Dịch từ truyện ngắn The Winepress – Tác giả: Josef Essberger
“Bạn không nhất thiết phải là dân Pháp để thưởng thức vang đỏ. Nhưng bạn phải là người Pháp để nhận biết một chai rượu ngon.” Với tiếng cười dòn, Charles Jousselin de Gruse thường phát biểu như thế với những người bạn ngoại quốc mỗi khi ông tiếp đãi họ ở Paris.
Cả đời phục vụ trong ngoại giao đoàn Pháp, Bá Tước De Gruse về sống với vợ trong căn nhà liền vách trên bến Voltaire. Ông là người dễ ưa, dĩ nhiên trí thức, và xứng đáng với danh tiếng là một chủ nhà rộng lượng và một tay kể chuyện tài ba.
Buổi tối hôm nay khách toàn là người Âu, họ hoàn toàn tin rằng di dân là nguồn gốc của mọi rắc rối của châu Âu. Charles de Gruse chẳng nói gì. Ông luôn luôn che dấu cảm giác khinh thường của mình đối với những suy nghĩ như thế. Và, dù gì đi nữa, ông cũng chẳng bao giờ để tâm tới những vị khách khác thường này.
Chai vang Bordeaux đỏ đầu tiên đem ra uống với thịt bê, và một trong những người khách quay qua De Gruse.
“ Nào, Charles, toán học đơn giản. Không ăn nhậu gì tới chủng tộc hay màu da. Bạn phải có cả đống kinh nghiệm về những vấn đề này. Bạn có ý kiến gì?”
“ Vâng, Ông Tướng. Cả đống.”
Không thêm một lời, De Gruse cầm ly mình lên, và đưa tới cái mũi sành rượu, tròn và bự của mình . Một lát sau, ông nhìn lên với đôi mắt ươn ướt.
“ Một chai Bordeaux thật tuyệt, rượu ra rượu,” ông nói một cách ấm áp.
Bốn người khách soi ly mình dưới ánh sáng và chăm chú nhìn chất nước màu đỏ. Thảy đều đồng ý đó là chai rượu ngon nhất họ đã từng được uống.
Lần lượt, từng tia sáng trắng rọi tới từ sông Seine, và từ cánh cửa sổ tầng một, bạn có thể nhìn thấy những chiếc thuyền ngoạn cảnh dưới vòm cầu Carrousel. Bàn tiệc được dọn lên món mới uống với chai rượu đỏ claret mạnh hơn.
“ Bạn tưởng tượng nổi không,” De Gruse hỏi, đang lúc rượu được rót ra ly, “ có những người đãi rượu mà họ chẳng biết tí nào về nó?”
“ Thật vậy sao?” một trong những vị khách, một chính trị gia người Đức nói.
“ Cá nhân tôi, trước khi khui chai rượu, tôi muốn biết có gì trong đó.”
“ Nhưng bằng cách nào? Làm sao ta biết chắc?”
“ Tôi thường đi săn ở những vườn nho. Có cái chỗ này tôi thường tới ở Bordeaux. Tôi quen với người chủ vườn. Đó là cách để tôi biết bạn đang uống cái gì.”
“ Chỉ là vấn đề sử liệu, ghi chép đầy đủ, Charles.”
“ Tay chủ vườn nầy,” De Gruse tiếp tục, không để ý tới lời người khách Đan Mạch, “ những mẽ rượu của y luôn kèm theo một câu chuyện. Có một chuyện ly kỳ nhất tôi đã từng được nghe. Chúng tôi đang nếm rượu trong hầm của y, và khi tới một thùng chứa rượu, y nhíu mày. Y hỏi tôi có tin rằng vang đỏ Bordeaux ngon nhất thế giới. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn đồng ý. Đột nhiên y có một phát biểu kỳ lạ nhất.
“ Rượu trong thùng này,’ y nói, nước mắt lưng tròng, ‘ là rượu cũ ngon nhất thế giới. Nhưng nó có một khởi đầu từ một đất nước rất xa nơi nó đang được ủ.”
