• Sài Gòn 1979
  • Reunion 2009
  • Toronto 2004
  • Sài Gòn 2012
  • Phú Thọ
  • Texas 2017
  • Cali 2022
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
Bạn đang ở: Trang Nhà Họp Mặt 2009 Chút tâm tình của một người lỡ tàu

Đời cách trở , hay lòng người cách trở ?
Nắng chiều nay như réo gọi ta về .

(thơ Huỳnh Minh Lệ)

Tiếng Ăng lê dịch là missing the boat. Nghĩa đen, nghĩa bóng gì đủ cả, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Chỉ thắc mắc là tại sao lại boat mà không là train, tram, bus, hay máy bay. Chắc tại hồi xưa không có mấy món này. Và lỡ tàu thủy thì coi bộ là lỡ thiệt, chớ ai dám nhảy xuống biển mà bơi. Con đừơng bộ thì dám có người xâm mình đi đại, như chàng Forrest Gump nhà ta, đi hoài thì cũng tới nơi tới chốn, dù là năm bảy năm sau...

Trở lại chuyện chính, lỡ tàu đây là lỡ tàu về dự Reunion 2009. Tàu gì cũng được. Anh em ở bên Tây bên Mỹ thì lỡ tàu bay (hay là lỡ mua không được vé rẻ!). Anh em ở Phú Quốc hay Côn Đảo thì lỡ tàu thủy. Còn anh em ở bên nhà, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau thì lỡ xe đò. Đã 30 năm rồi chứ ít sao, tới ba giấc mộng Nam Kha chớ không phải một giấc. Mà về gặp lại cả một trăm mấy chục mạng chớ đâu phải vài ba mạng lèo tèo. Đúng là cơ hội đời người dám có chỉ một lần. Vậy mà không về được thì không gọi là lỡ tàu sao được!

Nghe nói năm nay nhiều đám cựu sinh viên làm kỷ niệm ba chục năm ra trường ở Sài Gòn chớ không riêng gì dân Phú thọ tụi mình. Năm nào cũng có đám ra trường được ba chục năm. Không biết tại sao năm nay lại có nhiều đám tổ chức, và nghĩ xa hơn một chút nữa thì không biết lý do chính nào mà bà con anh em lại hăng hái tổ chức và mò về dự reunion quá vậy.

Còn nhớ năm lớp 12 làm tờ đặc san liên lớp ở trường trung học tỉnh lỵ cũ(*), có viết lời mở đầu đại khái là học xong rồi ra đời thì anh em bè bạn giống như là những giọt nước của một dòng sông nhỏ đã chảy ra tới cửa biển lớn. Mai kia có bốc thành hơi thì mưa đời đã chắc gì rơi về lại sông cũ. Ba mươi mấy năm mà còn về tụ lại một lần một chỗ thì quả là quý hóa vô cùng.

Mấy năm học ở trường ai cũng có ít nhiều kỷ niệm. Dầu rằng không phải kỷ niệm nào cũng ngọt ngào đẹp đẽ. Đối với một vài người thì còn trái lại nữa là khác, phần lớn là những kỷ niệm buồn, thất vọng, đau thương, chua chát, vân vân và vân vân. Hồi mới học xong, nhiều khi còn chả buồn nhớ, không buồn về thăm ngôi trường đại học cũ của mình làm quái gì. Nhưng dù sao đi nữa, thì năm bảy năm ở trường đại học cũng là một phần đời của mình. Dù muốn dù không, dù vui dù buồn. Ngôi trường vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt, nhưng dần theo thời gian những năm tháng cay đắng ngọt bùi ở đó trở thành hầu như khái niệm nằm trong trí tưởng, không thực nữa mà vẫn đủ nặng để đè ngộp mình những đêm về sáng, lỡ thức dậy đi tiểu rồi không ngủ lại được.

