra cũng gần một chục đôi, cả giày lẫn dép. Này nhé một đôi dép mang trong nhà. Mùa hè có đôi xăng đan đi ra ngoài khỏi phải mang vớ, cho nó thoải mái đôi chân. Sắm thêm đôi giày thể thao sneaker để đi bộ thể dục mỗi sáng. Thêm một đôi giày bốt snow boots dùng vào mùa đông tuyết giá trơn trợt. Ngoài ra không thể thiếu dăm ba đôi giày đi làm hay tiệc tùng.

Cho nên dù có hằng tự nhủ sống sao cho đơn giản như là đang...giỡn, cho nó nhẹ người, coi vậy mà không dễ!

VNToàn