De Gruse ngừng nói, để ý coi những vị khách có được phục vụ đầy đủ.
“ Rồi sao?” vị khách Đan Mạch nói.
De Gruse và vợ liếc nhìn nhau.
“ Anh ơi, kể họ nghe đi,” bà nói.
De Gruse, nghiêng người về phía trước, chiêu một ngụm rượu, rồi dùng khăn ăn chùi mép . Sau đây là câu truyện ông kể họ nghe.
Ở tuổi hai mươi mốt, Pierre – đó là tên ông đặt cho tay chủ vườn nho- được cha gửi tới ở với người chú ở Madagascar. Chỉ mới hai tuần anh ta phải lòng cô gái địa phương tên Faniry, hay “Khát Vọng” theo tiếng Malagasy. Không trách anh ta được. Tuổi mười bảy, con bé đẹp tuyệt. Dưới ánh sáng nhiệt đới, da vàng bóng như mật. Mái tóc đen, xõa dài ngang lưng, chảy thẳng trên đôi má to, cặp mắt sâu huyền bí. Quả thật là tiếng sét ái tình, cho cả hai. Trong vòng năm tháng họ lấy nhau. Faniry không có người thân thích, cha mẹ Pierre từ Pháp đến dự lễ cưới, dù rằng họ không thật sự chấp nhận. Đôi vợ chồng trẻ sống thật hạnh phúc trên đảo Madagascar trong ba năm. Rồi một ngày, có điện tín từ Pháp. Cha mẹ Pierre và người anh em duy nhất qua đời trong một tai nạn xe. Pierre tức tốc bay về nhà để dự đám tang và cai quản vườn nho thừa hưởng của cha để lại.
Hai tuần sau đó Faniry theo về Pháp. Pierre đau buồn, nhưng có Faniry bên cạnh y ổn định điều hành công việc. Gia đình y, và những ngày lười biếng, nhàn nhã dưới ánh nắng mặt trời nhiệt đới, đành vĩnh viễn từ biệt. Tuy vậy y hạnh phúc trong hôn nhân, với cuộc sống sung túc. Có lẽ, đời sống ở Bordeaux không đến nỗi nào tệ.
Những y đã lầm. Chẳng bao lâu, rõ ràng là Faniry quá ghen tương. Ở Madagascar, không ai sánh bằng cô. Ở Pháp cô ghen tức với tất cả mọi người. Ghen với người giúp việc. Với cô thư ký. Ghen với mấy cô gái nông dân hái nho, những đứa cười khúc khích chế nhạo giọng nói của cô. Cô tự thuyết phục mình rằng Pierre đã làm tình với từng người trong bọn họ.
Cô bắt đầu với những trách móc đơn giản, vô căn cứ, những điều hoàn toàn xa lạ Pierre không nhận ra. Rồi cô buông ra những luận điệu tố cáo khi hai người trong phòng ngủ riêng tư. Khi y phủ nhận, cô dùng đến những lời mạnh mẽ, có tính hạ nhục khi thì trong bếp, khi thì hầm rượu hay ngoài vườn nho. Đấng thiên thần Pierre cưới hỏi ở Madagascar đã trở thành mụ đàn bà mù quáng bởi ghen tuông, tính khí trở nên cộc cằn, luôn chỏ mũi can dự. Y không nói được cũng không làm gì được. Thường, cô từ khước không nói chuyện cả tuần hay hơn, rồi đến khi mở lời thì đó chỉ là những tiếng la hét chưởi bới dọa dẫm bỏ y ra đi. Đến mùa nho thứ ba, đã rõ với mọi người là họ căm ghét lẫn nhau.
Một buổi tối thứ Sáu, Pierre đang dưới hầm, làm việc với cái máy ép chạy điện, một mình. Những người hái nho đã ra về. Thình lình cửa mở và Faniry bước vào, mặt trang điểm một lớp dày. Cô bước thẳng tới Pierre choàng tay qua cổ và ép sát vào người y. Ngay cả nồng với mùi nho mới ép y có thể ngửi thấy rằng cô đã uống rượu.
“ Anh yêu,” cô thở dài, “mình sẽ làm gì đây?”
Y rất ham muốn cô, nhưng những lời xúc phạm và những cảnh hạ nhục trong quá khứ sôi sục bên trong y. Y đẩy cô ra.
“Nhưng anh ơi, rồi mình sẽ có con.”
“ Đừng có xuẩn ngốc. Đi ngủ đi. Em say quá rồi. Và chùi lớp phấn trên mặt đi. Nó làm cho em nhìn như kẻ lẳng lơ.”
Mặt Faniry sạm đen, và cô ném ra những lời tố cáo mới. Anh không bao giờ quan tâm tới cô. Anh chỉ muốn làm tình . Anh ám ảnh bởi tình dục. Với những người đàn bà da trắng. Nhưng những người đàn bà ở Pháp, những đàn bà da trắng, họ đều lẳng lơ, và anh đón chào họ. Cô chụp con dao trên tường và nhào tới y. Cô khóc, nhưng y phải dùng đến hết sức mình để giữ con dao không kề cổ. Cuối cùng y đẩy được cô ra và cô loạng choạng ngã về phía máy ép. Pierre đứng, hơi thở nặng nề, trục máy ép quấn tóc và lôi cô theo. Cô thét lên, vùng vẫy cố thoát. Trục máy nuốt từ từ tới vai và cô lại hét lên. Rồi cô bất tỉnh, do đau hay do mùi nho nồng nặc, y không rõ. Y quay hướng khác cho tới khi có một âm thanh báo y biết mọi sự đã kết thúc. Y đưa tay lên và bật tắt máy.
Những vị khách rúng động thấy rõ và De Gruse ngừng kể.
“Ồ, tôi sẽ không đi vào chi tiết nơi bàn ăn,” ông nói. “ Pierre đẩy toàn bộ xác vào máy ép và dọn dẹp gọn ghẽ. Y lên nhà trên, tắm, ăn, rồi đi ngủ. Ngày hôm sau y nói với mọi người là cuối cùng rồi Faniry cũng bỏ đi và đã trở về lại Madagascar. Không một ai ngạc nhiên.”
Ông lại ngưng. Mọi người ngồi bất động, mắt hướng hết về phía ông.
“ Dĩ nhiên,” ông tiếp tục “ năm sáu mươi lăm là một năm tệ cho vang đỏ Bordeaux. Ngoại trừ vang của Pierre. Thật là kỳ lạ. Nó thắng hết giải này đến giải khác và không ai có thể hiểu tại sao.”
Vợ viên Tướng ho nhẹ.
“Nhưng, chắc là ông đã không thử rượu đó?”
“ Không, tôi chẳng thử, mặc dù Pierre đã khẳng định với tôi vợ y cống hiến cho rượu một mùi đặc trưng có một không hai.”
“ Và bạn đã không mua chai nào chứ?” viên Tướng hỏi.
“ Làm sao tôi có thể khước từ? Không phải dễ để cho ta có thể tìm thấy một chai rượu với lịch sử như thế.”
Một khoảng im lặng dài. Người Đan Mạch trở mình một cách vụng về trên ghế, cái ly đứng giữa chừng giữa bàn và đôi môi mở rộng của ông. Những người khách khác nhìn nhau một cách không thoải mái. Họ không hiểu.
“ Nhưng, coi kìa Gruse,” cuối cùng thì viên Tướng lên tiếng, “ bạn không muốn nói là chúng ta đã uống người đàn bà đáng thương đó chứ?”
De Gruse phóng cái nhìn lạnh lẽo về phía người Anh.
“ Chúa tha thứ, thưa ông Tướng,” ông chậm rãi nói. “Mọi người đều biết là rượu ngon nhất luôn luôn được uống trước hết.”
Dịch từ truyện ngắn The Winepress – Tác giả: Josef Essberger
Toronto 30/11/2017
VNToàn