Có lẽ những điều còn lại rất thực là tình bạn. Mang vô từ quê nhà có Đặng Đình Đức. Năm thứ nhứt đủ dài để gặp Nguyễn Hữu Thanh. Nhờ trường tư nhập qua nên gặp Nguyễn Viết Dũng. Những ngày tháng ở trọ ở cư xá Lữ Gia với Trần Văn Anh, ăn cơm hẩm với rau muống luộc chấm chao. Rồi duyên đời đưa đẩy gặp Nguyễn Đình Tuân, Lê Bá Nghề và Trần Hiệp Năng. Mấy năm trước có dịp dừng chân ở mũi Né làm nhớ tới Cao Hoàng Thanh và ngôi nhà trọ ở gần ngã 6 Sài Gòn. Vân vân và vân vân.

Cho nên, có lẽ một trong những ý tố chính níu kéo anh em về  họp mặt là cái tình. Gọi là tình gì cũng đươc, từ tình bạn tới tình đồng chí, tình đồng nghiệp, tới tình cho không biếu không. Cứ nghĩ tới chuyện gặp một đống bàn bè cũ là thấy thèm chảy nước miếng. Kệ trời mưa hay nắng, rượu không thơm, mồi không thảo cũng không sao, lâu ngày cả đám gặp nhau kể huyện xưa, bàn chuyện nay là đã quá rồi.

Bai mươi mấy năm biết bao là thay đổi. Ai mà về thăm khu cư xá Lữ Gia, hay đường Nguyễn Văn Thoại từ trường đua lên tới  Ngã Tư Bảy Hiền lần đầu chắc là sẽ có cái cảm giá không thua gì ngày xưa Từ Thức về trần. Từ ngày học xong, đường đời vạn nẻo, đã có hai mươi mấy bạn bỏ cuộc chơi, trở về với cát bụi. Gần một phần tư vì đủ lý do, bằng đủ thứ đường, lưu lạc ra xứ người. Số còn lại dù muốn dù không ở lại quê nhà, thành đồng bám trụ. Phần đông anh em vẫn giữ nghiệp cũ, một số đổi ra làm đủ thứ nghề, từ thầy giáo qua thầy cãi cho tới quản lý khách sạn, đạo diễn quay phim! Tóc muối tiêu thì không sao, vì thời bây giờ thuốc nhuộm tóc nhiệm màu vô cùng, nhuộm xong tóc còn đen hơn là hồi hai mươi tuổi!  Nhưng đã ngũ thập tri thiên mệnh thì có bạn đã làm sui làm gia, lên chức ông nội bà ngoại, dầu rằng có bạn mới sinh con trai đầu lòng để nối dõi tông đường, có bạn vẫn còn xách xe chạy rông rông.

Có lẽ vậy, tuổi trẻ có cái đã khác, còn cái đã của tuổi già là ra chợ mua một cái áo gấm, mặc về lại làng cũ, gặp lại bạn bè người quen cũ để uống vài ly và hàn huyên tâm sự. Khổ một nỗi là áo gấm thì bán đầy chợ, rẻ rề, không gấm Thượng Hải thì cũng gấm tàu lao. Nhưng còn phải có cái vé máy bay và gấp phép thường niên nữa mới về được. Cho nên mới nói chuyện lỡ tàu là vậy.

Mới đây có một bạn đăng ký vô phutho74.com, xong hỏi có rút ra và xóa tên trong danh sách được không. Mới trả lời rằng, rút ra thì rút, nhưng làm sao xóa được năm bảy năm của đời mình học ở trường đại hoc Phú Thọ cũ.


Nguyễn Sĩ Hạnh
Melbourne, đầu tháng 8/2009

(*) Đặc san Những Kỉ Niệm Đời Xin Hãy Còn Xanh, Hạnh là chủ bút, những anh em viết bài hồi đó nay viết cho cuongde.org

Thêm bình luận

Thư từ bài vở xin email vê
This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Hình Họp Mặt 2009