PhuTho74.com - Trang thông tin liên lạc của cựu sinh viên Đại Học Bách Khoa Phú Thọ khóa 1974

Trang NhàSáng TácĐoản VănMột người bạn chân tình!

Một người bạn chân tình!

Bùi Duy ThọThọ là một người bạn chân tình!
 
Tiếp xúc với Thọ thấy ngay tính cách chân tình, dễ mến toát lên từ lời nói, cử chỉ. Không hoa mỹ, điệu đàng, kiểu cách…
 
Cùng là dân miền Trung vào học Phú thọ, sau giải phóng cùng ở Ký túc xá 268 Bis Lý thường Kiệt. Thọ ở chung phòng với LT dân, TT Dung và ND Thế. Còn tui ở phòng 7 đối diện , chung với nhóm Đà nẵng gồm L Thanh, T Hạnh, HA Tuấn, N Phương , sau đó thêm TV Hiếu. Hằng ngày về tới KTX tui ít thấy Thọ lắm. Sau mới biết Thọ đi dạy kèm nhiều nên sau giờ học là “ biến “. Một lần gặp Thọ ở chỗ bảo vệ KTX đang đứng chờ mượn xe đạp của bạn nữ bên dãy 4. Tui cũng đứng đó với cùng mục đích! Té ra hai thằng “chuyên “ đi dạy kèm mà không sắm nổi chiếc xe đạp, toàn chạy mượn lung tung…
 
Ra trường, Thọ về làm ở Chi Cục Quản lý Chất Lượng của Bộ CN Nhẹ, được phân cho một căn phòng trong môt ngôi nhà ở đường Nguyễn văn Thủ Q1. Tui ở lại trường làm “cán bộ giản dị “. Thỉnh thoảng gặp nhau. Nhớ có lần Thọ chở tui tới khoe một cơ sở sản xuất chuyên xi mạ phụ tùng xe đạp trong quận 8 làm thằng tui lé cả mắt. Thời đó mà bung ra làm được vậy là “ ngon ăn” rồi! Mừng cho bạn!
 

Mãi sau biết Thọ về làm Cân Nhơn Hòa, sự nghiệp bắt đầu vững vàng từ đó. Lúc bấy giờ đời sống bắt đầu dễ thở hơn. Thọ thường gọi điện rủ đi nhậu. Phần thì công việc bận, hay đi công tác nhiều, phần thì tính tui ít nhậu nên kêu 10 lần chắc đi được 1, 2 lần. Riết chắc Thọ chán, không thèm kêu nhiều nữa ( !?). Thỉnh thoảng có bạn Đà nẵng vào chơi mới tham gia được vài lần.
 
Tui bắt đầu thấy lạ trong thời gian chuẩn bị cho Họp Mặt A74 vừa rồi. Mấy lần mời họp trù bị không thấy Thọ đâu hết. Cáo bận hoài. Từ trước tới giờ Thọ luôn năng nổ , xốc vác, và là ngọn cờ đầu trong mọi việc “ vác ngà voi” cho anh em. Chỉ một lần Thọ đến , ngồi im trong buổi họp, không hút thuốc, uống ít và “xin “ về trước. Lạ!!
 
Bùi Duy Thọ
Bùi Duy Thọ và bạn bè trong một lần họp mặt

Sau đó nghe tin Thọ bịnh. Đoán bạn mình không muốn anh em lo nên không nói, mình cũng không dám hỏi. Ngày dự Họp mặt A74 ở Văn Thánh anh em gặp Thọ đã thấy sắc diện khác nhiều. Tui hỏi tỉnh bơ, như là đã biết chuyện lâu rồi – Bịnh tình đỡ không? – Đỡ nhiều, đi Singapore mấy lần rồi, khả quan. Tan tiệc đã khuya, Thọ kêu tui về nhà chơi, cùng với vợ chồng Lan – Viên, cho biết nhà mới vì hôm tân gia Thọ kiếm tui không ra vì tui đang công tác nước ngoài. Tui lại không có duyên. Vì sáng hôm sau phải ra phi trường đi công tác sớm nên lại khất – Thôi để lần khác nghen. Đó là lần vợ chồng Lan Viên tới thăm nhà Thọ.
 
Về sau gặp Thọ hai lần nữa. Một lần trong trường Phú Thọ cùng đến chung vui với khóa ACK 72 kỷ niệm 40 năm ngày nhập môn. Lần khác là ở đám cưới con Nguyễn Thu. Cả hai lần Thọ đều lạc quan, sắc diện hồng hào. Bạn bè đều mừng, hy vọng bạn mình thoát được.
 
Cách đây hơn 2 tuần, đang ở Nha Trang thì được Trần Viết Hiếu nhắn Lạc ơi đi thăm Thọ. Nghe nói Thọ yếu lại , vừa đi Singapore về. Tui về kịp để đi thăm chiều chủ nhật 9/6, cùng với Hiếu và vơ chồng Thanh – Bé. Đúng là lần này thấy Thọ kém hơn trước nhiều. Tui còn in và cầm theo email của DT Xuân về bài thuốc Lá đu đủ + lá sả …
 
Năm giờ sáng nay, NV Ba gọi điện báo tin Thọ mất rồi Lạc ơi. Sững sờ! Buột miệng như trách: Sao mà nhanh vậy. Mới đây mà! Trách ai? Có chăng trách ông trời!
 
Thay đồ chạy tới nhà Thọ ngay. Bạn nằm đó, gương mặt thanh thản. Vậy là Thọ đã xuống tàu tại sân ga định mệnh, để lại bạn bè tiếp tục đi trên con tàu cuộc đời. Bốn mươi năm trước, tụi mình cùng gặp nhau trên toa tàu A74 Phú Thọ. Vài năm nay, lác đác từng bạn rời con tàu chung, xuống từng ga riêng, để đi vào hư vô.
 
Xin thắp một nén nhang cho người bạn chân tình.

Thọ ơi! Cứ thanh thản ra đi, lánh xa cuộc đời ô trọc này. Cầu xin hương hồn bạn sớm tiêu dao nơi miền Cực Lạc.
 

Trần Quang Lạc

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi là bạn của Thọ
    Tôi mong gia đình bạn Thọ được bình an!

    Ngày xưa lúc học ở Phú Thọ tôi là bạn của Anh Thọ và nhóm bạn từ Quảng Nam vào trường năm 1974.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả