• Sài Gòn 1979
  • Reunion 2009
  • Toronto 2004
  • Sài Gòn 2012
  • Phú Thọ
  • Texas 2017
  • Cali 2022
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
Bạn đang ở: Trang Nhà Sáng Tác Nghiên Cứu Từ “siêu dự án” nghĩ về một dự án cho đại học
Trong khoảng một tuần qua, các phương tiện truyền thông đã "nóng bỏng" với những "siêu dự án" đang được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư lên đến 56 tỉ USD. Tuy vậy, với công chúng nói chung, thông tin về dự án này được biết rất ít, nhất là về hiệu quả tổng thể.

May sao, trên Tuổi Trẻ ngày 21-5, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng đã nói: đây là một "dự án cần thiết" và "thuần hiệu quả kinh tế thì không cao nhưng nếu xét hiệu quả kinh tế - xã hội và tài chính thì dự án có khả năng lấy thu bù chi, hoàn trả được vốn...".

Vế thứ hai này không dễ hiểu, có lẽ ngay cả với người có hiểu biết ít nhiều về "phân tích kinh tế dự án đầu tư". Nhưng dù sao người đọc cũng cảm nhận được "hiệu quả kinh tế của dự án là không cao". Điều đó cũng đã được thể hiện phần nào qua "hiệu quả tài chính" rất thấp của dự án, "chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) chỉ đạt 2,4-3,0%" (cũng do đó, "thời gian hoàn vốn nhanh nhất là 45 năm"!).

Biết được thông tin này tôi thật sự giật mình. Vì rằng đây là con số còn thấp hơn rất nhiều so với "suất thu lợi tối thiểu chấp nhận được", có lẽ phải khoảng 8%, nếu tính theo USD. Và cũng từ đó đã phải nghĩ ngay đến: một dự án đầu tư cho giáo dục đại học (GDĐH). Vì sao?

Trước hết, theo vị GS được giải Nobel kinh tế 1979 T. W. Schultz: đầu tư là tối ưu cho một quốc gia khi hiệu quả đầu tư cho các lĩnh vực là bằng nhau. Mà theo Ngân hàng Thế giới (WB - 2008), "suất thu lợi" (RR) trong đầu tư cho GDĐH của những nước có thu nhập trung bình là: "RR xã hội" ≈ 11,3% và "RR cá nhân" ≈ 19,3%.

"RR cá nhân" ở đây gần đúng chính là loại chỉ số FIRR nói trên của dự án. Vậy tại sao đất nước VN lại phải đặt cả 56 tỉ USD để đầu tư vào dự án đường sắt cao tốc với suất thu lợi chỉ có 2,4-3,0% mà lại không thể bớt ra chỉ khoảng 5-6 tỉ USD để đầu tư thêm cho GDĐH với suất thu lợi có thể lên đến 19,3%?

Tiếp theo là đầu tư cho GDĐH như thế nào và liệu có "hoàn trả được vốn"? Dự án đầu tư muốn nói đây không phải là Nhà nước đi vay vốn về để rót thêm kinh phí cho các trường ĐH. Nếu thế thì sẽ không "hoàn trả được vốn". Mà là vay vốn và xây dựng một vài chương trình để cho sinh viên vay vốn và trả học phí, với lãi suất chỉ cao hơn một ít lãi suất huy động vốn của ngân hàng và chỉ hoàn trả khi ra trường với mức 20% thu nhập hằng tháng của họ chẳng hạn, sao cho chỉ vừa đủ "lấy thu bù chi".

(Không giống như chương trình cho sinh viên nghèo vay vốn hiện hay, có mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, có mức "trợ cấp ẩn" khá lớn và do đó chắc là không thể "hoàn trả được vốn").

Như vậy, đây là một dự án đầu tư xã hội, sinh viên đầu tư cho tương lai của chính mình còn Nhà nước đóng vai trò tạo điều kiện và gánh chịu gần như tất cả rủi ro cho sinh viên nếu có, vì họ chỉ phải trả khi có thu nhập. Và nếu những sinh viên khó khăn về tài chính biết rằng việc đầu tư là không gánh chịu rủi ro mà lại có thể đem về suất thu lợi lên đến 19,3% thì chắc chắn họ sẽ sẵn sàng đi vay với lãi suất 6 hay 7% chẳng hạn, nếu tính theo USD.

Sau cùng là "sự cần thiết" của dự án. Có lẽ đúng, Dự án đường sắt Bắc - Nam là một "dự án cần thiết". Nhưng một dự án đầu tư cho GDĐH hiện nay có lẽ cũng là một "dự án cần thiết". Kết quả giám sát về GDĐH vừa qua của Quốc hội cho thấy "suất đầu tư" (là chi phí cho một sinh viên trong một năm) bình quân của cả xã hội hiện nay ở VN còn rất thấp, chỉ khoảng 500 USD/SV/năm (tổng đầu tư xã hội cho GDĐH khoảng 1 tỉ USD/năm).

Con số này chỉ bằng khoảng 1/3 đến 1/10 "suất đầu tư" ở các nước khác, nếu tính theo sức mua của đồng tiền. Vì vậy, chắc rằng GDĐH của VN sẽ không thể đủ sức để cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa về cung cấp dịch vụ GDĐH, chắc rằng nguồn nhân lực được đào tạo của VN sẽ không đủ chất lượng để đảm bảo cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những thập niên tới.

Thế nhưng sơ bộ ước tính có lẽ chỉ cần nguồn vốn cho vay hằng năm khoảng 1 tỉ USD với chu kỳ cho vay 5-6 năm, cùng với một vài cơ chế khác, "suất đầu tư" khi đó có thể tăng lên gấp đôi con số trên, nghĩa là khoảng 1.000 USD/SV/năm. Có thể cho rằng đây cũng là con số tối thiểu cần thiết để VN có thể vượt qua nguy cơ nói trên.

Thêm nữa, qua một nghiên cứu của WB (2007) cũng cho thấy "nguồn vốn vô hình", trong đó có vấn đề cơ chế, luật lệ, giáo dục... đóng góp đến 60% vào "sự thịnh vượng" của một quốc gia còn nghèo, trong khi "nguồn vốn hữu hình" như tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, nhà máy thiết bị... chỉ đóng góp 40%. Trong "nguồn vốn vô hình", giáo dục đóng góp đến 36%. Vì vậy thiết nghĩ đầu tư cho giáo dục có lẽ cũng rất cần thiết so với đầu tư vào cơ sở hạ tầng nói chung.

Tuy nhiên, dự án đầu tư cho GDĐH nói trên dù sao cũng chỉ là một trong những cơ hội đầu tư tốt có thể có, điều cơ bản muốn nói về những "siêu dự án" hiện nay là với một quốc gia cũng như với một doanh nghiệp, người ta phải tư duy theo cả "tập nhiều dự án đầu tư" (portfolio) chứ không tư duy theo từng dự án đầu tư.

GS PHẠM PHỤ

Nguồn: Tuổi Trẻ Online

  

Thêm bình luận

Thư từ bài vở xin email vê
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.